“TẬP” 2
Tôi thỉnh thoảng nghe vài người ở tiểu bang khác qua chơi ở Little Sài Gòn (quận Cam, Nam Cali), hễ có điều gì không vừa ý, phiền phức, họ lại ta thán bằng câu: “Tưởng người Việt ở Little Sài Gòn sống bên Mỹ mấy chục năm rồi thì phải cư xử theo văn minh của người Mỹ, không ngờ vẫn quê mùa, thô lỗ như ở Việt Nam”. Tôi rất lấy làm dị ứng với câu đó, hễ cái gì xấu là đổ lỗi “ở Mỹ lâu năm mà không văn minh”, “quê mùa”.

Trước tiên, tôi khẳng định “quê mùa” không đồng nghĩa với kém văn minh. Người xưa có câu: Sách vở là tri thức, là kho tàng văn hóa nhân loại. Khi tôi bắt đầu có nhận thức rõ ràng về cuộc sống xung quanh mình thì cũng là cả nước rơi vào giai đoạn đói nghèo xơ xác nhờ “ơn đảng, ơn bác”, đi đâu cũng toàn “xe căng hải”. Từ nhà tôi ở huyện lên thị xã (nhà ngoại) cách có 20 chục cây số thôi mà ta nói nó xa xôi, gian khổ, y như thời bà Nguyễn Thị Tồn (vợ ông Bùi Hữu Nghĩa) từ Trà Vinh đi bộ lên Kinh thành Huế “kích cổ đăng văn” gặp vua Tự Ðức kêu oan cho chồng vậy. Tôi chưa từng được hạnh phúc sống trong xã hội văn minh ở Sài Gòn (thời mà Thủ tướng Lý Quang Diệu mơ ước), chưa từng một lần đến các nước tư bản phương Tây. Như vậy, tôi vốn dĩ đúng nghĩa với khái niệm “người nhà quê”, nhưng tôi hiểu cung cách ứng xử, phong tục tập quán, lịch sử cuộc nội chiến Bắc-Nam của nước Mỹ nhờ vào nguồn tri thức vô tận của gia đình bên ngoại tôi: Sách cũ từ thời Pháp, sách xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975. Những ai đã sanh trưởng ở miền Nam thập niên 70 trở về trước đều biết rằng, người ta dạy văn hóa ứng xử, tinh thần nghĩa khí, tiết tháo, tính khôi hài, cương quyết, nhẫn nại, hiếu học, gương danh nhân… qua tủ sách “Học Làm Người” cho công dân, mà không cần phải đến trường.
Năm 2015, tôi mới qua Mỹ được một tháng, có lão (qua trước tôi) chở tôi đi San Diego thăm nhà vài người quen. Xe chạy trên đường freeway, đoạn nào thì tôi không nhớ nữa, hai bên đường đất đồi hoang vắng chỉ có cây mọc lưa thưa, xa xa vài căn nhà. Lão ấy phán: “Chỗ này tan hoang giống Sài Gòn sau giải phóng”. Tôi bực mình quá, trả lời: “Anh vô Sài Gòn từ năm 1976, trước đó cộng sản nó vô cướp phá sạch hết rồi, làm sao mà không tan hoang. Anh biết mẹ gì Sài Gòn trước năm 1975 mà nói”. Lão im re, tôi nói xong hả cơn giận rồi nghĩ lại: “Ờ, sao mình tạt nước lạnh mạnh thế, làm quê độ người ta”.
Trở lại vấn đề trên, đâu phải cứ gặp bản mặt ở Little Sài Gòn là “sống lâu năm ở Mỹ”. Hỡi ơi, tôi rất lấy làm đau đớn “thành kính phân ưu” với quý vị rằng: Little Sài Gòn bây giờ tràn ngập người Việt “mới”.
