Bà Gina Haspel, một nhân viên tình báo kỳ cựu, vừa trở thành vị nữ giám đốc đầu tiên của cơ quan tình báo CIA sau khi sáu thượng nghị sĩ Dân chủ đã quyết định đứng chung hàng ngũ với các thượng nghị sĩ Cộng hoà trong cuộc bỏ phiếu chuẩn thuận tại thượng viện hôm Thứ Năm 17/5 vừa qua.
Kết quả cuộc bỏ phiếu, với 54 phiếu thuận và 45 phiếu chống, là con số khít khao nhất dành cho một ứng viên giám đốc CIA trong suốt bảy thập niên kể từ khi cơ quan này được thành lập và chức giám đốc đòi hỏi phải có sự chuẩn thuận của thượng viện. Bà Haspel, người đã dành gần như toàn bộ thời gian 33 năm làm việc cho CIA trong những nhiệm vụ bí mật, là nhân viên tình báo hoạt động bí mật thứ hai được đưa vào ghế giám đốc CIA sau ông William Colby (giám đốc CIA trong khoảng thời gian 1973-1976). Hai vị giám đốc khác cũng từng là những nhân viên CIA kỳ cựu: Robert Gates và John Brennan, nhưng cả hai làm việc trong bộ phận phân tích tin tức tình báo.

Gina Haspel quê quán ở tiểu bang Kentucky nhưng sống và lớn lên ở nhiều nơi trên thế giới vì cha của bà là lính thuộc binh chủng không quân Hoa Kỳ. Bà từng làm việc tại Phi châu, Âu châu và nhiều địa điểm bí mật khác trên thế giới và được thăng chức phó giám đốc CIA vào năm ngoái. Bà làm việc dưới quyền của cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo cho đến khi Tổng thống Donald Trump tiến cử ông vào chức ngoại trưởng.
Bà Haspel được sự ủng hộ của rất nhiều nhân viên CIA thuộc đủ mọi cấp ngành, và được sự ủng hộ mạnh từ các giới chức tình báo cao cấp nhất, trong đó có 6 cựu giám đốc CIA và 3 cựu giám đốc tình báo quốc gia, tất cả đều có đồng quan điểm cho rằng bà xứng đáng để được cơ hội điều hành cơ quan tình báo hàng đầu của quốc gia. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIA) Dan Coats nói rằng bà Haspel có đầy đủ tiêu chuẩn của một con người chính trực, luôn đứng ở tuyến đầu và nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành ngành tình báo.

Tuy nhiên, những người chống đối thì không đồng ý, cho rằng chức vụ giám đốc CIA không nên đưa cho một người đã từng giám sát một địa điểm giam giữ bí mật nơi các nghi phạm khủng bố đã bị trải qua những cuộc tra tấn. Những người này nói rằng nước Mỹ cần phải khép lại một trong những chương đen tối nhất của CIA đã làm vấy bẩn hình ảnh của nước Mỹ đối với các quốc gia đồng minh và đi ngược lại giá trị đạo đức của người dân Mỹ.
Tính ra Hoa Kỳ có tổng cộng 16 cơ quan tình báo, trong số đó CIA là được nhiều người biết tới nhất, lý do một phần có lẽ là vì hoạt động cũng như vai trò của cơ quan này trong thời chiến tranh lạnh với sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Sô.
CIA là chữ viết tắt của Central Intelligence Agency (Cơ quan Tình báo Trung ương) với nhiệm vụ chính là thu thập, đánh giá và phổ biển các tin tức tình báo ở ngoại quốc để hỗ trợ cho Tổng thống và các giới chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ trong những quyết định có liên quan đến an ninh quốc gia. Cơ quan CIA cũng có thể tham gia vào những hoạt động bí mật theo yêu cầu của tổng thống. Nhưng CIA không làm chính sách, và không được phép theo dõi các sinh hoạt của người dân Mỹ ở trong nước hoặc tham gia những vụ ám sát – mặc dù cơ quan này từng bị cáo buộc đã nhúng tay vào cả hai hoạt động trên.
Cơ quan CIA còn có nhiệm vụ làm việc chung với ngành hành pháp và lập pháp của chính phủ. Ở hành pháp, CIA phải báo cáo trực tiếp tới 3 tổ chức – Hội đồng An ninh Quốc gia (bao gồm Tổng thống, Phó tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn an ninh quốc gia); Ban Cố vấn Tình báo của Tổng thống (từ một số tổ chức tư nhân nghiên cứu về sự hiệu quả của các hoạt động của CIA); và Ban Giám sát Tình báo (có nhiệm vụ giám sát và bảo đảm việc thu thập tin tức tình báo phải hợp pháp và theo đúng luật của nước Mỹ).
Ở phía lập pháp, CIA làm việc chủ yếu với hai uỷ ban tình báo hạ viện và thượng viện. Hai uỷ ban này – cùng với những uỷ ban về ngoại giao, đối ngoại và quân sự – chịu trách nhiệm phê duyệt những chương trình hoạt động của CIA cũng như cấp ngân sách hoạt động cho cơ quan này.
