Hàng năm, nhóm nghiên cứu Sustainable Development Solutions Network công bố bản tường trình về mức an vui hay hạnh phúc (happiness) của cư dân thế giới. Tháng Ba năm nay họ công bố bài World Happiness Report 2018, tập tài liệu dài 172 trang (http://worldhappiness.report/ed/2018/ ). Nhóm nghiên cứu kể trên gồm các chuyên gia về Tâm Lý, Xã Hội và Thống Kê và chương trình nghiên cứu được Liên Hiệp Quốc tài trợ. Ðể giữ “tự do ngôn luận” và tránh tiếng “thiên vị”, Liên Hiệp Quốc đã cẩn thận kê khai rằng bản tường trình là ý kiến riêng của nhóm nghiên cứu, nghĩa là thích hay không thích, đồng ý hay muốn chất vấn cứ việc liên lạc với nhóm nghiên cứu, Liên Hiệp Quốc không dính dáng chi.
Năm nay, theo bản thống kê dựa trên các tiêu chuẩn của cư dân, nơi con người sống an vui nhất thế giới là Phần Lan (Finland). Tạm hiểu là cư dân Phần Lan mãn nguyện về nơi sinh sống của họ. Hoa Kỳ xếp hạng 18, Hoa Lục hạng 86 và Việt Nam hạng 95 (chương 2, biểu đồ 2.2).
The World Happiness Report là một bài tường trình dựa trên kết quả của các bản “hỏi ý kiến” người dân. Nhóm nghiên cứu hỏi ý cư dân trên 156 quốc gia về mức an vui, những gì khiến họ an vui, và hỏi ý kiến cư dân nhập cư tại 117 quốc gia về sự an vui của họ.
Ngoài những câu hỏi thông thường “đo lượng” mức an vui (dựa trên sự an toàn, sức khỏe, lương bổng, thời giờ nghỉ ngơi, mức áp lực trong đời sống…) năm nay, nhóm nghiên cứu chú trọng đến đề tài di dân, di dân trong lãnh thổ và di dân từ ngoại quốc.

Dưới đây là danh sách 10 quốc gia đứng hàng đầu về sự an vui và 10 quốc gia xếp hạng bét
An vui nhất
- Finland
- Norway
- Denmark
- Iceland
- Switzerland
- Netherlands
- Canada
- New Zealand
- Sweden
- Australia
Tệ hại nhất
- Malawi
- Haiti
- Liberia
- Syria
- Rwanda
- Yemen
- Tanzania
- South Sudan
- Central African Republic
- Burundi
Năm nay Phần Lan chiếm bảng vàng trong khi Na Uy tụt xuống hạng nhì. Nhìn chung, cũng vẫn 10 vùng đất quen thuộc kể trên được xem là những nơi an vui nhất của địa cầu, vị trí chỉ thay đổi chút xíu từ năm này sang năm khác. Tạm hiểu là cư dân vẫn không thay đổi ý kiến cho lắm về sự hài lòng của họ với nơi sinh sống.
Tại 10 quốc gia đứng đầu về sự an vui, cư dân xếp hạng rất cao các tiêu chuẩn đưa đến sự hài lòng của họ như lợi tức, tuổi thọ, mức an sinh xã hội, tự do, lòng tin và sự hào sảng [của người chung quanh].
Trong khi các quốc gia đứng đầu không mấy thay đổi thì tại những vùng đất hạng bét lại có các thay đổi đáng kể: Togo đứng hạng bét năm 2015 thì năm nay lại leo lên 17 bậc trên trong khi Venezuela tụt sổ.

