Menu Close

Để trở thành kỹ sư điện toán

Kể từ sau cuộc khủng hoảng internet và “bong bóng” dot-com của 20 năm trước, cộng thêm xu hướng các hãng đưa công việc ra nước ngoài, một số phụ huynh đã e ngại về sự ổn định của công việc trong lãnh vực điện toán và IT nói chung để khuyến khích con cái có khả năng bước vào ngành nghề này. Tuy nhiên theo các số liệu từ Bộ Lao Động Hoa Kỳ, hiện nay lãnh vực này sẽ tiếp tục phát triển và cần thêm khoảng hơn nửa triệu công việc mới cho đến 2026. Chúng tôi mời các bạn cùng gặp gỡ Kỹ sư Đinh Hoàng Lĩnh, một chuyên viên Cao Học Điện Toán hiện đang làm việc cho hãng thầu Bộ Quốc Phòng Raytheon, để tìm hiểu thêm về nghề nghiệp này.

de-tro-thanh-ky-su-dien-toan
Thiết kế một ứng dụng mới

Đinh Yên Thảo (DYT):Một số phụ huynh e ngại về sự ổn định và cơ hội nghề nghiệp trong lãnh vực điện toán khi cho con em theo học ngành này vì xu hướng công việc bị đưa ra nước ngoài trong thời gian qua. Liệu đây có thật sự là một điều đáng lo ngại?

Kỹ Sư Đinh Hoàng Lĩnh: – Sẽ luôn có những hãng đưa việc ra nước ngoài (outsourcing) nhưng cũng sẽ luôn có một nhu cầu cần những chuyên viên phát triển nhu liệu (software developer) lành nghề tại Mỹ bởi thị trường này khá rộng lớn và có sự khó khăn để thành một chuyên viên giỏi. Thật ra thì các chuyên viên điện toán cũng có nhiều chọn lựa, từ việc làm tự do cho đến làm cho các hãng khởi dựng (start-up) hay cho chính phủ và các tập đoàn tư nhân, nên một khi có khả năng thì không khó kiếm việc.

ĐYT: Lĩnh có thể chia sẻ vài kinh nghiệm cá nhân trong quá trình tìm việc làm của mình để mọi người có thể hiểu hơn về nhu cầu tuyển dụng hiện nay. Có bạn học nào của Lĩnh không tìm được việc hay phải đổi nghề không?

KS ĐHL: – Mùa học cuối thì Lĩnh vào các trang mạng của các hãng để điền đơn xin việc, có lẽ cũng khoảng vài chục hãng. Có 10 hãng liên lạc, phản hồi khá tích cực và kêu điền thêm hồ sơ hay phỏng vấn qua điện thoại. Sau đó thì có 3 hãng mời tới phỏng vấn trực tiếp với cấp quản trị và các kỹ sư của họ. Cuối cùng được 2 hãng thu nhận, cho mình cơ hội được chọn lựa một trong hai. Theo Lĩnh biết thì không có bạn đồng học nào gặp khó khăn trong vấn đề tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Dù vậy Lĩnh cũng có đọc tin tức đó đây về việc các kỹ sư gặp trở ngại trong vấn đề tìm việc. Thông thường thì có lẽ vì hồ sơ tìm việc không đủ mạnh hay do thiếu kỹ năng phỏng vấn, một điều rất quan trọng để trình bày về mình với các hãng.

ĐYT: – Lãnh vực điện toán có điều gì thú vị để Lĩnh quyết định chọn theo?

KS ĐHL: – Lĩnh chọn ngành điện toán chủ yếu vì thích cái ý tưởng là mình có thể sáng tạo ra điều gì đó ý nghĩa từ những ngón tay gõ vào bàn phím. Khi có thể đặt nỗ lực của mình vào việc thiết kế hay đóng góp vào một ứng dụng hoặc giải quyết được một vấn đề nan giải thì cách nào đó là một cảm giác đầy tặng thưởng tinh thần.

ĐYT: – Có lẽ vậy, sự sáng tạo trong kỹ thuật là vô giới hạn và đã làm thay đổi cả thế giới, cũng như tặng thưởng tinh thần thường giúp chúng ta đặt đam mê vào công việc nhiều hơn. Thông thường thì các học sinh theo học Cử Nhân bốn năm rồi Cao Học trong hai hoặc ba năm cho hầu hết các ngành học. Chương trình học để trở thành một Kỹ Sư Điện Toán hiện nay có gì khác hơn với điều vừa nói?

KS ĐHL: – Hiện nay thì có khá nhiều đại học có chương trình thu gọn 4+1 (fast track), cho phép các sinh viên năm cuối đại học có thể lấy lớp của chương trình Cao Học. Các lớp này tất nhiên khó hơn các lớp đại học nhưng được tính điểm chung cho cả hai chương trình Cử Nhân và Cao Học nên rút ngắn thời gian học được một năm. Ðây là chương trình Lĩnh theo học, nhưng nhờ đã theo học chương trình AP (Advanced Placement) tính điểm đại học từ bậc trung học nên Lĩnh rút ngắn thêm một năm nữa, do đó tốt nghiệp Cao Học Ðiện Toán chuyên về hệ thống trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) chỉ trong bốn năm đại học.

de-tro-thanh-ky-su-dien-toan2
Kỹ Sư Đinh Hoàng Lĩnh trong lễ tốt nghiệp

ĐYT: – Đó là một nỗ lực đáng tự hào. Với Lĩnh thì môn học khó nhất trong quá trình học là gì? Các em học sinh thường có những năng khiếu gì để chúng ta khuyến khích các em bước vào lãnh vực điện toán này?

