Menu Close

Những khuôn mặt của một thời

Nguyễn Ðính tức Trần Vàng Sao vừa mới ra đi. Chiều ngày 9 tháng 5, anh em bạn bè viết văn, làm nghệ thuật, có Bửu Ý, Phạm Văn Hạng, Nguyễn Phước Bửu Nam… ngồi lại bên nhau, cùng uống chén rượu, tiễn đưa người bạn thân lên đường sau những chuỗi dài hệ lụy ở nơi bụi đỏ này.

Ðính ra đi, gợi lại trong lòng mình nhiều thương cảm. Nhớ ngày xưa ở Vương Phủ – Vỹ Dạ, Huế. Ngày nhỏ cùng đi Phật Tử. Lớn lên làm thơ, viết văn. Nhưng rồi đường chia đôi ngả. Mình vô Sài Gòn ghi danh Luật, dạy học, đi lính, đi tù CS. Còn Ðính sau những năm tháng tuổi thơ cô độc và cực nhọc, vào được Ðại học Huế; tham gia phong trào sinh viên, phản đối sự hiện diện của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam. Thuộc thế hệ trí thức “dấn thân”, Ðính hoạt động bí mật, viết báo, rải truyền đơn, vận động sinh viên xuống đường…  Rồi bị lộ, cuối năm 1965, Ðính vô bưng, ra Hà Nội. Từ đây bắt đầu những chuỗi dài tháng năm oan khốc do bị thanh trừng, đàn áp.

nhung-khuon-mat-cua-mot-thoi2
Nguyễn Đính – Trần Vàng Sao

Câu chuyện Nguyễn Ðính gợi mình nghĩ tới biết bao khuôn mặt khác của một thời, số lớn từng là bạn bè như Ðính.

Bầu trời VN những năm ấy đầy mây bão. Nguyễn muốn nói tới khoảng thời gian từ 1963 đến sau Hiệp định Paris 1972. Khởi đầu là những ca khúc buồn đến não lòng, dã dượi châu thân: Lời Buồn Thánh rồi Xin Mặt Trời Ngủ Yên có khác gì Sombre Dimanche, may mà không gây ra tự tử hàng loạt. Không gây ra tự tử nhưng đêm đêm ở Tuyệt Tình Cốc, hay một ngôi nhà nào đó bên dòng sông An Cựu, hay trong trụ sở Tổng Hội Sinh Viên Huế, những ca khúc vừa nói cùng với những bài ca bắt đầu có mùi phản chiến làm cháy lòng người, khiến tuổi trẻ gục đầu hoặc vùng lên gào thét giận dữ. Tất cả có lẽ nhóm lên từ Huế rồi bùng lớn thành biểu tình, đốt xe cảnh sát xe quân đội, chiếm lĩnh sân khấu ca nhạc, chiếm đài phát thanh, bắn người – như Hoàng Xuân Sơn đã kể lại trên Phố Văn báo in vụ hai sinh viên (thật hay giả?) lên sân khấu giật micro, hô hào kỷ niệm ngày thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (hỡi ơi, về sau này mới lộ rõ sự ngu xuẩn của một niềm tin: MTGPMN chỉ là một thứ công cụ trong tay quỷ dữ, một thứ hình nộm bốc cháy ngay sau khi Cộng Sản Bắc Việt, với dép râu, nón cối, AK và xe tăng chiếm được Miền Nam).

