Menu Close

Cái nhẫn

Một buổi chiều đẹp trời, ông Tiến đang ngồi đọc báo trước nhà thì có một cô bán vé số đi ngang. Cổ đi qua khuất, rồi quay lại. Mời ông Tiến mua vé số một cách rất thân thiết cùng nụ cười lúng liếng đưa duyên. Ông Tiến định không mua nhưng thấy cổ ra vẻ thế đành phải ra tay “nghĩa hiệp”, chứng tỏ độ ga-lăng của mình kèm vài câu chọc ghẹo. Cô bán vé số không biết vì cảm động, biết ơn hay vì… mê vẻ đẹp cách mạng lão thành chói lòa của ông Tiến mà cứ cố tình xàng xê va chạm vào người ông, luôn miệng buông lời khen ngợi, làm tay chân ông Tiến cứ lúng túng. Còn “cả gan” đưa tay bóp mông ông Tiến một cái trước khi đủng đỉnh rời đi. Làm ông Tiến buông luôn tờ báo, đứng ngẩn ngơ miết…

cai-nhan4
Bà Lên chắc đang tự hỏi, sao chồng không mất mà mất cái nhẫn! Hình từ VictoriaStyle.vn

Câu chuyện “phong lưu” kia chắc hẳn sẽ được ông Tiến “sống để dạ, chết mang theo” nếu không xảy ra một sự trục trặc ngoài ý muốn. Chẳng phải ông khiêm tốn, không muốn khoe khoang độ “quyến rũ” của mình mà do ông là cán bộ hưu trí kiêm tổ trưởng khu phố kiêm hội trưởng hội người cao tuổi, được nhiều người già tín nhiệm nên phải giữ gìn tôn nghiêm. Và, quan trọng là, nhà ông Tiến có nuôi một con… vợ (đó là cách ông kể về bà). Ông luôn tự hào khoe khắp miền là “Con vợ của tôi tuy già nhưng được cái dữ và thù dai!” khi bị người đời rêu rao sợ vợ, để vợ lấn lướt.

Nói tiếp câu chuyện của ông. Về cái “sự cố” ngoài ý muốn kia, quả tình, là ngoài ý muốn thật. Trong khi cả nhà chia sẻ cảm giác sum họp hòa thuận, vui vẻ chờ đến giờ cơm vì hôm nay có hai gia đình nhỏ của hai đứa con trai ông qua thăm, bà vợ bỗng phát giác ông không đeo nhẫn, cái nhẫn có đính kim cương nhỏ tinh tế ở mặt vuông bà mới đổi cho ông hai năm trước khi bán miếng đất bên quận 12, con bà “dư” ra sau một hồi buôn bán. Ngộ cái là con của ông bà là người buôn nhưng người đứng tên các miếng đất khi “về tay” luôn là ông bà, nên tuy hưu trí đã lâu nhưng ông bà cũng rất bận rộn vì phải ký tên, tiếp khách mỗi dịp con trai kẹt công việc hoặc cần ông bà “ra mặt” buôn bán thay. Nhờ vậy, cứ lâu lâu bà lại dư ra một hai mảnh đất để dưỡng già. Vâng, chỉ có mỗi mình bà “dư ra” thôi chứ ông thì không hề! Và ông (có thể vì tuân lời vợ mà cũng có thể vì nhẫn đẹp) luôn đeo trên tay như một điểm đặc trưng khi người ta muốn nhắc về ông mà quên tên, quên cả “chức vụ”. Bà cũng có một cái nhẫn tương tự, làm cùng thời điểm với ông. Nhưng nhẫn của bà đính “cục” kim cương to hơn, nhô ra ngoài đầy kiêu hãnh chứ không sát rạt trốn trong cái mặt vuông như mẫu nhẫn đàn ông của chồng bà. Dĩ nhiên, kèm theo đó là dây chuyền, bông tai kim cương trọn bộ. Bà cưng (bộ trang sức) đến nỗi đi đâu cũng lấy ra đeo, có khi đi giữa chừng quên cũng chạy về đeo bộ trang sức rồi mới tất tả chạy đi. Không có cơ hội đi đâu thì chiều chiều, rảnh rảnh là bà lấy ra lau, soi từng chút một. Lấy máy tính ra coi chỉ số vàng, kim cương lên hay xuống, cộng, trừ với giá bà đã mua chúng. Sau đó bà hãnh diện đi khoe với ông cùng các bà “nhà giàu” trong xóm về độ lời của bộ trang sức trên. “Nhớ khi lấy ổng, người như con mắm, trên răng dưới dép. Giờ coi, ông nào cỡ tuổi ổng mà còn phong độ, khỏe khoắn, quần áo, phục sức đầy mình như ổng không?” Bà Lên-vợ ông Tiến luôn cảm thán như vậy mỗi khi có dịp. Tôi kể không phải để “tôn vinh” công lao trời biển của bà đối với ông mà là để thấy tầm quan trọng của… chiếc nhẫn đến thế nào, cũng phần nào lý giải được sự “bùng nổ cảm xúc” của bà khi phát hiện nguyên nhân mất nhẫn của ông.

