Menu Close

Măng tây & tuyên láo

Thời Tiểu học, tôi được phát một cuốn sách mỏng mỏng tựa đề “Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ” (ghi tên tác giả là Trần Dân Tiên). Mở sách ra, đọc thấy nhân vật “Bác Hồ” trong sách y như ông tiên trong truyện cổ tích. Con nít mới đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ, hễ có cái gì trong tầm tay đều vơ lấy đọc hết, ra đường đọc khẩu hiệu, đọc thông báo. Về nhà đọc truyện cổ tích, truyện thần thoại, truyện ngụ ngôn, truyện ma mị, kỳ quái. Tự dưng có cuốn sách “ông tiên Bác Hồ” như vậy làm sao mà không khoái tỉ ti cho được. Tôi đọc ngày đọc đêm, đọc đi đọc lại hàng trăm lần, đọc đến thuộc nằm lòng từng câu từng chữ, đọc mà tin đến sái cổ luôn, không hề suy nghĩ là câu chuyện hợp lý hay không hợp lý.

mang-tay-&-tuyen-lao

Trong cuốn sách “Những mẩu chuyện…” nói trên, có chuyện kể nhân vật “anh Ba” (tức “Bác Hồ” khi còn trẻ) không có tiền mua vé ra nước ngoài “tìm đường cứu nước” nên trốn lên tàu buôn ngoại quốc ở bến Nhà Rồng (đi lụi vé). “Anh Ba” được ông bếp trưởng người Pháp thương tình che giấu, nhận làm phụ bếp dưới tàu. Một bữa kia, nhà bếp nấu món măng tây, “anh Ba” được giao gọt măng tây, nhưng “anh Ba” không biết cách gọt nên gọt trụi lủi hết. May mà ông bếp trưởng phát hiện sớm nên đã bưng cả rổ măng tây “anh Ba” vừa gọt xong đổ xuống biển, vô kho lấy rổ măng khác đem ra dạy “anh Ba” cách gọt cho đúng, nếu không ông thuyền trưởng phát hiện ổng đuổi “anh Ba”.

Lúc đó, tôi cứ nghĩ măng tây chắc cũng giống măng tre, măng Mạnh Tông ở quê mình hay ăn, mụt măng nào nhỏ cũng bằng bắp tay người lớn, mà măng lớn nó như bắp đùi (Khi ăn cũng phải lấy dao bén gọt xung quang mụt măng, xong xắt mỏng theo chiều ngang nấu canh, nấu lẩu, xào), măng tây chắc là còn bự hơn măng ta nữa. Gọt măng tây chắc cũng gọt theo chiều dọc cái măng, giống như ta gọt dưa leo ăn sống, lấy cây dao bào vỏ dưa cách khoảng, chỗ gọt chỗ chừa vỏ xanh (sọc dưa) để khi ăn nó giòn.

Năm 2007, tôi lên Sài Gòn sống mới được tận mắt nhìn thấy măng tây bán ở chợ Gò Vấp, chợ Tân Ðịnh (quận 1) và các siêu thị lớn. Măng tây bán ở chợ bình dân Sài Gòn là loại chở từ Ðà Lạt xuống, ở siêu thị thì có bán loại trồng ở Ðà Lạt lẫn nhập ngoại. Một “sự thật phũ phàng” là măng tây không hề bự như tôi nghĩ, mà nó nhỏ xíu. Măng tây Ðà Lạt chỉ bằng ngón tay út, dài cỡ hơn một gang tay. Măng tây nhập ngoại lớn cỡ ngón tay trỏ, dài cỡ một gang tay rưỡi. Còn thứ lá nhỏ xanh mướt, lí rí, xinh xắn tôi hay mua cắm đệm vô bình bông, chậu bông (tạo cảm giác mong manh, bông nổi bật lên) thì lại chính là cái măng tây Ðà Lạt già.

Măng tây cũng lặt khúc từ trên ngọn xuống chừng hai lóng tay như lặt rau muống, thấy già thì bỏ, chớ măng tây làm sao gọt được. Tự dưng tôi “sáng mắt sáng lòng”, hiểu ra từ trước đến nay (ngày nhìn thấy măng tây) hóa ra là mình bị cái Ban Tuyên láo (giáo) Bắc cộng nó lừa. Thằng viết chuyện “anh Ba gọt măng tây” nó chưa từng nhìn thấy măng tây, cũng chưa từng được ăn măng tây mà nó tưởng tượng ra (theo quan niệm chung của người Việt thời cộng sản: Tây thì cái gì cũng bự) mà viết xạo ve kêu luôn (ngoài Bắc gọi là bố láo đó). Măng tây như vầy mà nói “anh Ba”gọt ở trên tàu cả rổ. Trên đời này có ai gọt được măng tây không? Vậy mà Tuyên láo dám “chế biến” thêm cái đoạn ông đầu bếp chánh người Pháp hướng dẫn “anh Ba” cách gọt măng tây mới ghê chớ. Khi đọc sách, tôi cũng không nghĩ ra là một khi đã ở trên một con tàu buôn lớn vượt đại dương thì thời gian lênh đênh trên biển lớn mỗi lần kéo dài hàng tháng tàu mới cập bến cảng, nên không thể có chuyện ông thuyền trưởng muốn đuổi người là đuổi liền được, đuổi đi đâu? Tuyên láo Bắc cộng viết về tàu buôn nước ngoài mà cứ như kể chuyện mấy cái xuồng ba lá Việt Nam, sáng đi chiều về, muốn đi thì đi, muốn đậu ở đâu cứ tấp vô đậu đại chỗ đó, thả người lên bờ xong lại đi tiếp.

