Sư đoàn 3 Sao Vàng là sư đoàn đầu tiên của Mặt Trận Giải phóng Miền Nam, thành lập ngày 2 tháng 9-1965 với hậu cứ đặt tại tỉnh Bắc Giang gần Thái Nguyên. Chi tiết trên, nói lên xuất xứ của đơn vị chủ lực Quân khu 5 gộp Quảng Nam-Quảng Ngãi.
Trong buổi họp của Ban Liên Hợp Quân sự 4 Bên diễn ra sau hiệp định Paris, Thiếu tá Nguyễn An Giang, phó trưởng đoàn đại diện Chính phủ Cách Mạng Lâm thời, nhất quyết yêu sách Phan Nhật Nam phải thay tiêu đề “Tù binh Cộng sản Bắc-Việt Xâm nhập” trên danh sách 26,734 tù binh miền Bắc mà phía VNCH sắp trao trả để nhận về 5,428 binh sĩ Quốc gia. Lập luận của Thiếu tá Giang bất di bất dịch: Không có bộ đội chính quy Bắc-Việt xâm nhập mà chỉ có nhân dân Nam bộ vùng lên! [Phan Nhật Nam, Tù Binh và Hòa Bình, chương Thời đại của Gian Dối.]
Dân Nam bộ nào vùng lên sắm nổi hỏa tiễn SA-7 Tầm nhiệt với đại bác 130 ly nặng 7 tấn 7 phải kéo bằng Molotova và chiến xa T-54 nặng 40 tấn?
Trên trang báo Quảng Trị, ngày đăng 25 tháng 3-2013, Phó chủ tịch Hội Tù Chính Trị Yêu Nước Tỉnh Quảng Trị chính thức xác nhận Thiếu tá Nguyễn An Giang thuộc Sư 325, là đơn vị chính quy thành lập từ 1951. [Phan Văn Thịnh, Đón Những Người Chiến Thắng Trở Về, báo Quảng Trị online] (*)
Bút ký của phóng viên Hồng Phúc ghi lại giao tranh giữa Sư đoàn 3 Sao Vàng với Sư đoàn 22 Bộ binh VNCH. Cũng chính Sư đoàn Sao Vàng này sẽ trấn giữ rồi bị Giải Phóng quân Trung quốc đánh bật ra khỏi Lạng Sơn trong trận chiến Biên giới 1979. Thất thủ Lạng Sơn, là hậu quả đã nhận vũ khí của Bắc Kinh để tấn công Bồng Sơn-Tam Quan năm 72. Trần Vũ
(*)http://www.baoquangtri.vn/Chính-trị/modid/415/ItemID/66915
Ai ra Bình Định mà coi
Trên đường xuyên Việt, mỗi lần đến Quy Nhơn thường thường du khách chờ cho đến Tam Quan – Bồng Sơn mới dừng xe dùng cơm trưa. Không một nơi nào tìm ra món ăn đặc thù địa phương thơm, bùi, ngọt ngào bằng nơi này: Cơm thố nấu với nước dừa. Với “cá kho tộ” thì “nhất”!
Chúng tôi trở lại “Xứ Dừa” bằng đường bộ ngày 26 tháng 7 năm 1972.
Tam Quan – Bồng Sơn vừa được tái chiếm ba hôm.
Lực lượng Biên phòng cũng vừa trục “Ba Sao Vàng” ra khỏi Hoài Ân.
Hoài Ân, quận lỵ Bắc Bình Ðịnh bị tràn ngập đầu tiên, vừa được giải tỏa sau cùng.
“Ai về Bình Ðịnh mà coi…”
Bình Ðịnh hồi sinh sau hai tháng ngộp thở dưới gông cùm “Mặt trận Giải Phóng Miền Nam”.

Cờ vàng trên xứ dừa xanh
Một điểm nổi bật lúc đang bay trên trời nhìn xuống Bình Ðịnh là chúng ta có thể phân biệt rõ nơi nào địch đã vào, nơi nào không. Ðiều đó được đánh dấu bằng những vị trí “bình địa”, lỗ chỗ hố bom, pháo, bên cạnh những thôn xóm e ấp, thu mình xung quanh hàng rào dừa xanh, chẳng cách xa bao nhiêu, một vài trăm thước.
