Mẹ bỏ tôi đi đột ngột, theo cái cách bất ngờ nhất.
Buổi chiều hôm đó, khi tôi ra khỏi nhà, ngoái lại nhìn vẫn thấy bà đứng ở cửa nhìn theo. Từ ngày con gái tôi đi học xa, nhà vắng người, bất cứ lúc nào tôi ra khỏi nhà, bà cũng đứng nhìn theo, và luôn luôn đợi cho đến khi tôi về mới đi ngủ, dù là 11, 12 giờ đêm chăng nữa, và dù cho tôi có nói thế nào đi nữa.
Tôi ngoái lại nói với cái câu quen thuộc “Ngoại đừng đi ra ngoài nghe”. Mùa tuyết, tôi luôn luôn lo sợ bà đi ra ngoài sẽ bị té. Bấy giờ là tháng Tư, tuyết không còn nhiều nhưng cũng chưa hết hẳn.
Tôi đi lúc 16:30 thì 18:00 có người gọi điện thoại báo tin bà bị xỉu ngoài sân, xe cứu thương đã đưa vào bệnh viện. Ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi: bà lại đi ra ngoài và bị té. Nhưng hóa ra bà không bị té mà tình hình nghiêm trọng hơn tôi tưởng nhiều: bà bị đột quỵ, xuất huyết não.
Sau này tôi mới biết tôi đi được một lúc thì bà cũng lại ra ngoài đi đổ rác, như bà thường nói, đi cho đỡ chồn chân, cho có không khí trong lành vào phổi. Nhưng nghĩ lại, hóa ra lại may vì bà đột quỵ nằm ngoài sân nên người đi đường thấy (căn nhà tôi ở nằm ngay đầu ngã ba, thường xuyên có xe bus, xe hơi, người đi bộ…đi ngang qua), và họ ngay lập tức gọi xe cứu thương tới. Chứ nếu bà bị đột quỵ trong nhà thì phải tới tối tôi mới về và cả phần đời còn lại tôi sẽ luôn sống với ý nghĩ day dứt: biết đâu trong mấy tiếng đồng hồ đó có thể cứu được bà.
Cú đột quỵ đã làm cho bà hoàn toàn hôn mê và từ lúc được đưa vào bệnh viện vào chiều tối thứ Năm cho tới lúc ra đi vào sáng sớm Chủ Nhật, bà không hề tỉnh lại. Con gái tôi đã kịp bay từ Anh về vào xế trưa thứ Bảy để có mặt bên bà ngoại trong những giờ cuối cùng. Bà đã chờ được cháu về, đứa cháu gái duy nhất mà bà luôn kề cận, ngay cả khi tôi đi học xa ở Ấn thì cũng một tay bà ngoại chăm sóc cháu.
Bà đi đột ngột quá, họ hàng cũng chẳng ai ngờ. Ba tôi, sống ở Mỹ từ nhiều năm nay, hiện bị ung thư phổi, dì tôi, em kế của mẹ, bị ung thư máu cả năm nay, hay ngay cả bác tôi ở VN, sức khỏe cũng yếu hơn… thì vẫn chưa sao. Còn mẹ tôi, ngoài việc bị huyết áp cao mà ngày nào bà cũng dùng thuốc đều đặn và chứng loãng xương làm cột sống của bà cong như hình chữ S, thì không có vấn đề gì về sức khỏe, đầu óc minh mẫn, ngày nào cũng đọc báo, xem phim, gọi điện thoại hoặc email cho bà con, và vẫn túc tắc làm việc này việc kia trong nhà. Và tôi, không hiểu sao lúc nào tôi cũng đinh ninh bà sẽ còn sống với con với cháu ít nhất là dăm năm nữa…
Nên sự ra đi của bà làm chúng tôi đau đớn. Ðiều duy nhất an ủi tôi là bà đi êm ả, không đau đớn gì. Cả một đời bà không may mắn, buồn nhiều hơn vui, duy chỉ có cái chết là đúng như ý nguyện: không làm phiền con cháu, không đau đớn, không kéo dài.
