Kết quả cuộc bầu cử tại Malaysia hôm Thứ Tư 9/5 tuần qua đã gây bất ngờ cho các quan sát viên thời sự quốc tế, vì đây là lần đầu tiên một đảng đối lập đã chiến thắng và lên nắm quyền kể từ khi đất nước này được trao trả độc lập từ tay người Anh năm 1957, và qua đó là sự trở lại chính trường của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 92 tuổi.

Sau khi kết quả bầu cử được công bố, ngay chính những người ủng hộ Mahathir cũng không thể tin rằng họ đã đánh bại được đảng đương quyền đã nắm vận mệnh quốc gia Malaysia trong suốt 60 năm qua. Mahathir đã từng là Thủ tướng trong một thời gian khá dài từ 1981 đến 2003, nhưng lần này ông tranh cử ở một vị thế yếu hơn, đại diện cho đảng đối lập Pakatan Harapan (Liên minh Hy vọng), để đối đầu với chính người học trò của ông: Najib Razak, con trai vị Thủ tướng thứ hai của một Malaysia độc lập. Najib là người đứng đầu của đảng Barisan Nasional (Mặt trận Quốc gia), là đảng duy nhất cai trị Malaysia từ khi được độc lập với một chính sách độc tài phân biệt sắc tộc.
Chiến thắng của Mahathir là do đã khai thác được đúng sự phẫn nộ của người dân về chính sách thuế khoá cao, mức sống của người dân bị giảm sút, vụ tham nhũng đầy tai tiếng liên quan đến quỹ phát triển 1MDB, trong đó nhiều tỷ Mỹ kim đã không cánh mà bay, và hơn nữa là nỗi lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở xứ này.

Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đưa ra đề án “Một vành đai, một con đường” (Nhất đới, Nhất lộ), một dự án hạ tầng cơ sở trị giá $1,500 tỷ xuyên qua 80 quốc gia. Ðề án này được thiết kế là để nối kết các thị trường ở xa đến gần lại với Trung Quốc hơn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở những xứ này. Nhưng tham vọng chính nằm ẩn ở đằng sau là mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới. Ðịa điểm mang tính chiến lược nằm cạnh eo biển Malacca của Malaysia, với khoảng 40 phần trăm các thương vụ trên thế giới được di chuyển ngang qua đây mỗi năm, biến quốc gia này thành một địa điểm quan trọng cho sự đầu tư của Trung Quốc.
Chính quyền Najib Razak đã mở rộng vòng tay đón chào những món đầu tư từ Trung Quốc trong khi họ đang cần được tiếp máu cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong mấy năm gần đây vì giá dầu thấp và sự bất ổn tài chánh do tham nhũng. Tuy nhiên, người dân Mã Lai có nhiều lý do để ngày càng tỏ ra nghi ngờ và lo ngại về những món đầu tư này.
Từ khi Najib lên cầm quyền vào năm 2009, Malaysia ngày càng trôi dần vào trong quỹ đạo của Bắc Kinh. Theo một phúc trình của Viện Nghiên cứu Ðông Nam Á có trụ sở tại Singapore, có 14 dự án và thoả thuận kinh tế trị giá $34 tỷ đã được ký kết với Bắc Kinh dưới thời Najib.

