Phần lớn người Việt có tín ngưỡng Phật giáo, người không theo đạo vẫn đi chùa, cho nên không lạ khi tiểu bang California đông người Việt nhứt nước Mỹ thì ở đây là nơi có nhiều chùa Việt, và khu vực Little Sài Gòn – thủ đô người Việt tỵ nạn – cũng là nơi có mật độ chùa Việt Nam cao nhứt.

CHÙA ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI TỴ NẠN Ở LITTLE SÀI GÒN
Ðiểm sơ qua những ngôi chùa lớn ở Little Sài Gòn gồm: Bát Nhã, Bảo Quang, Huệ Quang, Quan Âm, Ðiều Ngự, Di Lặc, Tâm Nguyên III… Hôm nay, tôi không “quảng bá du lịch” nhằm vào những ngôi chùa quy mô, tráng lệ; mà tôi muốn giới thiệu đến quý độc giả một ngôi chùa nhỏ bé, nghèo nàn, ít người, nhưng nó có giá trị về văn hóa- lịch sử của cư dân Little Sài Gòn, một phần gắn liền trong lịch sử của người Việt tỵ nạn cộng sản, đó là chùa Trúc Lâm Yên Tử.
Chùa Trúc Lâm Yên Tử tọa lạc tại số 1924 W 2nd Ave, Santa Ana, CA 92703. Như phần lớn những ngôi nhà trung bình của cư dân quận Cam, chùa chỉ là một ngôi nhà thấp, diện tích không lớn, có sân, vườn nhỏ xung quanh mà thôi. Chúng tôi vào chánh điện thấy ngoài tượng Phật, tượng Bồ Tát, câu đối, kinh sách giống như những ngôi chùa khác, điểm khác biệt của Trúc Lâm Yên Tử là bát nhang, di ảnh thờ của bá tánh đặt trang trọng kín hai bên vách chánh điện, chớ không phải ở những chái thờ nhỏ hai bên, hay ở phòng hậu liêu.
Trong sân chùa, một giá chuông lớn bằng gỗ, treo cái đại hồng chung đúc đồng, quai chuông hình rồng uốn, mặt trong chuông có khắc tên những người dâng tiến chuông cho chùa. Phía sân sau có một bụi tắc (quất) lớn đang sai oằn trái, ai bị cảm mạo, viêm họng cần dùng, vào chùa xin hòa thượng đều cho hết.
Theo lời những Phật tử đang làm công quả lâu năm cho chùa, và Hòa thượng Viện chủ, thì chùa Trúc Lâm Yên Tử được thành lập từ năm 1975, – khi làn sóng tỵ nạn ùn ùn đến đất này – để làm nơi cho những người tha hương có chỗ an tĩnh tâm hồn, cầu nguyện cuộc sống bình an, đoàn tụ gia đình. Hòa thượng Thích Minh Nguyện kể lại: “Mười năm sau, tôi mới đi vượt biên rồi vào tu ở chùa này, sau đó trở thành Viện chủ cho đến nay. Người tiền nhiệm của tôi không còn nữa. Tôi đi tu nhưng cũng đồng thời là một người tỵ nạn cộng sản, nên làm được điều gì góp công sức bài trừ cộng sản, ủng hộ người quốc nội chống cộng sản tôi đều làm, đó cũng là cứu rỗi con người. Thời gian sau này sức khỏe yếu, tôi mới vừa mổ xong đi lại khó khăn nên tôi không làm việc cho Hội Ðồng Liên Tôn nữa”.

Năm 2012, Hội đồng thành phố Santa Ana (Orange County, Nam Cali) đã tổ chức một buổi lễ long trọng tại chùa Trúc Lâm Yên Tử để trao tấm bảng công nhận chùa là di tích lịch sử đầu tiên của người Việt tỵ nạn, cũng như ghi nhận những đóng góp cho người Việt tỵ nạn đã làm cho vùng đất này trở nên phồn thịnh.
Hòa thượng Thích Minh Nguyện cũng là cựu Trưởng Hội đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ (đại diện cho Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo).
Chị Tự Brigwood- Phật tử- đã làm công quả ở chùa hơn mười một năm nay. Chồng chị là người Mỹ trắng (Công giáo) nhưng ngày Rằm, Mùng Một đều theo chị đến chùa, cũng thắp nhang, ngồi nghe giảng kinh, chắp tay như một Phật tử thứ thiệt. Tôi hỏi chị có từng đến những chùa lớn ở Little Sài Gòn chưa? Mấy chùa đó đẹp hơn, quy mô hơn nhiều. Chùa này vừa nhỏ hẹp, vừa nghèo, sao chị chọn chùa này? Chị nói: “Tôi tình cờ đến chùa Trúc Lâm Yên Tử như một cơ duyên khi theo con gái đi đám tang một người quen, rồi dần dần thấy thích chùa này hơn những chùa khác, cảm thấy nó gần gũi, tình cảm, chị em làm công quả ở đây thật thà, thân thiết. Mỗi lần đi đâu, nói chuyện với ai về chùa, thì tôi đều dùng chữ “chùa của tôi”, nói xong cảm thấy mắc cười, chùa có phải là của tôi đâu, nhưng tôi vẫn cứ thích gọi là “chùa của tôi”, giống như nói “nhà của tôi” vậy.
Chị Tự nhiệt tình dẫn tôi đi thăm phòng ăn, vườn rau nho nhỏ sau chùa, giới thiệu về quả đại hồng chung trước sân. Chuông này chỉ đánh lên trong những dịp đại lễ mà thôi.
Ðến thăm chùa Trúc Lâm Yên Tử, không phải để chiêm ngưỡng vẻ uy nghiêm, lộng lẫy, không phải để thưởng thức lời kinh giảng ngân nga vang vọng (qua micro do số tín hữu đến quá đông), không có hương khói mịt mờ bao phủ (nhiều bát nhang), không có rộn rịp hát ca, càng không có sân khấu hoành tráng với ca sĩ nổi tiếng hát những dịp lễ lớn, không có các bà các cô mặc áo dài sang trọng tha thướt vui vẻ chụp hình bên hoa lá, bên tượng Phật trong sân; mà đến Trúc Lâm Yên Tử là để tìm một cảm giác ấm cúng, bình an, đơn sơ như chính trong ngôi nhà của mình, để hãnh diện với tinh thần vượt khó của những người Việt tỵ nạn đầu tiên đặt chân đến vùng đất xa lạ nhưng đã biến nó trở thành quê hương thứ hai, làm cho nó trở nên sung túc, cũng là nơi giữ gìn tinh thần chống cộng sản trong giới Phật tử tỵ nạn cộng sản ở đây.
TPT