Menu Close

Bản chính (kỳ 2)

Trân Sa tên thật Trần Thị Sa, sinh năm 1956 tại Đà Nẵng, lớn lên tại Nha Trang, vượt biên và định cư tại Toronto, Canada.

Từng làm chủ bút:

Tạp chí Bạn Việt, Trăm Con và cộng tác với nhiều tạp chí văn học tại hải ngoại .

Tác phẩm đã xuất bản:

Thơ Trân Sa (Tập Hợp, Úc 1989)

Điểm Tâm Cho Người Tình (thơ,Tân Thư, Hoa Kỳ 1990)

Cung Thức Cùng Thơ Mộng (thơ, in chung với Lê Thị Huệ và Vũ Quỳnh Hương, Lũy Tre Xanh xuất bản 1996)

2 kỳ- Kỳ 2

Tặng Q.C và M

[…] Những ngày hôm sau, thỉnh thoảng nàng lại vén tay áo lên nhìn ngắm cái vết hồng trên cánh tay. Nàng sợ nó phai đi mà cũng sợ người khác sẽ nhìn thấy. Soi gương, nàng có cảm tưởng mình đã lớn hơn nhiều lắm, với một bí mật trồng trong trái tim đang mọc rễ đâm chồi kết lá nở hoa màu sắc rực rỡ khác thường. Từ đấy cho đến ngày chia tay mỗi đứa học ở một tỉnh, nàng và Vũ Anh không thể rời nhau. Nhiều đêm nàng ngủ lại với Vũ Anh trong căn nhà vắng rộng. Mỗi buổi sáng, Vũ Anh thức nàng dậy bằng những ngón tay nghịch ngợm vuốt dọc thân thể nàng hay những cái hôn lên má và những tiếng nói thì thầm bên tai. Vũ Anh mua bún bò từ gánh hàng trước cổng mang vào tận trong phòng cho nàng, dành phần xắn ớt vắt chanh. Vũ Anh làm café, nâng tách kề môi nàng, chờ đợi nàng uống từng hớp nhỏ. Thời gian đó nàng bắt đầu viết ca khúc. Lúc nàng loay hoay với cây đàn, trang giấy và những nốt nhạc đen trắng nhảy tung tăng, Vũ Anh ngồi chống cằm ngắm nàng, gật đầu, lắc đầu ở những đoạn nhạc Vũ Anh cho là hay, hoặc chê là “không được. Trục trặc, trúc trắc thế nào ấy!” Có khi Vũ Anh ngồi trên thành cửa sổ, hút thuốc và gõ những ngón tay trên thành gỗ thay nhịp trống. Ðó là những ngày rất đẹp của cuộc đời nàng. Những ngày cùng với Vũ Anh, nàng khám phá chính mình, cảm xúc và thân xác mình trước một con người khác. Cách xa Vũ Anh vài giờ là nàng muốn điên lên vì nhớ. Trước đây, ngày nào đến lớp không thấy Vũ Anh nàng cũng thấy thiếu vắng, nhơ nhớ, mong mong. Nhưng cường độ cái nhớ bây giờ đã nhân lên gấp mấy lần như thế. Vũ Anh nói: “Vậy là Nhiên có yêu…” Ðó là kết luận của Vũ Anh. Nàng thì không dám khẳng định như thế. Ðôi khi, trong suốt thời gian thiếu nữ của mình, nàng vẫn mơ mộng đến một người đàn ông nào đó. Anh ta – nàng tưởng tượng – có khuôn mặt đẹp, da mịn màng, mày thẳng, mắt sáng, mũi cao, môi đầy đặn, cằm vuông. Anh ta cao vừa phải, cân đối, thanh mảnh. Một con người cương quyết, thông minh, có nghị lực, nhạy cảm, dịu dàng, có được sự kết hợp đẹp đẽ giữa bộ óc khoa học và trái tim nghệ sĩ. Một ngày nào đó nàng sẽ lấy anh ta làm chồng. Họ sẽ sinh hai đứa con. Nàng còn tìm một cái tên lạ và đẹp để đặt cho anh ta (trong số những cái tên Ðoan, Ðô, Doanh, Huyên, Mẫn, Mai Khôi v.v… mà nàng đã chọn, đến bây giờ thì nàng nhận ra, đa số đều có âm hưởng dịu dàng và thiên về nữ tính!). Không thể chối cãi niềm đắm đuối mê say giữa nàng với Vũ Anh, nhưng nàng đã nghĩ, đó là một thứ tình vượt khỏi tình bạn thông thường, mà vẫn chưa phải là tình yêu. Tiếng “yêu” từ Vũ Anh làm nàng thấy sờ sợ. Từ xã hội chung quanh, trong phim ảnh sách báo nàng xem đọc, nàng chưa bao giờ được nghe, nhìn hai người đồng phái nào nói yêu nhau. Phải là tiếng yêu âu yếm dịu dàng ngọt ngào phát ra từ chính họ kìa. Không phải từ những bài báo tường thuật lại với thành kiến chủ quan riêng thành những thứ tin tức giật gân, không từ những màn ái ân có mục đích kích thích dục tính chiếu thoáng qua trên phim ảnh. Nàng vẫn băn khoăn tại sao tình yêu đồng phái lại là điều cấm kỵ? Người ta nói đến nó bằng một thái độ kỳ cục như nói về một thứ bệnh kín. Tại sao không ai dám đem những mối tình đồng phái đẹp đẽ và hạnh phúc vào sách truyện, phim ảnh hay kể cho nhau nghe? Trong một cuốn sách y học rất cũ, tác giả là một ông bác sĩ – có lẽ bây giờ cũng đã hòa tan vào trong đất và nhập vào cõi vô cùng tịch mịch – đã cho rằng tình yêu đồng phái là một chứng bệnh tâm lý (về sau nàng biết, chẳng chỉ mỗi mình ông ta viết ra sách như thế. Và tất cả những người như ông đều được chứng minh họ viết như thế là sai!). Cuốn sách ấy làm nàng đau đớn bực dọc, như thể ông bác sĩ kia có ác ý muốn làm tổn thương nàng vậy. Vũ Anh là một bệnh nhân sao?