Măng tây, tất nhiên phải ăn theo kiểu Tây là xào với thịt bò và tỏi, cho thêm chút rượu vang để có mùi thơm ngon hơn. Tuy nhiên, thịt bò ở Việt Nam mắc lắm nên phần lớn người Sài Gòn bình dân đều mua măng tây Ðà Lạt (rẻ hơn măng nhập) xào với thịt heo, tép đã lột bỏ vỏ, hoặc đơn giản hơn là xào tỏi, luộc chín chấm cá kho, thịt kho, chấm mắm cáy, mắm nêm ăn cơm đều được. Tuy nhiên, măng tây không hề là món ăn bình dân bởi giá bán rất mắc, trung bình 40 ngàn đồng/kg, bằng giá nửa ký thịt heo ngon, nên thỉnh thoảng mới dám gồng mình lên ăn một bữa măng tây xào cho đỡ thèm. Người lao động thường mua thịt heo về kho rồi chấm các loại rau ăn rẻ tiền để có thể ăn cả nhà, cả tuần. Chớ mua một ký lô măng tây về chỉ đủ một người nhét kẽ răng.

Làm măng tây xào tép rất dễ. Chỉ cần mua măng tây, lặt khúc như tôi đã nói ở trên, rửa sạch xong cho vô rổ. Nếu mua một ký lô măng tây lặt xong còn lại chừng nửa ký mà thôi, muốn ăn nhiều phải mua gấp đôi, gấp ba lần. Lựa loại măng thân lớn, mập thì sẽ giòn và ngọt hơn.

Tép con nhỏ cỡ ngón tay út đến ngón trỏ thì vừa, nhỏ quá lột vỏ mất thời gian lâu, lớn quá thì mắc tiền mà lại cứng, cứ lựa tép con lớn vừa phải mà tươi thì thịt ngọt mà mềm, lột xong để nguyên con, ướp gia vị (muối, bột ngọt, đường, hạt nêm, tiêu xay… tùy khẩu vị) để ba chục phút cho thấm. Trường hợp con tôm lớn thì lột vỏ xong phải chẻ nó làm hai theo chiều dài, cho lên thớt dùng con dao phay nặng đập tôm giập giập thì tôm mới không bị cứng, sau đó mới ướp gia vị.

Trước hết, nấu nồi nước sôi luộc sơ qua măng tây rồi vớt ra để ráo nước (không luộc chín hẳn). Bắc cái chảo lớn lên bếp, cho lửa cháy to lên, cho ít dầu ăn vô chảo. Chờ chảo nóng thì cho vài tép tỏi đã đập giập vô phi, khi thấy tỏi vàng thì cho tép vô chảo xào. Thấy tép chín đỏ đều rồi thì cho măng tây vô xào chung. Dùng cái dá lớn đảo cho đều, đến khi thấy măng tây chín hẳn và xanh mướt là được. Tắt lửa, nhắc chảo xuống khỏi bếp. Ðừng để chín quá sẽ làm măng mất giòn, giảm độ ngọt. Cũng không nên cho nhiều gia vị quá sẽ làm mất mùi vị măng tây, không ngon nữa.

Có người không luộc sơ măng tây trước, mà để nguyên măng tươi cho vô chảo xào. Tôi đã làm thử cách này, tuy đỡ tốn công luộc nhưng để cho măng chín thì phải xào hơi lâu hơn một chút, và như vậy thì măng bị teo và hơi dai, không xanh mướt, không ngon bằng ta cứ chịu khó luộc sơ măng trước. Còn khi luộc như rau củ để chấm đồ ăn mặn thì phải luộc vừa chín tới.

Các chợ ở Nam Cali đều có bán măng tây, giá cũng không rẻ, mỗi bịch một pound giá từ $2-3. Trong các chợ Việt, giá rau Việt Nam (dền, mồng tơi, rau đay, rau lang, rau má, rau đắng, cải xanh, rau mùi…) loại nào cũng mắc hơn rau gốc Mỹ (bắp cải, cải thảo, củ cải trắng, cà rốt, trái su, củ dền, khoai tây, củ hành lớn, bông cải…). Duy chỉ có măng tây là giá vượt trội lên tất cả, vì cái sự lặt hao của nó. Nếu gia đình bốn người phải mua đến tám pound măng tây mới đủ ăn một ngày, ăn xong hơi bị “đau bụng” đó.

TPT