KS ĐHL: –  Môn học khó nhất cũng có lẽ là môn hay nhất mà Lĩnh đã học là Khoa Học Máy (Machine Learning), liên quan đến các giải thuật suy luận và các thuật toán rất khó để hiểu và ứng dụng. Nó giới thiệu một lãnh vực mới hiện đang phát triển rất thịnh. Các em muốn theo ngành điện toán thường giỏi toán và khoa học, cũng như cần có lập luận thật tốt. Các em cần có khả năng nhận biết tính chất mô hình lặp (pattern) khi gặp một tình huống nào đó nhiều lần, có khả năng xoay trở khi gặp các vấn đề không biết và tìm cách học hỏi chúng, cũng như là một người có năng khiếu giải quyết vấn đề.

ĐYT: – Chọn một chuyên ngành để theo đuổi trong lãnh vực điện toán như thế nào? Các kỹ sư ra trường có các chọn lựa nghề nghiệp ra sao?

KS ĐHL: – Cái cốt lõi của Khoa Học Ðiện Toán (Computer Science) là học các giải thuật toán học lý thuyết và cấu trúc dữ liệu để giải quyết các bài toán thực tế bằng nhu liệu và máy móc. Dựa vào điều này thì mỗi người có thể đi theo các ngành khác nhau như lập trình, kỹ thuật điện toán, hệ thống mạng, an ninh mạng, máy thông minh (AI), cơ sở dữ liệu, thiết kế trang mạng…  tùy theo sở thích của mình. Những chuyên môn này có mục tiêu riêng biệt nhưng đều dựa trên nền tảng của khoa học điện toán nên một khi đã có một nền tảng vững vàng thì cũng không khó khi học một chuyên môn mới hay khi chuyển sang các lãnh vực chuyên biệt khác.

ĐYT: – Từ việc học trong trường chuyển sang môi trường làm việc ra sao?

KS ĐHL: – Học trong trường thì thoải mái hơn. Chỉ có học, làm bài và nộp các bài tập hay đề án là xong. Nhưng trong môi trường làm việc thì mình phải thiết kế hay lập trình các nhu liệu làm sao có thể tái sử dụng, có khả năng duy trì và tích hợp vào hệ thống mã nguồn có sẵn. Căn bản là đặt mục tiêu làm sao tạo ra các tính năng mới mà không làm hư hại gì cái sẵn có và sẽ không là cơn ác mộng khi cần sửa lỗi trong tương lai. Có rất nhiều thứ mới mẻ để học khi thực hiện các dự án trong hãng nhưng tựu trung thì học những điều mới cũng không khó khăn gì.

de-tro-thanh-ky-su-dien-toan1
Cân bằng công việc và đời sống: khám phá nước Nhật

ĐYT: – Nghề kỹ sư điện toán gặp thử thách hay áp lực công việc gì ? Mình cân bằng giữa công việc và đời sống ra sao?

KS ĐHL: – Trong đời sống thì hầu như làm gì cũng có hạn định, thời gian đáo hạn. Tất nhiên khi đi làm thì cũng phải nỗ lực hoàn thành công việc trong khả năng tốt nhất của mình để không làm khách hàng phật ý hay trễ sang theo các dự án khác. Dẫu sao khi cố gắng thì mình sẽ luôn hoàn tất công việc thôi. Ðối với Lĩnh thì việc cân bằng giữa công việc và đời sống rất quan trọng, tại Raytheon thì điều này rất tốt, chỉ làm 40 tiếng mỗi tuần là xong việc.

ĐYT: –  Cơ hội phát triển và thăng tiến nghề nghiệp ra sao? Nhân công ngày càng trẻ và cấp quản trị cũng trẻ theo. Liệu những kỹ sư trẻ có nên nhắm đến vai trò lãnh đạo sau một thời gian làm việc?

KS ĐHL: – Cơ hội phát triển và thăng tiến nghề nghiệp trong những năm đầu sự nghiệp của một kỹ sư điện toán là đổi hãng vì thường là đổi hãng sẽ có mức lương hay vị trí cao hơn hãng đang làm. Tất nhiên điều này không phải là khuôn mẫu. Một số hãng trả hay tăng lương cao để giữ chân nhân viên. Cũng như nếu mình thích cái hãng và công việc đang làm, có cơ hội học thêm nhiều điều thì chẳng có lý do gì phải thay đổi hãng. Chuyển sang vai trò quản trị thì thiên về sở thích nhiều hơn. Nếu về sau mình cảm thấy không còn hứng thú với kỹ thuật mà thích làm việc về vấn đề nhân sự thì cũng hợp lý khi chuyển sang vai trò quản trị. Khi có các manager xuất thân từ kỹ thuật cũng luôn là điều hay.

ĐYT: – Lĩnh có tự tin về mức độ an toàn, ổn định về việc làm của mình và cảm thấy thế nào khi đã quyết định và chọn lựa đi theo nghề điện toán này?

KS ĐHL: – Lĩnh hết sức là tự tin về mức độ an toàn công việc và cũng rất vui là đã đi theo ngành này. Làm việc cho một hãng thầu quốc phòng là khá an toàn và Lĩnh cũng luôn nhận được email hay tin nhắn từ các nhà tuyển dụng trên LinkedIn mời gọi những vị trí công việc khác. Thế giới phát triển về mặt kỹ thuật với tốc độ cấp số thì những kỹ sư lành nghề luôn cần nhiều hơn.

ĐYT: – Đúng vậy, một thế hệ chuyên viên trẻ gốc Việt đầy tự tin, năng động và lành nghề sẽ có những con đường với nhiều cơ hội và sự chọn lựa trong tương lai. Xin cảm ơn Kỹ Sư Đinh Hoàng Lĩnh đã dành thời gian chia sẻ về nghề nghiệp trên chuyên mục hôm nay.

ĐYT thực hiện