Tất cả đã đồng loạt cùng một lúc thay đổi bút pháp, hình thức, câu chữ và đăng tập trung trong vài số báo. Nếu đại đa số chọn khuynh hướng biểu trưng đậm đặc, một số khác chọn trường phái dã thú, nhưng tất cả đều đã ùa đi tìm ấn tượng. Truyện ngắn Sắc Màu của Vũ Quỳnh Nh. đã mở đầu bằng ba câu nhập hết sức khiêu khích:
– Gái tơ, trẻ đẹp đủ cỡ, ông thích không?
– Gái trẻ đẹp biết cách chiều chuộng, mời ông vô?
– Gái…
(trích Vũ Quỳnh Nh, Sắc Màu, Hợp Lưu số 3)
Chỉ với ba chữ Gái rao mời sáng tác khai phá, Vũ Quỳnh Nh. đã khẳng định mình không thuộc trường phái Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến, vứt trả hết cho thầy Trần Trọng Kim những tâm huyết của nghề văn. Cùng trên Hợp Lưu số 3, Trân Sa viết truyện tình Thời Nàng Còn Điên và chứng tỏ Sa biết điên. Bốn số sau, Bản Chính trên Hợp Lưu 7, kể lại những ám ảnh hốt hoảng của một thiếu nữ chạy đuổi bắt chính mình thời nhỏ đang lao xuống vực thẳm của đời sống. Hốt hoảng trước những vuốt ve si mê của Vũ Anh, một người bạn gái, hốt hoảng trước những ngón tay mảnh dẻ cởi cúc xoa êm dịu làn da trần dịu mát của buổi chiều vừa chấm nắng. Sau ân ái, Trân Sa lặng lẽ bước ra vườn, tắt đèn ngồi ở bậc tam cấp lắng nghe những im lặng của chính mình. Truyện ngắn đã cố dấy lên một luồng gió…
Trần Vũ
Hợp Lưu 12 Năm, HL 67, tháng 10-2002
Trân Sa
2 kỳ- Kỳ 1
Tặng Q.C và M
Trong một giấc ngủ, Nhiên mơ thấy nàng gặp lại nàng thời nhỏ. Nhiên Nhỏ khoảng mười bốn mười lăm tuổi, da nâu hồng rám nắng, mặc quần áo vải thô sờn rách màu xanh trời, bộ điệu man dã ngây thơ như nai con. Nàng cầm hai bàn tay cô, mừng rỡ, ngắm nghía từng nét một, cả đến những sợi tóc mai và những chiếc lông măng. Ðầu hơi cúi, cô bé liếc liếc nàng, hai riềm mi cười rung rung. Ðôi tay cô vùng vằng nhè nhẹ, như muốn được thả ra để vọt đi chơi cho rồi nhưng lại sợ làm nàng buồn giận. Cô trông giống nàng quá, và dĩ nhiên là trẻ trung mạnh khỏe hơn. Cô có vẻ đẹp của một đứa trẻ lớn lên từ núi đồi hoang dã. Tim nàng chao nhẹ. Nàng hỏi :
“Nhiên có biết tôi là ai không?”
Nhiên Nhỏ lắc đầu. Nàng nói :
“Tôi là Nhiên đó”.
Cô bé cười ha ha như nàng vừa mới nói đùa.

“Làm sao chị là tôi được? Chỉ có tôi mới là tôi thôi!”
“Thật mà! Tôi là Nhiên. Tôi là tương lai của Nhiên. Nhiên là ngày xưa của tôi. Tụi mình là một người”.
“Thôi mà. Tôi không hiểu đâu. Hiểu để làm cái gì! Thả tôi ra cho rồi!” cô năn nỉ.
“Nhưng Nhiên đi đâu bây giờ vậy? Cho tôi theo với”.
“Tôi đi tìm bạn của tôi. Chị sẽ không thích những trò chơi của bọn tôi đâu. Tôi thì chán những sự tính toán nhỏ nhặt của người lớn! Chị là người lớn”.
Cô vuột ra khỏi tay nàng bỏ chạy. Ðược một đỗi ngắn cô quay đầu lại nhìn nàng, nói to:
“Nếu chạy được như tôi thì mới là tôi!”
Nàng chạy theo, giẫm lên những chiếc lá vàng mục ẩm sương. Nắng vừa mới lên, dịu dàng lấp lánh trên cành lá. Nhiên Nhỏ chạy băng băng, thỉnh thoảng lăng quăng lòng vòng quanh những gốc cây như để chờ đợi nàng. Cô nhảy vút qua vài tảng đá nhỏ, dần dần bỏ xa nàng… Ðến khi hình dạng cô chỉ còn là một dấu chấm nhỏ tí nhảy múa giữa hai màu lá xanh và đất nâu thì nàng cũng nhòa biến, cùng lượt với tiếng thổn thức của một chiếc lá vừa rụng. Không biết ở đâu.
