Menu Close

Homeward Bound Paul Simon giã từ sân khấu

Sau hơn nửa thế kỷ sáng tác và trình diễn khắp thế giới, với hàng chục triệu dĩa bán và 16 giải Grammy, Paul Simon sẽ gác đàn về hưu sau chuyến lưu diễn cuối cùng mang tên “Homeward Bound, Paul Simon Farewell Tour”. Vào tối thứ Hai 1/6, Simon cùng ban nhạc đã đến American Airlines Center tại Dallas trong một đêm diễn đầy ấn tượng và đáng nhớ.

Ðúng 8:30 đèn trong khán trường tắt ngấm, Simon một mình với cây đàn bước ra sân khấu trong tiếng hò hét của khán giả. Bằng một chất giọng khàn đục Simon, năm nay đã 76 tuổi, mở màn với bản nhạc “America” nổi tiếng từ thập niên 60, khi anh và Art Garfunkel đang làm mưa làm gió trên các băng tần AM radio. Bài nhạc đơn sơ với lời lẽ giản dị nhưng đầy chất thơ, về một chuyến bụi đời của cặp tình nhân trẻ Paul và Kathy—lúc ấy chưa đầy hai mươi và có lẽ còn nghèo, chỉ đủ tiền mua hai vé xe đò, một gói thuốc lá, vài chiếc bánh pie dằn bụng trước khi lên đường đi tìm “giấc mơ Mỹ”:

“Let us be lovers, we’ll marry our fortunes together. I have some real estate here in my bag. So we bought a pack of cigarettes and Mrs Wagner’s pies, and walked off to look for America.

Kathy, I said as we boarded a Greyhound in Pittsburgh, Michigan seems like a dream to me now. It took me four days to hitchhike from Saginaw, I’ve come to look for America…”

paul-simon4

Cuộc hành trình vào thế giới âm nhạc của Paul Simon đã bắt đầu một cách nhẹ nhàng như thế. Sang lời hai ban nhạc bất thần xuất hiện dưới ánh đèn trắng sáng. Lần đầu tiên người ta được nhìn thấy dàn nhạc sĩ đông đảo tháp tùng Paul Simon, ít nhất cũng phải mười mấy người—nào là kèn, trống, piano, cello, accordeon, đủ thứ nhạc cụ gõ… hứa hẹn một đêm nhạc hào hứng. “America” vừa dứt ban nhạc liền chơi tiếp bài “50 Ways To Leave Your Lover”, một trong những bản nhạc top hit của Paul sau khi rã đám với Garfunkel. Dàn trống và bộ gõ được tận dụng tối đa. Bầu không khí trong AA Center nóng lên thấy rõ.

Phải chờ đến hết bài Simon mới chào khán giả. Mở rộng vòng tay như muốn ôm tất cả vào lòng, Paul cất tiếng nhỏ nhẹ: “Hello, my friends!” Khán trường ồ lên hưởng ứng. Paul cho biết Dallas có một chỗ đứng đặc biệt trong tim anh vì nơi đây là quê hương thứ nhì của chàng, đúng ra là quê của vợ chàng—nữ ca sĩ Edie Brickell sanh trưởng tại khu Oak Cliff cách AA Center không đầy năm dặm về hướng Nam.

paul-simon5
Homeward Bound tour poster

Sau khi cảm tạ khán giả, đa số ở lứa tuổi trung niên, Simon và ban nhạc đã đưa mọi người vào một chuyến phiêu du bằng âm nhạc qua khắp miền thế giới. Từ vùng đồng bằng Nam Bộ Louisiana với những bài nhạc đậm chất Cajun (“That Was Your Mother”), dọc theo dòng sông Mississippi ngược lên Memphis, Tennessee, đến quê nhà của Elvis Presley (“Graceland”). Từ đó ta băng qua Đại Tây Dương đến lục địa Phi Châu xa xôi, nơi Paul Simon từng viếng thăm các khu làng nghèo khó của nước Nam Phi vào thập niên 1980, khi chế độ kỳ thị chủng tộc ‘apartheid’ còn cầm quyền và nhà tranh đấu Nelson Mandela đang ngồi tù. Tại đây Paul Simon đã mời ban nhạc Ladysmith Black Mambazo hợp tác trong dĩa “Graceland” (1986) và đoạt giải Grammy “Album of the Year” năm 1987. (Năm 1990, sau khi Nelson Mandela được trả tự do, ban nhạc Ladysmith Black Mambazo đã tháp tùng Mandela đi khắp nơi—kể cả đến Norway trong buổi lễ trao giải Nobel Hoà Bình.)

paul-simon2
Paul Simon với ban nhạc Ladysmith Black Mambazo – nguồn: CNN

Đa số các bài nhạc được chọn trong phần đầu của chương trình đến từ các dĩa solo của Paul Simon, tức sau thời kỳ hát chung với Garfunkel. Ngoài những bài top hit như “Boy In The Bubble”, “Me And Julio Down By The Schoolyard”, “Diamonds On The Sole Of Her Shoes” v.v.  còn có những bài mới ra gần đây như “Dazzling Blue”, “Wristband”, “Reunion Of Mother And Child”… Với dàn nhạc hùng hậu, mỗi bài nhạc được hoà âm một cách chọn lọc để không phải lúc nào cũng cần đến 14 nhạc sĩ. Khi thì dàn kèn được nghỉ ngơi, lúc thì người đánh piano được vào trong. Ban nhạc có hai cây đàn guitar điện, một người là gốc Phi Châu với lối đánh độc đáo được chuyên dùng cho các bài mang chất Nam Phi, Jamaica hay Brazil. Âm thanh thật ấm đầy và phong phú. Nhắm mắt lại ta có thể nghe ra từng nhạc khí, mỗi thứ một chút, chẳng khác nào một món gỏi cuốn với nhiều loại rau thơm trộn lẫn với nhau một cách hài hoà.