Chúng tôi đã đến Tam Quan bằng một đoàn xe không cần có đại liên đi trước, lính theo sau, và khi mặt trời đã đứng bóng.
Cửa ngõ Tam Quan chào mừng bằng cái nhìn bi ai mừng tủi của một trại tiếp cư, chứng nhân của một sự đổi thay, nạn nhân trực tiếp của những người mang danh “Giải phóng”, những ngày tạm chiếm.
Từ mút này phố quận đến ranh giới Bồng Sơn, phố buồn gục đầu ngái ngủ.
Bước chân ngập ngừng trên đại lộ tráng nhựa.
Cũng cảnh này vừa thay ngôi đổi chủ.
Chưa có chiếc xe đò nào chạy qua.
Chỉ có chiếc “commando” ngược xuôi. Người lính Biệt Ðộng Quân, Thiết Kỵ, Bộ Binh nói lên sự trở lại của mình.
Dãy phố đôi bên còn khép kín. Một vài nhà mở cửa he hé.
Quán tạp hóa, quán thuốc lào, tiệm xi-măng, phân bón lưa thưa khách hàng. Chủ nhà, con cái ngồi chơi, lạ lùng đưa mắt nhìn theo đoàn du khách đầu tiên sau hai tháng mất thói quen giao tiếp.

Rải rác cảnh sát, cán bộ áo đen, Chiến Tranh Chính Trị mang số 202, 204: Tiểu đoàn Quân Chánh cũng hành quân.
Một vài quán cóc sưởi ấm người chiến sĩ “Nẩu” kể cho chàng nghe ngày họ tới đây.
Mừng ngày tái chiếm Tam Quan!
“Hoan hô tinh thần chiến đấu dũng cảm của Liên đoàn 2 BÐQ, Tiểu đoàn 6 BÐQ, Trung đoàn 41 Bộ binh…”
Những dòng chữ đỏ, mạnh, chồng chất, như quật xuống, xua đuổi, mừng rỡ, nhảy múa.
Cờ Nam Việt tung bay ngợp trời từ đầu này “cửa ngõ” phố quận đến cuối đường, phần phật, nổi bật lên trên những ngọn dừa xanh đu đưa.
Chi khu Tam Quan: Một đống gạch vụn. Bệnh viện ngả nghiêng. Một vài căn phố lún xuống, vỡ vụn chênh vênh. Thời buổi chiến tranh, rủi may trong gang tấc.
Nối lại nhịp cầu Bồng Sơn
Tạm biệt Tam Quan! Hẹn ngày tái ngộ!
Ðây Bồng Sơn! Hoài Nhơn! Núm vú Bình Ðịnh!
Chiếc xe chạy vùn vụt, nối đuôi, bụi tung lên che khuất, để rồi cũng cảnh đó: cầu cháy, nhà cửa ngả nghiêng lẫn lộn với cái còn nguyên vẹn, cái xiêu vẹo, tróc ngói, tường vỡ như tổ ong, hang hốc: dọc đường xe hàng, xe nhà binh bị lật ngửa, đốt cháy chỉ còn lại đống sắt vụn.

Bồng Sơn lớn hơn, tấp nập hơn (vì có lính đóng ở đó), cũng tang thương hơn.
Những trận đụng độ lớn đã gặp nhau tại nơi này, tranh giành nhau giòng sông Lại Giang, chiếc cầu Bồng Sơn, huyết mạch nối liền các tỉnh miền cao Quy Nhơn – Nha Trang – Pleiku – Kontum.
Bao nhiêu nhịp cầu, bấy nhiêu chứng tích của những năm chinh chiến. Ba chiếc cầu bắc qua sông! Thiếu tướng Toàn hỏi ai lo về chiếc cầu này? Ðại tá Niệm kêu “Tín đâu? Tín đâu?”.
Tín trình diện. Quan khách khen ngợi đơn vị anh. Tín là em trai anh Lữ Hồ, đại đội trưởng cầu ghép.
Cầu Bồng Sơn vừa được tái thiết một khắc đồng hồ.