Trong bài tường trình gồm 7 chương thì năm (5) chương chú trọng đến đời sống di dân. Nhóm chuyên viên thu góp những chi tiết đo lượng sự an vui của di dân và cư dân tại quốc gia tiếp nhận cũng như sự an vui của thân nhân ở lại quê nhà. Bản thống kê đưa đến các kết luận khá ngạc nhiên: di dân mãn nguyện, đất nước tiếp nhận hài lòng và các thân nhân của di dân còn ở lại quê nhà cũng mãn nguyện.
Các kết quả kể trên dựa trên những thống kê về di dân từ Hoa Lục (di dân từ miền quê về thành phố), từ các quốc gia Âu Châu, Phi Châu, châu Mỹ La Tinh và giữa các quốc gia vùng Thái Bình Dương (Oceania countries). Tại 117 quốc gia được tìm hiểu, tại mỗi vùng, trên 100 di dân và 100+ cư dân đã trả lời bản câu hỏi. Tạm hiểu, 100+ (n) là con số đáng kể để có một bản thống kê tương đối vững chắc.
Một chi tiết đáng kể là ý kiến di dân hầu như hoàn toàn phù hợp với ý kiến cư dân địa phương về sự an vui; nghĩa là cả hai nhóm người đều xem miền đất họ đang sinh sống là thiên đường hạ giới: Phần Lan đứng đầu sổ dựa trên thống kê thu góp từ di dân và từ người địa phương. Ta tìm thấy kết quả tương tự tại 10 quốc gia đứng đầu danh sách. Sự chấp nhận di dân đi đôi với tính hào sảng sẵn sàng trợ giúp của người địa phương tỷ lệ thuận với mức an vui của di dân và của chính cư dân. Người địa phương dễ dàng chấp nhận di dân vì không sợ “mất phần”, không lo lắng về sự tranh giành công việc làm ăn sinh sống.

Những yếu tố nào giải thích sự tương đồng kể trên? Khi có đời sống no đủ, được người chung quanh đối xử tử tế, xã hội thanh bình, không phải lo âu sợ hãi thì con người an vui, hạnh phúc. Bất kể là cư dân hay di dân. Các tác giả bài tường trình cho rằng sự an vui của di dân tùy thuộc vào các yếu tố xã hội, quan trọng hơn cả lương bổng. Các quốc gia nơi di dân an vui không hẳn là nơi giàu có nhất về tiền bạc nhưng đó lại là những vùng đất an toàn với các chương trình an sinh xã hội đầy đủ, bảo đảm cho một mức sống thong thả nhất. Nếp sống theo mô hình “an nhàn” của ông bà ta, ít bon chen tranh giành, con người “biết đủ” và hài lòng với đời sống chung quanh.
Nơi di dân an vui thì thân nhân từ quê nhà cũng an vui, có thể do sự gắn bó, trợ giúp tiền bạc và ủng hộ về tinh thần giữa di dân và gia đình họ.
Tại những vùng đất kém “thanh nhàn”, chỉ số ‘an vui’ của cư dân thấp nhưng chỉ số an vui của di dân lại càng thấp hơn nữa,một khoảng cách khá xa về sự an vui giữa cư dân và di dân. Ðiển hình là các cuộc di dân của người Hoa Lục từ thôn quê ra thành thị hoặc từ các quốc gia châu Mỹ La Tinh. Với di dân Hoa Lục, dù chỉ di chuyển giữa các tỉnh lỵ và đô thị nhưng lại là cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử với mấy chục triệu người. Dù ngôn ngữ tập tục khá tương đồng, di dân Hoa Lục gặp khá nhiều khó khăn, chịu kỳ thị nặng nề từ đồng bào họ. Di dân không an vui và cư dân đô thị cũng không mấy hài lòng khi đời sống bị dồn ép vì quá đông người. Với các nhóm di dân từ châu Mỹ La Tinh đến các vùng đất [đã] phát triển, họ gặp khó khăn về ngôn ngữ, thói quen sinh sống… Những con số thống kê cho thấy di dân đến Hoa Kỳ không cảm thấy an vui trong khi cùng nhóm di dân đến quốc gia láng giềng Canada lại mãn nguyện dù Huê Kỳ giàu có hơn Canada về tiền bạc! Chính cư dân Huê Kỳ cũng không cảm thấy hài lòng cho lắm với xã hội chung quanh trong khi láng giềng người Canada lại vô cùng vừa ý với đời sống trên đất nước họ!?
Bài tường trình chấm dứt với đề mục “ba vấn nạn [liên quan đến sự an vui] đang hình thành của thế giới”: bệnh mập phì, dịch nghiện nha phiến và chứng trầm cảm. Dù cuộc thảo luận đặt dưới nhan đề “thế giới” nhưng các chi tiết thống kê đã được thu góp từ Hoa Kỳ. Nói một cách khác, đây là vấn nạn lớn nhất của xã hội Hoa Kỳ, các vấn nạn này mỗi ngày một lớn; mức gia tăng mạnh nhất tại Hoa Kỳ so với các quốc gia khác.
TLL
*John F. Helliwell, Richard Layard and Jeffrey D. Sachs
This publication may be reproduced using the following reference: Helliwell, J., Layard, R., & Sachs, J. (2018). World Happiness Report 2018, New York: Sustainable Development Solutions Network.