Menu Close

Lão già cùng chuyến xe buýt

1.

Tôi thường gặp vợ chồng lão già đi cùng chuyến xe buýt số 64 của thành phố San Jose này. Khác với sự thoải mái của tôi, một mình với sách cặp đến trường, lão khi nào cũng bận bịu với người vợ bại liệt phải ngồi xe lăn.

Hai vợ chồng vẻ nghèo nàn. Người vợ gầy gò, nước da nhăn tụm, hơi thở mệt nhọc giống bệnh suyễn. Chiếc xe đẩy nặng thêm khi phải đèo cái bình dưỡng khí bên cạnh. Lão râu tóc lởm chởm do biếng cạo. Má hóp do thiếu răng làm khuôn mặt co rúm, đôi mắt nhỏ bé, nhíu lại nằm dưới hai hàng lông mày bạc trắng. Da mặt lão mốc thếch, đỏ ửng, hai bên má bị che mất bởi đám râu bạc. Cái mũ trùm đầu bằng nỉ, bạc phếch, che gọn đầu tóc ông ta.

Ðưa vợ lên xe xong, không đợi người tài xế làm bổn phận trợ giúp cho người khuyết tật, lão nhanh nhẹn cột dây an toàn cho chiếc xe đẩy. Lão thành thạo khi từng vị trí cột dây an toàn ở đâu lão đều biết. Những người tài xế coi bộ quen mặt vợ chồng này nên để yên cho lão làm nhiệm vụ người chồng.

lao-gia-cung-chuyen-xe-buyt
Thắm Nguyễn

Tôi lặng lẽ quan sát. Ðứng bên vợ nói chuyện với đôi ba hành khách, xem chừng lão thích thú và hạnh phúc với bổn phận. Chưa bao giờ tôi thấy lão to tiếng hay cằn nhằn do hàng ngày phải làm công việc đơn điệu – đẩy xe cho vợ. Có thể tôi đoán đúng. Lão là người duy nhất phải chăm lo từng “miếng ăn giấc ngủ” cho bà ở nhà nữa.

Người chồng già nua này đang hãnh diện với công việc. Chăm sóc người vợ không còn một chút khả năng, nói đúng hơn là một “gánh nặng” đối với cách nghĩ của người khác. Riêng tôi, mọi dịp gặp hai vợ chồng này trên chuyến xe buýt, chưa bao giờ tôi thấy người chồng ra vẻ bực dọc bên chiếc xe lăn.

Có điều lão nói hơi nhiều!

Khi chiếc xe lăn được cột yên vào vị trí chỉ định, là lúc lão bắt chuyện ngay với người khác. Lão nói đủ thứ chuyện. Ai cũng nhận ra chút gì đó hưng phấn, vui vẻ, niềm hạnh phúc quá dễ dàng bắt gặp trên gương mặt xương xẩu, khô khốc kia. Phẩm chất một người chồng tận tụy, chung thủy đang thể hiện qua sự phục vụ cho một bà lão, khó tánh, hay gắt gỏng, do không còn một khả năng di chuyển, phải ngồi mãi trên chiếc xe lăn.

Người ta còn thêm một cảm nghĩ rằng: lão phục vụ người vợ, là niềm vui duy nhất, không thể thiếu và dường như lão “cần vậy” là đằng khác. Vui vẻ trên xe với mọi người; thỉnh thoảng lão cúi thấp, nho nhỏ nói vài câu với bà như “dỗ dành đứa trẻ”. Giọng ngọt ngào, mơn trớn. Hai hàm râu bên má lão rung rung theo lời nói, đôi khi tôi cảm thấy động lòng.

Ước gì mình có một ít tính “kiên trì và chịu đựng” như lão!

Có thể tôi sai, có phần xúc phạm với lão, giá như lão biết rằng tôi dùng hai chữ “chịu đựng”.

Hai vợ chồng đó hay xuống xe vào nửa đường, gần downtown San Jose. Bà tiếp tục càu nhàu ngay khi xuống trạm. Tôi ngoái theo nhìn. Dáng lão vừa đẩy xe cho vợ đi nhanh vừa chỉ trỏ như làm trò “con rối” cho bà vui.

2.

