Menu Close

Phần Lan và láng giềng

Mấy quốc gia Bắc Âu Ðan Mạch, Na Uy, Thụy Ðiển, Iceland (Băng Ðảo?) và Phần Lan thay phiên nhau đứng đầu bảng xếp hạng về nếp sống an vui của thế giới. Ðan Mạch, Na Uy và Thụy Ðiển tương đối gần gũi về phong tục và trong suốt lịch sử lập quốc, cư dân ở những vùng đất ấy qua lại để buôn bán, lập nghiệp. Dù ngôn ngữ đã thay hình đổi dạng qua thời gian, cư dân Ðan Mạch dùng tiếng Ðan Mạch (Danish), Na Uy nói tiếng Na Uy (Norwegian), Iceland dùng Icelandic và Thụy Ðiển dùng tiếng Thụy Ðiển nhưng các ngôn ngữ này có cùng gốc rễ North Germanic nên cư dân ở đó vẫn có thể hiểu nhau. Riêng với Phần Lan, dù nằm sát bên cạnh Thụy Ðiển nhưng ngôn ngữ lại xuất phát từ gốc Finno-Ugric, nhưng gần gũi với láng giềng nên ngôn ngữ “vay mượn” lẫn nhau, cư dân các vùng đất này vẫn hiểu nhau dễ dàng.

*Khi nói đến “Bắc Âu” hay vùng “Nordic”, người thế giới nhắc đến vùng đất phía bắc Âu Châu, phía bắc Ðại Tây Dương (Atlantic Sea), và vùng đất ấy bao gồm năm quốc gia kể trên. Ngược lại, “Scandinavia” bao gồm vùng “Nordic”, cả Greenland, the Faroe Islands và the Åland Islands.

phan-lan-va-lang-gieng
Phần Lan trên bản đồ thế giới

Phong tục tập quán tương đối gần gũi nên điều dễ hiểu là cư dân Bắc Âu có những sở thích tương tự, họ rất yêu thiên nhiên. Yêu thiên nhiên nên cư dân tận tình chăm sóc cây cỏ, sông hồ, núi non; thuần thục những bộ môn thể thao ngoài trời như trượt tuyết… Hầu như cư dân Bắc Âu nào cũng cắm trại, leo đồi, lội suối ít nhất vài lần mỗi tuần kể cả trong mùa đông giá. Cư dân thành phố thì mò về đồng quê để nghỉ ngơi sau những ngày làm việc. Họ quan niệm rằng cuộc đời ngắn ngủi nên tận hưởng mọi món quà của thượng đế bất cứ khi nào có thể. Ðời sống được bảo đảm qua hệ thống an sinh xã hội, từ y tế, giáo dục đến trợ cấp thất nghiệp nên cư dân không lo tích trữ tiền bạc cho lắm, họ dùng tiền bạc dư dả vào việc du lịch, thuê mướn kẻ khác làm việc hầu có thể nghỉ ngơi dưỡng sức. Tắm hơi, sauna, là món chăm sóc không thể thiếu. Ðặc biệt hơn nữa là di tính của cư dân vùng Bắc Âu có một di thể rất lạ (gene variant), di thể này giúp con người vui vẻ và do đó ít khi bị trầm cảm. Ðược thiên nhiên ưu đãi với núi non sông hồ hùng vĩ bát ngát, phong tục tập quán hòa đồng, và cả di tính giúp con người dễ dàng sống an vui, không lạ là họ hài lòng với đời sống chung quanh dù không giàu có tiền bạc như những nơi khác. Năm này sang năm khác, khi thẩm định các câu hỏi liên quan đến sự an vui của đời sống như lợi tức, sức khỏe, tuổi thọ, tự do lựa chọn, hoàn cảnh sinh sống, tương quan xã hội, sự hào sảng của người chung quanh cũng như tổ chức hành chánh tham nhũng cỡ nào… Dùng thang điểm từ 0 – 10, cư dân Bắc Âu đã đánh giá khá cao các yếu tố kể trên tại nơi họ sinh sống.  Riêng Phần Lan đạt số điểm trung bình 7.6 so với Burundi 2.9. Chẳng những cư dân Phần Lan cảm thấy sung sướng mà những người di dân đến đó cũng hoan hỷ tương tự; với dân số khoảng 5.5 triệu người, đất nước này có đến 300 ngàn di dân.

Dưới những đôi mắt ngờ vực, bài tường trình về nếp sống an vui kể trên mang nặng tính ‘chủ quan’ vì thang điểm hoàn toàn dựa trên cảm xúc của người trả lời. Họ đặt dấu hỏi về những con số dựa trên cảm tính vui buồn và nghi ngại. Tuy nhiên ngoài bài tường trình dựa trên cảm tính ấy, một số tài liệu khác nghiên cứu về nếp sống an vui cũng đưa ra kết luận tương tự.
Bài tường trình của trường Kinh Tế Luân Ðôn, London School of Economics, cho thấy chứng trầm cảm và sự lo âu quá mức là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sự an vui của con người và ngược lại, có người bầu bạn giúp ta vui sống. Chứng trầm cảm thường xuất phát từ ly dị, mất người thân yêu, lo âu về công việc làm ăn, bệnh tật … Chính các yếu tố ấy khiến con người bất an, không vui sống.

