Có một thời anh em trẻ say mê làm báo. Không phải để kinh doanh mà do lòng yêu văn chương và tình bạn. Không chỉ ở Sài Gòn mà khắp nơi trên dải đất Miền Nam. Hăng hái nhất và kiên trì nhất có lẽ là những anh em ở Miền Trung trong đó có nhóm Ý Thức.
Nhà văn Đỗ Hồng Ngọc mới đây đăng trên trang nhà của mình bài viết của Nguyên Minh với lời ghi chú:
Bài này là một phần bài viết của nhà văn Nguyên Minh, chủ biên Bán nguyệt san Văn học nghệ thuật Ý Thức tại Saigon (1970-1975), đã đăng trên Vanchuongviet.org của Nguyễn Hòa vcv ngày 01 Oct 2010.
Nhân dịp Quán Văn 55 chủ đề Một Thời Để Nhớ ra mắt ngày 20.5.2018, tôi trích đăng lại một vài đoạn dưới đây như một kỷ niệm một thời tuổi trẻ của bạn bè anh em.
Một thời để nhớ, đúng vậy. Chúng ta cùng trở về lại thời của Ý Thức qua bài viết của Nguyên Minh nha các bạn. NGUYỄN & BẠN HỮU
(…) Năm 1967, tại Phan Rang, khi Ngy Hữu và Nguyên Minh về dạy học tại đó, tập hợp bài vở anh em trong nhóm ở xa làm một số Xuân Gió Mai, in roneo, khô 21×30. Ðến năm 1969, Gió Mai mở rộng và đổi tên là Ý Thức, hai tháng ra một số báo, in ronéo. Lúc này, nhóm chủ trương có thêm Trần Hữu Lục, Lê Ký Thương, Võ Tấn Khanh, Ðỗ Nghê (Ðỗ Hồng Ngọc). Tòa soạn: Theo chân người viết. (Thực ra là 11 Nguyễn Thái Học. Phan Rang).
Báo ra được 6 số thì dọn vào Sài Gòn, ra chính thức Bán nguyệt san văn học nghệ thuật, in Typô rồi đến Offset, phát hành rộng rãi toàn quốc. Tòa soạn đặt tại 666 Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Chủ nhiệm trên pháp lý là Dược Sĩ Nguyễn Thị Yến, một người bạn của Nguyên Minh, không biết gì về văn chương, trên thực tế là Nguyên Minh với chức danh trên giấy phép do Bộ Thông Tin cấp là Tổng Thư Ký. Tại tòa soạn, những số báo đầu tiên có Thái Ngọc San, Nguyễn Mai phụ tá, sau đó có Võ Tấn Khanh, Lê Ký Thương vào giúp sức với Nguyên Minh. Báo ra 24 số thì tạm đình bản. Ðầu năm 1975, Ý Thức ra bộ mới do Lữ Kiều chủ biên. Báo vừa in xong số 2 tháng 3 thì xảy ra biến cố 1975, chưa kịp phát hành.
Kể từ Ý Thức thời quay ronéo đã có thường xuyên các truyện ngắn, thơ của Tần Hoài Dạ Vũ, Mường Mán, Ðông Trình, Doản Dân, Nguyễn Kim Phượng, Hồ Minh Dũng, Từ Hoài Tấn, Luân Hoán, Chu Trầm Nguyên Minh, Thế Vũ, Nguyễn Lệ Tuân, Thái Ngọc San…
Ý Thức thời in Typô và offset có thêm Trần Nhựt Tân, Huỳnh Hữu Ủy, Nguyễn Ước, Huỳnh Ngọc Sơn, Bảo Cự, Trần Duy Phiên, Nguyễn Lệ Uyên, Mang Viên Long, Bùi Giáng, Huy Tưởng, Từ Kế Tường, Nguyễn Tôn Nhan, Lê Văn Thiện, Phạm Ngọc Lư, Phan Việt Thủy, Trịnh Công Sơn, Kinh Dương Vương, Nguyễn Xuân Thiệp, Huỳnh Phan Anh, Cao Hữu Huấn, Phan Tấn Uẩn, Nguyễn Ðức Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Phan Thịnh…
Hình Thức: Chữ Ý Thức thời ronéo do Lê Ký Thương kẻ. Khổ báo là 21×30. Ðánh máy trên stencil là Chị Hồ Thị Kim Phương, một người bạn gái của Nguyên Minh, rất sính văn chương, tẳn mẳn đếm từng chữ để canh hai bên lề ngay ngắn, không khác gì sắp chữ chì in typô.
Khi Ý Thức chính thức có giấy phép của Bộ Thông tin, khổ báo được đổi thành 14x2O. Số 1 bìa do Lê Ký Thương trình bày. Số 2 do Ðỗ Quang Em. Số 3 do Vị Ý. Số 4 đến số 7 trở lại Lê Ký Thương. Số 8 tranh bìa Hoàng Ngọc Biên.
Bắt đầu số 9, Ý Thức lại thay đổi khổ báo, hình vuông 19×19. Bìa và ruột do Nguyễn Bom trình bày, rất mới lạ. Số 12, tranh bìa của Bửu Chỉ: Quê hương ta ngày trùng tu. Số 18, tranh bìa của Hồ Ðắc Ngọc. Số 21 Ý Thức chuyển qua in offset. Lê Ký Thương trình bày và kỹ thuật in do Nguyên Minh chăm nom.

Khai trương nhà xuất bản Ý Thức thời ronéo là tập truyện Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang của Trần Hoài Thư.
Khi cơ sở Ý Thức dời về Sàigòn, tập truyện Cát Vàng của Lữ Quỳnh được xuất bản, bìa in offset do Nguyễn Trung trình bày, phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Tuần tự, cũng mang tên Ý Thức, đã xuất bản: Những vì sao vĩnh biệt, tập truyện thứ hai của Trần Hoài Thư. Sau đó là Sông Sương Mù , tập truyện thứ hai của Lữ Quỳnh, Bìa của Hoàng Ngọc Biên. Sách được in tại nhà in Thanh Bình.
In tại nhà in riêng offset đặt tại Phan Rang: Bếp lửa còn thơm mùi bã mía, tập thơ của Lê Ký Thương, Thơ Ðỗ Nghê (một bút hiệu khác của Ðỗ Hồng Ngọc), Kẻ phá cầu, tập kịch của Lữ Kiều
Ý Thức, tủ sách Hoa Niên, dành cho thiếu niên, đã xuất bản: Ðám tang đa đa, truyện dài của Nguyên Minh. Mưa qua thành phố, tập truyện của Nàng Lai (một bút hiệu khác của Lữ Kiều). Em bé bất hạnh, Anh hùng tí hon, của Trần Quang Huề. Tranh bìa bốn cuốn sách trên của họa sĩ Nguyễn Trung. Chim bay về đâu, truyện dài dành cho lứa tuổi 16, của Võ Tấn Khanh. Sách dịch có Cậu bé gỗ của Châu Lang (một bút hiệu khác của Châu Văn Thuận), Trên ngọn hải đăng của Lê Ký Thương…
Mang tên nhà xuất bản Tiếng Việt, có Ngọn cỏ ngậm ngùi, tập truyện thứ ba của Trần Hoài Thư, Sông sương mù, tập truyện của Nguyễn Mai. Sách dịch có Mười hai năm bên cạnh Hitler của Nguyên Thạnh (bút hiệu của Nguyễn Mậu Hưng).
NM
Nguồn: Vanchuongviet.org Oct 1.2010