
Trong căn nhà bự nhất ở con hẻm ngắn nhất ngay ngã ba xóm có người tự tử.
Câu chuyện bắt đầu vào một bữa đẹp trời, vợ ông này “phát hiện” ổng có “bồ nhí”, gia đình họ bắt đầu rạn nứt sau thời gian dài khiến cả xóm phải mất ngủ vì nhiều chuyện. Sau mấy lần ông chồng gào thét đòi ly dị, bày tỏ nỗi thất vọng, chán chường thì cô vợ ôm con bỏ đi, không muốn ly dị. Sau một thời gian ôm con đi thì cô vợ về yêu cầu ly dị, chia tài sản còn ông chồng lại không chịu. Ông nói rằng chỉ đồng ý chia tài sản công bằng nếu cô vợ cho ổng “bắt” con, còn nếu cô vợ muốn “bắt” con thì ông chồng chỉ trợ cấp theo quy định pháp luật, chỉ chia tài sản có đứng tên chung theo pháp luật. Trong khi đa số tài sản mà ông chồng đứng tên là thành quả từ khi còn trẻ, hai người do yêu thương mà cùng góp vốn làm ăn, đa số vốn là do nhà vợ “tài trợ” và vì tin tưởng nên vợ cho ông đứng tên vì ban đầu bà nghĩ sẽ qua Mỹ cùng gia đình rồi mới về kết hôn, nhưng do “vỡ kế hoạch”. Sau khi sanh con thì cô ở nhà chăm con, giao hết việc làm ăn cho chồng, nghĩ rằng “của chồng công vợ” nên ai đứng cũng được, không nghĩ sẽ sớm chia tay và rắc rối trong việc “chia chác” này. Khi bị gia đình vợ (ở Mỹ) gọi về trách cứ thì ông bảo để tài sản đó chia cho con nhưng nó sẽ được dùng chỉ khi nó đủ 18 tuổi, chứ không vợ “lấy thằng khác” thì “mất hết”.

Hai vợ chồng sau mấy bữa êm ấm thì lại ầm ĩ cãi nhau. Ông chồng qua ở luôn với cô “bồ nhí”, lâu lâu mới về nhà. Vài tháng sau, cô vợ lại bỏ đi sau khi lẳng lặng bán hết tài sản riêng của mình. Cô gửi hàng xóm tờ đơn ly dị đã có ký tên cô. Cô bảo quyết định bỏ lại hết tài sản khác, nhà lẫn xe, đất, công ty… không lấy gì hết. Ai cũng đau lòng khi thấy cổ chỉ ôm con đi cùng cái vali nhỏ. Trước khi đi còn cẩn thận đổi ổ khóa. Sau mấy bữa, ông chồng về không mở được cửa, nghĩ vợ đi du lịch nên ổng lại đi rồi lại về rồi lại đi, sau mấy lần hỏi hàng xóm mới biết vợ bỏ đi, để lại đơn ly dị. Sau khi kêu thợ mở khóa, ông vô nhà đập đồ một chặp rồi lại đi. Vài bữa sau ông lại về, và lại nghe tiếng đập đồ, chửi rủa cả đêm… Qua hôm sau người trong xóm mới biết là trong cái vali nhỏ kia đựng hết tất cả các loại… giấy tờ. Từ sổ đỏ sổ hồng nhà đất, giấy tờ xe, hộ khẩu, bằng lái, hộ chiếu, giấy tờ cty, thẻ ngân hàng, mọi loại giấy tờ khác có ở nhà, tuy nhiên tài sản và tiền mặt vẫn còn trong két…
Ban đầu, ông nghe cả xóm đoán già đoán non an ủi rằng “Hai mẹ con nó chỉ giận nên ở gần đây thôi, mốt lại về!” nên ông yên tâm, nghĩ “Nó xài hết tiền nó tự về”. Tài sản chung thì “hai đứa ký tên mới bán được”, còn tài sản đứng tên ông thì chắc chắn cô vợ không bán được mặc dầu nắm hết giấy tờ. Nhưng chờ hoài cô vợ không chịu… hết tiền, nhiều người bắt đầu hoang mang, cho rằng vợ ông đã đi nước ngoài với gia đình. Ông gọi “qua đó” thì không được, mới cuống cuồng đi tìm… Tìm mãi không ra kể cả đăng báo, báo công an. Có thể vì giận, cũng có thể là thật mà ông truyền tin đi khắp nơi từ hàng xóm đến bạn bè, người quen từ thân đến sơ giao chỉ cần biết vợ ông là ông đều nhắn: “Nếu không mang giấy tờ về sẽ thưa tội trộm cắp. Cho nó ở tù mọt gông”. Có thể vì sợ, cũng có thể vì buồn hoặc là thất vọng hoặc đơn giản là không nghe thấy gì nên cô vợ mất dạng.
