Menu Close

Thuở ban đầu

Gia đình tôi đến định cư Canada vào một ngày gần cuối hè, khí hậu mát mẻ trời trong xanh thật đẹp. Sherbrooke quê hương thứ hai của tôi là một thành phố bé tí xíu của tỉnh Quebec, tỉnh bang duy nhất nói tiếng Pháp trong toàn cõi Canada.

Vào khoảng năm 81 người tỵ nạn chưa đông nhưng làng tôi cũng có vài chục gia đình, tính từ con nít mới sanh tới cụ già tóc bạc chắc cũng được 300 người. Mỗi khi có người mới đến thì gần như cả làng ai cũng thu xếp thời gian đến thăm, tiện thể hỏi han tin tức tình hình quê nhà và chủ yếu là được nói tiếng mẹ đẻ rôm rả. Khách đến thăm đều tặng quà gặp mặt, người thì tặng cam vàng to tướng, người thì tặng táo thơm phưng phức, người thì tặng nho, có người còn vác 2 con gà đã vặt lông làm sạch sẽ. Chỉ vài ngày thôi số quà nhận được đầy kín cái tủ lạnh to lớn. Tình đồng hương ở tỉnh nhỏ thật ấm áp tôi cảm động vô cùng. Biết chúng tôi mới đến buồn và nhớ nhà nên khi rảnh rỗi các anh chị trong làng đến rủ chúng tôi đi câu cá nhưng không cần câu, cũng chả cần giun hay dế. Chỉ cần 1 cái vợt và mấy chục cái thùng loại 20 litre. Xe đậu sát ven sông các anh cầm vợt vớt cá và đổ vào thùng, các chị thì lựa những con nhỏ thả lại ra sông. Chỉ khoảng 15 phút là chúng tôi đã có mấy chục thùng đầy ăm ắp, về nhà các anh dùng dao phay chặt đầu và đuôi, các chị thì dùng kéo cắt vây cắt mang.

Buổi chiều anh chị tôi về thấy cá đầy nhà hoảng hồn hỏi ở đâu ra, tôi khoái chí tỷ huyên thuyên khoe thành tích. Bà chị la oai oái:

– Ở đây đi câu phải có giấy phép, không có giấy cảnh sát bắt đó.

Tôi gãi đầu yếu ớt chống chế:

– Em không có câu, chỉ vớt thôi mà.

– Vớt tội càng nặng hơn, xứ này làm gì cũng phải xin giấy phép (permis).

thuo-ban-dau
Tác giả và mùa đông Canada

Tối hôm đó nhà tôi ăn cơm cá 7 món: cá kho tiêu, cá chiên chấm nước mắm gừng, canh cá rau tần ô, cá nướng, ruốc cá, cá hấp và cá kho cà chua. Số còn lại cất tủ đá để ăn dần. Ðầu và đuôi chị tôi đem đổ vào cái hố nhỏ sau vườn rồi lấp đất lên, chị còn cẩn thận bắt tôi lấy miếng gỗ to như mặt bàn đè lên rồi lượm những cục gạch to tướng chặn thêm lên. Tôi len lét làm theo không dám hỏi tại sao. Tôi nghĩ chắc chị không dám đổ thùng rác vì sợ người đổ rác tố cáo với cảnh sát. Cả đêm tôi không ngủ mong trời mau sáng xem có bị gì không? Trời thương chẳng bị gì cả, nhưng sáng nào tôi cũng chạy ra vườn liếc sơ xem cái hố chôn có bị ai phát giác chưa? Mấy hôm sau các anh chị khác lại đến rủ tôi đi hái táo. Tôi nằng nặc từ chối không đi mặc dù rất rảnh, sau cả giờ đồng hồ lựa lời thoái thác không thành tôi đành khai thật chuyện đi vớt cá và lời giáo huấn của chị Cả. Các anh chị ôm bụng cười ngả nghiêng bảo:

– Chị của em là công chức thì phải tôn trọng luật, còn em có bị bắt thì cứ khai mới đến vài ngày chưa biết thì họ thả ngay chỉ khuyến cáo thôi.