Nàng nhớ giấc mơ ấy nhiều ngày. Nhớ màu da rám nắng và những sợi lông măng thật mỏng óng ánh trên khuôn mặt như trái cây chuẩn bị ửng chín của Nhiên Nhỏ. Nhớ đôi tay vùng vằng và cái cười hơi thẹn. Những câu nói và đôi chân nai rừng chạy thoăn thoắt…
Buổi sáng sau giấc mơ, nàng dừng trước bồn rửa mặt, ngước khuôn mặt đẫm ướt lên nhìn mình trong gương cố tìm dấu vết của Nhiên Nhỏ. Nàng ngó đăm đăm hai con mắt mệt mỏi. Nàng nhếch môi để cười. Nàng cười to lên. Nụ cười tiếng cười lạ lẫm, gượng gạo làm sao! Bằng cách nào mà tôi đã để mất, đã đánh mất, đã bị cướp đoạt hoặc bôi xóa mất ánh hồn nhiên trong mắt và vẻ vui tươi của nụ cười? Ðó là những điều thuộc về tinh thần, nào có lệ thuộc bởi thời gian đâu? Lời nói của Nhiên Nhỏ càng lúc càng sắc rõ trong trí: “Tôi thì chán những sự tính toán nhỏ nhặt của người lớn”. Một sự phê phán quyết liệt và ngây thơ. Chỉ có trẻ con mới quyết liệt, ngây thơ được như thế. Thật ra, nếu nghiêm khắc hơn, cô có thể chê trách nàng là một kẻ lười biếng, yếu đuối và hèn nhát nữa kìa. Khi đuổi theo phía sau lưng Nhiên Nhỏ, mắt nàng đã không ngừng kiểm soát mặt đất, hoảng hốt tránh né những viên sỏi, nhánh cây. Nàng sợ phải trợt té. Nàng trèo qua những tảng đá một cách thận trọng vụng về trong khi Nhiên Nhỏ nhảy phóng qua chúng một cách rất ngoạn mục. Và khi khoảng cách giữa họ bắt đầu hơi xa, nàng đã chạy chậm lại dần với tư tưởng đành bỏ cuộc. Nàng biết trên hai đầu gối của cô bé có rất nhiều vết sẹo, kết quả của bao lần té ngã. Nhưng chúng nào có làm đôi chân kia rụt rè hơn một chút nào đâu. Tại sao càng lớn người ta càng sợ té, sợ đau?
Có thể giấc mơ ấy sẽ không bao giờ còn lặp lại. Có thể nàng sẽ gặp lại Nhiên Nhỏ – tùy mức độ tha thiết, ý chí lẫn sự làm việc của não bộ nàng – theo hình thức khác. Cuộc gặp gỡ sẽ mơ hồ hơn hoặc trọn vẹn hơn, nàng chưa biết được. Duy một điều nàng biết, là lần hội ngộ mộng mị và cảm động vừa rồi đã khơi dậy trong nàng cảm giác yêu thương – và niềm khao khát được sống trọn vẹn với – chính mình.
Lẫn trong đống giấy tờ sách vở gởi lại ở căn nhà của cha mẹ nàng là một cuốn sách cũ của H.Hesse. Cha nàng nói: “Con hãy lựa những gì con muốn giữ lại, những thứ không cần thiết thì xe đổ rác sẽ mang đi”. Căn nhà đã bán. Cha mẹ nàng đang chuẩn bị dọn về chung cư. Khi tất cả con cái đã lớn, người có gia đình riêng, người đi làm xa có chỗ ở riêng, họ không còn muốn giữ lại căn nhà có sân vườn quá rộng đòi hỏi nhiều chăm sóc: cắt cỏ mùa Hè, quét lá mùa Thu, xúc dọn tuyết mùa Ðông. Nàng đi loanh quanh trong căn nhà đã từng ở mười năm, nhìn nó lần chót với niềm lưu luyến nhẹ nhàng. Khi vào căn phòng cũ của mình lục soạn chọn những gì giữ và không giữ, nàng cầm lên một cuốn sách cũ, giấy đã vàng ố. Tờ bìa đã mất. Sau lời tựa của Mann là hai câu của Hesse chiếm trọn một trang giấy: Tôi chỉ muốn sống hòa hợp với những giục giã đến từ cái ngã thực sự của tôi. Tại sao ước vọng chỉ có thế mà lại quá đỗi khó khăn? Ðọc lướt vài chương sách, nàng bắt gặp tác giả tự trả lời: Cả một xã hội đã làm nên những người sợ hãi cái vô danh trong con người họ”. Nàng xếp cuốn sách lại, vuốt nhẹ lên trang đầu tiên, nơi có chữ ký của Vũ Anh, bên dưới ghi năm 1977. Ðầu nàng đột nhiên ngân nga lại một đoạn âm thanh của bài hát ngắn nàng viết năm mười chín tuổi, với tất cả sự đơn sơ của nó:
Vũ Anh Vũ Anh
Con Chim trên đồi
Vũ Anh Vũ Anh
Hót lời yêu tôi
Tội nghiệp Vũ Anh. Ðây là cuốn sách Vũ Anh mê thích thời hai mươi tuổi. Vũ Anh đưa cho nàng ngày nàng cùng gia đình rời khỏi Việt Nam với lời hẹn “Gặp lại nhau ở bên kia biển!”. Bây giờ Vũ Anh không còn ở đâu cả, cũng như Hesse. Họ đã biến vào đất cát, vào không khí, mang theo tất cả bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu điều muốn thấy thời còn sống.