Phần lớn số tiền này được đầu tư cho những dự án hạ tầng cơ sở lớn nằm trong đề án “Nhất đới, nhất lộ”, với Trung Quốc vừa là nhà tài trợ cho vay vốn vừa là nhà thầu xây cất. Một trong những dự án này là hệ thống đường xe lửa East Coast Rail Link trị giá $13 tỷ được thiết kế để nối liền từ bờ biển phía đông sang phía tây của Malaysia, lập thành một phần của hệ thống vận chuyển quan trọng, nơi mà ngân hàng quốc doanh China Exim của Trung Quốc là nhà tài trợ vốn, trong khi một công ty quốc doanh khác, China Communication Construction Company, là nhà thầu xây cất – giống y như nhiều dự án xây cất ở Việt Nam hiện nay với tiền của Trung Quốc cho vay lại đổ vào túi của Trung Quốc sau khi đã “lại quả” cho một số quan chức tham nhũng của chính quyền.
Trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm, tân Thủ tướng Mahathir cho biết, trên căn bản, ông ủng hộ dự án “Nhất đới, nhất lộ”, nhưng nói thêm, “Ðương nhiên, tôi không muốn thấy có quá nhiều chiến hạm trong khu vực là vì chiến hạm sẽ kéo thêm những chiến hạm khác, và khu vực này có thể trở nên căng thẳng với sự hiện diện của các chiến hạm.”
Lời tuyên bố trên được các quan sát viên cho là Mahathir ám chỉ đến những kế hoạch tài trợ vốn của Trung Quốc cho những dự án bến cảng thương mại ở một số quốc gia đang phát triển mà cuối cùng lại trở thành những căn cứ hải quân của Trung Quốc. Một bến cảng khổng lồ đang được Trung Quốc tài trợ cho việc xây dựng nằm trên đảo Carey (thuộc bang Selangor ở phía tây của Malaysia và nằm trên eo biển Malacca) hiện đang dấy lên những nghi ngờ về tham vọng mờ ám của Trung Quốc nếu trong trường hợp Malaysia không trả được nợ, như tình trạng của Sri Lanka hồi năm ngoái vì thiếu nợ đã phải nhượng chủ quyền bến cảng Hambantota của họ lại cho một công ty nhà nước của Trung Quốc.
Một dự án gây nhiều tranh cãi khác là Forest City, một kế hoạch xây dựng và phát triển nhà đất thuộc loại cao cấp trị giá $100 tỷ, sau khi hoàn tất sẽ trải dài trên bốn hòn đảo. Nhiều người dân Mã Lai phàn nàn rằng việc xây dựng này chỉ nhằm thu hút những khách hàng gốc Hoa có tiền từ Singapore và những nơi khác đến, cũng như đã lên tiếng tố cáo cho rằng đây là một âm mưu xâm thực đất đai và chủ quyền của Malaysia. Mỗi căn hộ của dự án này trị giá trên 250,000 Mỹ kim và nằm ngoài khả năng tài chánh của người dân địa phương.
Nhưng quan trọng hơn hết là kết quả cuộc bầu cử ở Malaysia mang lại niềm hy vọng mới cho trào lưu dân chủ tại khu vực châu Á. Lá phiếu của người dân Mã Lai đã nói lên ước vọng chung của tất cả các dân tộc trong vùng và là biểu tượng đi ngược lại chiều hướng chính trị nghiêng về độc tài tại Á châu gần đây.
Sau một thời gian nở rộ với những hạt mầm dân chủ – trong đó có cuộc bầu cử tại Campuchia dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc năm 1993, cuộc lật đổ Suharto tại Indonesia sau vụ khủng hoảng tài chánh 1997-98 và cuộc chiến thắng tại Miến Ðiện của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi năm 2015 – thì nay tiếng nói tự do và dân chủ đang bị bóp nghẹt.

Miến Ðiện đang dần bị nhóm quân đội siết chặt trở lại và chính quyền của bà Suu Kyi đã ngoảnh mặt làm ngơ với những vụ giết chóc và đày ải nhiều trăm ngàn người gốc Hồi giáo Rohinga. Nền dân chủ tại Bangladesh có thể nói gần như sụp đổ. Thái Lan hiện đang dưới quyền cai trị của quân đội. Việt Nam thì vẫn còn là quốc gia cộng sản. Hun Sen ở Campuchia, được sự hỗ trợ của Trung Quốc, thực hiện trở lại chính sách độc tài tàn bạo không khoan nhượng bất cứ đảng đối lập nào. Dưới quyền của Tập Cận Bình, Trung Quốc hiện đang bị cai trị bởi một lãnh tụ độc tài bậc nhất kể từ thời Mao Trạch Ðông. Rốt cuộc chỉ còn lại Indonesia, và nay có lẽ có thêm Malaysia, là những ngọn hải đăng hiếm hoi của tự do và dân chủ trong khu vực.
Mặc dù Mahathir Mohamad từng là một lãnh tụ độc tài trước kia, nhưng trong thời gian tranh cử ông hứa là sẽ ngồi ở ghế thủ tướng trong một thời gian ngắn và sẽ trao quyền lại cho Anwar Ibrahim, một nhân vật có tư tưởng cởi mở và thân Tây phương. Anwar từng là Phó Thủ tướng dưới thời Mahathir nhưng sau đó đã bị chính Mahathir bỏ tù vì những va chạm quyền lực. Tuy nhiên, trong cuộc tranh cử vừa qua, cả hai đã liên minh với nhau. Nhiều người hy vọng Mahathir giữ lời hứa vì ngay sau khi đắc cử, Mahathir đã yêu cầu quốc vương Mã Lai ra lệnh ân xá cho Anwar.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, người dân Mã Lai đã tái khẳng định quyền tự do của họ, quyết định thay đổi một thể chế chính trị đã trở thành lỗi thời và duy trì lại cơ cấu của một nền dân chủ thật sự. Họ vừa nhóm lên ngọn lửa hy vọng cho toàn khu vực.
VH