ban-chinh3 Chứng bệnh gì mà lại làm Vũ Anh thông minh, tài hoa, quyến rũ và mạnh mẽ đến như vậy! Mỗi lần có nàng bên cạnh, Vũ Anh tươi tắn hạnh phúc như một đóa hoa nhận đầy đủ mặt trời và dưỡng chất. Dĩ nhiên nàng chẳng thể nào tin cái chẩn đoán “bệnh” ấy, cũng như không tin rằng những người thuận tay trái có “tật xấu” ấy vì thói quen, và thói quen thì có thể sửa được!

Thế nhưng mà, nàng vẫn cứ sợ hãi cái tiếng “yêu” phát ra từ đôi môi xinh đẹp của Vũ Anh – dù nàng chẳng bao giờ tránh được cái lực hút của nó – cũng như đã giấu kín vết răng cắn trên tay mình, không để ai nhìn thấy.

Quân điện thoại rủ nàng ra quán café Roméo nơi anh đang ngồi chờ. Anh nói muốn cho nàng xem những bài thơ anh mới dịch, và phải uống café pha đậm mới “phê”. Từ nhà nàng đi bộ ra Reméo chỉ có mười lăm phút. Sáng Thứ Bảy nắng thu dìu dịu trên con đường ngang qua những căn nhà có cỏ xanh và những loài hoa nở muộn. Ði hết con đường nhỏ ấy, nàng rẽ ra dãy phố đầy những bảng hiệu đủ màu và cửa gương nhốt bên trong các người bán hàng buồn chán của thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Mười lăm phút đồng hồ đi bộ, nàng đi qua, nhìn thấy khoảng vài ba chục người. Họ trắng, đen, hoặc vàng như nàng, có người pha trộn giữa các màu ấy. Họ nhìn lướt nhau, đi qua mặt nhau, dửng dưng, lạnh lùng. Bỗng dưng nàng muốn làm một bài toán đơn giản. Mỗi người, trong số mấy chục con người nàng nhìn thấy sáng nay, trong suốt cuộc đời họ, đã nhìn thấy bao nhiêu người? Giả thử lấy một con số (không lấy gì là quá đáng lắm) là một trăm năm chục ngàn người (số tuổi trung bình là bốn chục, số người trung bình mỗi ngày nhìn thấy: mười!). Trong số một trăm năm chục ngàn người ấy, có bao nhiêu người được gọi là quen biết? Trong số những người quen biết, bao nhiêu người có thể gọi là bạn? Trong số gọi là bạn, bao nhiêu người gọi là chí thiết? Trong số những người bạn chí thiết, bao nhiêu người thực sự thương yêu mình? Trong số những người thương yêu mình, có bao nhiêu người mình yêu? Con số thành có thể là zero cho quá nửa những người nàng nhìn thấy hôm nay, và cho hàng tỷ con người trên trái đất. Từ con số một trăm năm chục ngàn tụt xuống thành zero (hay cao lắm là hai, ba, năm, bảy…) cũng là điều đáng để người ta suy nghĩ lắm chứ. Người ta có thể – trong những ngày mùa Thu lá bắt đầu vàng úa này – nghĩ rằng mỗi người là một dấu chấm nhỏ rí trên quả địa cầu mênh mông. Nhân loại là hàng chục tỷ cái dấu chấm đang lung linh nhảy múa bên nhau để sinh tồn. Nhìn từ rất xa, chúng giống như một khối. Nhìn gần, chúng có vẻ là từng khối nhỏ quay quần. Nhìn gần nữa, hầu hết những dấu chấm là những điểm cô độc! Có những dấu chấm chỉ kết hợp lại với nhau với mục đích duy nhất là tạo sức mạnh để tiêu hủy các dấu chấm khác nhằm nới rộng vị trí (vị trí của những nhúm cát trên sa mạc!) Nhưng mà cũng có những dấu chấm nào đó sẽ biết tìm đến nhau với tình thương chứ. Nếu không thì ý nghĩa của sự sinh tồn là gì?