Thủy triều nhường cho cát trắng phơi mình. Bà con dìu nhau xuôi miệt Ðông Nam về làng.
Tái chiếm Hoài Nhơn
Tôi đứng trên cầu Bồng Sơn nhìn xuống: dòng người theo vết chân trên cát trắng đua nhau trở về làng cũ.
Một vài gia đình binh sĩ đưa thân nhân lên GMC, xe Jeep mang theo mấy trái dừa.
Chi đoàn M48 chạy hàng ngang về Ðông Nam.
“Ðồng bào Bồng Sơn 70 ngàn người chỉ còn kẹt 6,7 ngàn chưa kiểm kê được”, Trung tá Tân Quận trưởng Hoài Nhơn nói. Người trước cũng như đồng đội đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Sư đoàn 3 Sao Vàng chịu đựng phi pháo, hải pháo không nổi, rút về thung lũng An Lão. Chấm dứt 85 ngày làm mưa làm gió đối với những người dân vô tội.
Ðồng nhịp với chiến dịch phản công địch, tái chiếm đất đai bị tạm chiếm, Sư đoàn 22 Bộ binh VNCH được tăng cường 2 Liên đoàn Biệt Ðộng Quân và 1 Lữ đoàn Kỵ binh mở cuộc hành quân Bắc Bình Vương đẩy Sư đoàn 3 Sao Vàng về cực Bắc và sau cùng về thung lũng An Lão.
Sư đoàn 3 Sao Vàng không còn đủ khả năng tham chiến
Tháng 5-1972, Sư đoàn 3 Sao Vàng xuất hiện từ phía Bắc Bình Ðịnh, mở những mũi dùi tràn ngập Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tam Quan. Trung đoàn 40 VNCH quyết tử chiến, Liên đội 2 Tiểu đoàn 48 Ðịa Phương Quân quyết tử thủ cho đến người chót cùng. Liên đội trưởng bị thương, sau khi được lệnh đưa vợ con về, quyết trở lại chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Hoài Ân, phòng tuyến vững chắc nhất Bình Ðịnh bị bể.
Tháng 6, Trung đoàn 41 VNCH đánh lên cửa Phù Mỹ, Dương Liễu, Tam Quan, bắt buộc Sư đoàn 3 Sao Vàng phải rút về bổ sung và bồi dưỡng.
Hai tiểu đoàn 5, 6 “Giải Phóng quân” húc với một địch thủ trên chân, bị sứt mẻ. Còn Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 21 bị B52 chụp gọn, loại khỏi vòng chiến từ đầu. Trung đoàn 18 sau trận An Khê (từ phía Tây Bình Ðịnh) rút về tăng cường Hoài Ân; Trung đoàn 2 “tháp tùng” bộ chỉ huy Sư đoàn 3 Sao Vàng rút về An Lão, Ba Sơn.
Ðể tránh phi pháo và phải chiếm các mục tiêu không liên tục, Sư đoàn 3 Sao Vàng xé lẻ các trung đoàn cơ hữu tăng cường hai trung đoàn biệt lập, du kích đặc công Quân khu 5.
Từ phía Tây Bồng Sơn, Bộ tư lệnh Sao Vàng đưa ra một trung đoàn lên nghênh chiến. Nhưng sau những trận mưa bom và phi pháo, phải chém vè giao lại cho thành phần địa phương, Sư đoàn 3 Sao Vàng thiệt hại trên 4 ngàn quân (45 đến 50% quân số), mỗi tiểu đoàn còn không tới một trăm rưỡi.
Một mặt Sao Vàng bị “dập” vì bom, pháo, mặt khác tiêu hao vì đụng tới Sư đoàn 22 Bộ binh, Biệt Ðộng Quân và Thiết Kỵ của ta. Thượng tá Nguyễn Trí Dũng cũng bị chôn sống trong trận mưa bom.
Đấu tố và gieo giống
Thêm một lần nữa những người khoác áo “cách mạng”, “giải phóng” đã có cơ hội chứng tỏ với dân chúng “Chủ nghĩa Xã hội” như thế nào.
Thêm một lần nữa, người dân sống trong vùng bị chiếm được chứng nghiệm bộ mặt thật của những người Cộng sản bằng xương máu, bản thân mình.