Mùa xuân năm nay, cũng trên chuyến xe 64 này tôi thấy vắng bóng vợ chồng kia cùng chiếc xe lăn. Bỗng một hôm, có một ông già lên xe. Sau vài phút để ý, tôi nhận ngay chính là lão già năm ngoái.

Nhưng lần này lão leo lên xe một mình. Khuôn mặt ông già năm nay co rúm nhiều hơn. Màu râu nay bạc hơn, rậm rạp, lởm chởm đến mức độ “gớm ghiếc”! Hai con mắt ti hí đen thẫm, như một vũ trụ đen tối, sâu thẳm, càng khó đoán ông đang nhìn ai?

Tôi nhận ra lưng lão càng gù hơn trước. Tay xách thêm một cái túi cũ mèm đựng những thứ lỉnh kỉnh, lão ngồi co ro đằng góc xa của dãy ghế trống do toán học sinh vừa xuống. Lão thỉnh thoảng nói lẩm bẩm, không ai nghe. Thỉnh thoảng lão húng  hắng ho; có khi lão cố gắng dằn cơn ho lại sợ phiền lòng người khác.

Tôi cầm lòng không được:

– Chào ông, ông còn nhớ tôi không?

Lão ngẩng lên một lát:

– À…à! tôi nhớ anh… anh hay đi về downtown; tôi thường gặp mà.

Tôi thấy thoải mái hơn khi lão nhận ra mình.

Ngần ngừ ít giây, tôi đánh bạo hỏi:

– Thế thì vợ ông đâu?

Lão chợt chỉ ngón tay lên trời:

– Bà ấy mất rồi.

– Ô! xin chia buồn cùng ông.

– Bà ra đi ngay mùa Christmas năm ngoái.

Tôi ái ngại an ủi:

– Tôi tin bà lên thiên đường rồi ông ạ.

Bắt chước ông ta, tôi vừa nói vừa chỉ ngón tay lên trời.

Bỗng lão chợt vui, đôi mắt như sáng hơn, rồi lại đưa ngón tay lên trời thêm lần nữa. Có điều tôi tin, ông già này hiện đang sống cô độc. Lão từng vui với công việc là người tự nguyện đẩy xe và săn sóc vợ. Giờ người vợ bệnh hoạn kia bỏ lão một mình để “lên thiên đường” trước, thì sao lão tránh được buồn rầu và suy sụp?

Hôm nay tôi là người duy nhất bắt chuyện với lão. Trong tiếng ho kia, lão tự biết thân phận ngồi chỗ nào xa, kín đáo, để khỏi khó chịu cho ai. Tôi chào lão, nắm chặt song vịn sát trần, bước lui ít bước để khỏi làm phiền lão.

Chiếc xe buýt hàng ngày vẫn đón vài người tật nguyền đi xe lăn như người vợ quá cố của lão. Có những người già, những đứa bé bị bệnh down đi xe lăn. Anh tài xế vẫn kiên trì làm công việc thường nhật là móc dây an toàn cho từng người khách bệnh hoạn này khỏi chao chạnh lúc xe chạy. Giờ lão là người hết nhiệm vụ. Người thân yêu nhất kia đã vĩnh viễn chia tay ra đi. Lão là người “ở lại” trên cõi trần này buồn nhiều hơn vui. Giờ con người này thật sự cô độc, trong một xã hội không có thứ văn hoá “tam đại, tứ đại đồng đường”. Bà lão còn sống, lão là người chăm sóc. Nay bà lão ra đi, để lão một mình trơ trọi, không ai săn sóc, không ai ở kề.

Lão lại tiếp tục húng hắng ho, tiếp tục che miệng hay cúi gằm xuống lẩm bẩm nói một mình. Có thể ông già đang tâm sự với bà trong chốn vô hình nào chăng?

Nửa đường, ông già xuống xe. Cái túi đựng thức ăn của lão lộ lên hàng chữ “Cơ Quan Cứu Tế CITY TEAM San Jose”; bên trong chắc hẳn là một số đồ hộp thức ăn cấp phát cho người nghèo.

Chiếc xe tiếp tục chạy. Tôi ngoái lại nhìn, hình bóng con người cô đơn kia lảo đảo bước về hướng khác để lại cái bảng hiệu ngừng xe bơ vơ bên đường.

ĐHL