cai-nhan3
Chắc do bà Lên làm quá chứ anh ca sĩ này bảo cái vỗ mông chỉ là cách chào hỏi – Hình từ Zingnews

Thiệt ra, chính ông cũng chẳng biết nhẫn mất khi nào. Ngay cả khi con trai lớn của ông mở máy, coi lại camera trong và ngoài nhà cũng không thấy tên trộm nào, ông còn vô cùng nghiêm túc ngồi nghĩ xem mình đã đi những đâu mấy ngày hôm nay. Câu chuyện bắt đầu “hé lộ” khi tên Nghị công an phường (vốn rất nịnh nọt gia đình ông) “tài lanh” xung phong truy xuất video trong camera hẻm gắn trên mấy cây cột điện, tình cờ, trước nhà ông cũng có một. Thật may cho Nghị, vì camera này mới được gắn lại sau không biết bao nhiêu lần bà con kiện tụng, la oai oái tại sao mỗi hộ đều đóng tiền đều đặn mà mỗi khi trong xóm mất chó, mất xe đòi truy xuất camera đều bị trả lời là hư, không có hình ảnh. Mà may cho tên công an phường thì lại không may cho ông Tiến. Ðoạn video hình ảnh tuy rõ ràng chân tơ kẻ tóc, nhưng rõ từng tiếng nói chọc ghẹo của ông Tiến, từng cái nhìn lúng liếng cô bán vé số, rõ luôn cả cái bóp mông và cái nắm tay cùng dáng đứng đầy hối tiếc thẫn thờ của ông sau khi cổ đi. Hình ảnh đó “tiến nhanh tiến mạnh” vào mắt vợ ông, con ông, dâu ông, cháu ông và đám “cán bộ”. Dĩ nhiên, sau đó nó sẽ không quên “tiến nhanh tiến mạnh” vào… tai của bà con cô bác xóm giềng vì xung quanh cũng có vài người “hóng” cuộc vui. Ðể “trả giá” cho sự… tiến lung tung trên mà cái video bị anh công an phường “tốt bụng” xóa sạch ngay sau đó hòng bảo toàn danh dự cho gia đình ông vì con ông không muốn truy cứu, sợ làm lớn chuyện ảnh hưởng đến tiếng tăm của họ. Với lại, tiền để “lo” cho các cán bộ đi tìm cô vé số có khi hơn cả tiền chiếc nhẫn. Rồi khi kiếm được, chưa chắc chiếc nhẫn về tay mà “lưu lạc” luôn vì giá trị của nó khá cao, dễ sanh lòng tham.

cai-nhan2
Chỉ vì cái “chào hỏi” ông Tiến mất nhẫn, mất tiền, mém mất mạng – Hình từ google

Vỡ chuyện, nhà ai nấy về. Hai gia đình nhỏ cũng “chia tay” mặc dầu rất “thông cảm” với ánh mắt “bịn rịn” của ông, vì các cháu còn nhỏ bà Lên không muốn chúng thấy bà trong tư thế nổi quạu. Có lẽ các con ông cảm động lắm, lần đầu tiên từ khi ra riêng được ông bố “mời lại ăn cơm”, người ta có câu “hoạn nạn mới thấy chân tình” quả không sai. Hai cô con dâu cứ chần chừ miết chẳng muốn về, phần vì từ khi về làm dâu đến giờ đây là lần đầu tiên cha chồng có ánh mắt cần họ giúp phần vì muốn “học hỏi” cách má chồng “xử án” nhưng “lực bất tòng tâm”. Mấy đứa cháu nội ông Tiến thì hạnh phúc lắm, lâu rồi mới được ba má dắt đi ăn tiệm. Ngoài giúp tình phụ tử, ông cháu thêm khăng khít, “sự cố” của ông cũng góp phần tích cực vào cuộc sống không ít người. Chị giúp việc nhà ông bỗng nhiên được nghỉ ngơi sớm, ra về trong hớn hở, còn được bà chủ cho hết thức ăn tối hôm đó chị đã công phu chuẩn bị cho đại gia đình, cả nhà chị được ít nhất là hai ngày ăn ngon. Mấy anh “cán bộ” phường sau khi được biếu “ít quà” mọn, cùng qua quán nhậu  bày cuộc vui. Hội bà tám trong xóm hớn hở không kém vì có đề tài mới mà bàn luận. Chị “bán vé số” chắc giờ này cũng cười tít mắt. Không biết trong bao nhiêu con người đó, có ai cảm thấy biết ơn và thương xót cho ông Tiến không? Có biết giờ ổng đang rầu rĩ ngồi nghe bà vợ gào khóc thảm thiết, mắng chửi, quăng đồ ông ra ngoài sân trong cơn đói và nỗi buồn tuyệt vọng. Ðau mất của chỉ có một, mà đau thất tình cô vé số, mất lòng tin vào nhan sắc của mình đến mười. “Hỡi thế gian, tình là gì?” Ông ngồi trơ như tượng đá, không thiết làm gì. Bà, sau khi khóc, chửi, đập, phá, quăng, quật chắc cũng mệt, bước lững thững ra quán bún bò đầu hẻm kêu một tô đặc biệt, thêm chén tái ăn lấy sức. Cả xóm thở phào nhẹ nhõm, tưởng yên tâm đi ngủ. Không ngờ, sau khi ăn no, bà Lên chạy về mắng tiếp, vì trong lúc bà đi ăn, sực nhớ đến cái… bóp của ông. Và “nhờ” vậy, ông phát giác ra mình mất luôn cái bóp đầy ắp tiền dằn túi lẫn “quỹ đen” tích góp bấy lâu. Cô vé số kia “thân thủ” thật “bất phàm”. Hồi sớm, qua những câu chửi tiếng được tiếng mất thì ai cũng nhận thấy, bà ghen chỉ có một nửa nhưng tiếc của tới 9.5 nhưng vẫn còn lưu tình, kêu chồng bằng “ông” xưng “tôi” chuẩn mực. Giờ thì cái sự tiếc của của bà “nâng lên một tầm cao mới”, không có chỉ số nào vươn tới được. Lần này (có thể nhờ tô bún bò đặc biệt và chén tái kia) mà bà càng mắng càng hăng, kêu luôn chồng bằng “mày” xưng “tao” lỗ mãng, từ ngữ cũng dần nặng nề thêm. Ông sau một hồi câm nín, thẹn quá hóa giận cũng gào lại với bà, đập đồ ầm ầm.

