Văn phòng chúng tôi vừa nhận được một số câu hỏi liên quan đến các cháu của một người bảo lãnh có thể đã quá tuổi để có thể đi theo cha mẹ đến Hoa Kỳ. Chúng tôi muốn chia sẻ câu chuyện này với quý vị vì có nhiều gia đình đang gặp trường hợp như thế.
Người bảo lãnh kể rằng các con của người anh trai đều đã quá 21 tuổi và anh hỏi rằng có còn cơ hội nào không để có thể giúp các cháu được phỏng vấn chung với cha mẹ. Anh đã phối kiểm hồ sơ của Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia (NVC) và không thấy tên của những người con này vì các cháu đã trên 21 tuổi. Tương tự, NVC không bỏ tên những trẻ em trên 21 tuổi trên thư báo ngày phỏng vấn của gia đình. Sau khi nhận được thư phỏng vấn, tùy gia đình có muốn liên lạc với Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ để hỏi quyết định của họ về Ðạo luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em (CSPA).
Ðể trả lời câu hỏi này, trước tiên, chúng ta phải xác định thời gian Sở di trú duyệt xét đơn bảo lãnh diện anh chị em (F-4). Thời gian duyệt xét có thể được trừ vào số tuổi thực của các cháu và trong nhiều hồ sơ, các cháu sẽ được có tuổi CSPA dưới 21 và sẽ hợp lệ có mặt trong ngày phỏng vấn với cha mẹ.
Trên giấy Thông Báo Chấp Thuận I-797 (Approval Notice) đơn bảo lãnh từ Sở di trú USCIS, có ghi Ngày Nhận Đơn – tức Receipt Date; Ngày Ưu Tiên – tức Priority Date, và Ngày Chấp Thuận – tức Approval Date (Ngày Nhận Ðơn thường giống Ngày Ưu Tiên, nhưng đôi khi được cho sớm hơn Ngày Nhận Ðơn). Thời gian cách biệt giữa Ngày Ưu Tiên và Ngày Chấp Thuận là bao biêu? Ðây là thời gian Sở di trú duyệt xét đơn bảo lãnh. Trừ thời gian này với số tuổi của trẻ em, không phải bây giờ, mà là số tuổi khi hồ sơ bảo lãnh hợp lệ để được phỏng vấn, chúng tôi gọi là ngày ĐÁO HẠN.
Thí dụ, nếu thời gian chờ đợi là 6 năm kể từ Ngày Ưu Tiên của Sở di trú đến Ngày Chấp Thuận, quý vị có thể trừ 6 năm vào số tuổi của các con khi đơn bảo lãnh đến ngày Ðáo Hạn. Nếu sau khi trừ, các con dưới 21 tuổi – được gọi là tuổi CSPA (tuổi theo Ðạo luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em – CSPA), các con sẽ có thể đến Hoa Kỳ với cha mẹ. Tiếc thay, thời gian duyệt xét của nhiều hồ sơ của diện anh chị em (F4) thường dưới 1 năm vì thế các con không thể được hưởng lợi ích trừ tuổi theo Ðạo luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em (CSPA). Tuy nhiên , có một số hồ sơ bảo lãnh – vì lý do duyệt xét bất thường nào đó của Sở di trú – thời gian duyệt xét kéo dài 7 hoặc 9 năm, và nhiều trẻ em may mắn vẫn được đi phỏng vấn với cha mẹ dù tuổi đã 27 hoặc 29.
Vậy anh trai của người bảo lãnh kể trên có thể làm gì để đưa các con đến Hoa Kỳ nếu đã trên 21 tuổi? Sau khi đến Hoa Kỳ, anh trai sẽ có thể nộp đơn bảo lãnh riêng cho từng người con. Các con sẽ phải đợi thời gian duyệt xét đơn bảo lãnh từ 5 năm đến 7 năm nếu là diện F2B và các con còn độc thân.
Nếu anh trai trở thành công dân Hoa Kỳ sau 5 năm, thì diện bảo lãnh sẽ tự động chuyển từ diện F2B lên F1, tức Con Trưởng Thành, Ðộc Thân, của Công Dân Hoa Kỳ. Người anh không cần phải nộp đơn bảo lãnh mới sau khi trở thành công dân Hoa Kỳ, nhưng sau khi Nhập Tịch, hồ sơ bảo lãnh vẫn có thể phải chờ thêm vài năm cho đến khi hồ sơ hợp lệ để được phỏng vấn.
Nếu bất cứ người con nào kết hôn thì hồ sơ bảo lãnh diện F2B sẽ tự động không còn giá trị vào ngày các con kết hôn. Trong trường hợp này, người anh phải nộp đơn bảo lãnh mới để bảo lãnh con đã kết hôn sau khi người anh trở thành công dân Hoa Kỳ. Dĩ nhiên thời gian chờ đợi sẽ lâu hơn, ít nhất cũng từ 8 đến 10 năm sau khi người cha nộp đơn bảo lãnh con đã kết hôn. Ðiều này có nghĩa là những người con đã có gia đình có thể sẽ trên 30 tuổi khi đến ngày được phỏng vấn.
Ðó là thời gian chờ đợi đang xảy ra hiện nay. Trong tương lai, không ai biết thời gian chờ đợi sẽ ra sao. Không cách gì có thể đoán được. Chúng ta cũng không thể biết liệu ông Trump sẽ mong muốn có những thay đổi về luật di trú hay không. Ðiều tốt nhất là người anh nên nộp đơn bảo lãnh diện F2B cho các con độc thân trên 21 tuổi ngay sau khi anh đến Hoa Kỳ.
