Menu Close

“Có không giữ mất đừng tìm”

Vào một ngày đẹp trời (luôn luôn như thế), Đàm Văn Duy (sanh năm 1993, quê ở Bắc Kạn) không biết đã “lỡ dại” làm gì mà lãnh án 7 năm tù ở Thái Nguyên. Vào một ngày đẹp trời khác, cũng là Duy, không biết hờn dỗi gì với trại giam mà bỏ trốn, để lại lá thư tay vỏn vẹn sáu chữ: “Có không giữ, mất đừng tìm”.  

co-khong-giu-mat-dung-tim4
“Tác giả” bức thư “Có không giữ, mất đừng tìm” – từ Vietnamnet

“Có không giữ, mất đừng tìm”. Một câu nói ngày càng phổ biến và quen thuộc với nhiều người trẻ (lẫn hết trẻ) ở Việt Nam. Khi thì được người ta dùng để khuyên can, động viên một kẻ vừa kết thúc mối quan hệ tình cảm chưa tốt: “Thôi kệ nó, giờ nó có mà không giữ mốt thấy mất rồi thì cũng đừng tìm”. Khi thì là vũ khí của một “oán phụ” dùng để chĩa vào nhân tình đã “ruồng bỏ” mình sau bao nhiêu ân ái: “Anh hãy nhớ, có không giữ, mất đừng tìm”. Cũng có thể là câu nói để bỉ bôi, ghét bỏ một ai đó vừa sa cơ lỡ vận: “Thằng đó trước vợ đẹp con ngoan nhà cao cửa rộng, có không giữ mất đừng tìm”. Hoặc dùng để hối hận, đau thương về quá khứ huy hoàng chẳng hạn… Trong bài viết này, nó lại “xuất hiện”, tuy nằm ở một “mối quan hệ” khác, nhưng vẫn cùng ý nghĩa.

Trở lại chuyện của Duy. Sau một phen làm trại giam náo động, “cán bộ” nhớ nhung, bạn tù ganh tỵ, báo chí xôn xao, mạng xã hội “dậy sóng” thì Duy lại trở về, lãnh đạo trại giam nơi Duy chịu án lý giải nguyên do Duy về là vì : “Biết mình không thể trốn thoát nên ngay trong ngày 15/1/2018 phạm nhân đã tự ra đầu thú. Vị trí phạm nhân này bỏ trốn chỉ cách phân trại 100m”. Mặc dầu cũng chính lãnh đạo này trước đó trả lời báo chí rằng: “Ðã cho nhiều cán bộ đi tìm, bày “thiên la địa võng” bắt phạm nhân về quy án cho bằng được”. Từ lời vị “lãnh đạo” này, tự nhiên tôi tin rằng Duy thấy “cán bộ” tìm kiếm lâu quá, đói bụng nên tự về. Ðừng có “chê” tôi ham… ăn mà nghĩ ra lý do “trần tục” như vậy. Ông bà ta thường nói “có thực mới vực được đạo” còn gì? Trước đây, cũng có nhiều vụ tù nhân vượt ngục bị bắt cũng chỉ vì chuyện ăn. Trong nhiều vụ đó, có một Huỳnh Văn Phước (sanh năm 1964, quê Khánh Hòa), biệt danh là Phước “Gà”.

co-khong-giu-mat-dung-tim3
56 ngày trốn trên trần bếp trại giam – từ VNexpress

Người này thì nguy hiểm hơn Duy, là tù “chuyên nghiệp”, vượt ngục cũng nhiều lần, lần nào cũng “êm” rồi làm quấy lại bị bắt xong sau đó lại vượt ngục. Ðó là lần thứ tư Phước vào tù, được án chung thân. Ngộ cái là trại giam này cũng ở Thái Nguyên, không biết có cùng chỗ với chỗ của Duy không, hy vọng hai người này không quen nhau. Theo lãnh đạo trại giam thì Phước có nhiều tiền án, nên Phước được “chăm sóc” khá cẩn mật, có hẳn cán bộ… riêng (có thể là giống như bác sĩ riêng, luật sư riêng?). Thế mà, Phước vẫn có thể biến mất (vào một ngày đẹp trời). Hành trình tìm kiếm Phước cũng tốn kém không biết bao nhiêu là bút mực, giấy in của báo chí, ngân quỹ quốc gia. Xin được trích một đoạn: “Hàng chục trinh sát, chia thành nhiều mũi toả đi khắp các nơi, rà soát mối quan hệ của tên này song hắn vẫn mất dạng. Ðã có lúc, các trinh sát tưởng chừng Phước “Gà” chui xuống đất vì không còn dấu vết. Chúng tôi cử một tổ 5-6 người, chốt chặn ở ga Quán Triều để lùng bắt Phước “Gà”, một cán bộ trại giam Phú Sơn cho biết. Lúc đó, các anh nhận định, Phước có nghề khuân vác nên sẽ trà trộn để ấn nấp trong nhóm công nhân. Ngoài ra, ở những nơi Phước “Gà” từng đến, các tổ công tác cũng có mặt, rà soát, mai phục. Hơn một tháng biến mất, Phước “Gà” vẫn bặt vô âm tín. Lực lượng chức năng tập trung quyết liệt nhân sự truy tìm tên này”. Quyết… liệt là thế nhưng vẫn không tìm được Phước. Lại tìm được vào một phút không… liệt của một người không phải là trinh sát cũng chẳng phải lãnh đạo, đó là bà… bếp của trại giam.