Ngực nàng đau buốt chỗ trái tim, khi hình ảnh Vũ Anh lại mơ hồ thoáng hiện trong trí nhớ. Cô gái tóc dài ngang lưng, khuôn mặt trắng đẹp lạnh lùng, ngồi đánh trống trong ban nhạc nữ sinh. Những lần trình diễn chung, nàng đàn guitar và hát giọng chính. Thỉnh thoảng ở giữa bản, nàng quay đầu lại cười với Vũ Anh. Lúc nào Vũ Anh cũng đưa hai ngón tay lên thành hình chữ V, nháy mắt cười lại với nàng. Hình ảnh này nối hình ảnh nọ. Nàng ngồi lặng lẽ, để cho mọi kỷ niệm trở về. Nàng mỉm cười, nhìn thấy lại cô Vũ Anh nhảy cẫng lên hét lớn: “All right!” ngày hai đứa cùng có tên trên danh sách những người thi đỗ. Là người duy nhất đỗ ưu hạng của lớp. Vũ Anh mở tiệc khao tất cả bạn bè. Ðêm bày tiệc trong vườn, Vũ Anh ép hai mươi đứa con gái cùng uống rượu. Nàng uống hai cốc rượu đầu tiên trong cuộc đời, ngồi ngay dưới giàn bông giấy đỏ nghe Vũ Anh tranh cãi với một người bạn. Giọng Vũ Anh nhiệt thành sôi nổi: “Nếu bạn không sống trọn vẹn như là chính bạn, bạn sẽ không là cái quái gì cả! Bạn chỉ là một bản sao, một sự rập khuôn, một con số không đứng trước những con số không khác, một con ốc vít cùn trong bộ máy, hoặc bất cứ cái gì khác đáng chán nhất trên đời!” Ðêm đó Vũ Anh sao mà đẹp! Vũ Anh đánh mắt màu tím nhạt và tô son hồng bạc. Lần đầu Vũ Anh trang điểm! Chiếc áo đầm nhung tím hở vai làm Vũ Anh lớn hẳn. Nàng ngồi im, chỉ cười và ngắm người bạn thân nhất của hai năm cuối cùng thời trung học, thấy Vũ Anh như gần như xa. Sắc đẹp lộng lẫy của Vũ Anh, sự thông minh khác thường của Vũ Anh, kiến thức và những lời nói đi trước tuổi của Vũ Anh, cộng với ngày chia tay đã cận kề… làm nàng thấy buồn buồn: Có lẽ nàng sẽ mất Vũ Anh. Một Vũ Anh luôn luôn quấn quýt bên nàng, lo lắng giúp nàng bài vở, hốt hoảng khi nàng ngã bệnh, ướt nước mắt khi nàng khóc. Một Vũ Anh luôn luôn chia đôi bất cứ cái gì có được cho nàng, chăm sóc từ tinh thần đến vật chất. Từng cuốn sách hay vừa đọc, từng bản nhạc này vừa nghe được, từng chiếc áo đẹp nhìn thấy được…
Tiệc tàn lúc mười hai giờ đêm. Vũ Anh tiễn bạn bè ra đến cổng. Nàng vào ngồi ở hàng hiên, đàn một khúc nhạc. Vũ Anh tắt những ngọn đèn trước sân, đến ngồi bên cạnh. Trong khi nàng đàn, Vũ Anh nhặt những viên đá nhỏ dưới chân quẳng vu vơ về phía trước. Khu vườn trước mặt mới đây còn rộn rã tiếng cười bây giờ lại lặng lẽ âm u quá.
“Hát đi, Nhiên. Mai mốt chẳng còn nghe Nhiên hát nữa”.
“Hát gì bây giờ?”
“Hát gì cũng được”.