oOo
Ông ngoại tôi là giáo sư môn Sử-Ðịa trường Nữ trung học Ðồng Khánh và Quốc học, Huế trong nhiều năm trước cũng như nhiều trí thức khác, ông đi theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp rồi trở về với đủ thứ bệnh tật trong người và qua đời một thời gian sau đó vì xơ gan. Bà ngoại tôi thì cả đời ở nhà nội trợ. Ông bà ngoại tôi có 5 người con gái (thật ra là nhiều hơn nhưng họ đã chết khi còn bé). Mẹ tôi là người thứ ba, bà có hai người chị và hai người em gái. Cả 5 bà đều đẹp, trong đó mẹ tôi và người bác thứ hai giống ông ngoại nên có nét như tây. Cả đời mẹ tôi hầu như không mấy khi cần phải trang điểm. Trong cuốn album chụp từ thời con gái của bà, là hình ảnh một người phụ nữ trẻ dáng cao thanh mảnh, khuôn mặt thanh tú, mắt sâu, mũi cao, nụ cười tươi…trong những chiếc áo dài cổ cao, tà dài, chít eo và mái tóc uốn cao bồng bềnh, đúng mốt của phụ nữ Sài Gòn những năm 50, 60. Xinh đẹp hơn người, nhưng mẹ tôi lại không may mắn trong đường tình duyên. Sau những lựa chọn, quyết định sai lầm trong thời trẻ, bà sống một mình suốt phần đời còn lại, nuôi tôi khôn lớn bằng đồng lương eo hẹp của một nữ hộ sinh.
Thời trước năm 1975, có giai đoạn bà làm trong bệnh viện Saint Paul của Pháp ở Sài Gòn, có giai đoạn bà làm cho các bệnh viện công, nhưng về sau thường là làm cho các bệnh viện tư. Những chỗ làm thường xuyên thay đổi nên thời tiểu học hầu như cứ mỗi năm tôi học một trường khác nhau, thậm chí ở những thành phố khác nhau, khi thì Sài Gòn, lúc Ban Mê Thuộc, lúc Qui Nhơn…Và cũng vì thế, tôi không kịp có bạn thân. Lúc nào cũng chỉ lủi thủi bên cạnh mẹ.
Mẹ tôi là một nữ hộ sinh giỏi, đã từng đỡ đẻ cho bao nhiêu sản phụ, nhưng chưa có ai phải chết hay có “sự cố” gì, sai sót gì xảy ra trong suốt bao nhiêu năm. Nhiều năm làm việc, bà cũng dành dụm được kha khá tiền gửi ngân hàng. Nhưng rồi biến cố năm 1975 xảy ra, người chủ ngân hàng đã chạy ra nước ngoài vào những phút cuối cùng, mẹ tôi cũng như bao nhiêu khách hàng khác mất trắng, phải làm lại từ đầu.
Những năm sau 1975, khi cuộc chiến tranh vừa dứt tiếng súng chưa được bao lâu thì người dân Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung đã phải ngỡ ngàng đối mặt với bao nhiêu cay đắng, tủi nhục, những chính sách phân biệt đối xử mà bên chiến thắng, những người cộng sản, dành cho “người dân chế độ cũ”, “dân của bên thua trận”. Bên cạnh đó là đối mặt với cái đói, sự túng thiếu, phải trải nghiệm những điều mà trước đây miền Nam chưa khi nào phải trải qua, dù ngay cả trong thời chiến tranh.
Thời ấy đã có lúc mẹ tôi và cả gia đình dì tôi tính đến chuyện đi “kinh tế mới” theo lời kêu gọi, hứa hẹn rất ngon lành của nhà cầm quyền. Nhưng rất may rốt cuộc mẹ tôi nhờ có một người quen xin được vào làm việc cho Bệnh viện Hùng Vương, Chợ Lớn, (lúc đó có được việc làm, rồi sau một thời gian có “biên chế chính thức” là nhân viên nhà nước là may lắm, chứ nếu không tôi lại trở thành con em nông dân ở một vùng kinh tế mới nào đó; hoặc cũng như rất nhiều người khác, sau một thời gian trụ không nổi phải bò về lại Sài Gòn, sống vất vưởng, không nhà cửa-vì nhà đã bị nhà nước lấy mất khi đi kinh tế mới, không nghề nghiệp, không tương lai…). Và thế là bà làm việc suốt ở đó cho tới ngày về hưu. Ngày nào cũng lọc cọc đạp cái xe đạp cà tàng từ Phú Nhuận lên Chợ Lớn làm việc rồi từ Chợ Lớn đạp về nhà. Ðồng lương eo hẹp, bà thường phải làm thêm ngoài giờ mới có đủ tiền tạm chi phí cho hai mẹ con.
