Một quyển truyện ra đời vào thế kỷ 16 mà cho đến nay vẫn được người đời nhắc đến, thậm chí địa danh giả tưởng trong sách nay đã trở thành danh từ chung để ám chỉ thiên đàng hạ giới: Utopia! Và đó cũng là tên một ban nhạc ra đời vào thập niên 1970-1980. Sau hơn 30 năm vắng bóng, Todd Rundgren’s Utopia đã tái xuất hiện trong một tour mới.

Vào cuối thập niên 1970, khi số người Việt vượt biển tìm tự do đang lên cao, Todd và một số bạn bè đã đứng ra tổ chức hai đêm nhạc gây quỹ cho thuyền nhân tại New York City. Một số nhạc sĩ ấy đã từng chơi chung với Todd trong ban nhạc Utopia thứ nhất do anh khởi xướng từ năm 1973: Ralph Schuckett (synthesizer), Kevin Ellman (drums), John Siegler (bass). Năm ngoái báo Trẻ cũng có loạt bài hai kỳ về “Todd Rundgren, Ân Nhân Của Thuyền Nhân”, kèm theo cuộc phỏng vấn Todd. Ðộc giả muốn biết thêm có thể vào trang baotreonline.com để tìm, dùng từ khoá “Todd Rundgren”.
Có thể chia lịch sử của ban nhạc Utopia thành hai thời kỳ riêng biệt. Thời tiền-MTV (trước 1980) và hậu-MTV (MTV là viết tắt của Music TeleVision). Tiền-MTV, nhạc Utopia thuộc dạng progressive rock — cầu kỳ hoành tráng, với nhiều tầng âm thanh xen kẽ, trộn lẫn thậm chí giẫm đạp lên nhau, tạo nên những kiệt tác dài cả nửa tiếng và đi trước thời đại khá xa. Sang thời 1980, với sự xuất hiện của MTV, drummer Kevin Ellman, bassist John Siegler, keyboardist Ralph Schuckett ra đi và được thay thế bằng Willie Wilcox (drums), Kasim Sulton (bass) và Roger Powell (keyboard), lập nên một ban nhạc nhỏ gọn hơn, mang nhiều tính chất pop rock để thích nghi với khán giả của MTV.

Utopia hậu-MTV cũng ra được nhiều dĩa hay nhưng không thành công lắm về mặt thương mại. Ngoài một số ít bài được lọt vào Top 40 như “Set Me Free” hay “Feet Don’t Fail Me Now”, nhạc của Utopia thường nhắm vào khối lượng fan khá chọn lọc của Todd nhiều hơn là nhắm vào đại chúng. Thành thử mặc dù vẫn Utopia tiếp tục làm nhạc và đi diễn, số lượng fan của họ không tăng lên đáng kể. Ðến 1986 thì ban nhạc ngưng ra dĩa, tính đến nay đã trên 30 năm!
Có thể nói Tour 2018 là một sự kiện cực kỳ hiếm vì bao lâu nay Todd vẫn không mặn mòi lắm với việc tái hợp Utopia, nhất là vì hai trong số bốn thành viên cũ của ban nhạc đã đổi nghề. Roger Powell hiện soạn nhạc cho hãng computer game Electronic Art, còn Willie Wilcox thì làm âm thanh cho một hãng sản xuất máy game ở Las Vegas. Vì họ đã có việc làm thường nhật nên khó mà kéo họ khỏi công việc để đi tour mấy tháng liền. Ðã vậy, nhạc xưa của Utopia thuộc loại prog rock, có những bài dài cả 10 phút hoặc hơn, cho nên muốn chơi cho đàng hoàng sẽ cần bỏ nhiều thì giờ tập dượt. May sao nhà tổ chức Live Nation, lớn nhất nhì nước Mỹ, đã đứng ra tài trợ cho Todd Rundgren’s Utopia Tour 2018. Nhờ vậy một khối lớn lịch sử của ban nhạc này đang được khôi phục và đánh bóng lại.

Tour 2018 này là sự kết hợp của hai dòng nhạc prog rock và pop rock nói trên với sự góp mặt của Todd, Kasim, Willie và Ralph Schuckett. Rất tiếc trước ngày khai diễn khoảng một tháng thì Schuckett mắc bệnh và bị bác sĩ cấm đi tour. Không biết cầu cứu nơi đâu, Todd đã tuyên bố trên Facebook rằng sẽ mở cuộc tuyển lựa keyboardist cho bất kỳ ai có thể đánh được nhạc Utopia, vì Todd biết trong số fan của mình có rất nhiều nhạc sĩ nghiệp dư quen thuộc với nhạc Utopia.
May sao người con trai út của Todd là Rebop tình cờ quen một nhạc sĩ trẻ người Do Thái tên Gil Assayas, chơi keyboard và synthesizer cực khá. Sau khi Todd và ban nhạc được cho xem một số video clip của Gil tất cả đều đồng ý mướn anh vào thay thế cho Ralph mặc dù Gil không biết gì về nhạc của Utopia—có thể nói gần như là zero. Sau hai tuần lễ gạo bài ngày đêm, Gil đã chứng tỏ tài năng xuất chúng của mình ngay từ đêm mở màn đầu tiên làm nhiều người thở phào nhẹ nhõm (trong đó có lẽ có luôn CEO của Live Nation).

