Menu Close

Căng thẳng tại G7

Đầu Tháng 6 năm nay, chính phủ Hoa Kỳ chính thức tuyên bố áp đặt 25 phần trăm thuế thép và 10 phần trăm thuế nhôm nhập cảng từ Liên Âu (EU), Canada và Mexico với lý do là để bảo vệ những công ty sản xuất nội địa và là điều cần thiết cho an ninh của nước Mỹ. Lời tuyên bố này rơi vào thời điểm đúng một tuần lễ trước thượng đỉnh G7.

cang-thang-tai-c7b

Thế nên thượng đỉnh G7 năm nay, được tổ chức tại thị trấn nghỉ mát La Malbaie trong khu vực Charlevoix, thuộc tỉnh Quebec, Canada, mang một bầu không khí căng thẳng khác thường. Một ngày trước khi cuộc họp thượng đỉnh diễn ra đã có những lời qua tiếng lại giữa các vị nguyên thủ qua trang Twitter: Thủ tướng Justin Trudeau của Canada đã gọi quyết định đánh thêm thuế của Trump là “bất hợp pháp” và “xúc phạm”. Trump đáp lại rằng Trudeau đã tỏ ra “quá tức giận rồi”. Trong khi đó Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra lời khiêu khích: “Tổng thống Mỹ có thể không bận tâm nếu bị cô lập, vậy thì chúng tôi cũng không bận tâm ký một thoả hiệp chung 6 nước nếu cần.”

Cuộc họp G7 thường niên bắt đầu từ hôm Thứ Sáu tuần qua và kéo dài trong hai ngày được mô tả giống như một khán đài tỉ thí cho cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh.

Các nguyên thủ của G7, khối kinh tế quy tụ gồm bảy quốc gia kỹ nghệ hàng đầu thế giới, ngoài Hoa Kỳ và Canada còn có Ðức, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Pháp và Ý, đồng thời còn có sự tham gia của đương kim chủ tịch hội đồng Liên Âu, và kể từ 1975, các nguyên thủ của những quốc gia trên vẫn gặp nhau mỗi năm để bàn luận việc hợp tác trên một số vấn đề như kinh tế, an ninh toàn cầu, và biến đổi khí hậu. Thông thường, những chủ đề chính đã được các quốc gia trên bàn thảo từ trước, thượng đỉnh chỉ là nơi các nguyên thủ gặp nhau, bắt tay, chụp hình lưu niệm để bày tỏ sự đồng ý, và sau đó ký vào bản tuyên bố chung rồi ra về. Tuy nhiên, thượng đỉnh năm nay mang một bầu không khí rất khác, là vì ngoài khúc xương áp đặt thuế thép và nhôm còn có việc Hoa Kỳ quyết định rút ra khỏi thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu vào năm ngoái và hồi đầu Tháng 5 vừa qua đã rút ra khỏi thoả thuận nguyên tử với Iran được nhiều quốc gia ký kết dưới thời Obama.

cang-thang-tai-c7a
Vui vẻ khai mạc – nguồn youtube

Thêm một điều khác nữa là trước khi rời Washington để đi dự thượng đỉnh, một nguồn tin nội bộ còn cho biết là Tổng thống Trump sẽ sẵn sàng không ký vào bản tuyên bố chung để chứng tỏ rằng Hoa Kỳ hoàn toàn vui vẻ đi đường riêng của mình nếu như những thành viên G7 khác gây khó dễ trong những cuộc bàn luận. Sự chia rẽ đã đẩy tình trạng căng thẳng lên đến mức một số quan sát viên của G7 đã gọi thượng đỉnh lần này là “G6 + 1”.

Có thể nói việc lập ra khối G7 là một phần của cái gọi là trật tự thế giới thời hậu thế chiến bao gồm các định chế và sự liên minh giữa các cường quốc hàng đầu trên thế giới mà chính Hoa Kỳ đã xây dựng lên và lãnh đạo trong suốt bảy thập niên qua. Nó là một hệ thống với sự liên hệ mật thiết giữa an ninh và kinh tế để nhằm phát triển sự thịnh vượng chung cho toàn cầu và truyền bá những giá trị chung của Tây phương về thể chế dân chủ và nhân quyền ra khắp thế giới.

Tuy nhiên, với ý kiến của ông Trump, hệ thống này có vấn đề mà cốt lõi là do những quốc gia đồng minh và đối tác đã lợi dụng khai thác để hưởng lợi từ cái trật tự an ninh và kinh tế đó và sự thiệt thòi nằm ở phía Mỹ.

