Menu Close

Phân biệt Cơn Đau Thắt Ngực, Cơn Đau Tim và Stroke

Hỏi

Thưa bác sĩ,

Xin ông vui lòng cho biết làm sao có thể phân biệt Cơn Đau Thắt Ngực, Cơn Đau Tim và Stroke. Cảm ơn bác sĩ. Lê Thị Minh

Đáp

Thưa bà Minh,

Sau đây là mấy cách để phân biệt mấy bệnh mà bà hỏi. Chúng đều có liên hệ tới Trái Tim và chúng ta cũng nên nhớ để khi bị thì biết cách chữa.

phan-biet-con-dau-that-nguc
nguồn: wikiHow

Cơn Đau Thắt Ngực (Angina Pectoris)

Cơn Ðau Thắt Ngực là cơn đau xảy ra khi tim không được cung cấp đầy đủ dưỡng khí.

Ðau như co thắt phần ngực sau xương ức, lan lên cổ, hàm, má, bả vai, cánh tay. Bệnh nhân cũng bị buồn nôn, ói, chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, da nhợt nhạt.

Ðau thắt ngực thường xảy ra khi ta leo lên một ngọn đồi hoặc bước những bậc cầu thang lên lầu, khi đi trong gió lạnh, mang vật nặng, cào lá, làm vườn, xúc tuyết, đôi khi cả trong lúc hấp dẫn giao hợp hoặc trong giây phút thịnh nộ, lo âu. Cũng có trường hợp đang ngủ, cơn đau xuất hiện đánh thức nạn nhân bừng dậy ôm ngực nhăn nhó.

Cơn đau kéo dài không quá 10 phút và hầu như chấm dứt khi ta ngưng hoạt động.

Nếu cơn đau xảy ra lần đầu, nên cho bác sĩ hay ngay để được hướng dẫn theo dõi, điều trị. Nếu cơn đau liên tiếp xảy ra thì phải kêu xe cấp cứu y tế.

Dấu hiệu báo trước Cơn đau Tim

(Heart attack)

  1. Cảm giác đau rất khó chịu như có vật nặng đè ép trên ngực, kéo dài mấy phút rồi hết, nhưng có thể đau lại.
  2. Đau từ ngực chạy lên vai, cổ hoặc lan ra cánh tay; đầu ngón tay cảm thấy tê tê.
  3. Choáng váng, muốn xỉu, đổ mồ hôi, buồn nôn, khó thở.
  4. Lo sợ, nóng nảy, bồn chồn.

đ. Da xanh nhợt.

  1. Nhịp tim nhanh, không đều.

Nếu cảm thấy một trong những dấu hiệu này thì phải cho bác sĩ hay hoặc tới bệnh viện để được khám bệnh hoặc cấp cứu ngay. Nhiều người trì hoãn vì cho rằng đó chỉ là dấu hiệu của ăn khó tiêu, ợ chua, nên khi tới bệnh viện thì đôi khi đã quá trễ.

Những dấu hiệu báo trước Stroke

Dấu hiệu tùy thuộc nguyên nhân gây tai biến, vùng não và số lượng tế bào bị tổn thương. Ðiểm đặc biệt của dấu hiệu báo động là một số những “Ðột Nhiên”.

– Ðột nhiên thấy yếu một bên cơ thể như mặt, tay hoặc chân là dấu hiệu sớm nhất và thông thường nhất; rồi:

– Ðột nhiên thấy tê dại trên mặt, cánh tay hoặc chân ở một nửa thân người;

– Ðột nhiên thấy bối rối, nói năng lơ lớ khó khăn hoặc không hiểu người khác nói gì;

– Ðột nhiên có khó khăn nhìn bằng một hoặc cả hai con mắt;

– Ðột nhiên chóng mặt, đi đứng không vững, mất thăng bằng;

– Ðột nhiên thấy nhức đầu như búa bổ mà không rõ nguyên nhân.

Không phải tất cả các dấu hiệu này đều xảy ra trong mỗi tai biến. Nhưng nếu thấy một vài trong những dấu hiệu đó là phải kêu cấp cứu, tới nhà thương ngay. Ðây là trường hợp khẩn cấp, chậm trễ phút nào thì biến chứng hiểm nghèo gia tăng với phút đó.