Mười tám năm sau, cả một thế hệ đổi thay (hột giống đã vươn mầm thành cây), mọi người còn in khắc hai chữ “tiếp thu” với nhiều đắng cay, oán hận nghe chuyện xưa tái diễn.
Quốc Gia đã trục Cộng Sản ra khỏi vùng. Cộng sản phải tập kết về Bắc, như vậy chưa phải là hết.
Cộng sản đã khéo léo chôn giấu vũ khí, đạn dược, để rồi tiếp tục mộng xâm lăng cho đến ngày nay, gieo mầm qua những “đám cưới tập thể” dưới sân cờ, để ngày nay là những công cụ khích động nhất, thiêu thân vào chiến trường.
Không theo Bác và Ðảng là đồ phản động?
Ðấu tố và xử liền không cần tòa án!
Giàu nghèo gì cũng phải đóng thuế ngang nhau?
Mỗi ngày chỉ phát gạo cho đủ cầm hơi, “còn để nuôi bộ đội chiến đấu giành độc lập”!
Có con tập kết làm cán bộ trung cấp, mặc, cũng truy thâu. Thuế cho Nhà nước là một vinh dự!
Dã man, tàn bạo cũng chưa đủ diễn tả nỗi niềm thống khổ cho dân vô phúc lọt vào vùng kềm tỏa của các “đồng chí”.
Tập hợp lại! Học tập!…
Già làm theo già, trẻ làm theo trẻ?
“Tình nguyện hăng say mà làm?”
“Bộ đội” có “ngũ hộ”, đồng bào “xung phong tình nguyện” theo khả năng.
Ðệ nhất hộ, nhẹ lắm… “ủng hộ chiến sĩ”. Một bà 36 tuổi nghẹn ngào kể lại (xin được giấu tên, khỏi nhục và ô danh với bà con chòm xóm):
-“Họ” cho gài người khích động “tự nguyện ủng hộ chiến sĩ”.
Du kích đứng gác ở ngoài, mấy “đồng chí bộ đội ngoài Bắc” thì tập hợp tại một chỗ, gần đó là dãy “giường”, họ đứng chờ.
Có người dẫn vào, mời các “đồng chí” làm tình, căn dặn mỗi lần xong với một đồng chí phải ngồi dậy, khoanh tay “cám ơn đồng chí”!
Mỗi ngày tôi phải tiếp 30 đồng chí!
Có nhiều em vừa đến tuổi ông bà xưa nói “nữ thập tam nam thập lục” cũng được họ đưa vào “cắt chỉ” và khích động “nâng khăn sửa túi cho các đồng chí là góp phần chiến đấu cho quốc gia”.
Và đồng chí nào muốn cưới cô nào được cô nấy.
“Tôi” đã chứng kiến hơn 70 em như vậy.
Bồng Sơn hồi sinh
Sau cơn giông bom đạn, ngộp thở với mấy “đồng chí bộ đội”, Bồng Sơn tìm lại hơi thở quen thuộc.
Bồng Sơn sau những cơn xúc động mạnh, thân thể tàn phế, gượng gạo hồi sinh.
Bao lâu nữa Bồng Sơn mới tìm lại được sinh khí như xưa cũ?
Bao lâu nữa Bồng Sơn mới hàn gắn được nét rạn nứt, đổ vỡ?
Bao lâu nữa Bồng Sơn mới xóa nhòa những hạt mầm tủi nhục gieo vào thân thể những người con gái chưa tới tuổi làm đàn bà? Sản phẩm đắc ý nhất nằm trong chiến lược của các đồng chí Bắc Việt.
Bồng Sơn vẫn nhẫn nhục chịu đựng như người mẹ già Việt Nam cong lưng với nắng mưa chinh chiến, ngước mắt trông về tương lai con cháu được hưởng thanh bình.
HP 1972
Trần Vũ đánh máy lại tháng 5-2018 từ “Tuyển tập Bút ký Phóng sự Chiến trường 1972”, Nxb Văn Nghệ Dân Tộc in 1973.
Kỳ sau
Quảng Trị trong trí nhớ