Menu Close

BMI vs BVI

BMI (Body Mass Index – Chỉ số thể lượng) là phương pháp đo chất béo cơ thể dựa trên sức nặng và chiều cao, đã áp dụng từ thập niên 1830.

BMI tuy khá phổ biến, nhưng còn khiếm khuyết vì chỉ đo chiều cao và cân nặng mà không tính đến chất béo nơi bụng, thế nên, một số người tuy gầy mà có bắp thịt lớn, nếu đo theo BMI có thể bị liệt vào loại “quá cân (overweight)”.

Các nhà nghiên cứu tại Mayo Clinic đã công bố một công cụ mới, có thể thay đổi cách tính toán thể lực, đó là BVI (Body Volume Indicator: Kim chỉ thể khối).

bmi-vs-bvi1

Cách đo là so sánh tỷ lệ toàn bộ khối (volume) cơ thể với khối bụng. Ta có thể tự tính toán lấy hoặc dùng app.

Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng nhìn vòng bụng ta biết được sức khỏe. Ngay từ năm 2005 các chuyên viên tại Harvard Medical School đã cho biết: Về sức khỏe, vấn đề không phải là bạn cân nặng bao nhiêu, mà là có bao nhiêu chất béo ở bụng.

Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy nếu khối mỡ bụng lớn thì càng có nguy cơ bị bệnh tim và tiểu đường loại 2. Dữ liệu từ Cuộc nghiên cứu năm 2012 trên 340 ngàn người Âu châu cho thấy những người cân nặng quá mức và đàn bà vòng bụng từ 34.5 inch (87.63 cm) trở lên, đàn ông vòng bụng từ 40 inch (101.6 cm) đều có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 như người được chẩn đoán mắc bệnh mập phì.

bmi-vs-bvi

Các nhà khoa học còn chưa rõ tại sao mỡ dư chung quanh bụng lại liên quan đến kết quả tiêu cực về sức khỏe, nhưng họ nghĩ chất béo nội tạng (visceral fat) có thể làm trở ngại sự hoạt động bình thường của các cơ quan bên trong.

Các nhà nghiên cứu về BVI cũng cộng tác với Select Research, một công ty kỹ thuật chụp hình thân thể, để tạo ra một app tương ứng, có thể so sánh hình ảnh một người chụp từ bên cạnh với hình chụp toàn thân người đó để ước định tỷ lệ BVI.

Đo trọng lượng và chất béo cơ thể, đặc biệt ở vòng bụng, BVI là một công cụ chẩn đoán mới và có nhiều tiềm năng phát triển để thay thế BMI.

Triệu Minh