Mà ngân sách của CIA – cũng như việc mướn người, cơ cấu tổ chức, lương bổng và số nhân viên của cơ quan này – đều được giữ bí mật dưới một đạo luật thông qua năm 1949. Cho đến nay người ta chỉ được biết ngân sách dành cho các hoạt động tình báo (trong đó CIA là một thành phần) trong năm 1997, năm đầu tiên ngân sách được công bố, là $26.6 tỷ. Ngân sách năm 1998 là $26.7 tỷ. Ngân sách tình báo cho tất cả những năm khác vẫn được giữ bí mật. Số nhân viên chính thức làm việc cho CIA, hầu hết là dân sự, là vào khoảng 20,000 người, còn số nhân viên hoạt động bí mật là bao nhiêu thì không ai được biết.
Sau Thế chiến II, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã phải đối đầu với một thử thánh lớn là làm thế nào để cải thiện ngành tình báo quốc gia. Vụ đánh bom Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), đã khiến Hoa Kỳ phải nhập cuộc trong Thế chiến II, được xem là một thất bại quan trọng về tình báo.
Thế nên, năm 1947, Tổng thống Harry Truman đã ký và ban hành Đạo luật An ninh Quốc gia để từ đó thành lập ra cơ quan tình báo CIA. Đạo luật này cũng đã lập ra chức vụ giám đốc tình báo trung ương và nhân vật này được trao 3 nhiệm vụ khác nhau: cố vấn cho Tổng thống về những vấn đề an ninh, đứng đầu toàn bộ các ngành tình báo của Hoa Kỳ, và đứng đầu cơ quan CIA. Cơ cấu này được sửa đổi lại vào năm 2004 với một đạo luật có tên là Đạo luật Ngăn chặn Khủng bố và Cải cách Tình báo, và qua đó lập ra chức vụ giám đốc tình báo quốc gia để giám sát tất cả các hoạt động của các cơ quan tình báo. Hiện nay, giám đốc CIA làm việc dưới quyền giám đốc tình báo quốc gia.
Kể từ Tháng Ba khi Tổng thống Donald Trump đề cử Gina Haspel vào chức vụ giám đốc CIA thì ngay sau đó đã dấy lên những làn sóng tranh cãi quanh nhân vật này là vì những hoạt động tình báo của bà trong quá khứ. Kinh nghiệm 33 năm tình báo của Haspel là điều mà không ai thắc mắc, nhưng theo nhận định của tờ New York Times, chính ưu điểm này của bà cũng lại là yếu điểm, là vì có một thời gian bà tham gia vào trong một số hoạt động mà nay bị coi là mờ ám và đi ngược lại tiêu chuẩn đạo đức.
Sau vụ khủng bố 11 Tháng 9, Gina Haspel được giao nhiệm vụ giám sát một nhà tù bí mật của CIA tại Thái Lan, nơi đây các tù nhân khủng bố phải trải qua những hình phạt tra tấn như trấn nước, không cho ngủ và liên tục bị ném vào tường (walling).
Haspel cũng từng liên quan đến vụ phá hủy gần 100 cuộn phim video quay lại cảnh tra tấn hai tù nhân, Abu Zubaydah và Abd al-Rahim al-Nashiri, đã được tờ Washington Post nêu ra trong một bài phóng sự điều tra dựa trên tài liệu nội bộ của CIA. Trong cuộc điều trần trước một uỷ ban thượng viện, bà Haspel nói rằng những cuộn băng đó chỉ thu hình vụ thẩm vấn của một tù phạm duy nhất.
Năm 2015, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Dân chủ-California, và Thượng nghị sĩ John McCain, Cộng hoà-Arizona, cùng đồng bảo trợ đạo luật cấm chính phủ Hoa Kỳ tra tấn tù phạm trong khi thẩm vấn.
Trong thời gian tranh cử Tổng thống năm 2016, ứng viên Donald Trump đã lên tiếng ủng hộ việc áp dụng lại hình phạt tra tấn. Tại một cuộc tập hợp đông người ở tiểu bang North Carolina năm 2016, ông Trump tuyên bố rằng “tra tấn mang lại hiệu quả” và nói rằng ông sẽ cho áp dụng trấn nước trở lại nếu được bầu. Nhưng kể từ khi nhậm chức, được biết Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã khuyên Tổng thống là không nên áp dụng tra tấn như một hình thức thẩm vấn tù phạm.
Nay thì bà Gina Haspel đã chính thức trở thành nữ giám đốc của cơ quan tình báo nổi tiếng CIA với nhiều trách nhiệm hệ trọng trước mắt: ngăn chặn các hoạt động khủng bố nhắm vào nước Mỹ, cố vấn cho Tổng thống về chương trình phát triển nguyên tử của Iran và Bắc Hàn, và đưa ra những nhận định và phân tích chính xác tình hình chung trên thế giới, đặc biệt là với hai đối thủ chính của nước Mỹ hiện nay là Nga, với toan tính của Putin đưa thế giới trở lại tình trạng chiến tranh lạnh như trước đây, và Trung Quốc, với tham vọng bành trướng ảnh hưởng của họ ra khắp thế giới.
VH