Năm ngoái, tôi đi dự lễ tưởng niệm ông Nguyễn Thái Học và các anh hùng Yên Bái, thơ mời ghi rõ “Có ăn nhẹ buổi trưa”, vào cửa tự do. Tôi ngồi ở hàng ghế thứ tư, cạnh bên một bà ăn mặc áo dài sang trọng, dẫn theo hai đứa bé, một cháu 7 tuổi, một cháu 15 tuổi, mà bà giới thiệu là con bà. Ðến khoảng 10:00 AM thì nghe phía sau lao xao, nhưng tôi không ngoái lại coi chuyện gì, vì diễn giả đang nói chuyện trên bục. Vài phút sau, thấy hai đứa bé bê hai dĩa thức ăn lên ghế cử tọa ngồi ăn. Ðến khoảng 12:00 AM, Ban tổ chức tuyên bố nghỉ giải lao và mời khách ăn nhẹ buổi trưa. Tôi đi xuống cuối phòng (nơi có hai dãy bàn dài bày thức ăn nhanh) thì hỡi ơi, các mâm vuông đựng thức ăn to đùng đã vơi gần hết, có mâm trống lốc luôn. Có nhiều người đang lấy thức ăn vô dĩa cầm trên tay. Tôi xếp hàng chờ đến lượt mình thì có mấy người sau lưng tôi chen lên nhào vô trám chỗ đứng lấy thức ăn của người mới vừa bê dĩa đi. Tôi nhìn thấy một bà khoảng hơn 60, lấy một dĩa đầy vun chùn bê về chỗ ngồi của bà, xong quay lại lấy thêm dĩa khác. Ngạc nhiên vô cùng, không ngờ ở ngay chỗ này cũng có người coi miếng ăn quan trọng đến vậy. Khi đến lượt tôi tiến lên thì gần như không còn gì trong các mâm. Có lẽ tôi cũng nhịn bữa trưa luôn nếu không có một ông trong Ban tổ chức (quen với tôi) dúi cho dĩa bánh bột lọc Huế mời tôi ăn để thưởng thức tài nghệ làm bánh của ông: “Ăn thử đi, bánh này tui mới làm hôm qua đó, hồi trước tui có nấu ăn ở nhà hàng nên biết nấu nhiều thứ”. Tôi nhìn quanh, thấy có lẽ đây là buổi meeting có nhiều trẻ em tham dự nhất trong tất cả các buổi meeting tôi từng dự, có lẽ do thơ mời ghi “Có ăn nhẹ buổi trưa”(?!)

Sợ nhứt là vô quán ăn, nhà hàng, quán coffee, mall trong khu Việt Nam. Ðây là những chỗ người Việt “mới” nói cười oang oang, hô hố, ha há… như muốn tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn về nhìn và “buộc phải nghe” câu chuyện của họ đang nói với nhau. Sở dĩ tôi biết họ là người Việt “mới” vì nội dung họ trao đổi bao giờ cũng là: Qua lúc nào? Ở đâu? Thi quốc tịch chưa? Có xin được tiền gì không? Có đi học làm nails chưa? Chừng nào về Việt Nam? Về thì xài giấy tờ Việt Nam cho đỡ đóng phí nhập cảnh, v.v… Trong quán coffee họ “tám” chuyện ca sĩ “đợt sóng mới”, diễn viên phim hiện ở Việt Nam.
Khu vực Little Sài Gòn và vùng phụ cận có ít nhất là ba tiệm Costco, nhưng tôi ghét nhứt là đi mua sắm ở Costco tại thành phố Garden Grove, nơi có quá nhiều người Việt “mới” vừa đi tìm hàng hóa vừa cầm điện thoại oang oang nói ngọng kiểu: “Nên (lên) bao giờ? Tôi đã lói (nói) thế rồi. Cứ nàm (làm) như tôi bảo…”. Kinh dị hơn là họ lái xe đi ngược chiều mũi tên trắng vẽ trong parking, chen lấn chỗ đậu xe, chen lấn để ra, vô… làm cho luôn luôn xảy ra tình trạng kẹt- xe- trong- parking.
Các chợ Việt càng loạn xạ hơn khi xe mua hàng của chợ đẩy ra xong là bỏ ngổn ngang dù chợ nào cũng có chỗ để xe hàng trong parking. Có lần, bạn tôi chở tôi từ chợ Thuận Phát (thành phố Westminster) đi ra, gặp một xe màu trắng mới tinh do ông tóc bạc cầm lái chạy ngược chiều chắn trước đầu xe chúng tôi. Bạn tôi nhấn còi xe. Mẹ già khoảng 60 tuổi ngồi cạnh ông tóc bạc mở cửa nhảy ra quát ầm lên: “You không biết lịch sự. Tại sao bóp còi mà không tránh đường?”. Bạn tôi hạ kiếng xe, thò tay ra giơ ngón giữa với “mẹ già” và tiếp tục nhấn còi. Tôi nhìn vô kiếng hậu, thấy đàng sau xe tôi là một hàng bốn năm chiếc khác đang chờ và họ cũng bắt đầu nhấn còi xe inh ỏi. “Mẹ già” kia quê độ quá, vội vàng tót lên xe ngồi, đóng cửa lại, ông tóc bạc đánh tay lái qua phía phải nhường đường cho xe chúng tôi đi ra. Bạn tôi nói: “Mụ ấy còn đứng đó la lối thì đám đàng sau nó nhảy ra quánh cho phù mỏ luôn á. Nghe tiếng còi là biết nó bắt đầu nổi khùng lên rồi.”
