Từng là Thủ Khoa trường Trung Học Irving tại Texas, Bác Sĩ Derek Đạt Nguyễn là một trong những sinh viên hiếm hoi tốt nghiệp ưu hạng tại cả hai trường đại học UTD và ĐH Y Khoa UT Southwestern Medical School với điểm số 4.0 cùng nhiều giải thưởng danh dự trong suốt quá trình học. Vừa hoàn tất chương trình thực tập tại bịnh viện Texas Health Presbyterian Hospital Dallas, Bác Sĩ Derek đang chuẩn bị tiếp tục chương trình nội trú về chuyên khoa Quang Tuyến Chẩn Đoán (Diagnostic Radiology) tại một trong những đại học Y Khoa hàng đầu của Hoa Kỳ là ĐH Johns Hopkins. Trong tư cách một bác sĩ trẻ tài năng và mang đầy tâm thức phục vụ, Bác Sĩ Derek Đạt Nguyễn đã dành cho chuyên mục một cuộc trò chuyện khá thẳng thắn và sống thực về việc học và huấn luyện trong nghề Y hiện nay với những chi tiết bất ngờ.

Phần 2
Đinh Yên Thảo (DYT): – Dẫu biết rằng các bậc cha mẹ luôn mong mỏi con cái có được những nghề nghiệp vững chắc trong tương lai, nhưng một số người chỉ đơn giản nhìn vào sự ổn định và thu nhập nghề nghiệp để kỳ vọng con cái trở thành bác sĩ mà không biết việc học ra sao và bất luận con cái mình có khả năng hoặc có yêu thích nghề Y hay không. Đạt nghĩ về điều này như thế nào?
Bác Sĩ Derek Đạt Nguyễn (BS DN): – Quả thật là có vài lợi thế về tài chính khi trở thành bác sĩ, nhưng lãnh vực y khoa đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh cá nhân về thời gian, tiền bạc cùng việc học kéo dài mà có những ngành nghề khác để một người có thể theo học nhưng không chịu gánh nặng như vậy. Hơn nữa, do số nợ tiền học không được tài trợ có lãi suất cao khi theo học ngành Y, người bác sĩ trên thực tế không phải là “lương cao” cho đến khi trả nợ xong, có thể đến trên dưới 40 tuổi tùy chuyên khoa theo học.

ĐYT: – Chúng ta khuyến khích các em có khả năng và mang lý tưởng phục vụ tha nhân bước vào nghề Y, đồng thời cũng đặt vấn đề rằng, liệu đây có phải là nghề dành cho mọi người? Ai là người nên hay có thể theo đuổi ngành Y?
BS DN: – Đó là người phải hiểu rằng giây phút mà họ trở thành một bác sĩ thì họ có trách nhiệm và bổn phận đạo đức để đặt tính mạng của bịnh nhân lên trên quyền lợi và thời gian của riêng mình. Do thời gian biểu khắt khe của bịnh viện hay y xá, các bác sĩ thường vắng mặt trong nhiều dịp khác nhau trong đời sống như các trận đấu thể thao của con cái, những cuộc gặp gỡ xã hội hay các dịp cưới hỏi. Hy sinh thời gian cho người khác là một điều thông thường và là khía cạnh mà một người muốn theo học y khoa nên lưu tâm đến.
ĐYT: – Các em cần thêm những điều gì khác hơn ngoài việc học giỏi để đi vào nghề Y?
BS DN: – Những phẩm chất quan trọng của một bác sĩ bao gồm mức độ đáng tín cẩn, tính trách nhiệm, sự nỗ lực, khiêm cung, tính đồng đội, kỹ năng giao tiếp tốt cùng một đạo đức nghề nghiệp.
ĐYT: – Không ít thông tin đã nói về mức độ stress cùng sự kiệt sức trong quá trình học Y khoa. Sự thật như thế nào? Các sinh viên đối phó với chúng như thế nào, có ai phải bỏ cuộc nửa chừng không?
