Tháng Tư năm 2018, để kỷ niệm 60 năm xây dựng Nguyện Đường Tưởng Niệm Lính Hoa Kỳ (American Memorial Chapel) tại London, ca đoàn ấu nam “Boy Choristers of St Paul’s Cathedral” đã có một chuyến lưu diễn sang Mỹ tại 8 thành phố, trong đó có Dallas.

Ðây là lần đầu tiên kể từ năm 1953 có một ca đoàn từ St Paul’s Cathedral sang Mỹ trình diễn. Lần ấy ca đoàn St Paul đã hát tại 41 thành phố trong một cuộc lưu diễn dài tám tuần lễ, kết thúc tại Carnegie Hall ở New York. Mục đích của chuyến đi ấy gồm hai phần: thứ nhất là để cho công chúng Hoa Kỳ biết thêm về công cuộc xây dựng American Memorial Chapel đang tiến hành bên Anh, thứ nhì là để gây quỹ.
Vào những năm 1940-1941 của Ðệ Nhị Thế Chiến, nhà thờ chánh toà St Paul’s Cathedral đã bị Không quân Ðức đánh bom nhiều lần và bị hư hại khá nặng. Sau chiến tranh, khi sửa sang lại nhà thờ, chính phủ và người dân Anh đã đồng ý cho xây thêm một nguyện đường mang tên American Memorial Chapel để tri ân 28,000 quân nhân Mỹ từng đặt chân đến nước Anh và đã hy sinh trong cuộc chiến. Khởi công từ năm 1951, phải đến năm 1958 Thánh đường mới xây xong. Buổi lễ khánh thành có sự hiện diện của Nữ Hoàng Elizabeth và Phó Tổng thống Richard Nixon của Mỹ. Ngay giữa Thánh đường là một quyển sổ bìa da thật dầy, trong đó có ghi đầy đủ tên tuổi của 28,000 tử sĩ. Thánh đường này là món quà của người Anh dành cho dân Mỹ để đền đáp sự giúp đỡ trong cơn nguy biến.

Nhà thờ chánh toà St Paul’s Cathedral là một trong những nhà thờ Anh-Giáo cổ nhất, với bề dầy lịch sử hơn một ngàn bốn trăm năm. Qua bao nhiêu thế kỷ thăng trầm, qua bao nhiêu tàn phá của chiến tranh và hoả hoạn, nhà thờ đã được xây đi xây lại nhiều lần. Giờ đây không ai biết đích xác ngôi nhà thờ đầu tiên nằm ở đâu, nhưng người ta phỏng đoán nó không thể nào quá xa địa điểm hiện tại bởi vì đây là vùng đất cao nhất của London, và tất nhiên người xưa luôn chọn chỗ đất cao để cất nhà thờ. Lần cuối cùng nhà thờ được xây lại là vào cuối thế kỷ 17, sau khi bị thiêu rụi hoàn toàn bởi một trận lửa lớn. Phải mất gần 30 năm St Paul’s Cathedral như ta biết ngày nay mới xây xong. Giờ đây nó là một trong những địa điểm trọng yếu của thành phố, thu hút nhiều khách du lịch khi đến Luân Ðôn.
St Paul’s từng chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại như lễ đăng quang của các vị vua chúa, lễ cưới của công nương Diana với hoàng tử Charles v.v… Và tất nhiên ca đoàn của St Paul’s luôn luôn có mặt trong các buổi lễ ấy. Ðây là một trong những ca đoàn nhà thờ xưa nhất nước Anh, có từ hơn 900 năm qua. Ðến thế kỷ thứ 19, khi Sir George Stainer đảm nhiệm phần âm nhạc và organ cho St Paul’s Cathedral, ông đã tổ chức lại ca đoàn thành một nhóm nhạc sĩ chuyên nghiệp gồm 30 bé trai và 12 người lớn. Thành viên ca đoàn đến từ khắp nơi trên nước Anh, và tất cả đều phải trải qua một cuộc tuyển lựa kỹ lưỡng. Các bé trai sau khi được chọn sẽ phải dành ra một năm để tu luyện và thực tập. Ðến khoảng 9 tuổi các em mới được làm thành viên thực thụ. Khi đó các em sẽ tham gia các buổi lễ hằng ngày, thường là lễ chiều để hát các bài thánh ca Evensong.