Trong khi chờ đợi nàng đến, Quân đã uống cạn một tách café. Anh nhổm người lên nhoẻn miệng cười khi nàng đẩy cửa bước vào quán, và gọi thêm hai tách café sữa. Những bài thơ để trên mặt bàn, bên cạnh cái lọ cắm hoa cúc trắng. Nàng kể cho anh nghe ý nghĩ của nàng trên đường đến quán. Anh nghe một cách thú vị, hai ngón tay trỏ và giữa gãi gãi chiếc cằm. Nàng mỉm cười nhìn cái cằm vuông của anh. Anh cao hơn nàng một cái đầu, người cân đối thanh mảnh, mày thẳng, mắt sáng, mũi cao. Kỹ sư và nhà thơ, thông minh, nghị lực, dịu dàng, kết hợp đẹp đẽ giữa bộ óc khoa học và trái tim nghệ sĩ: chàng trai trong tưởng tượng của nàng năm mười tám tuổi.

“Ðiều thú vị là”, Quân cười, “Nhiên vừa nói về một vấn đề mang tầm cỡ nhân loại vừa nhìn cái cằm bé nhỏ của anh mà cười! Nhiên là một cô bé rất ngộ nghĩnh!”

“Gọi em là cô bé à? Quân làm em mừng đó!”

“Không là cô bé thì là gì? Bác hay bà đây? No way, man! Nhiên lúc nào cũng có nét trẻ thơ, dù là lúc tỏ ra mệt mỏi. Tên của Nhiên là rất đúng với Nhiên”.

Nàng mừng thật. Nàng reo lên “Nhiên Nhỏ” trong đầu, nghe thấy tiếng cười của cô mơ hồ rộn rã với bước chân chạy nhảy hồn nhiên trên đất đá địa cầu, tìm về với nàng.

“Nghe đoạn thơ này nhé, của Walt Whitman. Nhiên sẽ thấy nó có liên quan đến những gì Nhiên vừa nghĩ trên con đường đến quán”.

Anh hắng giọng, bắt đầu đọc.

Linh hồn chẳng hơn gì thể xác

Thể xác chẳng hơn gì linh hồn

Không điều gì, ngay đến Thượng Đế, đối với con người,

lại cao cả hơn chính hắn

Và bất cứ ai bước đi một phần tám dặm đường

mà chẳng có chút tình thương nào cho kẻ khác

Sẽ đi về phía mộ phần mình

Trong một chiếc áo tang

Nàng ngắm khuôn mặt thanh tú của Quân trong lúc anh đọc thơ. Có lúc nàng thoáng có ý nghĩ muốn hôn lên làn da nâu và đôi môi đỏ của anh. Rồi tình yêu sẽ bắt đầu, nàng sẽ yêu anh say đắm, săn sóc anh, nghe anh đọc thơ cho tới răng long tóc bạc. Sẽ sinh hai đứa con với anh và đặt cho chúng những cái tên xinh đẹp ngày xưa nàng đã chọn. Nàng sẽ viết nhạc lúc con đang ngủ. Ðôi khi Quân cũng sẽ muốn ngồi với nàng trong khu vườn khuya, dưới trăng, để nghe nàng đàn hát những gì xuất phát từ trái tim nàng.