BS DN: – Trường Y, thời gian thực tập và nội trú sẽ là những khoảng thời gian khó khăn nhất để một cá nhân có thể vượt qua. Những giờ làm việc một mình khoảng 80 tiếng mỗi tuần, thách thức lớn lao mang đầy trách nhiệm về tính mạng bịnh nhân trong tay mình, một khối lượng kiến thức tràn ngập liên tục buộc mình phải thu nhận, lưu giữ và nhồi nhét mỗi ngày… đã đặt một mức độ stress điên khùng lên những người đang được huấn luyện. Dù không phổ biến lắm, hàng năm các trường Y vẫn có một số ít người hoặc bị đuổi hay tự bỏ học vì không kham nổi chương trình hay áp lực. Đương đầu với sự căng thẳng và ngăn ngừa sự kiệt sức là nhiệm vụ căn bản hàng ngày mà các sinh viên Y khoa phải đối phó. Mỗi người mỗi khác nhưng cách thông thường là tập thể dục, dành khoảng thời gian nào đó trong ngày hay trong tuần cho các thú tiêu khiển, với bạn bè, người thân gia đình và tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhà liệu pháp (therapist), từ giám đốc chương trình và đồng nghiệp.
ĐYT: – Quả cam go và đầy thử thách hơn người ta nghĩ. Đạt có thể kể một đôi kinh nghiệm cá nhân nào đó không? Có điều gì người ta ít biết về nghề Y?
BS DN: – Mới tốt nghiệp trường Y nên quả là một sự đáng sợ và đầy căng thẳng khi chuyển từ một sinh viên không chịu trách nhiệm gì thực sự sang việc hoàn toàn chịu trách nhiệm về sinh mạng bịnh nhân trong tư cách là bác sĩ của họ. Đã có vài lần, đặc biệt trong những phiên trực qua đêm 30 tiếng đồng hồ, Đạt phải đưa những quyết định thích hợp và cấp thời khi bịnh nhân bị tức ngực, khó thở hay suy sức. Rất khó khăn trong thời gian đầu khi bề ngoài mình phải tỏ sự bình tĩnh để không tiêm nỗi sợ hãi vào bịnh nhân hay thân nhân của họ mà trong lòng đang vật lộn với ý nghĩ rằng, quyết định sai lầm của mình sẽ không làm dịu cơn đau của họ hay tệ hơn là, không nhận ra tình trạng đang đe dọa đến tính mạng bịnh nhân như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ chẳng hạn.
Lãnh vực y khoa rất là phân cấp và vì điều này mà một số bác sĩ tin rằng mình có thể đối xử thô lỗ hay xem thường những bác sĩ thực tập, nội trú hay các bác sĩ bị xem ở những chuyên khoa “thấp” khác. Đáng tiếc là tâm lý này khá phổ biến trong các chương trình huấn luyện y khoa bởi các bác sĩ này từng bị ngược đãi như vậy trước đây, nên giờ họ bị mang cái tâm lý tương tự để tiếp tục lặp lại cái vòng thiếu tôn trọng như vậy. Cũng may là các chương trình hiện nay đang ráng đặt ra các điều khoản và quy tắc nghề nghiệp để khiển trách những cá nhân tiếp tục cái suy nghĩ như vậy.
ĐYT: – Quả là một chi tiết bất ngờ. Không biết sự phân biệt này liệu có liên quan gì đến dăm bác sĩ có thái độ trịch thượng, xem thường bịnh nhân mà chúng ta vẫn gặp đó đây. Trở lại nghề Y, tất nhiên không phải chỉ có những áp lực cùng sự căng thẳng phải không, Đạt kể dăm niềm vui công việc của mình?