Nàng hát: “Giờ này còn gần nhau… Còn thắm thiết…” Chỉ được vài câu, rồi nghẹn. Vũ Anh hát, giọng trầm xuống, gần như thì thào. Dứt bản, Vũ Anh ngồi im lặng như một cái tượng đá. Nàng để đàn qua bên.
“Bây giờ thì thấy buồn quá”. Giọng Vũ Anh nhỏ, ướt. Vũ Anh cầm tay nàng, mân mê những ngón tay:
“Học ngành gì thì học, nhưng đừng bỏ chơi đàn, nghe!”
“Ừ”.
“Hứa?”
“Hứa!”
Họ đã ngồi ở cái hàng hiên này, cạnh nhau như thế này, chẳng biết bao nhiêu lần, bao nhiêu buổi tối. Nhưng lần này không giống những lần trước. Vũ Anh ngồi đụng sát người nàng, hơi thở còn thơm men rượu nho.
“Hơi say say, Nhiên ơi”
“Nhiên cũng thế”
Nàng nhắm mắt. Mọi ý nghĩ bềnh bồng trắng xóa bay bay như mây. Mà nàng cũng chẳng muốn nghĩ gì nữa, ngày mai thuộc về ngày mai. Bây giờ nàng chỉ muốn ngồi cạnh Vũ Anh. Với cảm giác Vũ Anh đang nhìn, nàng mở mắt ra thấy Vũ Anh đang nhìn mình thật. Ánh mắt nóng, nồng nàn. Nàng đã bắt gặp Vũ Anh nhìn mình như thế rất nhiều lần. Và đã, khi thì bối rối ngượng ngập, khi thì cợt đùa vờ vĩnh, để làm nó biến mất đi. Lần này thì không lẩn trốn nữa, nàng nhìn lại Vũ Anh, sẵn sàng tiếp nhận bất cứ điều bất thường nào từ cá tính mạnh mẽ, linh động và quyến rũ của con người Vũ Anh. Bạn bè đã khuyến cáo nàng – với đầy đủ sự tò mò thú vị lẫn sợ hãi của họ – “Coi chừng Vũ Anh đồng tính luyến ái đấy Nhiên. Nó mê Nhiên quá chừng. Mấy năm trước nó đã mê Soeur Paulina dạy nhạc. Bây giờ nó mê Nhiên đấy!” Mẹ nàng cũng thắc mắc: “Sao Vũ Anh cứ quấn lấy con thế? Gặp mặt ở trường không đủ sao mà tối nào cũng tới kiếm nữa?” Cái “mê” của Vũ Anh tưới đẫm lấy nàng suốt những ngày cuối cùng bậc trung học như dầu xăng, và một cách lặng lẽ, thầm kín, nàng thấm hút lấy tất cả, chờ được bốc cháy.
Nàng nhớ rất rõ cảm giác cái hôn môi lần đầu tiên của đời mình hôm đó. Hơi thở như hương cỏ non trộn lẫn rượu nho của Vũ Anh. Ðôi môi êm dịu, chiếc lưỡi mềm mại của Vũ Anh quấn hút mơn man. Nó làm choáng váng, làm say. Cái say dịu dàng, dễ chịu, mà mạnh mẽ còn hơn hai ly rượu ban nãy nàng đã uống. Tim nàng đập vang trong lồng ngực. Nàng mềm nhũn, ngây ngất, không còn biết gì ngoài, không còn biết gì khác. Nàng đang ở đâu, nàng là ai… Chẳng biết chi nữa hết. Nàng níu lấy thân hình thon và êm của Vũ Anh, run nhẹ lên theo từng cái vuốt ve của Vũ Anh luồn trong áo dọc trên da thịt. Vũ Anh hôn lên cổ lên vai nàng rồi cắn mạnh ở cánh tay. Nàng bật kêu nho nhỏ. Vũ Anh cười thầm thì sát bên tai: “Ðau hả?” rồi ngậm siết phần thịt da bị cắn của nàng. “Ðể Nhiên nhớ…”, Vũ Anh nói thế. Lưỡi Vũ Anh ấm nóng xoa dịu vết đau.
Giữa những cái hôn họ buông nhau ra để thở và nhìn đắm đuối mặt nhau. Ðôi lông mày thẳng và đều, hai hàng mi đen rậm, và mắt của Vũ Anh, sao buồn và đẹp thế này. Sao bỗng chốc họ lại gần nhau quá vậy, gần đến nỗi những gì của Vũ Anh là chính nàng và nàng đã là của Vũ Anh. Môi Vũ Anh cuốn hút như nam châm, nàng mê man nhập vào với những ý nghĩ rộn rã về hạnh phúc.
(Còn tiếp 1 kỳ)