Paul Simon nói nửa đùa nửa thật với khán giả rằng nhạc của ông là nhạc để nhảy, nên ông khuyến khích thiên hạ ai cảm thấy đôi chân ngứa ngáy hãy tự nhiên đứng lên nhảy múa—miễn không làm phiền người sau lưng. Và thiên hạ đã hưởng ứng nhiệt liệt. Đến bài “You Can Call Me Al” thì khán giả ở tầng trệt không còn một ai ngồi cả, không khí khán trường vô cùng vui nhộn và Paul Simon cũng hoạt náo không kém. Tuy đã 76 tuổi nhưng Simon vẫn còn rất kiện tráng, nhảy múa như còn trẻ, và đặc biệt là giọng hát của chàng gần như không bị mai một bởi thời gian.

paul-simon
Bìa dĩa “Sound of Silence” của Simon & Garfunkel, phát hành ở Anh Quốc năm 1970

Ấn tượng nhất là một bản nhạc ít ai biết, với cái tựa dài ngoằng. Simon kể lý do có bài này là vì một hôm anh đến nhà ca sĩ Joan Baez để tập hát chung, tình cờ thấy một quyển sách về hoạ sĩ René Magritte trong đó có bức ảnh chụp hai vợ chồng hoạ sĩ với chú chó sau Đệ Nhị Thế Chiến với lời chú: “René And Georgette Magritte With Their Dog After The War”. Thấy cái tựa ngộ quá, Simon bèn … cuỗm luôn để soạn một bài nhạc. Đệm cho Simon trong bài này là một ban nhạc đàn dây sáu người (sextet) từ New York tên ‘yMusic’, được Simon mướn chơi trong tour cuối cùng này. Có thể nói đây là bài nhạc êm dịu nhất trong chương trình nhưng để lại dấu ấn sâu đậm hơn cả. Chắc chắn sau khi đi xem Paul Simon về sẽ có nhiều người lục tìm bài này để nghe.

Sau phần chính của chương trình, Simon cùng ban nhạc đã trở lại với ba (3!) màn encore và chơi một lô các bản nhạc top hit quen thuộc—gọi là ‘crowd pleasers’, để làm vừa lòng khán giả—“Still Crazy After All These Years”, “Kodachrome”, “Homeward Bound”, “American Tune”… và dĩ nhiên phải có bài “The Boxer” một thời vang bóng khi còn là cặp bài trùng Simon & Garfunkel. Sau đó ban nhạc rời sân khấu, bỏ lại một mình Paul Simon với cây đàn, như lời của bài “Homeward Bound”:

On a tour of one-night stands

my suitcase and guitar in hand.

And every stop is neatly planned

for a poet and a one-man band.

Homeward bound, I wish I was

Homeward bound…

Trên sân khấu giờ chỉ còn một ánh đèn duy nhất rọi xuống nhà thi sĩ của chúng ta. Người nghệ sĩ với cây đàn đơn độc, lẻ loi, rải nhẹ những âm thanh quen thuộc dạo đầu cho bài nhạc mọi người đang chờ đợi:

“Hello darkness my old friend

I’ve come to talk with you again…”

Khán trường như muốn vỡ tung. “The Sound of Silence” (Tiếng Âm Thầm), bài nhạc đầu tay đưa cặp bài trùng Simon & Garfunkel lên đài danh vọng năm 1966, giờ đây được trình bày chỉ bằng giọng hát trầm ấm của Paul Simon để kết thúc tour tiễn biệt của mình.

“And in the naked light I saw

Ten thousand people, maybe more…”

Ca từ của hơn năm mươi năm trước giờ đây giống như lời tiên tri. Mặc dù AA Center đêm nay vẫn còn nhiều ghế trống nhưng số người có mặt chắc chắn phải trên mười ngàn. Và sau hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ đa số vẫn tỏ vẻ tiếc nuối khi tiếng đàn cuối cùng trở nên im lặng và Paul Simon cúi đầu chào mọi người một lần cuối.

Còn quá nhiều những bản nhạc bất hủ của Simon và Garfunkel người ta vẫn muốn nghe, nào là “Bridge Over Troubled Water”, “Mrs Robinson”, “Cecilia”, “El Condor Pasa”… Nhưng ai cũng hiểu đây là show của “Paul Simon” chứ không phải của “Simon & Garfunkel”. Cũng như nếu đi xem Paul McCartney ta không thể đòi hỏi chỉ nghe nhạc Beatles. Thành thử không có gì ngạc nhiên khi những bản nhạc của Simon & Garfunkel chỉ chiếm khoảng 20% của chương trình. Dù gì đi nữa, chàng thi sĩ bụi đời và one-man band thuở nào vẫn còn rất phong độ. Được nghe và xem chàng hát một lần cuối trước khi giải nghệ thật sự là một trải nghiệm khó quên.

“Homeward Bound, Farewell Tour” của Paul Simon vẫn còn đang lưu diễn tại một số thành phố trên nước Mỹ trước khi sang Âu Châu vào tháng 7. Sau đó tour sẽ tạm ngưng vài tuần và kết thúc ở miền Đông Hoa Kỳ vào tháng 9. Bà con nào muốn xem chỉ cần lên internet tìm cụm từ “Paul Simon Farewell Tour 2018” để kiếm vé. Bảo đảm đáng đồng tiền!

-ianbui