Tuy là vậy nhưng nghĩ đến cảnh đêm khuya chị phải ra vườn chôn đầu cá hủy diệt chứng tích, tôi nhất định từ chối. Chị Tuyết chợt la lên:

– Á quên tôi có giấy phép nè.

Vừa nói chị vừa lục ví lôi ra tờ giấy nhỏ bằng lá bài cào giơ giơ trước mặt mọi người. Tôi cầm lật ngang lật ngửa đọc: Permis de conduire, tên tuổi địa chỉ ngày sinh tháng đẻ còn có hình chị ràng ràng nữa. Thế là yên lòng, cả gia đình chúng tôi cắp nón lên đường, tổng cộng nén chặt 3 xe trực chỉ chạy lên đỉnh núi. Núi ở đây đường nhựa trơn tru, hai bên lề thẳng tắp sạch sẽ và thoáng mát chứ không âm u. Ðến nơi 3 xe bật tung coffre lên khiêng ra nào là thùng đá đựng bánh mì, nước ngọt và trái dưa hấu. Ngộ lắm dưa hấu dài như con heo con chứ không tròn như dưa hấu ngày Tết của VN. Dưa không ngọt nhiều nhưng được ăn dưa hấu trên đất nước Canada là chuyện không ngờ tới. Cả ngày vui chơi ăn uống rồi hái táo, hái lê, nhổ tỏi tây chiều về chiến lợi phẩm không còn chỗ nhét nên mỗi người phải ôm 1 bao to tướng trên đùi.

Bước vào nhà với mấy chục bao trái cây trên tay, tôi trấn an chị Cả:

– Chị đừng sợ, hôm nay chị Tuyết có giấy phép. Em kiểm tra có tên họ đầy đủ và hình của chị ấy đàng hoàng.

Chị tôi cười, nhìn gian gian sao í. Chị hỏi thăm cả nhà đi chơi ra sao, có vui không, đi tận đâu… Sau cùng chị hỏi giấy phép sáng nay tôi kiểm tra viết gì?

– Em đọc rõ ràng “Permis de conduire” và trên suốt quãng đường đi cứ nhẩm đi nhẩm lại mãi vì sợ quên.

– Giỏi quá, giỏi quá đọc qua 1 lần mà nhớ ngay thế thì nhớ thêm 3 chữ nữa được không em nhỏ?

– Ðương nhiên là được chứ, chị tưởng em dốt lắm hả?

– Permis de conduire là bằng lái xe.

Tôi như muốn xỉu trước câu nói rất nhẹ nhàng của bà chị, vẫn may là không gặp cảnh sát chứ mới có tuần đầu định cư tôi đã phạm pháp 2 lần. Làm sao ăn đời ở kiếp với cái xứ sở kỳ khôi nhiều luật này được hở trời.

– Vậy bây giờ làm sao hả chị, lại chờ đến tối rồi đào hố chôn hả?

– Tại sao em hỏi vậy?

– Hôm trước chị chôn đầu cá để hủy diệt chứng tích, có phải chị sợ mấy ông đổ rác tố cáo rồi cảnh sát bắt không? Hay là bây giờ em ra vườn đào sẵn hố, khuya khuya  mọi người ngủ hết rồi mình chôn.

Chị không cười được nữa, tội nghiệp con bé sống với Cộng sản vài năm mà thay đổi quá nhiều. Cái gì cũng sợ, đầu óc tưởng tượng phong phú như người viết phim, viết truyện. Cũng may mình bảo lãnh được cả gia đình qua đây chứ ở thêm vài năm nữa không biết các em sẽ ra sao.