Công việc và tài chính bị ảnh hưởng, phần lớn là vì chuyện giấy tờ. Ông nhờ cả xóm hỏi dùm cách làm giấy tờ lẫn tung tích vợ con, ai giúp được ông sẽ “hậu tạ”. Ông nói đang định đi làm lại giấy tờ để bán nhà, sang tên công ty, chuyển chỗ ở nhưng Việt Nam vốn là đất nước có thủ tục hành chính vô cùng phức tạp, cứng nhắc, các loại giấy tờ cứ bám lấy nhau rất lỉnh kỉnh làm cho nhiều người sau khi mua được nhà, có giấy tờ nhà đầy đủ nhưng vẫn còn ở “lậu” vì chưa làm giấy “tạm vắng tạm trú” tại nơi ở mới. Làm một cái hộ khẩu mới tinh đã rất mệt mỏi trong khi đây là mất đi toàn bộ giấy tờ. Ví dụ, làm lại giấy tờ công ty, giấy tờ nhà đất phải có hộ khẩu, giấy tờ cá nhân chứng minh danh tính, quyền sở hữu, lý do mất để được “địa phương” xác nhận. Còn muốn làm lại hộ khẩu thì bị yêu cầu phải đem giấy tờ nhà đất, làm đơn cớ mất, bản kê khai nhân khẩu, những người trong hộ khẩu cũng phải ra ký tên…. sau đó phải được phường chứng thực rồi mới đem lên quận rồi mới tiếp tục lên “trên”…. Ðến các cơ quan nhà nước, nhân viên công vụ mạnh ai nấy cau có, đòi hỏi mọi thứ đều phải “đúng quy trình” nhưng cái “quy trình” này không biết làm sao để đúng, hỏi lại thì nhận được những ánh mắt hình… cô vợ!

Ban đầu khi ông viết trong đơn lý do mất là: bị trộm thì họ đòi có giấy công an địa phương xác nhận có trộm, mất bao nhiêu tài sản, báo án rõ ràng…. sau đó ông viết lý do: “Vợ lấy” thì “được” các “cơ quan chức năng” cho rằng lý do không hợp lệ. Suốt nửa năm đi tới đi lui ông không làm được giấy tờ… Mặc dầu đăng tin bán nhà thì có nhiều người đến xem, đồng ý mua rất được giá nhưng do chưa làm giấy tờ xong, không bán được. Bỏ tiền ra để người ta “chạy” làm hộ, “địa phương” bảo phải tìm lại “hồ sơ gốc” nên phải đợi… Mất hết bao nhiêu công sức, thời gian, tiền bạc, đến khi làm lại được hộ khẩu và giấy tờ ngôi nhà đang ở, thì ông phát hiện ngôi nhà này không bán được vì là tài sản đứng tên của hai vợ chồng. Còn những tài sản khác, vì khác quận với hộ khẩu, muốn làm lại giấy tờ vẫn phải tốn thêm tiền và… đợi, vì “địa phương” phải tìm hồ sơ gốc!
Không biết từ khi nào, mỗi đêm khuya hàng xóm lại nghe tiếng đập phá từ nhà ông. Ban đầu còn ra rình rập, an ủi nhưng dần dần thì người ta quen dần, không ai quan tâm. Ðùng một cái, cả xóm hoảng sợ phát hiện ông nhảy lầu tự tử (hoặc có thể do say xỉn mà té) từ sân thượng xuống đất, chết ngay sân nhà. Công an đến phá cửa, nghe nói sau khi “khám nghiệm” công an cho rằng ông tự tử. Người thân của ông và gia đình bên vợ khi nghe tin cũng về VN “giải quyết” những vấn đề còn lại. Theo nhà vợ thì ban đầu cổ có nói sẽ đi một thời gian, nhưng sau đó không biết đi đâu. Chưa ai liên lạc được, từ nhỏ cổ ở VN một mình nên cũng không gắn bó với gia đình. Hai bên thông gia có vẻ hòa thuận, trước mặt mọi người chưa thấy cãi cọ, không biết đằng sau thế nào. Suốt mấy bữa tang lễ, ngoài hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp của hai vợ chồng thì ngày nào cũng có vài người đến đòi nợ, đòi đốt nhà ông, bắt người nhà trả nợ, có người còn đem giấy nợ lại đốt… Cũng có người lại khóc, gào “tao thí cô hồn” mấy lần xong ra về. Cô “bồ nhí” cũng lại thắp cho ông cây nhang, bảo sau khi vợ ông đi thì hai người có định lấy nhau, nhưng vì ông làm giấy tờ lâu quá nên… thôi.

Tin này làm “chấn động” cả xóm mãi không dứt. Nguyên do chính được “thống nhất” thì đây là lần đầu tiên trong xóm có người tự tử mà chết… thiệt! Cũng “nhờ” vụ tự tử này mà biết được hàng… trăm vụ tự tử khác đã xảy ra mà không thành trong xóm trong nhiều năm qua. Ngoài ra, điều khiến câu chuyện trên được “giữ nhiệt” là chuyện khó khăn khi làm giấy tờ ở Việt Nam. Chuyện cái hộ khẩu cũng nắm chân, nắm tay không biết bao nhiêu người. Thậm chí có nhiều người vì gia đình giấu hộ khẩu mà không thể đi làm, đi học xa hoặc xuất cảnh.