co-khong-giu-mat-dung-tim2
Hàng chục ngàn người qua Thái tìm việc, ở lại – Từ Người Lao động

Ðể đón tiếp đoàn Hội thảo kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Công An, toàn bộ khu bếp được dọn dẹp. Trong lúc làm việc thì người ta phát hiện ở trần bếp có dấu cậy, rớt xuống nhiều vỏ mì tôm bèn trèo lên để dọn dẹp vì nghĩ chuột tha lên đó thì bỗng nhiên gặp Phước sau 56 ngày mất tích. Lành lặn, sạch sẽ, béo tốt hơn cả lúc “được” giam. Phước kể, sau khi rời tổ lao động, đã trốn lên gác bếp. Ở trên đó cả ngày, đợi đến đêm tối, trèo xuống bếp, lục lọi đồ ăn, tắm rửa, vệ sinh bình thường. Những lần dài ngày không rời được khỏi nơi “ẩn nấp” vì có người bên dưới, đành ăn đỡ mì tôm được tích trữ (lấy từ khu bếp) sống qua ngày, chờ “thời cơ” ra khỏi trại. Thế là cũng như Duy, Phước lại trở về chốn cũ sau gần 2 tháng “tự do” trên gác bếp, mang lại niềm vui cho không biết bao nhiêu người. Tuy được phạt thêm 4 năm nhưng chắc Phước cũng không có nhiều… cảm xúc. Vì ông vẫn lãnh án chung thân và “chăm sóc đặc biệt” như ban đầu. Hy vọng qua chuyện này trại giam trên toàn cõi VN nên “rút kinh nghiệm” về việc thường xuyên dọn dẹp phòng bếp, vừa phòng tránh được chuột mà còn phòng tránh được… Gà (Cũng không biết có vì thế mà từ Phước “Gà” trở thành Phước “Chuột” không!). Và những phạm nhân trong tương lai muốn vượt ngục cũng nên lưu ý, phải bỏ rác “đúng nơi quy định”, vừa phòng được chuột vừa phòng được… cán bộ. Không biết quản giáo của trại giam có bị phạt sau vụ này không vì làm tốn kém quá nhiều thời gian, nhân lực, tiền thuế của người dân trong khi phạm nhân vẫn an nhàn trong bếp của trại giam. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, tôi tin rằng trình “an toàn vệ sinh thực phẩm” của khu bếp này chắc chắn là ổn mặc dầu lười dọn dẹp nhưng suốt 56 ngày trốn, phạm nhân Phước không bị ngộ độc thực phẩm lần nào, lại còn béo tốt hơn hẳn.

co-khong-giu-mat-dung-tim1
Cứ 8 giờ, VN có 1 trẻ em bị xâm hại tình dục Từ Tuổi Trẻ

Các “vị” tù nhân vượt ra khỏi nơi giam mình đôi khi là để trả thù, để trốn chạy, để thỏa mãn tâm lý, để tránh xa cái họ ghét bỏ, ám ảnh, đôi khi chỉ để hít thở cái không khí tự do mà thôi… Nhiều người chỉ trốn ra để thăm người nhà một cái rồi trở về. Bất kể vì lý do gì, cuối cùng cũng là vì họ muốn có tự do để làm cái mình cần làm. Bởi vậy, thế giới văn minh mới dùng hình phạt giam giữ, “tịch thu” tự do để phạt con người khi làm chuyện sai trái. Tuy tự do không nắm được, không cầm được, không ăn được nhưng là thứ ai cũng muốn có. Kể cả những người từng cướp tự do, hạnh phúc, mạng sống của nhiều người khác, đôi khi là của cả thế hệ để vỗ béo cái “tự do” của riêng mình. Từ đó tôi bỗng thấy được, hàng ngày, trên thế giới có rất nhiều loại “tù nhân” muốn “vượt ngục”. Cái ngục kia đôi khi không phải là cái ngục nhốt tội phạm mà là cái nhà, cái trường ngay cả cái… nước mà những “tù nhân” đó đang ở. Và tù nhân ở đây dĩ nhiên không hẳn là những người mang đầy tội ác, có người vì có nhầm… người nhà, lấy nhầm vợ/chồng, học nhầm trường, đẻ nhầm… con. Ðông nhất là những “phạm nhân” chỉ có một tội duy nhất, tội này rất “tày trời”, đó là tội sanh nhầm chỗ, vừa mở mắt ra đã ở tù.

co-khong-giu-mat-dung-tim
 Nam Hàn cấm 49 quận/huyện ở VN đi qua nước họ xuất khẩu lao động. Do các địa phương này có số lao động ở lại cư trú bất hợp pháp ở Nam Hàn không chịu về VN – Từ báo Thanh Niên

