Menu Close

Quảng Hương Già Lam

Ngày nay, người Sài Gòn nhất là dân sống tại Gò Vấp đều biết “hẻm thiền” tại số 498 trên đường Lê Quang Định. Gọi là “hẻm thiền” do trong con hẻm này có đến 4 ngôi chùa toạ lạc gần với nhau. Trừ Chùa Huệ Đức, ba chùa còn lại gọi đúng tên là Tịnh xá Châu An, Tịnh xá Ngọc Phương, Tu viện Quảng Hương Già Lam. Nói chung, tất cả đều gọi là chùa. Trong đó, Chùa Châu An và Chùa Quảng Hương Già Lam được xây dựng thuở thập niên 1950-1960. Riêng Quảng Hương Già Lam rộng lớn nhất, là nơi đào tạo tăng sinh cấp cao để hoằng dương Phật Pháp.

quang-huong-gia-lam3
Chùa Quảng Hương Già Lam với kiểu dáng nhà rường xứ Huế. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tôi bắt gặp một bài viết kỷ niệm Chùa Già Lam của Tâm Không Vĩnh Hữu về thăm lại chốn xưa mà thời gian cách xa có là bao, gần 40 năm nhưng không gian đã đổi thay nhiều lắm. “Cảnh vật đổi thay hoàn toàn khác. Người cũ bóng xưa cũng đều đã biệt tăm mất dạng. Bước loanh quanh thơ thẩn quanh sân Chùa, tôi không khỏi bồi hồi và ngậm ngùi trước bao biến đổi của chốn Già Lam thánh chúng mà những hình ảnh xưa xa vẫn còn lưu đọng trong ký ức nhạt nhòa… Xưa, tôi nhớ là Chùa nằm ngoài mặt tiền lộ, nhưng nay đã bị đẩy sâu vào bên trong hẻm nhỏ. Ðường vào Chùa san sát những nhà những cửa của khu dân cư…”.

Cớ sao một tu viện Phật giáo có cơ sở khá rộng lại lọt vào con hẻm. Tôi xin trở lại hình ảnh của đầu những năm 1960 do một người quen lớn tuổi làm nghề thầu khoán, ngày trước sống gần bệnh viện Gia Ðịnh, kể lại như sau:

Thời gian đó, vùng đất từ Ngã tư Xóm Gà trở vô dân cư còn thưa thớt, duy chỉ có con đường Lê Quang Ðịnh mới được trải nhựa để xe cộ dễ dàng lưu thông từ trung tâm tỉnh Gia Ðịnh về Gò Vấp. Nhưng từ khi có con lộ nhựa, dân chúng không biết từ đâu đến lần hồi, mua đất ruộng, đổ đất cao, cất nhà gạch dọc hai bên đường. Tuy vậy, phía sau lưng những ngôi nhà chỗ khu đất ruộng rộng gần bốn ngàn mét vuông mà Hoà thượng Thích Trí Thủ mua hồi năm 1962 vẫn còn trống nhiều lắm. Ðất ở đây đều có chủ, đa phần trồng hoa màu, vài chỗ trũng bỏ hoang.

quang-huong-gia-lam2
Bên trong chánh điện bằng gỗ. Ảnh: Tu Viện Quảng Đức

Chính ông là người nhận xây một phần gạch trang trí bên ngoài chánh điện bằng bê tông. Công trình này khởi công đâu vào mùa thu năm 1964 và khánh thành sau đó chừng sáu tháng. Ông cũng nhận xây dãy nhà bếp sau khi nhà chùa mua thêm mảnh đất nhỏ gần trăm mét vuông. Trong khu vực đất trống trước khi xây Quảng Hương Già Lam thì đã có một tịnh am nhỏ nhưng ông không nhớ tên gì (Chùa Châu An). Về sau này chùa mua thêm một miếng đất ruộng để mở rộng diện tích chùa. Từ khoảng thời gian này ông cùng gia đình vượt biên nên không biết hiện trạng quanh chùa thay đổi ra sao.

Ông ngồi trầm ngâm bên tách trà, cố nhớ thêm những điều mình biết để kể tôi nghe. Ông bảo mình có duyên với Phật nên được Hòa thượng trụ trì mời tham gia xây dựng chùa. “Hồi trẻ tôi đâu có theo đạo nào, thờ cúng ông bà là đủ. Nhưng khoảng thời gian cả năm ra vô chùa, giám sát nhân công xây dựng, khi rỗi tôi đến thăm hỏi Thầy trụ trì, ngồi nghe những chuyện đạo đời nên ngộ ra đôi chút”. Ông kể, ban đầu chùa mang tên Giải Hạnh Già Lam. Giải Hạnh có ý là đổi mới và học để hành. Học để tu, muốn tu thì phải học. Còn Già Lam là chữ tiếng Phạn Samghàràma (Tăng-già-Lam-ma) từ này có nghĩa là chùa hay tăng xá.

