Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC) cho biết cứ mỗi 17 phút thì ở Mỹ lại xảy ra một vụ đồ vật nặng như TV, tủ, bàn ghế… đổ lật.
Riêng về thương tật xảy ra cho trẻ dưới 6 tuổi do tủ đựng quần áo nhiều ngăn (dresser) lật đổ đã tăng từ 2,100 vụ năm 2015 lên 2,800 năm 2016.
Đa số là nạn nhân dưới 6 tuổi, bị thương hoặc tử vong (195 vụ chết trong thời gian 2000-2016) do trèo lên các ngăn tủ chơi hoặc trốn trong đó, thường là lúc ở một mình. Nhiều cha mẹ bảo vệ con đã cẩn thận lắp đặt các cổng an toàn, che các ổ điện, đóng các tủ… nhưng đã quên không ngờ đến chuyện tủ bị lật.
Sự thật về chuyện tủ lật
Hiện nay, ngành kỹ nghệ sản xuất tủ chỉ phải tự nguyện thử nghiệm về rủi ro lật úp theo tiêu chuẩn này: tủ nào cao hơn 30 inch phải chịu được sức nặng 50 pound đặt ở một ngăn kéo mà không lật.
Vì là tự nguyện, nhà sản xuất không buộc phải thử nghiệm mới được bán hàng tại Mỹ, nói chi đến tuân thủ đúng tiêu chuẩn.
Tạp chí Consumer Reports (CR) đã tiến hành một cuộc điều tra cho thấy nguy hiểm thường xảy ra khi:
Trẻ em ở một mình trong phòng
Gần phân nửa vụ tử vong vì tủ lật (46%) xảy ra trong phòng ngủ, đôi khi cha mẹ tưởng con đã ngủ trưa rồi: trẻ em trèo lên những ngăn kéo, làm cho tủ nghiêng và đổ xuống đè lên người em bé.
Nguy hiểm từ TV
Nhiều TV được đặt trên tủ quần áo nhiều ngăn. 53% các vụ tử vong của trẻ em dưới 18 tuổi từ năm 2000 đến 2016 là do cả TV và tủ cùng lật đè lên người các em.
Tiêu chuẩn yếu
Tiêu chuẩn thử nghiệm nói trên, ngoài hình thức tự nguyện ra, còn chưa mạnh đủ. CR kêu gọi tăng tiêu chuẩn về thử nghiệm tự ý từ 50 lbs lên 60 lbs và áp dụng cho cả những tủ áo cao dưới 30 inch nữa, vì tủ thấp cũng có thể bị lật úp.
Trách nhiệm của nhà sản xuất
Cách hữu hiệu nhất để ngăn tủ lật là gắn chặt tủ vào tường. Nhưng điều này khó thực hiện đối với nhà thuê hoặc với người không rành cách lắp đặt. Do đó trách nhiệm của nhà sản xuất là làm ra những chiếc tủ vững chắc hơn, đừng quá ỷ y vào tài năng của người tiêu dùng. Trong khi thử nghiệm, CR thấy có những nhà sản xuất đã thực hiện được điều này.