Một bài tường trình khác của kinh tế gia Daniel Kahneman và Angus Deaton, cả hai đều đoạt giải Nobel về các công trình nghiên cứu kinh tế, cũng cho rằng tiền bạc đem lại sự sung sướng khi ta có lợi tức ở mức 75 ngàn Mỹ kim hàng năm, kiếm nhiều tiền hơn con số này tuy mang lại sự tự mãn về khả năng kiếm tiền nhưng lại không giúp con người an vui, hạnh phúc hơn. Nói dễ hiểu là tiền bạc đem lại sự an vui nhưng chỉ ở mức giới hạn 75 ngàn Mỹ kim.

Hai lập thuyết kinh tế kể trên đã được chứng minh qua các con số và nhiều cách cân đong đo đếm mức giàu có, từ tổng sản lượng quốc gia đến lợi tức mỗi đầu người. Ngay tại Hoa Kỳ, lợi tức tiếp tục gia tăng kể từ thập niên 60 trong thế kỷ trước nhưng các chỉ số đo lường mức an vui, sung sướng lại thụt lùi. Có công ăn việc làm là yếu tố quan trọng cho sự hài lòng của con người nhưng giàu có (qua việc làm ăn cật lực) lại khiến con người mất an vui vì lo âu vật vã.

Nếu giàu có không mang lại sự an vui sung sướng cho con người thì vùng Bắc Âu hơn Huê Kỳ (xếp hạng 18 trên danh sách các vùng đất an vui của thế giới) ở những yếu tố nào? Và Huê Kỳ có thể… bắt chước Bắc Âu không?

Các con số về kinh tế, tài chánh cho thấy vùng Bắc Âu không là nơi giàu có nhất, dù vẫn nằm trong 20 quốc gia hàng đầu thế giới về tài sản, nhưng chịu thuế má cao quá xá là cao. Cư dân có thể đóng thuế tới 51% lợi tức, sưu cao thuế nặng như thế thì tại sao họ không bực bội la lối om sòm như dân Huê Kỳ?

phan-lan-va-lang-gieng1
Aleksanterinkatu, một con đường thương mại ở Phần Lan. nguồn: commons.wikimedia.org

Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều chú trọng đến các phương cách giúp dân giàu nước mạnh qua những kế sách giảm nghèo, gia tăng công ăn việc làm, giáo dục và y tế nhưng chính phủ lại ít quan tâm đến các vấn nạn xã hội như bạo lực trong gia đình, nghiện ngập nha phiến & rượu, bệnh tâm thần, những đứa trẻ bị xã hội ruồng bỏ, xa lánh…

Chính các chương trình an sinh xã hội rộng rãi nhằm giải quyết các vấn nạn kể trên đã khiến người dân an tâm và vui sống, họ không phải lo âu chật vật về sinh kế, về y phí chữa trị bệnh tật thể xác cũng như tâm thần, về học phí cho con cái… và khi làm ăn, buôn bán được, họ chịu đóng thuế, và đóng thuế rất cao. Cư dân Bắc Âu đồng lòng dùng tiền bạc để mua lấy thời giờ nhàn rỗi, đầu tư vào xã hội chung quanh để bảo đảm cho lúc sa cơ lỡ bước, được xã hội chu cấp, đáp ứng các nhu cầu cần thiết.

Thói quen sinh hoạt và quan niệm sống của cư dân Bắc Âu đã khiến họ thành công trong việc thiết lập một hệ thống an sinh xã hội giúp con người an vui, sung sướng, ít bệnh tật và sống lâu.

Chịu đóng thuế và đóng thuế nhiều là một chính sách kiên định lâu dài, trải qua nhiều năm. Ðây có thể là một ‘yếu điểm’ (?) của Huê Kỳ, không mấy cư dân muốn đóng thuế và lại càng không muốn đóng thuế nhiều, việc cử tri bỏ phiếu cho ông Donald Trump qua lời hứa giảm thuế là một chứng minh giản dị nhất nhưng đằng sau việc chịu đóng thuế kia lại là một quan niệm sống khác biệt với Bắc Âu: Quan niệm thích sống riêng rẽ, ít liên quan đến những người chung quanh (?). Cư dân Huê Kỳ xem ra muốn sử dụng lợi tức theo ý muốn riêng tư và không mấy tin cậy vào nhà cầm quyền làm được những công việc hữu ích cho xã hội. Không phải là điều hiếm có việc nhiều tài phiệt nhân đức gốc Hoa Kỳ bỏ tiền riêng thiết lập và tài trợ các chương trình xã hội quan trọng và cần thiết [theo ý họ] mà lơ là các chương trình do chính phủ thành lập. Tạm hiểu là người Huê Kỳ không ích kỷ như cư dân thế giới từng dán nhãn hiệu?!

Xem ra Bắc Âu tiếp tục nếp sống an vui thanh nhàn trong khi cư dân xứ lắm tiền như Huê Kỳ lại thích hì hục làm giàu, làm giàu và tiếp tục… không vui lắm cho đến khi họ thay đổi ý kiến và quan niệm sống? Hẳn đây cũng là sự khác biệt lớn nhất giữa những người Huê Kỳ mệnh danh “liberals” và “bảo thủ”?

TLL