Với lối suy nghĩ như trên, ông Trump cho rằng những người đóng thuế ở Mỹ đã phải trả chi phí để giữ an ninh cho các quốc gia đồng minh của Mỹ ở Âu châu và Á châu, trong khi người lao động ở Mỹ đã phải chịu thiệt thòi cho sự phồn thịnh kinh tế của thế giới vì nhiều công ăn việc làm của họ đã bị đưa sang những quốc gia khác.

cang-thang-tai-c7
Tổng Thống Trump mang lại sự hỗn loạn cho G7 với các mối đe dọa thương mại và khen ngợi Nga, sau đó rút lui khỏi thỏa thuận chung – nguồn Los Angeles Times

Thậm chí trước khi bước lên máy bay đi Canada vào sáng hôm Thứ Sáu, ông Trump, qua lời tường thuật từ các phóng viên, đã bắn tiếng đưa ra một đề nghị mà chắc chắn đã đổ thêm dầu vào sự bực mình đã có sẵn của các đồng minh của Mỹ rằng nên cho Nga được trở lại tham dự thượng đỉnh. Bốn năm trước, Nga đã bị đẩy ra khỏi khối lúc đó gọi là G8 do hậu quả là Nga đã ngang nhiên chiếm đoạt bán đảo Crimea từ Ukraine và sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của Nga.

Lời đề nghị ngoài lề này của ông Trump đã thật sự làm các đồng minh Âu châu khó chịu là vì trong mấy năm qua các quốc gia này đã đồng thanh hưởng ứng việc trừng phạt kinh tế đối với nước Nga mà việc trừng phạt này lại do chính Hoa Kỳ khởi xướng.

Ðã sẵn thất vọng sau khi ông Trump tuyên bố rút lui khỏi thoả thuận khí hậu cũng như thoả thuận nguyên tử với Iran, nay lại thêm đề nghị trái ngược này thì sự thất vọng trên chắc chắn sẽ còn tăng thêm nhiều nữa. Nhưng thực ra việc áp đặt thuế lên thép và nhôm mới là nguyên do chính làm nguyên thủ của các quốc gia đồng minh trên nổi giận và họ đã phải lên tiếng.

Quyết định của Tổng thống Trump cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đi từ một cách hiểu truyền thống về đồng minh của họ là cùng nhau hợp tác và nay quay sang chính sách đi một mình để bảo vệ cho các ngành sản xuất nội địa. Một số nguyên thủ còn nghi ngờ về cách hiểu của ông Trump về tổ chức G7 và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.

cang-thang-tai-c7c
Cảnh vật hữu tình Charlevoix nhưng lòng người thì không – nguồn Telegraph

Hành động đó cũng đã dấy lên lo ngại rằng đây không chỉ là một cuộc chiến mậu dịch giữa các bạn hàng với nhau mà còn là chỉ dấu suy tàn của cái trật tự của khối Tây phương đang yếu dần đi ngay từ bên trong – và cấp bách hơn nữa mà một số người đang lo sợ là sự việc đang dẫn tới một thượng đỉnh “G6+1”, với nước Mỹ của Tổng thống Trump bị đẩy ra rìa.

Nhưng cũng có người đã nêu ra trong một số khía cạnh thương mại, quả thật nước Mỹ đang phải chịu thiệt thòi. Chẳng hạn như hiện tại, các quốc gia Liên Âu đánh 10 phần trăm thuế lên các xe hơi của Mỹ trong khi Mỹ chỉ đánh 2 phần trăm thuế lên xe hơi của Âu châu. Canada đánh thuế 270 phần trăm lên các sản phẩm bơ sữa, 70 phần trăm lên các món xúc xích và 27 phần trăm lên thịt bò. Vậy, phải chăng đây cũng là một hình thức của chính sách bảo vệ mậu dịch của những quốc gia trên? Và ông Trump chỉ cố ý khuấy tung cái trật tự đó lên và sau đó tìm cách vãn hồi và sửa đổi lại.

Trước đây cũng đã từng có những căng thẳng tại G7 liên quan đến chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ thời Tổng thống Nixon, hoặc sự kiện một số đồng minh NATO phản đối việc Hoa Kỳ cho lắp đặt vũ khí nguyên tử tại Âu châu sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, và gần đây hơn là việc Ðức và nhất là Pháp phản đối Hoa Kỳ phát động cuộc chiến Iraq.

Theo Heather Conley thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), căng thẳng trước đây chỉ là những “cãi vã trong gia đình” và là những bất đồng trên vấn đề chính sách, còn nay nó là bất đồng trên cái nền tảng của trật tự thế giới – đó là sự lãnh đạo của Mỹ trong một cộng đồng với những quốc gia có chung quan điểm – và điều này cần phải được chất vấn triệt để hơn nữa.

Vậy đâu là thực hư của vấn đề hiện nay giữa Hoa Kỳ và đồng minh? Nó có thực sự nghiêm trọng và đe doạ cho tương lai của thế giới như một số người đang lo ngại, hay cũng chỉ là những “cãi vã trong gia đình”, mặc dù có hơi to tiếng, để rồi đâu cũng lại vào đó sau khi các nước đạt được những thoả thuận mới.

VH