Menu Close

Văn học Miền Nam nhìn từ nhiều phía

Văn Học Miền Nam đã từng phát triển rực rỡ với những tác phẩm giá trị đích thực của nhiều nhà văn tài năng, có tấm lòng với đất nước. Thế nhưng nó đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản cấm đoán, thiêu hủy. Trải qua hàng chục năm trong kiếp nạn, kỳ diệu thay, Văn Học Miền Nam vẫn sống cho tới ngày hôm nay và còn mãi mãi. Cát bay vàng lại ra vàng. Các nhà phê bình và người đọc đã đồng thanh xác nhận giá trị của nó. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một vài bài nhận định tiêu biểu.

Kỳ trước chúng ta đã đăng bài của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc ở Úc châu và bài của Hoàng Vũ Thuật ở trong nước. Hôm nay, xin mời các bạn đọc cảm nghĩ của Huyvespa. Huyvespa là bút hiệu của Nguyễn Trường Trung Huy, một bạn trẻ sinh ra sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc 11 năm. Huy tự nhận là một kẻ mê đắm Sài Gòn. Từ đó, Huy đến với Văn Học Miền Nam với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ và sưu tầm lưu trữ nó trên trang blog của mình. Sau đây là bài viết của Huyvespa nhan đề Bên Lề Sách Cũ. Lời Vỗ Về Cho Ngày Sầu Muộn.  NGUYỄN & BẠN HỮU

Huyvespa

“Tổ quốc bất khả phân đã phân

Từ dòng sông từ bản hiệp định kia

Ðất nước mấy nghìn đời không thể mất

Chỉ một ngày đã mất

Lịch sử triệu trang vàng một trang đen đã lật…”

Mai Thảo

Trang đen lật ra, mở theo sau là ngàn ngàn triệu triệu những trang chữ khác bị thiêu hủy, bị bức tử…

Hồn phách của cả một dân tộc lao đao, lạc loài trên/ theo/ cùng những trang sách tơi tả…

“…một cuốn sách không phải lúc nào cũng để đọc. trên những chuyến đi có khi tôi mang theo sách chỉ để thấy yên tâm: một thứ gì đó mơ hồ nhưng rất quan trọng tôi còn phải nghĩ; hồn của một thứ gì đó vẫn từ lâu chờ tôi biết về sự hiện diện cùng sự mong manh của nó; nỗi buồn mà một người hay một dân tộc nào đó còn phải đi qua… tất cả đang nằm trong quyển sách này. tôi chỉ cần mở nó ra.

van-hoc-mien-nam1
Một số tạp chí văn học Miền Nam

tôi mang theo sách và biết rằng nếu tôi đọc và lặn lội một chút, cuộc đời dù trôi bên ngoài, nó cũng trôi bên trong tôi… chúng ta vừa gây ra mọi khổ luỵ trên đời này, vừa gánh chịu chúng với bao nhiêu ngơ ngác, như thể chúng ta không hề là tác nhân.

chúng ta cũng vừa là chứng nhân, nếu chúng ta có một cuốn sách…

nếu chúng ta mở nó ra. nhưng thường thì không.”

Ðọc đoạn trên của tác giả Ðoàn Minh Phượng, tôi liền liên tưởng về những trang sách giấu mặt, ngậm ngùi…/ những trang thơ tự hủy, xót xa…/những trang báo oằn mình, đớn đau… cũng như thân phận của 20 năm miền huy hoàng chứa đựng nó – Ðó, vừa là thân phận của Nam và cũng là nỗi thống khổ của 20 năm văn chương Nam …

Trong một bài viết về hồi ức với quyển tạp chí VĂN, nhà văn BAN MAI đã kể một kỷ niệm của mình với một người lính VNCH, anh đã để lại cho cô quyển VĂN anh mang theo khi xông pha trận mạc cùng lời nhắn “văn chương miền Nam không có thép, nên tôi tìm được bình an trong văn chương…”

van-hoc-mien-nam
Một số sách văn học Miền Nam

(TẠP CHÍ VĂN TỪ LÒNG ÐẤT: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=15131)

Nhiều năm sau, tôi và (tôi tin là) bất kỳ ai có diễm phúc tiếp xúc với nền văn chương này cũng sẽ tìm thấy cho chính mình sự BÌNH AN ấy, dù ít hay nhiều…

Và không chỉ là những trang sách, mà đó còn là những gì bên lề của tả tơi này…

Câu chuyện của những thân phận, của một trời tâm tư… dựng bày không khí của cả một thời đại chỉ bằng đôi ba dòng chữ trải lòng, nơi đó là … những chiều chủ nhật “rối gót tình nhân”, những ngày xưa thân ái, những ngày về phép “vụng về ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay”, những chán chường của cuộc nội chiến … Nơi đó, là một “ngày”…và cũng là cả một “đời”

Ðây một “lời vỗ về cho ngày sầu muộn”…vì cuối cùng thì…..

Những trang sách đã được MỞ ra!

Huyvespa@gmail.com