Trong xóm có bà Bảy bán ve chai, hàng ngày phải ngủ ở hiên nhà người ta, không thuê được nhà mặc dầu có tiền vì không có giấy tờ. Con của bà xin đi làm không ai nhận, chỉ làm bậy bạ, ở chui ở ghép. “Mỗi lần khu nó ở có chuyện gì là người ta lôi nó ra đầu tiên vì nó không có nhân thân, giấy tờ…” Muốn làm giấy tờ, chứng minh nhân dân phải có hộ khẩu, muốn có hộ khẩu phải có nhà để có “nơi cư trú hợp pháp” thì địa phương mới chịu “cho vô hộ khẩu”, hoặc phải có người bảo lãnh vào chung hộ khẩu, nhưng phải chứng minh “quan hệ”. Ngặt cái là, muốn mua được nhà thì phải có giấy tờ tùy thân để sang tên, chồng tiền…
Vậy phải làm cái nào trước khi chưa có cả hai? Ngoài tiền làm giấy tờ thì phải có tiền đóng vài chục loại thuế từ thuế đất, thuế nhà, thuế nắng thuế mưa mới xong một loại “giấy tờ”…
Khi mua đã khó khi bán còn khó hơn, của riêng còn đỡ chứ của chung cả nhà thì phải có chữ ký tất cả những người trong gia đình, ngay cả người chết cũng phải đi chứng minh người đó đã đồng ý cho bán hay chưa. Tuy nhiên, chỉ cần có thông báo: quốc hội đã bấm nút “thông qua” hoặc thủ tướng đã ký… thì không cần biết của chung hay riêng, đều “sung vào công quỹ” để dành xây dựng xã hội chủ nghĩa, bù đắp “quan hệ” với “láng giềng”…

Sau chuyện này, lớp trẻ bàn nhau làm hẳn cái “group” dành cho các thành viên có… mạng trong xóm (mạng ở đây là internet). Trong “group” là những thông tin chung về người và những sự kiện trong xóm. Giúp đỡ lẫn nhau những việc nhỏ như lấy đồ vô dùm khi trời mưa, đóng cửa hộ khi hàng xóm quên khóa cửa, ngó chó mèo lẫn nhau khi nhà ai đó đi du lịch, lưu giữ thông tin, tình trạng của nhau và cùng liên lạc, tìm cô vợ anh hàng xóm vừa mất (vì từ khi anh còn sống đã không muốn đem hình ảnh gia đình lan truyền công khai trên mạng, gia đình hai bên cũng không muốn nên mọi người chỉ biết hỏi thăm những mối quan hệ quen biết chung, hy vọng cổ hay tin). Ngoài ra, nhiệm vụ chính của nơi này để… nhiều chuyện. Lan truyền, phân tích, đính chính, chứng minh những lời đồn, những thông tin mới, những tin “hot” mỗi ngày….
Có thể vì hình thức này còn mới nên mọi người trong xóm cùng nhau phân tích, mổ xẻ vấn đề đa chiều lịch sự hơn hẳn. Không một chiều, cảm tính, “tam sao thất bổn” như khi tụm năm, tụm bảy dưới chân mấy cây cột điện trong hẻm vì ai cũng ý thức được “bút sa là gà chết”, biên bậy bạ sẽ bị cả xóm biết, nhào dzô ‘ném đá”. Từ khi có mấy “group” này thì số lần cãi nhau vì “tin vịt” trong xóm cũng đỡ hơn xưa, mặc dầu độ “nhiều chuyện” của từng người và độ yêu/ghét, chia “phe” trong xóm chỉ có tăng chứ không hề giảm…
Không hiểu sao, tự dưng gia đình bên anh chồng đâm đơn kiện cô vợ đã “mưu sát” chồng, yêu cầu công an “vào cuộc”, lần này thì gia đình vợ không ai về. Khi công an và gia đình ông ta đến xóm, hỏi về cuộc sống trước khi “nạn nhân” mất thì mỗi người một câu kể thật sự việc. Ða số đều cho rằng không hẳn ông ta tự tử hoặc sa sút vì vợ bỏ mà là do không bán được… nhà, nên không trả được nợ, bị ‘dzí’ quá nên nghĩ quẩn. Khuyên gia đình nên kiện mấy người làm luật, tội thứ nhất là thủ tục hành chính rườm rà, tội thứ hai là “đẻ” ra hàng tá loại giấy tờ nhưng không tìm nổi một phụ nữ và một đứa trẻ bị mất tích…
Có người nghĩ tới nghĩ lui, bảo nên kiện bà hội trưởng hội phụ nữ, vì sau khi bả qua “hoà giải”, sáng hôm sau cô vợ bỏ đi…
DU