Cách đây vài hôm, tôi đang lái xe trên đường Brookhurst, là một trong số vài con đường chính đi xuyên qua các thành phố Fountain Valley, Westminster, Garden Grove, Anaheim và nối vô freeway liên bang. Gần đến ngã tư Brookhurst- Katella thì nghe tiếng còi xe ti..i..i…i..i..n..ti..i..i..i..i..i..i..n… thiệt lớn kéo dài. Nhìn vô kiếng hậu, thấy đường không nhiều xe lắm, cách hơn trăm mét đàng sau có một “con” Sport Honda màu đen bóng lộn, cao nghều nghệu (đời mới) đang vừa chạy vừa kêu. Tưởng gì, hóa ra là nó vô only để quẹo trái, mà trước mặt nó không hề có xe nào. Ðây đích thị 100% là lái xe kiểu Việt Nam, phải “to mồm” để người ta sợ dạt ra hai bên, né cho nó chạy; chớ nó không biết bên đây lane ai người đó chạy, trừ các xe phải né theo luật định (cứu hỏa, cứu thương, v.v…) thì chẳng cần phải tránh đường đứa nào vì nó “to mồm”. Giá thị trường Mỹ hiện nay “con” Sport Honda đó hơn ba chục ngàn Mỹ kim. Than ôi! Có nhiều tiền không hẳn đã là văn minh.
Khi tôi mới qua Mỹ, ông anh (lão làng nghề báo, vợ con nhà cửa đàng hoàng) nói với tôi rằng: “Tôi nói thiệt với cô Tần, cả đời tôi cho đến nay tôi chỉ có một bộ đồ veston mắc tiền nhứt mua giá $200 khi tôi làm đám cưới, còn lại những bộ khác đều dưới giá đó nhiều. Tôi thấy ông (XYZ) mới qua mà mua bộ đồ $500 tôi ngạc nhiên quá, cô đừng nên ăn xài phung phí giống như vậy, không tốt đâu”.
Thầy giáo tôi, 75 tuổi, là cựu quân nhân Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam và bị tù cộng sản bốn năm. Ông nói ông đang đi chiếc Ford 1997 và ông yêu thích nó, không muốn đổi xe mới, tiền trợ cấp cựu quân nhân và lương giáo viên ông dùng đi du lịch khắp thế giới và làm từ thiện. Những người Việt “mới” mà tôi đã từng tiếp xúc, nhìn bên ngoài ăn mặc cũng bình thường (nếu không muốn nói là quê kệch, xấu xí), đang học làm nails và sống phụ thuộc gia đình; nhưng ai hỏi “Thường mua sắm ở đâu? Ði chơi cuối tuần ở đâu? Ði xe gì?” thì đều có đáp án chung là mua sắm ở Macy’s, chơi cuối tuần ở Las Vegas, hoặc “go to the beach”(!), lái xe đời 2015 trở lên, đến mức cô giáo cũng há hốc mồm luôn. Mỗi lần nghe người Việt mới “nổ” như vậy là tôi đều nhớ đến câu nói của ông nhà báo lão làng. Tuy nhiên, họ lại thà chạy xe nhiều vòng quanh các khu chợ gần trường học tìm chỗ đậu xe free và đi bộ rất xa tới trường, thường xuyên đi học trễ cả giờ đồng hồ, chớ không chịu bỏ ra $30/ba tháng để mua thẻ đậu xe ở parking gần trường, về khoản này tôi thấy tôi “sang trọng” hơn họ. Chưa kể những lúc trời lạnh căm căm mà phải “bị coi” những cặp giò bự và ngắn như bắp chuối, màu nâu nâu đen đen, mốc mốc và tím tái đi vì lạnh, trong khi chủ- nhân- của- cặp- giò đang tròng cái áo khoác lông dày to sụ che hết đầu tóc và thân mình.
Chuyện về người Việt “mới” còn dài, e rằng phải viết thành tập truyện mới cân xứng “tầm vóc” nội dung (!?)
TPT