Y giới đưa ra trắc nghiệm gọi tắt là F.A.S.T. để sớm khám phá stroke:

F = Face: mặt méo lệch, môi xệ, không nhe răng ra được;

A = Arm: không giơ tay cao quá vai được;

S = Speech: tiếng nói lơ lớ ngọng nghịu và không hiểu lời người khác nói;

T = Trắc nghiệm.

Hy vọng những chi tiết này đáp ứng nhu cầu của bà. Chúc bà luôn luôn mạnh khỏe.

Cây thuốc Saint John Wort

Hỏi:

Thưa bác sĩ,

Chúng tôi nghe nói nhiều về công dụng trị bệnh của một loại dược thảo có tên là Saint John Wort, ngoài công dụng dinh dưỡng, xin bác sĩ nói thêm về công dụng y học này. Cảm ơn bác sĩ. 

Lê Thanh Cảnh

cay-thuoc-saint-john-wort
Lá Saint John Wort soi ra ánh nắng có những chấm đen nhỏ.

Đáp:

Thưa ông Cảnh,

Loại cây này có nhiều công dụng lắm ông ạ. Sau đây chúng tôi xin gửi ông một số ý kiến chuyên môn y học về loại này.

Tên khoa học là Hypericum perforatum, thường được biết qua tên St JohnWort vì loại cây này nở hoa mầu vàng rất đẹp vào ngày kỷ niệm sinh nhật Thánh St John the Baptist, 24 tháng Sáu mỗi năm.

Cây có nguồn gốc ở Âu Châu từ thời kỳ Trung Cổ,  nay được trồng khắp nơi trên thế giới. Vào thời Trung Cổ, SJW đã được dùng để trừ ma quỷ, làm trong sạch không khí, khiến được mùa ngũ cốc khi đốt trên ngọn lửa vào đêm trước lễ St John. Dân chúng cũng tin là nằm ngủ trên một cành SJW trước ngày sinh  nhật Ông Thánh này thì sẽ được bình an suốt năm.

Từ nhiều thế kỷ trước, nó được coi như có thể chữa được bệnh u sầu, nhiễm độc tiểu tiện, trừ vi trùng, mau lành vết thương ngoài da.

SJW  được Hippocrates, Dioscorides giới thiệu, rồi bị rơi vào lãng quên cho đến vài chục năm mới đây, một loại trà từ cây này được tung ra thị trường quảng cáo là trị được trầm cảm, lo âu.

Ðại học Duke được Viện Quốc Gia Bệnh Tâm Thần trợ cấp trên 4 triệu đồng để thực hiện dự án 3 năm nghiên cứu sự an toàn và công hiệu cuả SJW trong việc trị bệnh u sầu.

Tại Âu Châu, nhất là bên Ðức, SJW được các bác sĩ biên toa cho bệnh nhân 7 lần nhiều hơn thuốc Prozac; được mệnh danh là Prozac Thiên Nhiên và được xếp hạng có công dụng trung bình, giữa hai loại âu dược trị trầm cảm chính hiện có.

Ở Hoa Kỳ SJW hiện rất được nhiều người dùng để chữa trầm cảm, vì được coi là an toàn, công hiệu, rẻ tiền, và không cần toa bác sĩ.

Mới đây, SJW được các chuyên viên về bệnh AIDS của Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ để tâm nghiên cứu vì một dược chất của cây này có tác dụng vào một vài loại siêu vi trùng, trong đó HIV.

Phân lượng thường dùng là 300mg, 3 lần mỗi ngày, trong 8-10 tuần lễ.

Tác dụng phụ của nó ít hơn tác dụng phụ của một vài âu dược trị trầm cảm, như ngứa, mệt mỏi, lên ký, nhức đầu, đau bụng nhất là mẫn cảm của da ( cháy da) khi đi ra ngoài nắng. Ở thú vật, SJW có tác dụng vào tử cung, nên khi có thai, ta cần cẩn thận khi dùng thuốc này.

Chưa có bằng chứng tác dụng tương quan giữa SJW với các âu dược khác, tuy nhiên nếu đang uống âu dược trị trầm cảm thì nên cho bác sĩ hay khi dùng dược thảo St John.

NYD