Menu Close

Nam Lê

Với quyển sách đầu tay được chính tác giả đánh giá là “đáng vất đi” bởi nó “quá tệ”, Nam Lê từng được xem là hiện tượng văn học thế giới khi được trao Giải Dylan Thomas (giải thưởng văn chương lớn nhất Vương quốc Anh trị giá 60,000 bảng, khoảng 92,700 USD) cách đây đúng 10 năm, khi anh mới 29 tuổi, với chính tác phẩm “đáng vất đi” này, “The Boat”.

nam-le
Nam Le (ảnh từ trang Facebook cá nhân của Nam Le)

Ðược trao hai năm một lần do Ðại học Wales tài trợ, Giải Dylan Thomas (theo tên nhà thơ xứ Wales yểu mệnh, 1914-1953) ra đời năm 2006 nhằm khuyến khích tài năng trẻ dưới 30 tuổi khắp thế giới (giải không hạn chế thể loại, với tác phẩm bằng tiếng Anh). Như người thắng giải mùa trước (Rachel Trezise từ Rhondda thuộc Wales), Nam Lê cũng được trao với thể loại truyện ngắn. Trong danh sách xét chọn 2008, Nam Lê với The Boat đã so tài với ba cây bút Anh là Ross Raisin (God’s Own Country), Edward Hogan (Blackmoor) và Caroline Bird (Trouble Came To The Turnip) cùng nhà văn gốc Nam Phi Ceridwen Dovey (Blood Kin) và nhà văn Dinaw Mengestu (Children Of The Revolution) từ Ethiopia.

Hẳn The Boat của Nam Lê phải trội lắm mới được chọn, bởi theo lời chủ tịch ban giám khảo Peter Florence thì “thật khó cho chúng tôi khi chọn một người thắng cuộc từ danh sách đầy tính cạnh tranh như thế này”. “Ở Nam Lê, tôi tin rằng chúng tôi đã phát hiện được một tác giả xứng đáng được trao Dylan Thomas. Tác phẩm xuất sắc của anh đã minh chứng cho một tài năng chói lọi hiếm hoi, không chỉ tuyệt vời ở góc độ mổ xẻ đề tài mà còn ở chất lượng kỹ thuật viết. Anh ấy là một tài năng văn học có tính hiện tượng và tôi trông chờ sự thăng hoa sự nghiệp của anh ấy ” – Peter Florence nói tiếp.

The Boat có bảy truyện ngắn và tất cả đều có bối cảnh, phong cách cũng như quan điểm khác nhau trong cách thuật. Với The Boat, Nam Lê đã chèo con thuyền nhỏ đưa độc giả đến Việt Nam (truyện đầu và truyện cuối) rồi đến Colombia, Iran, Nhật, Úc và Mỹ. Mỗi truyện là một chuyến du lịch khám phá sức mạnh của sự đồng cảm và thâm trầm trong tư duy. Câu chuyện ở Nhật chẳng hạn. Nó được kể qua giọng một cô gái trẻ ở Hiroshima vào những ngày trước khi thành phố bị quả bom nguyên tử nghiền nát. Cô ấy nói về sự ngây thơ của bầy bướm, những cánh hoa, về vị Thiên hoàng khả kính, về chiến tranh, về những đợt thả truyền đơn của máy bay Mỹ… Câu chuyện Colombia lấy bối cảnh ở thủ đô ma túy Medellin và cũng được kể qua giọng một em nhỏ. Nó nhận được lệnh từ ông trùm để giết người bạn thân nhất. Lựu đạn, súng máy và những thứ đồ chơi giết người khác là một phần trong cuộc đời thằng nhỏ. Nó hiển nhiên đã bị miễn cưỡng lôi vào thế giới tội ác của người lớn và nó gây ác với một tâm trạng còn mông muội.

The Boat dĩ nhiên còn là câu chuyện những thuyền nhân Việt Nam, với 200 người, chen chúc nhau trên con thuyền chỉ đủ chỗ chứa 15 người, lênh đênh sóng gió ròng rã hai tuần, trong đói khát rã rượi, với làn da phỏng rộp vì nắng và mùi hôi thối nồng nặc bởi những bãi nôn mửa do say sóng và phân người. Có những người không chịu nổi cuối cùng phải chết. Xác họ bị ném xuống những vùng biển đầy cá mập. Sau nhiều ngày trên thuyền, Mai – nhân vật trong truyện – bắt đầu hiểu tại sao cha cô, người từng chiến đấu chống cộng quân suốt 5 năm rồi bị “học tập cải tạo” hai năm sau ngày 30-4 – đã phải cố sống lây lất trên bề mặt cuộc đời, sống với hiện tại, không ngoái lại phía sau hay thậm chí nhìn vào bên trong con người mình. “Bởi vì, bên dưới bề mặt hoặc là sự sợ hãi hoặc là sự mê sảng”.