nhung-khuon-mat-cua-mot-thoi1
Nguyễn Ước

Vừa qua, đọc bài Nguyễn Ước viết về những ảnh bóng như hư như thực của một thời, lòng Nguyễn thấy nặng trĩu và ngập đầy ưu tư. Trong đó có sự thương mến lẫn với lòng giận dữ, bất bình rồi cuối cùng là nỗi xót xa. Trịnh Công Sơn chỉ là chút hơi hướm xúc tác, Ngô Kha như một luồng điện làm nhá lên ngọn lửa. Cả hai đều là trong chỗ bạn bè thân thiết. Cùng một khóa ở Thủ Ðức rồi đi vào cơn bão thời đại. Nguyễn hiểu, rất hiểu mấy câu thơ của Ngô Kha: Con đã đi bao năm / mẹ không rời ngưỡng cửa / và nay gió cũng tang bồng / nhưng thi sĩ vẫn nằm im trong nhà tù vĩnh cửu…Ngoài ra Nguyễn cũng rất thích thơ siêu thực của bạn: bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông/ đọc diễn văn truy tặng người đãng trí/ ngày nằm bệnh tôi mơ thấy vòng tay núi/ khúc hát ngu ngơ của bông lau/ tháng giêng từ giã thuốc đắng đi tìm cỏ may/ tôi không thấy nàng mặc áo chim/ chỉ có người hư vô và mặt trời/ tôi đếm dấu chân nai trên bản chúc thư tình yêu… (Trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí). Một lần ngồi uống bia với nhau ở nhà hàng Mekong Ðà Lạt (khoảng những năm 1970 hay 1971 – lúc ấy cuộc hôn nhân của Ngô Kha và Thúy em Sơn đã đổ vỡ, Ngô Kha nói với Nguyễn: “Moi nhất định dấn thân. Toi thử coi moi còn gì nữa đâu, chỉ còn một mẹ già… Nhưng moi là type révolutionaire chứ không phải homme politique, toi hiểu không?” Mình chỉ nhẹ nhàng nói với bạn: “Ngô Kha làm gì thì làm chớ đừng Cộng Sản -cái đó thì mình chống.” Thế rồi chia tay, không bao giờ gặp lại. Hồi ở Huế, Ngô Kha, mình và Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng học một trường, ở Quốc Học. Sau 1965, gặp lại nhau ở Ðà Lạt, lúc bấy giờ Tường dạy triết ở Huế. Một vài năm sau, Tường viết thư cho bạn nói đã đến lúc dấn thân vào bạo lực, sắt máu. Và quả đúng như thế, Mậu Thân 1968 bùng lên với biết bao oan khốc. Lê Văn Ngăn thời ấy làm trong Quân Tiếp Vụ Ðà Lạt-Tuyên Ðức. Khi mình rời Ðà Lạt cuối năm 1973, Ngăn dặn dò “trong chức vụ mới, với cấp bậc của mình, anh thận trọng, đừng làm điều gì quá tay.” Nghe bạn nói, mình hiểu tấm lòng của bạn, nhưng có gì đâu mà chức vụ với cấp bậc để có thể gọi là gây hại cho người khác. Lê Nhược Thủy thì gặp ở Pleiku, cả Phương Huệ trước đó cùng dạy ở Văn Học của Chử Bá Anh ở Ðà Lạt. Mãi tới bây giờ, đọc bài của Nguyễn Ước, mới biết Thủy có tham gia phong trào Sinh Viên Học Sinh, sau làm cho tờ Thanh Niên ở trong nước. Với Nguyễn Ðắc Xuân, chỉ gặp anh ta một lần ở Ðà Lạt, không có cảm tình gì, khi đọc tuyên bố của anh ta trên net ca ngợi Nghị Quyết 36 của Việt Cộng, lòng bỗng thấy kinh tởm. “Yêu ai cứ bảo là yêu…” vậy mà.

nhung-khuon-mat-cua-mot-thoi4
Hoàng Phủ Ngọc Tường

Bây giờ, nhìn lại những con người của một thời đã qua, lòng CL cứ bồng bềnh như vừa sau cơn bão. Thương, giận và xót xa. Họ đi đâu, về đâu sau 1975? Thì đã rõ, không có ai được Ðảng và Nhà Nước ưu ái và đãi ngộ xứng đáng. Chỉ là những con rối, diễn viên của vở kịch tồi một thời. Ấy vậy mà do nhiệt tình và sự bồng bột, cả tin của trí thức nghệ sĩ, những diễn viên nói trên đã diễn cứ y như là thật. Và đúng như Nguyễn Ước nói, nếu không ở dưới chế độ dân chủ tự do, được các chính sách, quy định và luật pháp VNCH bảo vệ thì tất cả đã chết ráo. Mà họ đều là thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ ít nhiều đều có tài, do đó hành xử theo lý tưởng, chân thành và cuồng nhiệt. Ðáng thương và đáng quý là thế, nhưng cũng vô cùng đáng giận.

nhung-khuon-mat-cua-mot-thoi
Nguyễn Đắc Xuân

Thôi, Nguyễn ngừng đoạn viết ở đây. Chiều nay sao nhiều mây, và đêm không chừng có thunderstorm thắp sáng khu vườn.

nhung-khuon-mat-cua-mot-thoi3
Ngô Kha

TN – Viết trong tháng 4. 2005

Nhuận sắc tháng 5. 2018