Chương trình bắt đầu bằng một bài prog rock dài 15 phút tựa là “Utopia Theme” với nhiều màn solo dài ngoằng giữa Todd và Gil. Fan ruột của Utopia ai cũng thuộc làu bản này, cho nên phần solo của Gil được nhiều người chú tâm soi mói rất kỹ. Và chàng đã không làm ai thất vọng. Không những Gil đã tái thiết bài nhạc xưa một cách xuất sắc, anh đã cho thêm vào đó những đường nhạc lả lướt lạ tai của chính mình, đúng theo tinh thần ngẫu hứng của nhạc prog rock. Tiếp ngay sau đó là một bài cũng khó không kém—The Ikon, từ dĩa “Todd Rundgren’s Utopia” (1974), lẽ ra dài 25 phút nhưng trong show này được lược bớt chỉ còn chừng 10 phút.
Và cứ tuần tự như thế Phần 1 của đêm diễn là những bài nhạc nằm trong giai đoạn đầu của Utopia. Trong số đó cũng có hai bài không phải nhạc Utopia nhưng xuất hiện trong dĩa “Another Live” (1975) đó là bài “Do Ya” của ELO (sắp đến Dallas vào tháng 8 năm nay) và bài “Something’s Coming” của Leonard Bernstein trong vở nhạc kịch cổ điển “West Side Story” (1957). Những ai không quen thuộc với prog rock có thể sẽ không mấy hứng thú với kiểu nhạc “dài dòng văn tự” này; ngược lại, fan của Utopia thì rất vui vì đã từ lâu họ không được nghe những bản nhạc mà họ tưởng sẽ không bao giờ được xem Todd trình diễn nữa—nhất là với sự có mặt của tay trống Willie Wilcox, người đã vắng bóng giang hồ từ khi Utopia chơi show cuối cùng ở Tokyo năm 1992.

Sau 70 phút chơi không ngừng, ban nhạc nghỉ 20 phút giải lao, thay trang phục, đổi sân khấu và để cho mọi người có dịp … thở! Phần 2 của chương trình quả đúng là dòng nhạc thời MTV, với những bản nhạc ngắn gọn, súc tích, dễ nghe, dễ nhớ, dễ hát theo, như: “Play This Game”, “Set Me Free”, “One World”, “Love Is The Answer”…
Nhưng không vì vậy mà mảng nhạc trong Phần 2 bị giảm cường độ hoặc chất lượng. Ngược lại, không những âm thanh được tăng lên mà các bài nhạc được chọn cũng không nằm trong số các bài Top 40 ngày xưa. Chẳng hạn như bài “Feet Don’t Fail Me Now” từng xuất hiện thường xuyên trên MTV đã bị Todd cho ra rìa. Ta không thể biết đại diện của công ty Live Nation có quyền hạn ra sao trong việc sắp xếp và lựa chọn các bản nhạc cho chương trình, nhưng rõ ràng Todd đã cố ý tránh một số bài quá quen thuộc với đại đa số quần chúng nhưng không hẳn được fan ruột yêu thích cho lắm. Ðiều này cũng hợp với tánh khí của Todd, vốn dĩ là một nghệ sĩ không thích đi theo lối mòn của thiên hạ.

Ðêm 23/4 tại Majestic Theater ở Dallas chỉ mới là đêm thứ tư trong tour nên chương trình vẫn còn vài trục trặc kỹ thuật nho nhỏ, như ánh sáng đôi khi chiếu sai chỗ, hoặc âm thanh có lúc bị ù. Nhưng nói chung show này đã vượt sự mong đợi của Utopia fans, có người phải đổ đường từ Little Rock, Oklahoma, New Orleans, Hawaii… để đi xem. Nhiều người vừa xem xong đêm trước ở Houston là lập tức chạy lên Dallas để coi tiếp đêm sau. Có người nói sẽ cố gắng xem thêm vài show nữa trước khi tour kết thúc, nhất là show ở Chicago nơi Live Nation sẽ thu toàn bộ chương trình để làm DVD.
Năm 1516 Sir Thomas More cho ra đời một câu chuyện lạ lùng viết bằng tiếng La-Tinh về một ốc đảo không có thật mang tên “Utopia”, nơi phụ nữ được quyền bình đẳng, giới luật sư không cần thiết, quyền lực chính trị nằm trong tay cư dân trên đảo v.v… Nói chung là một xã hội rất xa lạ đối với thể chế phong kiến ở Anh Quốc thời bấy giờ. Thomas More về sau bị người bạn của mình là vua Henry VIII buộc tội “phản bội” và xử chém năm 1535. Phải đợi đến năm 1551 “Utopia” của ông mới được dịch sang Anh Ngữ. Nửa thiên niên kỷ sau không ngờ Thomas More đã đóng góp cho nhân loại một ban nhạc rock tuy không phổ biến như quyển truyện của ông nhưng cũng lạ lùng không kém về mặt ý tưởng và phong cách.

IB