cai-nhan1
Ông Tiến cũng có thẻ đảng nhưng tiếc là chẳng dọa được bà Lên vì bả cũng có – Hình từ Facebook

Có thể nỗi đau của ông, nỗi tiếc của bà sẽ vơi dần sau những tiếng chửi, tiếng đập nhưng trời thì càng lúc càng chẳng hề bớt… khuya. Xóm đa phần là người còn phải đi học, đi làm lẫn em bé còn nhỏ. Tuy rất thông cảm với nỗi đau của ông bà nhưng nhiều người chịu không nổi, chạy qua phường (cùng trong khu phố) kêu cứu nhưng mấy “ảnh” phần vì đang nhậu ngon phần vì không dám “đụng” đến “ân nhân” của bữa nhậu nên cứ thoái thác dần rồi chối thẳng thừng. Tính ra, chuyện này phải gọi “cán bộ” của ban hôn nhân gia đình ra giải quyết, cũng không biết giải quyết được hay không vì bà Lên là hội trưởng hội phụ nữ phường, còn ông Tiến là hội trưởng hội người cao tuổi kiêm tổ trưởng khu phố, khó mà xử trí. Có mấy nhà mở cửa ngó ra rồi đóng cửa, có vài người gom lại trước nhà ông bà xì xào bàn luận, mấy con chó khoái chí vì bất ngờ được mở cửa ra đường nửa khuya cũng chạy loạn xạ. Hẻm náo nhiệt y như Tết nhưng mặt ai cũng không vui. Có người muốn lại khuyên giải nhưng khi lại gần cái cổng sắt, chạm vào ánh mắt bà Lên thì lại đi ra. Bà Lên thấy có nhiều người, như thêm phần uất ức, kể tội chồng lại từ đầu, những câu chửi mọi người đã nghe được lặp lại lần nữa. Tự thấy sai lầm, mọi người nhìn nhau chua xót, định cất bước về. Ông Quang bợm (nghe đồn là cựu “cán bộ” Bộ Giáo Dục về hưu) cũng mở cửa ngất ngưởng đi ra, mùi rượu nồng nặc chua lòm. Không ai chú ý, phần vì không dám/muốn dây vào, ông ta rất lịch sự khi tỉnh nhưng khi say đánh chửi cả mẹ già, quăng con chó từ tầng ba xuống đất. Ổng nghiện rượu nhiều năm nay, từ lúc còn tại vị. Nhưng chừng 10 giây sau, ông ta buộc tất cả mọi người đồng loạt chú ý, bằng cách quăng vào nhà ông Tiến hai con dao. Ông Quang bợm hét lên giữa đêm khuya:

– Ðâm đi, không thì mở cửa cho tao dzô đâm. Thằng Nghị nói có án mạng hẳn gọi nó mà giờ tao buồn ngủ rồi!

cai-nhan
Có thể đây kêu hoài công an không đến khi chưa có án mạng vì họ sợ ông bà Tiến cãi nhau giả – Từ vietnamnet

DU