Menu Close

Tin tức Golf

tin-tuc-golf
Lilia Vũ nguồn athletes quartely

NCAA Women’s Golf Championship

Năm nay giải golf đại học cấp quốc gia được tổ chức tại Stillwater, Oklahoma. Về phía nữ đại học UCLA có cô Lilia Vũ là một trong những golfer đại học được xếp hạng cao nhất thế giới hiện nay. Ðội UCLA cũng được xếp đầu bảng trong số 8 đội lọt vào vòng tứ kết. Tuy nhiên, lịch sử của giải NCAA (National Collegiate Athletic Association) mười mấy mùa golf vừa qua cho biết chưa có đội #1 nào thắng vô địch. Và năm nay cũng thế.

Trong trận tứ kết, Lilia Vũ đã bị một golfer hạng mấy trăm của đội Arizona đánh gục. Bốn người đồng đội của Lilia chơi khá hơn, nhưng cuối cùng UCLA vẫn thua Arizona sát nút với tỉ số 2-3. Nếu Lilia thắng trận matchplay của mình thì UCLA đã tiến vào bán kết rồi. Cũng may là Lilia hiện là sinh viên năm thứ ba, nên có thể năm sau cô sẽ có thêm một cơ hội nữa để phục thù.

tin-tuc-golf5
Lilia Vũ được bầu chọn “Player of the Year” bởi World Golf Coaches Association – nguồn: WGCA

Về phần Arizona, tuy là đội được xếp hạng thấp nhất (#8) nhưng lại chơi bình tĩnh và đều tay nhất. Sau khi hất văng UCLA, Arizona đã thắng #4 Stanford 4-1 trong giải bán kết. Tỉ số 4-1 có nghĩa là trong số năm golfer được HLV đưa ra để chọi với đội đối phương thì bốn người đã thắng trận matchplay của mình.

Matchplay trong golf khác với strokeplay ở chỗ mỗi người chỉ cố gắng đưa banh vô lỗ bằng ít lần đánh (stroke) hơn đối thủ của mình là thắng lỗ đó. Trong vòng 18 lỗ, ai thắng nhiều lỗ hơn là thắng match. Dĩ nhiên, bên nào gác nhiều điểm hơn số lỗ còn lại để đánh thì không cần phải chơi hết 18 lỗ. Chẳng hạn như bị gác 3 điểm mà chỉ còn 2 lỗ để chơi thì coi như không còn đường gỡ. Trường hợp này tỉ số thắng được gọi là “3 & 2”. Hoặc trong trận của Lilia Vũ cô bị Gigi Stoll gác 1 điểm sau 17 lỗ, tức là vẫn còn cơ hội gỡ huề ở lỗ 18. Nhưng rất tiếc Lilia lại thua luôn lỗ cuối cùng, thành thử tỉ số của trận đó cho Gigi Stoll là “2 up”.

tin-tuc-golf4
Yu-Sang Hou đến từ Đài Loan, thành viên đội Arizona, vô địch NCAA năm 2018 – nguồn: NCAA

Sau khi hạ Stanford, Arizona phải đối đầu với đội hạng nhất của cả nước, đó là Alabama. Và đúng như nhiều người đánh giá, Alabama chơi rất vững vàng, đầy kinh nghiệm. Trong khi đó Arizona có vài golfer rất trẻ, thậm chí một cô chỉ là sinh viên năm thứ nhất vừa từ Ðài Loan qua cách đây có bốn tháng. Một cô khác là du học sinh từ Phi Luật Tân. Một cô nữa, cũng năm thứ nhất, đến từ Âu Châu. Nhưng có lẽ vì “điếc không sợ súng” và nhờ không bị áp lực tinh thần nên Arizona vẫn thi đấu ngang cơ với Alabama cho đến lỗ cuối cùng của trận matchplay cuối cùng. Hai đấu thủ huề nhau ở lỗ 18 và phải chơi tiếp lỗ 18 lần thứ nhì. Cuối cùng Arizona đã thắng Alabama ở lỗ thứ 19 với tỉ số 3-2, đoạt cúp vô địch trong sự ngỡ ngàng của không biết bao nhiêu người. Có thể rút tỉa một bài học như sau: golf là một môn thể thao cực kỳ căng thẳng, thành ra càng ít bị áp lực chừng nào càng dễ chơi hay chừng đó!