Nhưng kể từ khi phong trào đấu tranh Phật giáo lan rộng sau sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu thì nhiều giáo tăng, hoà thượng cũng tự mình châm ngọn lửa Phật Pháp soi rọi cho chúng sinh, bảo vệ đạo pháp. Hồi tháng 10 năm 1963, có một tăng sinh tự thiêu ở trước công trường chợ Bến Thành. Vị tăng này tên Quảng Hương, nên để kỷ niệm, Hòa thượng Thích Trí Ðức đổi tên Tăng viện thành Quảng Hương Già Lam và tên này được giữ đến hiện nay.

quang-huong-gia-lam1
Bảo tháp nơi tàng Kim quan nhục thân Hòa thượng Thích Trí Thủ. Ảnh: Panoramio

Ðể có một nơi đào tạo Tăng tài, coi đó là sự nghiệp hoằng dương đạo pháp tại miền Nam nên năm 1961 Hòa thượng Thích Trí Thủ đã dốc công sức vào Sài Gòn tìm mua mảnh đất cất chùa. Trước đó, Hòa thượng đã thành lập nhiều Phật-học-viện: Phật học viện Linh Quang, Phật học viện Báo Quốc tại Huế, Phật học viện Phổ Ðà ở Ðà Nẵng, Phật học viện Hải Ðức – Nha Trang, Phật học viện Linh Sơn – Ðà Lạt. Chủ trương ban đầu của Hòa thượng xây dựng Quảng Hương Già Lam để có nơi cư trú tu học cho lớp Tăng sinh trẻ, có trình độ đại học đời cũng như đạo. Tăng sinh đến Quảng Hương Già Lam nhập chúng tu học khóa đầu tiên vào năm 1962 là 6 vị. Về sau mỗi năm mỗi đông và cao điểm nhất là vào đầu năm 1975 với tổng số Tăng sinh là 120 vị.

Tăng sinh đến Quảng Hương Già Lam tu học đạo pháp một thời gian thì được tự do chọn ngành học không nhất thiết phải quy y theo Phật giáo. Chẳng hạn tăng sinh có thể theo học y, dược, luật, kiến trúc, văn chương… Việc làm này tu viện có mục đích mở rộng tìm kiếm nhân tài, vừa có một ngành nghề mình yêu thích vừa có lòng từ bi hỷ xả chúng sanh. Cho nên có thể nói Hòa thượng Thích Trí Thủ, là một trong những vị hòa thượng đi đầu trong các cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà.

Vào thời gian đầu năm 1975, Hòa thượng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời về trụ trì Việt Nam Quốc Tự, Quảng Hương Già Lam giao lại cho Hòa thượng Thích Ðức Chơn trông coi. Sau năm 1975, vì cuộc sống kinh tế khó khăn nên đất trồng hoa màu quanh chùa vẫn không có chủ mua đành bỏ trống. Tôi nhớ vào năm 1980, tổ hoạ đồ chúng tôi được phân công về lập bản đồ hiện trạng Gò Vấp, không chỉ vùng quanh sau Quảng Hương Già Lam mà nhiều khu vực gần đó, đất trống bán rẻ như cho nhưng chẳng ai mua để làm gì. Thành ra khi chợt đọc được kỷ niệm xưa của Tâm Không Vĩnh Hữu, tôi cảm nhận được nhiều nỗi niềm kể cả sự đổi thay của Tăng viện Già Lam.

quang-huong-gia-lam
Cổng tam quan Tu viện Quảng Hương Già Lam. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

“Khoảng những năm đầu của thập niên 1980, tôi lúc đó là một chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết, nhưng phải tha phương cầu thực, đã có ghé Chùa vài lần, chủ yếu là thăm và “làm phiền” một bào huynh đang tu học tại đây. Bào huynh của tôi là một tăng sinh xuất sắc đỗ Thủ Khoa khóa đào tạo những năm đó. Vậy, cũng đã gần 40 năm rồi, tôi mới có duyên có dịp thăm lại Chùa, mang giới điệp làm vật phẩm cúng dường, dâng lên giác linh Cố Hòa thượng Thích Ðức Chơn, vị trú trì mới viên tịch năm ngoái.

Chánh điện của chùa trước đây được xây dựng bằng bê-tông, nay đã được trùng tu, thiết kế mới theo kiến trúc nhà rường gỗ đặc trưng của xứ Huế, với lan can xung quanh bằng gỗ được điêu khắc, chạm trổ hoa văn tinh xảo công phu. Phía sau khuôn viên Chùa, bên trái ngôi chánh điện, là Giác Linh Ðài (bảo tháp) với bia đá khắc ghi công đức vô lượng của Hòa thượng khai sơn, một bóng tùng, một cội bồ đề vĩ đại của Phật giáo nước nhà”.

Giác Linh Ðài được xây cất trong hai năm do kinh phí eo hẹp (1984-1986) sau khi Hòa thượng Thích Trí Thủ viên tịch. Khu vực của ngôi bảo tháp chiếm hơn ba trăm mét vuông, mặt tháp quay về hướng Tây (Tây phương cực lạc). Trước tháp là một sân rộng tráng xi măng, đủ chỗ đứng cho mấy trăm Phật tử dự lễ. Cây kiểng bài trí chung quanh. Tháp đài cao mười mét chia thành bảy tầng. Từng dưới rỗng cao ba mét, giữa lòng tầng tháp là tượng Phật A Di Ðà đứng trên đài hoa sen. Pho tượng này do đích thân cố hoà thượng thỉnh lúc sinh thời. Ðỉnh tháp phỏng theo hình tháp Xá Lợi. Phía dưới chân tháp có một tấm bia đề chữ “Tưởng niệm Hòa thượng Thích Trí Thủ”.

Riêng phần cổng tam quan, ngày nay vẫn còn giữ được nguyên hình trạng ban đầu. Ðây là phần có kiến trúc đẹp nhất so với tổng thể của ngôi chùa mà Hòa thượng Thích Trí Thủ lúc sinh thời đã cùng với kiến trúc sư bàn bạc lựa chọn kiểu dáng. Chỉ tiếc rằng, ngày nay nhà cửa dân chúng mọc lên bao kín nhà chùa. Âu đời và đạo cũng chỉ là một mà thôi.

TN