– Hôm trước chị chôn đầu cá ở ngoài vườn là làm phân bón cho năm sau rau cỏ tươi tốt thôi. Chứ chứng tích là mấy trăm con cá trong tủ đá đó chứ đâu chỉ riêng mấy cái đầu đuôi và lòng. Câu cá và săn bắn thì phải xin giấy phép chứ hái trái cây mọc hoang trên núi không cần xin, các chị ấy trêu em thôi.

À thì ra thế, thảo nào có hội bảo vệ động vật chứ không có hội bảo vệ trái cây hoang. Thế là tôi an tâm theo các anh chị đi hái cà chua, dưa leo dại. Những trái dại này thật ra không dại, mà là do các người đi picnic ăn rồi để hột lại năm sau cây tự mọc và nhờ đất tốt nên trái dưa leo to bằng cổ tay dài gần bằng cánh tay.

Hai tuần lễ của mùa hè đầu tiên trên xứ lạnh qua mau tôi giã từ nghề  “ngư phủ chui” và dân du mục trở lại nhà trường. Ðều đặn mỗi ngày tan lớp là đi thẳng đến nhà hàng Nhật làm tới khuya. Chuyến xe đêm trăm lần như một chỉ mình tôi là hành khách, xuống xe ở chân đồi tôi còn đi bộ khoảng 30 phút nếu đi thong thả mới đặt chân vào nhà.

Mùa thu từng bước từng bước nhẹ đến với chúng tôi bằng sự thay màu của lá phong, những chiếc lá đổi màu vàng đỏ chen nhau lẫn lộn đẹp như bức tranh. Những đêm khuya một mình leo dốc tôi tận hưởng cái an bình, cái không khí trong lành của đồi núi và cái đẹp của thiên nhiên nhẹ nhàng khoan thai không bước vội, vừa đi vừa hát nho nhỏ. Chợt nhận ra tiếng hát mình cũng không tệ, hình như có ai đó đang thưởng thức và còn nhè nhẹ gõ nhịp theo tiếng hát của mình nữa chứ. Trước mặt thì không ai, tôi liếc bên trái, liếc bên phải cũng không. Quay thật nhanh 1 vòng 360 độ để cái tên vô duyên nào đó đang nghe trộm lời ca oanh vàng của mình không kịp trốn lủi vô bụi cây, hỡi ôi không một bóng người. Cả con đường dài hun hút chỉ mình ta với trời bơ vơ. Tim đập mạnh tôi không hát nữa co giò chạy, cái nhịp lục cục, lục cục mỗi lúc càng dồn dập tỉ lệ thuận theo tốc độ chạy. Chạy đến kiệt sức thì cũng về được đến nhà, tôi chỉ la lên được:

– Ma. Rồi lăn ra bất tỉnh.

Cả nhà xúm lại bôi dầu nhổ tóc mai, nhổ hết chùm tóc mai gồm 18 cọng thì tôi từ từ mở cặp mắt hí ra. Thều thào kể chuyện con ma gõ nhịp lục cục, lục cục theo tiếng hát thánh thót giữa đêm khuya bên rừng phong lá đỏ. Mỗi người góp một ý, người bảo nghỉ làm khuya, người bảo từ nay đừng hát nữa chắc hát không hay nên ma bực mình doạ chơi v.v… Sau một hồi góp ý ai nấy rút về phòng, tôi vác ba lô xuống nhà đi ngủ. Tiếng lục cục theo tôi lần nữa, lại một tiếng la thất thanh tôi lăn từ trên bậc thang thứ 2 xuống chân thang. Hai thằng em trai khiêng tôi như khiêng con heo quay vào phòng, má tôi cầm ba lô theo sau. Nhấc ba lô nặng trĩu má tôi dứ lên dứ xuống hai ba lần và nói:

– Học bao nhiêu chữ mà xách cái túi nặng thế này.