Cả một đời tôi sống với mẹ, từ thời còn nhỏ, thời con gái, khi đã lập gia đình, hay sau khi chia tay chồng và lại quay về đời sống độc thân. Chỉ có hai lần tôi tạm xa mẹ, là lúc tôi đi học ngành đạo diễn phim hệ Sau Ðại học ở Ấn Ðộ, hai năm rưỡi, và lúc tôi qua Na Uy trước, sau đó 18 tháng mới bảo lãnh được bà. Cả một đời sống bên cạnh bà nhưng phải nói thật những suy nghĩ, nỗi niềm sâu kín nhất của mẹ, nếu có, tôi cũng không biết được.
Mẹ tôi là người không hay nói về quá khứ, chỉ trừ những kỷ niệm thời còn nhỏ, lúc sống với ông bà ngoại và các chị em. Ngoài ra, hầu như bà không tâm sự, nhất là chuyện tình duyên, chuyện riêng tư. Phải đến năm 18 tuổi tôi mới biết ai là cha ruột của mình, và cũng không phải do bà nói, mà do một người cô, em ruột cha tôi, bỏ công đi tìm tôi và nói cho tôi hay. Và phải mất một thời gian sau nữa, mối quan hệ của tôi với gia đình bên nội mới được thiết lập. Còn người cha ruột thì đến tận năm 24 tuổi, tôi mới gặp mặt lần đầu tiên, khi ông từ Mỹ trở về Sài Gòn.
Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết ai là người bà yêu nhất trong đời, hay thực sự bà đã bao giờ có những giây phút hạnh phúc? Không nói về quá khứ, cũng không lưu giữ bất kỳ những kỷ niệm gì của quá khứ. Chỉ trừ những bức ảnh của chính bà, của ông bà ngoại, các chị em, và của con, cháu. Ðâu đó trong những bộ phim tình cảm mà chúng ta vẫn xem, có cảnh sau khi người mẹ mất đi, người con ngồi lục lại trong chiếc rương, hòm cũ của mẹ và tìm thấy nhật ký, những bức thư cũ, những vật kỷ niệm…Ðiều đó chẳng bao giờ xảy ra với tôi.
Mẹ tôi cũng không bao giờ than vãn, trách móc số phận. Tôi thì không được như vậy. Tôi rất hay nói câu “phải chi…”, “giá như…”, dù biết rằng điều đó là vô ích.
Mẹ tôi chỉ lẳng lặng chịu đựng cái phần số của mình. Cả đời tự đi làm nuôi mình, không nhờ vả làm phiền ai, ngay đến cái chết cũng không làm phiền con cháu dù chỉ một ngày một giờ. Không tu nhưng bà đã sống suốt mấy chục năm sau này chẳng khác nào một nữ tu, một cuộc đời đơn giản, đến khi mất đi chẳng để lại gì. Không hiểu mẹ tôi có ý thức về sự hư vô, vô thường của cuộc đời không nhưng bà đã sống rất vô vi, không ngoái lại quá khứ, không than trách, không mong cầu điều gì.
Như rất nhiều người già khác, những năm sau này mẹ tôi cũng hay nói nhiều về cái chết. Bà nhắc đi nhắc lại chết là hết, nếu bà có chết cứ hỏa táng rải tro ra biển, đừng làm gì tốn kém, cũng chẳng cần cúng kiếng, người chết rồi có hưởng được đâu.
oOo
Bao nhiêu năm qua, dù đi đâu, dù về nhà vào lúc tận nửa đêm, tôi biết mình vẫn có một người mẹ già ngồi chờ cửa. Biết bà lo nên bao giờ tôi cũng gọi điện thoại báo trước khi về khoảng nửa tiếng, mà nếu tới giờ chưa kịp gọi là bà đã gọi. Khi tôi bị đau đầu, mà tôi thì thường xuyên bị đau đầu vì chứng migraine, hoặc bị cảm, đã có mẹ nấu cho nồi nước xông, cạo gió hoặc lấy máy sấy tóc sấy hơi ấm lên đầu. Và ngay cả trong những lúc lên cơn trách móc cuộc đời, ít nhất vẫn có mẹ ngồi nghe.
Bây giờ thì bà đã đi. Ði mãi…
Hơn nửa đời người mất mẹ vẫn là đứa trẻ mồ côi…
SC