Nam Lê sinh trong gia đình trí thức điển hình của miền Nam VNCH. Cha anh là giáo viên và là viên chức chính phủ. Ðến Úc với hai bàn tay trắng, bố mẹ anh làm công nhân nhà máy. Mẹ sau đó làm cho bưu điện rồi làm đầu bếp nhà hàng. Cha làm giám đốc một trung tâm thiếu nhi. Lúc vào tiểu học, Nam Lê là học sinh châu Á duy nhất trong trường. Trực nghiệm này đã giúp anh soi rõ mình là ai, mình đến từ đâu và đâu là cội nguồn. Nam Lê giành học bổng vào một trường trung học tư thục và sau đó vào Ðại học Melbourne, nơi anh học nghệ thuật và luật. Mê văn học, đọc rất nhiều, sau khi ra trường, Nam Lê làm việc cho một hãng luật lớn nhưng nghỉ việc chỉ sau một năm rồi vay tiền đi “bụi đời” nhiều nơi trên thế giới…

Năm 25 tuổi, anh bỏ nghề luật để theo đuổi văn chương. Anh viết The Boat trong trại sáng tác Iowa, nơi anh học được nhiều từ người thầy Marilynne Robinson (tác giả đoạt Pulitzer, một trong những nhà văn đương đại kiệt xuất của Mỹ). Nam Lê cho biết dù mê đọc và làm thơ “từ cái thời mà tôi có thể nhớ được” nhưng “không thành công” khi “mạo muội” bước vào con đường văn xuôi với tác phẩm đầu tay The Boat. “Tôi dùng tác phẩm này để nộp hồ sơ dự tuyển chương trình thạc sĩ viết văn tại Mỹ và sau đó quẳng đi bởi nó quá tệ” – tác giả kể. Tuy nhiên, The Boat gần như lập tức gây chú ý văn đàn thế giới khi nó được xuất bản đầu năm 2008.

nam-le1
Tác phẩm The Boat

Trên New York Times, cây bút bình luận lừng danh người Mỹ gốc Nhật Michiko Kakutani (từng đoạt Pulitzer) viết: “Lê không chỉ viết với kỹ thuật lão luyện thậm chí hiếm gặp ở các cây bút cổ thụ mà còn thể hiện được trực giác tuyệt vời khi chuyển tải những mâu thuẫn tâm lý mà con người trực nghiệm khi họ nhận ra rằng hy vọng và hoài bão riêng sẽ va chạm với những kỳ vọng gia đình hoặc sự thật phũ phàng của lịch sử”. Trong truyện mở đầu Love and Honor and Pity and Pride and Compassion and Sacrifice (Tình yêu và danh dự và lòng trắc ẩn và sự kiêu hãnh và lòng thương hại và sự hy sinh), người ta thấy nhân vật chính dường như là một ẩn dụ về chính tác giả Nam Lê. Ðó là một cây bút trẻ, được bạn bè thuyết phục khai thác đề tài về những trực nghiệm của người cha mình thời còn ở quê nhà và từ góc độ này câu chuyện dần phát triển thành một đề tài lớn hơn nhiều: sự khám phá quê cha đất tổ và mối quan hệ cha con.

Như nhận xét nhiều nhà phê bình, Nam Lê là một tác giả trí tuệ. Vốn từ vựng được kể trong truyện của anh là vô tận. Bằng công cụ từ vựng, Nam Lê giúp những nhân vật mình tăng nhiều sức mạnh hơn để có khả năng tự nhìn sâu vào trong tâm khảm để có thể tự hỏi tại sao mình hành động và suy nghĩ như thế. Có thể thấy trình độ ma thuật trong tài viết văn Nam Lê có được là nhờ sự bền chí học và đọc không ngừng, bên cạnh yếu tố năng khiếu. Tài năng và kỹ thuật viết của Nam Lê bộc lộ từ sớm. Năm 1996, anh giành Premier’s Awards về tiếng Anh và văn học rồi giật Học bổng Quốc gia để vào Ðại học Melbourne. Năm 2004, anh được trao học bổng Truman Capote để học tại trường viết văn Iowa; rồi giành học bổng tại Trung tâm Fine Arts Work tại Provincetown (Massachusetts). Năm 2007, Nam Lê được trao giải Pushcart rồi giải Michener-Copernicus Society of America. Sau đó Nam Lê tiếp tục chương trình học thuật (cũng nhờ học bổng) tại Học viện Phillips Exeter ở New Hampshire. Anh làm việc gần như mỗi đêm, đến 6-7g sáng; và lại ngồi bàn học khi thức dậy vào đầu giờ trưa. Anh luôn viết với sự hưng phấn cao độ khi mọi người đi ngủ và chẳng màng mình sẽ kết thúc ở đâu…

Ðến nay, sau 10 năm phát hành, The Boat đã được dịch sang 14 thứ tiếng. Nam Lê hiện là biên tập viên mảng tiểu thuyết cho chuyên san văn học Harvard Review.

MK