Giải vô địch đá banh thế giới sẽ diễn ra tại nước Nga từ 14/6 đến 15/7/2018. Đây sẽ là kỳ World Cup lần thứ 21 do liên đoàn đá banh thế giới FIFA tổ chức.
Sau 88 năm kể từ lần tranh hùng đầu tiên tại Mỹ Châu La Tinh (Uruguay 1930), đây là lần đầu tiên nước Nga tổ chức giải đá banh thế giới, và cũng đánh dấu lần đầu tiên World Cup có mặt tại Đông Âu trong lịch sử giải đá banh thế giới. Sơ lược vài nét về World Cup xưa nay:

NƯỚC CHỦ NHÀ
World Cup 2018 sẽ là giải vô địch đá banh thế giới thứ 11 có sự góp mặt của nước Nga. Thành tích cao nhất của họ là hạng tư World Cup 1966 với thế hệ của ngôi sao người nhện Lev Yashin dưới màu áo CCCP (liên bang Sô viết). Đây cũng là giải đá banh thế giới đầu tiên diễn ra tại Âu Châu kể từ World Cup 2006. Từ đầu thế kỷ 21, FIFA luân phiên tổ chức World Cup ở từng châu lục, khác 16 kỳ World Cup trong thế kỷ 20 đều do Âu Châu hoặc Mỹ Châu thay phiên đảm trách. Năm 2002 World Cup di cư sang Đông Á (Nhật & Nam Hàn), trở về Âu Châu (Đức 2006), sang Phi Châu (Nam Phi 2010), ghé Nam Mỹ (Brazil 2014), và lần này lại đến phiên Âu Châu. Kỳ tới sẽ đến lượt Á Châu (Qatar 2022). Và ngày 13/6/2018, FIFA sẽ bỏ phiếu chọn nhà tổ chức World Cup 2026: hoặc Bắc Mỹ (liên danh Hoa Kỳ/Canada/Mexico) hoặc Bắc Phi (Morocco). Chỉ 24 giờ sau đó, người Nga sẽ khai mạc World Cup 2018 trước 1 đối thủ khá nhẹ nhàng: Saudi Arabia. Thực tế làm chủ nhà luôn là lợi thế đáng kể. Có đến 6 trong 20 kỳ World Cup (khoảng 30%) các nước chủ nhà đã giật cúp vàng. Ngoại trừ Nam Phi quá yếu (World Cup 2010), xưa nay các nước chủ nhà tối thiểu đều vào đến vòng 2, ngay cả với những quốc gia thực lực đá banh còn khiêm tốn (Thụy Sĩ 1954, Thụy Điển 1958, Chile 1962, Mexico 1970&1986, Hoa Kỳ 1994, Nhật/Nam Hàn 2002). Lần này xác suất nước Nga chủ nhà sẽ tiến xa cũng có thể rất cao, nhất là khi họ mở hàng gặp 1 trong những đội yếu nhất giải năm nay, và được bắt thăm vào Nhóm A cũng thuộc loại dễ thở nhất với Saudi Arabia, Ai Cập và Uruguay.

ĐƯƠNG KIM VÔ ĐỊCH
Với quán quân Đức Quốc, đây là kỳ World Cup thứ 19 họ góp mặt. Trong 3 kỳ World Cup gần đây nhất, các cầu thủ người Đức là những chân sút chính xác chết người, tung lưới nhiều hơn mọi đối thủ khác (14 bàn thắng năm 2006, 16 năm 2010, và 18 năm 2014). Lần này, người Đức có cơ hội ghi tên trở thành nước thứ 3 trong lịch sử có 2 lần liên tiếp giật cúp vàng World Cup. Trước đây từng có Ý (1934 & 1938) rồi Brazil (1958 &1962). Tuy nhiên, có thực tế khó chịu là 2 nhà quán quân thế giới trước Đức (người Ý năm 2006 và Tây Ban Nha năm 2010) trong tư thế đương kim vô địch đều cùng lâm cảnh bất ngờ bị loại ngay từ vòng nhóm trong kỳ World Cup kế tiếp.
n KỶ LỤC THẺ ĐỎ
Cầu thủ Brazil là các kỷ lục gia của World Cup. Họ đoạt cúp vô địch nhiều lần nhất (5 trong 20 kỳ World Cup, nghĩa là 25% hay 1/4), nhưng cũng lãnh thẻ đỏ nhiều nhất trong lịch sử tranh hùng World Cup (11 lần), có phần vì Brazil là nước duy nhất tham dự đủ 21 kỳ World Cup nên đá nhiều trận hơn bất cứ nước nào khác. Có điều khá bất ngờ là, trong khi Brazil lẫn các đội banh Mỹ Châu La Tinh thường được tiếng đá banh ngẫu hứng, chuộng phong cách tấn công… nhưng kỷ lục bị phạt thẻ đỏ thuộc về Brazil, và kỷ lục nhận thẻ đỏ nhanh nhất cũng dành cho 1 chân sút Nam Mỹ khác là Jose Baptista của Uruguay. Anh này bị đuổi khỏi sân khi banh vừa lăn mới được 56 giây trong trận Uruguay-Scotland ở World Cup 1986.