Cái “tù” đó khiến cho “phạm nhân” có “nguy cơ” mắc hết mọi loại tội ác một cách “bản năng” bởi vì suốt quá trình trưởng thành phải tiếp xúc hết mọi loại tội phạm, sống giữa vũng lầy được nuôi dưỡng bằng những thói xấu thì khó có thể trở nên sạch sẽ hoàn toàn cho dầu “nhân tri sơ tánh bổn thiện” đến đâu. Ðó là lý do, những nước kém phát triển, đặc biệt là những nước Hồi giáo và cộng sản có rất nhiều cuộc “vượt ngục” lớn hàng năm. Riêng ở VN, mỗi năm có hơn 100 nghìn người Việt “vượt ngục” ra nước ngoài (trong đó 2/3 là “cán bộ”, quan chức nhà nước và người thân, họ hàng của họ), con số người muốn “vượt ngục” có lẽ phải tính bằng hàng chục triệu nếu có đủ điều kiện hoặc được một nước nào đó “thu nhận”. Nhiều người đổi cả gia tài, từ bỏ địa vị, gia thế, danh tiếng để làm lại từ đầu hoặc chỉ vì mong muốn đời sau có cuộc sống tốt hơn, hưởng nền pháp trị và bầu không khí tự do hơn, được sống trong môi trường tốt hơn, ít “phạm nhân” hơn. Không chỉ là Mỹ, Úc, Châu Âu mà người VN còn “vượt ngục” qua Lào, Campuchia, Mã Lai, Thái, Phi Luật Tân…  (Những nước mà người “có tí tiền” ở VN xưa nay chê bai, ghét bỏ.) Những cuộc “vượt ngục” này nguy hiểm, mệt mỏi gấp vạn lần so với chuyện “vượt ngục” của Duy và Phước ở trên, có nhiều người gia đình tan vỡ, bị lừa mất hết gia tài, chờ đợi mỏi mòn rồi bị từ chối hồ sơ. Nhiều người khác, không có điều kiện để “vượt ngục” hợp pháp nên chọn cách “bắt chước” tiền nhân mà làm “thuyền nhân”, hoặc vượt biên “chui”, ở “lậu”, khi nhà nước bên kia phát hiện thì bị giam giữ rồi đuổi về, về thì lại qua hoặc có thể sẽ lại bị chính nhà nước VN xua đuổi, vô thừa nhận. Nhiều người không “vượt ngục” nhưng sẽ chối bỏ thân phận tù nhân của mình bằng cách “vạch mặt” những cái sai quấy của các vị “quản giáo”, chỉ ra những kẻ biến mình, con cháu mình trở thành tội nhân. Chấp nhận “nguy cơ” bị giam ở vào nhà tù nhỏ, khắc nghiệt hơn cái nhà tù mà Duy và Phước đang ở vì họ bị gắn mác là “phản quốc”, “phản động”, “tù nhân lương tâm” gọi chung là tù nhân chính trị… Vì sao khắc nghiệt hơn? Vì những người ở tù vì mắc tội “bình thường” (ví dụ như là… giết người, tham nhũng, hiếp dâm) không bị thiếu băng vệ sinh, cấm nhận thư tín (như Mẹ Nấm), cấm thăm nuôi, nhận thuốc đồ ăn từ gia đình, nhốt trong buồng tối gây ảnh hưởng thị lực (như anh Trần Huỳnh Duy Thức), bị cho ăn đồ thối, bị nâng cao mức án và bắt ép nhận tội, kéo dài thời gian tra án… Trong cái rủi vẫn còn cái may, những người tù chính trị sẽ không vượt ngục nên hàng trăm trinh sát không mất công, nhà bếp trại giam không mất mì, quản giáo sẽ không nhận bức thư gây “thương nhớ” kia.

Mà thôi, sau tất cả, hai “nhân vật chính” Duy và Phước cũng “về” rồi, sau khi bỏ trốn cũng chưa gây nguy hiểm gì cho những người bên ngoài. Mong là các “cán bộ” giữ cho kỹ chớ mốt mất nữa lại phải tìm. Cũng mong Duy lần sau có làm “dậy sóng” thì tìm cách khác, chứ cách này khiến nhiều người có nhà ở gần trại giam Duy và Phước ở hoang mang hơn cả các “cán bộ” trong trại. Ngoài ra ảnh hưởng rất nhiều người khác, có nhiều vụ người ta bị đánh oan hoặc vô tù oan chỉ vì giống tội nhân bị truy nã trên báo. Việc vượt ngục thật ra rất nguy hiểm, hai trường hợp trên là rất may mắn. Có nhiều người vì trốn trại mà phải chui hầm phân, cống rồi chết ngộp, khoét tường đào hầm, băng rừng lội suối… cuối cùng thoát được thì lại chết vì… mệt hoặc bị xe đụng. (VN mỗi ngày mấy trăm người chết vì tai nạn giao thông mà, không biết trong đó có biết bao nhiêu là… phạm nhân vượt ngục?). Người yêu thì không nói nhưng kẻ ghét lại bỉ bôi: “Có mạng không giữ, mất đừng tìm…”

DU