Menu Close

Phong trào “gái ngoan”

Tuy mới là những ngọn sóng nhỏ nhưng sóng bắt đầu cuốn mạnh và tạo ra ảnh hưởng tích cực. Đó là phong trào kêu gọi nữ giới sống nghiêm chỉnh, thể hiện ở việc ăn mặc đàng hoàng, kín đáo; nhấn mạnh trình độ trí thức cũng như cổ súy các đức tính liên quan thiên tính phái nữ như thêu thùa may vá hơn là kiểu sống phóng túng buông thả… 

phong-trao-gai-ngoan
Taylor Swift trong một trang phục “gái ngoan” Cosmo

Váy đầm không nên ngắn quá gối và áo thun cổ rộng nhất thiết phải vận thêm áo khoác ngoài… Những lời khuyên thời trang nghe như thời thập niên 1950 này đang hiện diện trên website PureFashion.com, được thiết lập để khuyến khích các cô tuổi teen ăn mặc đàng hoàng “nhằm cho công chúng thấy việc ăn mặc đứng đắn vẫn có thể thể hiện phong cách thời trang, nét duyên dáng và chừng mực”. PureFashion đã tổ chức hàng loạt chương trình thời trang với tham gia của 600 người mẫu. Giám đốc Brenda Sharman cho biết sẽ có 25 chương trình thời trang tương tự trong năm 2018. Và không chỉ PureFashion, loạt website khác cũng liên tục xuất hiện gần đây, từ ModestApparelUSA.com, ModestByDesign.com, đến DressModestly.com, tất cả đều kêu gọi sự trở lại phong cách thời trang thể hiện “tư cách”.

Ðây là phong trào mà nữ văn sĩ Wendy Shalit gọi là “gái ngoan”, trái ngược với lối sống “gái hư” mà ngày càng có nhiều gương mặt nổi tiếng như Lindsay Lohan hoặc Paris Hilton đang tạo ra ảnh hưởng xấu cho xã hội Mỹ. Những thiếu nữ theo phong trào “gái ngoan” không ngần ngại đưa mẹ đến nơi hẹn bạn trai; và họ thề giữ gìn trinh tiết cho đến khi kết hôn. Thử vào website PureFashion, có thể thấy tôn chỉ của họ được quảng bá như sau: PureFashion được thiết kế riêng cho những em gái 8-12 tuổi nhằm giúp chúng tái khám phá và tái khẳng định giá trị nội tâm cũng như chất nữ tính đích thực. Chương trình huấn luyện lối sống mẫu mực của PureFashion kéo dài 7 tháng gồm các khóa dạy hàng tháng…, với những chủ đề như cách ăn uống trong nhà hàng, nghi thức giao tiếp xã hội, kỹ năng ứng xử, nghệ thuật trang điểm, cách suy nghĩ chín chắn về những chọn lựa…

Tạp chí Eliza (do Summer Bellessa thành lập) dành riêng cho đối tượng theo phong trào này đã ra mắt. Ðối tượng độc giả Eliza là nữ giới từ 17-34 tuổi. Dây chuyền siêu thị khổng lồ Macy’s đang bắt đầu bán loại quần áo kín đáo mang nhãn hiệu Shade do hai phụ nữ theo giáo phái Mormon thành lập. Theo Wendy Shalit, đây là thời điểm chín muồi để xã hội Mỹ điều chỉnh và khép lại hình ảnh gợi dục lồ lộ trong suốt thời gian dài và tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực cho giới trẻ. Ðược xem là một trong những người tiên phong cầm cờ cho phong trào “gái ngoan”.

Là sáng lập viên website ModestyZone.net và trang blog Modestly Yours.net, Shalit – đại diện làn sóng nữ quyền thứ tư tại Mỹ – chẳng hiếm “kẻ thù”, đặc biệt thành phần chống nữ quyền. Tạp chí Playboy từng viết bài đả kích cô, với hàng tít “Cơn ác mộng tệ hại nhất đối với các ông”.

phong-trao-gai-ngoan1
Thời trang lịch sự của phong trào “gái ngoan” (một mẫu thiết kế của Dolce & Gabbana) Cosmo

Bất chấp nhiều chỉ trích, phong trào sống lành mạnh vẫn từng bước định hình. Ngày càng có những người như Isis Sapp-Grant, thạc sĩ xã hội Ðại học New York, giám đốc Youth Empowerment MissionBlossom Program for Girls tại New York City; như Cantice Greene, tiến sĩ Ðại học công Georgia, người thực hiện chiến dịch kêu gọi không quan hệ tình dục sớm trong giới sinh viên; hoặc Naomi Brandon, hồi còn là sinh viên, đã viết bài blog cảm động cho thấy giá trị của nữ giới được thể hiện như thế nào khi cô ấy ngồi bên chiếc máy may tự mình may vá cho gia đình… Một cách không ồn ào, ảnh hưởng từ các nhóm xã hội kêu gọi nữ giới Mỹ “về nguồn” đang bắt đầu thể hiện. Tờ Christian Post cho biết việc ăn mặc kín đáo đã phần nào giúp tỉ lệ sinh và quan hệ tình dục ở đối tượng học sinh trung học giảm.

Cần nhấn mạnh, việc được tiếp xúc nhiều hình ảnh sexy không phải không có tác động tiêu cực. Trong bài viết trên Times of London, tác giả Laura Deeley đã dẫn lời tiến sĩ tâm lý Sharon Lamb (Ðại học Vermont) rằng “sự phơi bày nhục thể được nhìn thấy thường xuyên sẽ khuyến khích và dẫn đến xu hướng nhục thể hóa đối với các cô gái trẻ, trong một tiến trình mà sự giấu kín theo bản năng sẽ nhường chỗ cho cảm giác thích được phơi bày”. Nghiên cứu ba thập niên của tiến sĩ Lamb cho thấy thêm rằng những cô gái trẻ quá xem nặng yếu tố ngoại hình và phơi bày cơ thể đều nhận lãnh hậu quả cho thể xác lẫn tinh thần. Khảo sát của giáo sư tâm lý Barbara Fredrickson (Ðại học North Carolina) cũng kết luận rằng những em tuổi teen thích xem mình là sự lôi cuốn khêu gợi sẽ đối mặt nguy cơ rối loạn ăn, tuyệt vọng và rối loạn chức năng tình dục…

MK