CƠ HỘI CHÓT
World Cup 2018, ở tuổI 30, với quái kiệt Lionel Messi #10, thủ lãnh của Argentina, có lẽ là cơ hội sau cùng để chinh phục World Cup. Messi là chân sút hàng đầu thế giới hiện nay, chiếm hữu đủ loại kỷ lục trên sân đá banh trong màu áo Argentina lẫn Barcelona. Cuộc đời cầu thủ của Messi chỉ còn thiếu vinh quang World Cup. Lợi thế cho anh là Argentina luôn luôn có một dàn tinh binh giàu kinh nghiệm. Nghi vấn lớn là HLV Jorge Sampaoli (58 tuổi). Mặc dù được tiếng là một trong vài HLV “quái” nhất thế giới, nhưng ông chỉ mới nhậm chức và bắt đầu áp dụng đội hình chiến thuật của mình cho Argentina mới được vỏn vẹn 1 năm. Đến nay HLV Sampaoli dẫn dắt Argentina qua 4 trận vòng loại World Cup và 6 trận thân hữu với kết quả 5 thắng 3 hòa 2 thua, trong đó có 2 thất bại rát mặt trước Nigeria 2-4 (tháng 11/2017) và Tây Ban Nha 1-6 (tháng 3/2018). Argentina từng 2 lần vô địch thế giới, và nếu chỉ tính từ World Cup 1978, họ vào đến trận chung kết 4 lần (1978, 1986, 1990, 2014), thành tích chỉ kém duy nhất người Đức với 5 lần vào chung kết (1982, 1986, 1990, 2002, 2014). Một điểm đáng chú ý là Argentina thúc thủ liên tiếp 3 lần vô chung kết các giải lớn gần đây nhất (World Cup 2014, Copa America 2015 và 2016). Vì vậy, cũng có thể xem World Cup 2018 là cơ hội chót cho Argentina lẫn tài hoa Lionel Messi… tự trả nợ.

KẺ VẮNG MẶT
Phải mất 12 năm World Cup mới tái ngộ Âu Châu, nhưng lại thiếu mặt đội banh quốc gia Ý, nhà vô địch trong lần cuối World Cup diễn ra trên cựu lục địa (Ý vô địch World Cup 2006 do Đức tổ chức). Ý xếp ngang hàng Đức với 4 lần đoạt cúp vàng, nếu kể thêm Brazil, là đủ bộ 3 chiếm hữu hết 13 trong tổng số 20 cúp vô địch World Cup. Nhưng Ý cũng là nước duy nhất trong số 8 quốc gia từng vô địch World Cup không có mặt tại Nga mùa hè này. Đây là lần đầu tiên trong 6 thập niên đội banh “Azzurri” lỡ chuyến phà World Cup, cũng đồng nghĩa với thủ thành huyền thoại Gianluigi Buffon, 40 tuổi, bị tước mất màn chia tay trọn vẹn.

NHỮNG NGƯỜI TÍ HON
Ngược lại với nỗi bẽ bàng của người khổng lồ Ý, World Cup 2018 sẽ là kỷ niệm khó quên cho băng đảo tí hon Iceland lần đầu tiên ra mắt đấu trường World Cup. Iceland cũng là quốc gia nhỏ nhất xưa nay từng tranh hùng World Cup với dân số khoảng 335,000 người (tương đương số dân quận 1&5 ở Sài Gòn gộp lại, hoặc cỡ 1/3 dân số tỉnh Vĩnh Long ở VN ngày nay). Vậy mà đã có ít nhất 66,000 khán giả Iceland — chừng 20% dân số toàn quốc — đã ghi danh mua vé World Cup 2018. Ngoài Iceland, có thể kể thêm vài người tí hon từng một lần bén duyên World Cup: Indonesia & Cuba (1938), Xứ Wales (1958), Haiti (1974), Kuwait (1982), Iraq & Canada (1986), và Jamaica (1998). Cũng cần kể thêm “anh cả” trong nhóm tí hon này: anh hào Đông Á, con cọp Nam Hàn, lần này nữa là 10 lần dự tranh chung kết World Cup, nhiều hơn bất cứ quốc gia Á Đông nào khác, và họ chưa hề vắng mặt lần nào kể từ World Cup 1982.
Trần Trí Dũng