Menu Close

Bố cục checklist cho những người mới (Kỳ cuối)

(Phần cuối)

Ðối với những người yêu chụp hình, chúng ta luôn luôn mong muốn làm sao để có thể chụp đẹp hơn hiện giờ. Với bản Bố cục Checklist này, tôi mong các bạn sẽ tìm được một số giải đáp trong nghệ thuật nhiếp ảnh của các bạn. Dân gian hay có câu giúp thì giúp cho trót. Tuy bản checklist này dài thiệt, nhưng nó bao gồm đầy đủ thông tin để các bạn tham khảo. Và trong kỳ này chúng ta sẽ kết thúc với phần cuối.

11 . Ảnh phong cảnh của bạn có tính chất tỷ lệ không?

Cảnh rừng núi lúc nào cũng ngoạn mục. Nhưng đôi khi chúng có thể trở nên nhàm chán, vô vị vì chúng thiếu tính chất tỷ lệ để người xem thưởng thức chúng.

Một ý tưởng (của người viết) là một yếu tố tiền cảnh có thể được dùng để vừa cung cấp tỷ lệ cho khung cảnh vĩ đại đằng sau. Một vài nhiếp ảnh gia (như tôi) thích “hy sinh” bản thân mình để thêm phần tỷ lệ cho khung cảnh. [H1]

bo-cuc-cho-nguoi-moi3
Photo: Andy Nguyễn

12 . Tia mắt đảo qua tấm ảnh theo hướng nào?

Tia mắt của người xem sẽ đi tới điểm nào trước? Nó sẽ ngưng ở đâu? Ðó có phải là câu chuyện bạn muốn kể cho người xem?

Bạn có những yếu tố gì trong tấm ảnh để lôi cuốn tia mắt? Trong đó có những yếu tố hoặc đặc điểm khác nhau để mắt có thể đảo quanh? Có sự tương phản không? Có những yếu tố nào để dẫn tia mắt ra khỏi tấm ảnh? Có những yếu tố nào để dẫn tia mắt vào hoặc vòng quanh tấm ảnh? [H2]

bo-cuc-cho-nguoi-moi1
Photo: Eddie Lim

13 . Lựa chọn ống kính

Ống kính bạn đang dùng có ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực đến bố cục không? Có lẽ nếu dùng một ống kính khác sẽ tốt hơn chăng?

Ðiều này có thể vượt ranh giới giữa mặt kỹ thuật và mặt sáng tạo. Ðôi khi chúng ta có lý do chánh đáng để dùng một ống kính cụ thể nào đó, một chủ thể ở xa đòi hỏi sự tận dụng một ống kính dài. Một nụ hoa tí hon thì bạn nên chụp bằng một ống kính macro. Những ống kính tele ép lại những yếu tố trong tấm ảnh, làm chúng có vẻ gần nhau hơn. Những ống kính wide-angle làm tấm ảnh bị méo mó, nhất là ở rìa ảnh.

Ngoài những điều đó là sự lựa chọn sáng tạo của bạn. Ðúng vậy, bạn có thể chụp mặt tiền của căn nhà với một tiêu cự rộng, nhưng bạn cũng có thể thay ống kính zoom gần và đề cao cục gõ cửa đẹp mắt.

14 . “Nói ít hiểu nhiều”

Tập thói quen chụp chỉ những yếu tố cần thiết cho tấm ảnh.

Một khuyết điểm rất nhiều người mới tập chụp hình có là lấy quá nhiều yếu tố trong một tấm ảnh, làm tấm ảnh đó bị “rối”, luộm thuộm,  và khó hiểu dụng ý của nó.

Ðôi khi đây cũng có thể được dùng làm lợi điểm trong những trường hợp như nhiếp ảnh đường phố chẳng hạn, nhưng nói chung, less is more. Một chủ thể rõ ràng được bao quanh bởi sự xao lãng tối thiểu là một sự phối hợp rất dễ nhìn nhưng khái niệm này lại khó học. [H3]

bo-cuc-cho-nguoi-moi
Tấm ảnh này có quá nhiều “phụ thể” mà không một chủ thể rõ rệt. Đây là một khung cảnh đẹp nhưng bố cục lại không có hiệu lực.

15 . Hình có rõ nét không?

Bạn có muốn nó rõ không? Không phải hình nào cũng phải rõ nét 100%. Bạn có thể dùng khẩu độ một cách sáng tạo bằng cách chọn một chiều sâu trường ảnh khá hẹp. ICM (Intentional Camera Movement hoặc Sự di động máy ảnh cố ý) cũng cho thêm độ nhòa vào tấm ảnh.

Nhiều ảnh đường phố cho thấy sự di động làm nhòa và những yếu tố lấy nét sáng tạo, như người chụp hoặc chủ thể (hoặc cả hai) đều di động.

Có một số người khăng khăng rằng hình chụp phải tuyệt đối rõ nét, nhưng sự lựa chọn sáng tạo đó hoàn toàn tùy thuộc vào bạn – người chụp hình. [H4]

bo-cuc-cho-nguoi-moi2
Một thí dụ của “sự di động máy ảnh cố ý” để thực hiện tấm ảnh sáng tạo. Photo: Andy Nguyễn trên đường phố Việt Nam.

AN