Tiếng lục cục cũng lên lên xuống xuống theo cái dứ tay, má tôi quẳng cái ba lô xuống đất mở tung ra thò tay vào lôi con ma ra. Thì ra lúc trên xe bus tôi ăn nốt hộp cơm dư buổi chiều, ăn xong để cái muỗng trong hộp và đậy nắp lại. Cái muỗng đụng vô hộp kêu lục cục theo nhịp từng bước từng bước thầm của tôi. Ha ha ha từ đấy má tôi được mệnh danh là dũng sĩ diệt ma.

Mùa Giáng Sinh sắp đến, nhà nào cũng giăng đèn trên cây thông và viền quanh mái nhà trông thật đẹp. Chị em tôi cũng hy sinh ngày cuối tuần trang trí trong ngoài thật xôm tụ dưới cái lạnh cắt da, thấu tận xương tận tủy. Ngày đầu tiên tuyết rơi chúng tôi thích quá cả nhà cứ ngồi vạch rèm nhìn tuyết cả đêm. Bông tuyết trắng, ánh đèn đường và các đèn bé tí tí trên các cây thông các mái nhà phản chiếu với nhau sáng rực cả góc rừng đẹp như trong phim ngoại quốc đã từng xem khi còn bé. Trận tuyết đầu năm hôm ấy không nhiều chỉ cao hơn vai tôi một tí, cũng may rơi vào cuối tuần nên con nít thích lắm vác khăn quàng và củ cà rốt ra nặn người tuyết.

Từ đó thời gian leo dốc mỗi tối của tôi dài thêm, vì đi trên tuyết giống như đi trên cát không nhanh được chưa kể nếu chạy thì trơn té oành oạch. Tôi đã bỏ không hát khi leo dốc nữa không phải vì các em tôi chê tiếng hát không khán giả, mà là vì cái khăn len quàng cổ được kéo đến gần mí mắt dưới hát sao thành lời? Ðổi chiến thuật mới tôi nhẩm ôn bài để không nghĩ đến cái lạnh và quên đường dài.

Mọi việc tiến triển tốt, nhờ phát minh mới này ban ngày vào thư viện tôi không cần học nữa mà có thể ngủ một giấc còn ngáy ò ó e ngon lành. Ðêm hôm nay tuyết lại rơi, tôi ì ạch leo dốc cố nghĩ đến ngày Giáng Sinh sắp đến  bỗng nhiên chiếc xe đậu bên lề đường khực khực lên vài tiếng như con gà bị cắt tiết và máy nổ xình xịch đèn pha bật lên sáng choang. Tôi trố mắt nhìn vào trong xe không một bóng người, ôi trời ơi lại ma! Tôi cắm đầu chạy như tên bay, chạy vài bước té chúi nhủi, lồm cồm bò dậy chạy tiếp quên cả phủi tuyết nên té gần chục lần tôi trắng xoá từ cọng tóc đến gót chân y hệt con gấu Bắc cực.

Bước vào sân thấy mẹ tôi ngồi vạch màn nhìn ra trông ngóng, tôi tủi thân mình và thương cảnh mẹ thức khuya chờ cửa nước mắt cứ tuôn trào như suối. Mẹ hỏi gì cũng không trả lời được càng hỏi càng khóc to hơn. Tiếng khóc đánh thức cả nhà dậy và các em tôi đang học bài trong phòng cũng chạy ra. Cố gắng trong tiếng được tiếng mất tôi kể lại chuyện chiếc xe ma bên lề đường. Chị tôi cười như nắc nẻ, tiếng cười thật tàn nhẫn như trăm ngàn con dao đâm thẳng vào tim trong lúc tôi đang sợ gần chết này.

– Không phải ma, mà là xe đó có gắn hệ thống tự động đề máy từ xa (demarreur à distance). Chủ nhân đề máy từ trong nhà cho nóng máy để khi ra đến nơi xe đã ấm có thể chạy được liền.

Trời ơi lại lòi cái dốt lần nữa cộng với cái tật sợ ma, nên cái gì cũng là ma cả!

 LK