Gia đình kể trên có thể có ngày phỏng vấn trong vòng một hay hai năm nữa. Và sẽ cộng thêm khoảng 5 đến 7 năm chờ đợi cho diện con đã kết hôn F2B, có nghĩa là khoảng 7 đến 9 năm chờ đợi kể từ ngày hôm nay trước khi các con của người anh có thể nộp đơn xin chiếu khán di dân, nếu họ còn độc thân. Cũng không thể kỳ vọng tất cả những người con sẽ vẫn còn độc thân khi phải chờ thời gian dài như vậy.
LỊCH CẤP CHIẾU KHÁN VÀ CHUYỂN DIỆN CƯ TRÚ
THÁNG 6-2018
– IR-1, IR-2, IR-5: Vợ, con vị thành niên, cha mẹ của công dân Hoa Kỳ, luôn luôn hiệu lực
– Diện F-1: Con độc thân, trên 20 tuổi, của công dân Mỹ: Ngày 08/04/2011 (Tăng 2 tuần) (F-1 Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 08/01/2012)
– Diện F2A: Vợ hoặc chồng và các con nhỏ của thường trú nhân: 08/06/2016 (Tăng 1 tuần) (F2A Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 22/09/2017)
– Diện F2B: Con độc thân, trên 20 tuổi, của thường trú nhân: Ngày 22/06/2011 (Tăng 5 tuần) (F2B Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 08/09/2011)
– Diện F-3: Con đã lập gia đình của công dân Mỹ. Ngày 15/03/2006 (Tăng 5 tuần) (F3 Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 08/09/2006)
– Diện F-4: Anh chị em của công dân Mỹ: Ngày 22/10/2004 (Tăng 3 tuần)(F4 Xin Chuyển Diện Cư Trú Tại Hoa Kỳ: 01/04/2005)
– Tu Sĩ-SR: Luôn luôn hiệu lực
Hỏi Đáp Di Trú
– Hỏi: Tại sao Trung Tâm Chiếu Khán Quốc Gia (NVC) không xem xét hồ sơ của Sở di trú để tìm hiểu xem nếu có trẻ em nào hợp lệ theo Đạo luật Bảo Vệ Tuổi Trẻ Em CSPA hay không?
– Đáp: NVC muốn rằng quyết định này được trao cho Lãnh sự Hoa Kỳ. Trong nhiều hồ sơ, Lãnh sự sẽ cần xem khai sinh và những bằng chứng khác của người con và của gia đình. Vì thế, điều này tùy thuộc vào gia đình ở Việt Nam sẽ liên lạc với Tòa Lãnh sự để xin cứu xét tuổi của các con nếu hợp lệ.
– Hỏi: Nếu người bảo lãnh diện F2B trở thành công dân Hoa Kỳ, người con diện F2B có thể kết hôn sau khi người bảo lãnh có quốc tịch Hoa Kỳ không?
– Đáp: Sau khi người bảo lãnh có quốc tịch Hoa Kỳ, diện bảo lãnh F2B tự động trở thành diện F1 (Con độc thân trên 21 tuổi của công dân Hoa Kỳ). Sau đó, nếu người con kết hôn, hồ sơ tự động chuyển sang diện F3, tức diện con đã kết hôn của công dân Hoa Kỳ. Việc kết hôn của các con sẽ làm cho hồ sơ bảo lãnh có thể phải kéo dài thêm 5 năm nữa.
– Hỏi: Nếu các con kết hôn trước khi người bảo lãnh trở thành công dân Hoa Kỳ, Ngày Ưu Tiên của diện bảo lãnh F2B có thể được dùng cho hồ sơ bảo lãnh con kết hôn F3 không?
– Đáp: Nếu các con kết hôn trước khi người bảo lãnh trở thành công dân Hoa Kỳ, đơn bảo lãnh F2B sẽ vô giá trị và bị hủy bỏ, và ngày ưu tiên cũ không thể dùng cho đơn mới bảo lãnh diện F3.
– Hỏi: Nếu các con diện bảo lãnh F2B kết hôn trước khi người bảo lãnh nhập tịch, nhưng sau đó ly hôn, liệu người con này vẫn còn hợp lệ cho diện bảo lãnh F2B không?
– Đáp: Cuộc hôn nhân xảy ra trước khi người bảo lãnh có công dân Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ hoàn toàn đơn bảo lãnh F2B đầu tiên, và việc ly hôn không thể cứu vãn được hồ sơ bảo lãnh.
– Hỏi: Nếu người con diện F2B kết hôn trước khi người bảo lãnh nhập tịch, và giữ kín việc kết hôn này. Người con rồi sẽ có chiếu khán (visa) di dân từ Tòa Lãnh sự và sẽ sang Hoa Kỳ rồi hy vọng sẽ bảo lãnh người vợ sau đó. Điều này có thể xảy ra không?
– Đáp: Sở di trú USCIS sẽ dễ dàng khám phá ra sự thật này. Người con diện F2B sẽ bị truy tố vì tội gian dối và có chiếu khán bất hợp lệ. Người con sẽ bị trục xuất. Người con sẽ không bao giờ có thể xin bất cứ loại chiếu khán nào đến Hoa Kỳ trong tương lai.