Vào tháng Bảy hàng năm ca đoàn còn trình diễn cho công chúng vào mỗi Chúa Nhật, với dàn nhạc giao hưởng thành phố, những bản nhạc cổ điển như ‘Messiah’ của Handel hay ‘Passion’ của J.S. Bach. Gần đây nhất, ca đoàn đã hát trong lễ mừng 60 năm trị vì (Diamond Jubilee) của Nữ Hoàng Elizabeth (2012), tang lễ cho cựu Thủ tướng Margaret Thatcher (2013), lễ kỷ niệm 200 năm trận Waterloo, nơi Napoleon bị Anh và đồng minh Prussia đánh bại năm 1815, và sinh nhật cửu tuần của Nữ Hoàng Elizabeth (2016). Ngoài ra, ca đoàn cũng đã cho ra một số dĩa nhạc, trong đó có dĩa kỷ niệm lịch sử 500 năm âm nhạc của St Paul’s Cathedral Choir (2015). Trong vòng mười năm qua, ca đoàn đã được mời đi hát khắp nơi trên thế giới, từ Âu Châu sang Á Châu, từ Nam Mỹ đến Bắc Mỹ. Sau chuyến tour tại Hoa Kỳ này, ca đoàn sẽ lưu diễn Trung Quốc vào năm tới.
Nên nhớ rằng tuy là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng các thành viên ấu nam trong ca đoàn vẫn là những cậu bé chưa đến tuổi bể tiếng. Các em được đi học tại trường nội trú St Paul’s Cathedral School. Tại đây, ngoài các môn học cho trẻ em bình thường các em còn được học nhạc lý và học hát. Vì phải ca cho Thánh lễ gần như bảy ngày trong tuần nên tất cả đều có kỹ thuật hát rất điêu luyện. Và nhờ được hát trong các dịp đại lễ cho những vị nguyên thủ quốc gia nên từ nhỏ các em đã có được sự tự tin và trưởng thành ít thấy nơi trẻ em đồng lứa.
Hai ngày trước khi đến Dallas, ca đoàn đã có một buổi diễn vô cùng đặc biệt và cảm động trước hàng ngàn người tại Viện Bảo Tàng Ðệ Nhị Thế Chiến ở New Orleans. Trong số khán giả hôm ấy có vài cựu chiến binh WW2 đến tham dự trên xe lăn, và đã được mọi người cổ vũ nồng nhiệt. Ngoài ra còn có mặt một thành viên của ca đoàn trong chuyến lưu diễn sang Mỹ năm 1953. Ông ta kể lại nhiều câu chuyện dí dỏm và lý thú từ góc nhìn của một cậu bé người Anh, ngồi trên xe lửa đi vòng quanh nước Mỹ vào những năm hậu thế chiến. Ðến nơi nào ca đoàn cũng được dân chúng Mỹ chào đón và hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng nhất là tại New Orleans nơi có nhiều cơ xưởng làm thuyền bè và xe tăng đóng góp cho cuộc đổ bộ lịch sử lên Normandy. Bà con nào muốn biết thêm về vai trò của thành phố New Orleans trong Ðệ Nhị Thế Chiến có thể vào baotreonline.com để xem bài phóng sự về Bảo Tàng Ðệ Nhị Thế Chiến (http://baotreonline.com/bao-tang-vien-de-nhi-the-chien/)

Chương trình nhạc của ca đoàn lần này vô cùng phong phú và rất dài, hơn 90 phút với 15 phút giải lao ở giữa. Các bản nhạc được sắp xếp chủ yếu theo trình tự thời gian và đề tài. Phần một gồm nhiều bài nhạc cổ điển trong dòng nhạc thánh ca, đa số bằng tiếng La-Tinh, của các nhạc sĩ nổi danh như Felix Mendelssohn, Benjamin Britten…. Trong phần hai chương trình chuyển sang những đề tài liên quan đến sức mạnh tâm linh của con người trước cái chết và sự tàn phá của chiến tranh. Ða số những bài này được hát bằng tiếng Anh, nhưng cũng có một bài tiếng Pháp của Francis Poulenc (Litanies à la Vierge Noire) được các em thể hiện bằng một giọng Tây thật chuẩn. Poulenc (1899-1963) không những là một nhạc sĩ mà còn là một binh sĩ phục vụ trong quân đội Pháp cho đến khi Pháp bị Ðức chiếm đóng.
Xen kẽ giữa những bài hát, và để cho các em có dịp nghỉ lấy hơi, là hai bài organ solo được biểu diễn bởi nhạc sĩ chính của nhà thờ St Paul là ông Simon Johnson, người từng đánh đàn cho tang lễ nữ Thủ tướng Margaret Thatcher và sinh nhật cửu tuần của Nữ Hoàng Anh. Bài thứ nhì, “Fugue sur le nom d’Alain” của Maurice Duruflé (1902-1986) người Pháp, được viết để tưởng niệm nhạc sĩ Pháp Jehan Alain (1911-1940) đã bỏ mình trong lúc làm công tác liên lạc khi quân Ðức sắp tấn công làng Saumur tại miền Tây nước Pháp. Chuyện kể, khi Alain phát hiện một quân đoàn Ðức đang đi trên đường, anh đã nhảy xuống xe gắn máy và dùng carbine của mình để chặn đoàn xe lại. Tuy chỉ một mình một súng nhưng Alain đã giết được 16 mạng trước khi bị lính Ðức đốn gục. Sau chiến tranh Alain được nhà nước trao huân chương Croix de Guerre.

Cảm động nhất là khúc cuối chương trình, sau những tràng vỗ tay nồng nhiệt, nhạc trưởng Andrew Carwood và ca đoàn đã trở ra để hát một bài encore. Ông Carwood giải thích đây là bản nhạc họ đã hát trong buổi lễ tưởng niệm 71 nạn nhân trong vụ hoả hoạn kinh hoàng ở Grenfell Tower tại London vào tháng 12 năm ngoái. Ðó là bài “Somewhere” trong nhạc kịch “West Side Story”, sáng tác của nhạc sĩ Mỹ gốc Do Thái Leonard Bernstein (1918-1990), với một thông điệp đầy hy vọng trong vô vàn tang thương và nước mắt:
“There’s a place for us
Somewhere, a place for us
Peace and quiet and open air
Wait for us, somewhere…”
“Có một nơi chốn của riêng ta
Ðâu đây, một chốn của riêng ta
Bình yên, im ắng và thoáng đãng
Ðang chờ ta đấy, ở đâu đây…”
IB 2018.05