BS DN: – Mỗi một ca mà Đạt có thể làm cho bịnh nhân tại bịnh viện tốt hơn, dù là chuyện nhỏ như chữa cái chân sưng của họ cho đến việc lớn hơn như phối hợp để thuyên chuyển bịnh nhân sang khoa khác cho cuộc giải phẫu bịnh hiểm nghèo đã mang cho mình cảm giác hoàn mãn trong lòng. Kể về một ca riêng biệt là có lần Đạt tiếp nhận một bịnh nhân có tâm thần xáo trộn và bị nhiễm trùng đường tiết niệu (urinary infection). Con gái của bịnh nhân đề cập việc mẹ cô bị tiêu chảy kinh niên nên làm ảnh hưởng đến đời sống của bà rất nhiều. Sau khi tham khảo với Dược Sĩ, Đạt có thể xác định được nguyên nhân chính là đến từ loại thuốc chống trầm cảm mà bà đã uống từ khi bị đột quỵ trước đây. Thuốc không được ghi trong hồ sơ bịnh án mà con gái bà cũng không nhắc đến. Đạt thay toa thuốc ít bị tác dụng phụ hơn và chuyện tiêu chảy của bà đã hết sau vài ngày, đem lại cho bà sự thoải mái trong đời sống hơn.
ĐYT: – Đó là những tặng thưởng nghề nghiệp làm chúng ta yêu thích công việc hơn phải không? Điều gì đã dẫn Đạt bước vào nghề Y và làm mình cảm thấy vui thích?
BS DN: – Kể từ khi có thể nhớ thì Đạt vẫn thường là người được bất cứ ai đó tìm đến để hỏi ý kiến. Nên khi nghĩ đến tương lai, Đạt hình dung ngay trong đầu về ngành Y, đặc biệt là trở thành bác sĩ. Điều cốt lõi là những người bác sĩ hiện diện để mang đến sự hỗ trợ, hướng dẫn, giải thích cho bịnh nhân hiểu về bịnh trạng của họ. Trở thành bác sĩ không chỉ là cơ hội để Đạt tận dụng điểm mạnh của mình mà còn có thể đáp trả lại lòng bác ái và hào phóng mà những người khác đã trao tặng mình.
ĐYT: – Xã hội rất cần những bác sĩ có mục đích nghề nghiệp cao đẹp như vậy. Trước khi kết thúc, xin hỏi thêm rằng, là một bác sĩ trẻ, Đạt thật sự suy nghĩ về ngành Y như thế nào và có chia sẻ gì đến các em cùng các phụ huynh luôn mong muốn con em mình trở thành bác sĩ?

BS DN: – Nói thật là nghề Y không phải dành cho mọi người và đã có những bác sĩ hối tiếc về quyết định của họ, ước rằng họ đã chọn nghề khác. Ở ngoài vẽ chân dung người bác sĩ kiểu có đời sống hấp dẫn với nhà cao cửa rộng, xe cộ sang trọng, gia đình hạnh phúc, cứu nhân độ thế và được kính trọng. Thực tế là giới bác sĩ ly dị khá là thường bởi cái lối sống đầy đòi hỏi, họ nghỉ hưu sớm vì mệt mỏi, họ thường xuyên bị lỡ những dịp quan trọng, rồi bịnh nhân chết mỗi ngày dù cho có được tận tình cứu chữa hay do những lỗi lầm bất lường và tùy theo chuyên môn, họ còn bị coi thường bởi những người cùng nghề. Xét cho cùng là có những lãnh vực khác mà một người có thể kiếm tiền tương ứng với bác sĩ và vẫn có một đời sống không chịu cái gánh nặng cảm xúc, tinh thần và thể chất như vậy. Lời khuyên của Đạt là hãy chọn nghề Y bởi vì bạn không thể hình dung ra nghề nào khác có một cơ hội riêng biệt để mang lại cho mình một cảm giác hoàn mãn, trọn vẹn khi xoa dịu, chữa trị được những gì người khác đang chịu đựng, chứ đừng bao giờ vì sự thúc đẩy tài chính, địa vị hay sự ổn định nghề nghiệp.
ĐYT: – Rất đồng ý và cảm ơn Đạt về những lời chia sẻ đầy chân tình này. Liệu chúng ta có nên đặt sự “thành công” nghề nghiệp theo cái định nghĩa giới hạn của mình lên trên một đời sống hạnh phúc, vui thú của con cái hay không? Có lẽ khá hiếm hoi mới được nghe thêm dăm điều sống thực về nghề Y. Một lần nữa xin cảm ơn Bác Sĩ Derek Đạt Nguyễn đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.
ĐYT thực hiện