Byron Nelson Golf Championship

Năm nay cũng là kỷ niệm 50 năm của giải Byron Nelson, và là lần đầu tiên giải được chơi tại một sân golf mới toanh vừa xây xong tại South Dallas. Trinity Forest Golf Club nằm trong một khu vực dân cư đa số là Mỹ đen và Mễ, hoàn toàn khác với các sân golf trước đây ở Las Colinas hay Preston Trails là khu Mỹ trắng nhà giàu. Không những vậy, sân golf này được xây trên một khu đất ngày xưa là một bãi rác khổng lồ, từng bị nhiều công ty trong vùng dùng làm nơi chôn rác bừa bãi bất tuân luật pháp.

tin-tuc-golf3
Trinity Forest Golf Club nhìn từ trên cao – nguồn: TFGC

Sau nhiều vụ kiện cáo sôi nổi, thành phố Dallas và chủ đất đã bị toà án buộc phải “cải thiện” miếng đất này. Thấy vậy một số nhà đầu tư nảy ra ý kiến dùng nó để xây sân golf, một công hai ba việc. Ðại học SMU, hãng AT&T và thành phố Dallas đã hiệp lực, bỏ tiền ra làm sân golf vừa để có chỗ cho đội golf của trường SMU tập luyện, vừa làm headquarter cho tổ chức First Tee of Dallas, vừa tạo công ăn việc làm cho cư dân quanh vùng, và nếu thành công sẽ là địa điểm tranh giải Byron Nelson hàng năm.

Phải công nhận đây là một dự án táo bạo nhiều rủi ro. Golf, như mọi người đều biết, là môn chơi của giới có tiền. Ở Mỹ đa số họ là dân Mỹ trắng. Dạo gần đây ta thấy con số dân chơi người Á Châu đang tăng lên, nhất là Ðại Hàn, Tàu và Ấn. Do đó số lượng fan Á Châu đi xem các giải golf cũng tăng lên theo (trừ fan Việt thì còn rất ít ỏi). Mặc dù Tiger Woods xuất hiện đã khá lâu nhưng lượng fan Mỹ đen đi xem golf vẫn còn rất thấp so với Mỹ vàng. Cho nên đặt một sân golf tầm cỡ quốc gia ngay giữa khu nhà lá này là một việc làm ít ai dám nghĩ tới. Có thể nói đây là một phép thử mang nhiều tính cách xã hội hơn thể thao, nhiều rủi hơn may.

tin-tuc-golf2
Cổng chào kỷ niệm 50 năm giải Byron Nelson Championship – photo: D.Cơ

Tuy nhiên, ai cũng muốn thấy Trinity Forest thành công. Nhất là đứa con cưng của Dallas: Jordan Spieth. Không những Spieth là gương mặt tiêu biểu cho giải Byron Nelson và là phát ngôn viên bán chính thức cho thế hệ golfer trẻ hiện nay, chàng còn dùng Trinity Forest Golf Club làm nơi huấn luyện cho riêng mình và cho các em nhỏ trong chương trình First Tee.

Phụ huynh nào muốn cho con em mình chơi thử môn golf nên vào trang web của First Tee để tìm hiểu thêm và ghi danh tại những sân golf gần nơi mình ở. First Tee là cách nhập môn dễ dàng và ít tốn kém nhất cho những em muốn học golf. So với các dân Á Châu khác thì người Việt đang bị thua xa trong môn thể thao này. Hy vọng trong tương lai ta sẽ có nhiều Lilia Vũ hơn, và biết đâu một ngày nào đó sẽ có một người Mỹ gốc Việt thắng giải PGA hay LPGA?!

tin-tuc-golf1
Jordan Spieth và các em nhỏ trong chương trình First Tee tại Mexico City – nguồn: First Tee

BB