Quân lại gãi cằm, cái cằm vuông của anh, đọc tiếp một bài thơ khác, rồi một bài thơ khác nữa. Nàng vẫn chăm chú nhìn anh. Chưa từng thấy người kỹ sư điện nào yêu thơ đến thế! Ðấy là người đàn ông thuở xưa nàng mơ mộng đấy. Nhưng ngoài lòng quý mến, nàng chưa bao giờ thấy nhớ nhung Quân? Ý nghĩ muốn hôn lên làn da nâu và đôi môi Quân trong vài phút trước đây thuần túy chỉ là ý nghĩ, không là niềm thôi thúc khát khao. Mọi điều khác, như sẽ sống bên anh, săn sóc anh, nghe anh đọc thơ, đàn hát bên anh dưới ánh trăng… cũng chỉ là những tưởng tượng không xuất phát từ ước muốn. Nàng đã vẽ vời như thế nhiều lần, đã muốn thực hiện cùng với năm, ba người, và lần nào cũng khựng lại từ những bước đầu. Nàng chưa từng thấy yêu, chưa từng thấy đắm say người đàn ông nào cả. Mọi cố gắng của nàng cố vượt lên trên tình thương mến để đi đến một điều gì mãnh liệt sâu xa hơn như thế đều thất bại, có khi tác động ngược để trở thành những cảm giác buồn bã, khổ đau.

ban-chinh2
Tranh Bo Barlett: Love and other Sacraments

Bây giờ, nhìn những ngón tay Quân đang lật từng trang giấy, nàng nhớ thiết tha những ngón tay Vũ Anh gõ gõ trên thành gỗ. Nhìn đôi môi Quân đang nói cười, nàng nhớ quay quắt những tiếng nói tiếng cười của Vũ Anh. Nếu có khi nào nàng sẽ được Quân áp môi anh lên môi nàng, có lẽ mọi điều rồi cũng xảy ra hệt với các lần trước, những lần nàng tưởng mình có thể yêu. Kết quả rồi thì cũng giống nhau. Sau những cuộc ân ái mang đến cho nàng chút khoái lạc trong giây phút (hoặc bực bội buồn cười suốt cả mấy tháng sau), nàng sẽ lặng người đi với cảm giác trống rỗng không cưỡng được hoặc chạy nhào vào phòng tắm dội cho tan biến đi sự dối trá mình tự phủ lên mình. Chẳng có gì gọi là rung động là choáng váng là say ngất bềnh bồng như ngày nào trong vòng tay Vũ Anh. Nàng sẽ lại cúi đầu với niềm ân hận mà nói với Quân rằng đó là điều lầm lỡ, đừng bao giờ lặp lại nữa và Quân sẽ bỏ đi mang theo sự tổn thương nàng không cố ý gây ra.

Họ uống hết ly café. Quân đã đọc hết những bài thơ. Anh hỏi nàng có thích không. Nàng gật đầu. Dĩ nhiên là những bài thơ đó hay, vì nó được Quân chọn, và vì nàng cũng đã đọc nhiều bài trong số đó rồi, từ Vũ Anh đưa. Nàng bỗng thấy choáng váng vì đột ngột nhớ ra điều ấy. Hầu như những gì hay nhất nàng từng đọc ngày xưa đều được Vũ Anh chọn và đưa cho đọc. Giờ phút này thì nàng đã nhận ra cái điều thẳm sâu khúc mắc: chính Vũ Anh là cái bản chính của hình ảnh người đàn ông trong mơ tưởng của nàng. Nàng đã lấy hình ảnh, cá tính, con người của Vũ Anh, thêm thắt vài chi tiết để tạo thành người ấy. Suốt bao nhiêu năm nay, nàng chỉ yêu và chờ đợi một Vũ Anh! Vũ Anh mày thẳng, mắt sáng, mũi cao. Vũ Anh xinh đẹp, thông minh, nghị lực, một người có kết hợp toàn vẹn giữa óc khoa học và tâm hồn nghệ sĩ…

Nàng thấy nhức đầu ghê gớm. Nàng ôm lấy đầu, mặt tái xanh:

“Thỉnh thoảng em lại bị migraine headache như thế này. Phải về thôi”.

Quân nhổm người dậy định cùng nàng đi. Nàng lắc đầu:

“Em muốn đi một mình. Hôm nào khác mình gặp lại”.

Quân ngơ ngác nhìn nàng vội vã đi ra cửa. Nàng quay lại nhìn anh một lần nữa, gượng cười để trấn an Quân. Nàng nhìn Quân, lần này hoàn toàn biết chắc chắn anh không phải là người nàng mong đợi. Ôi chỉ là những từ ngữ miêu tả người thôi, Quân ơi…

Nàng uống hai viên thuốc ngủ, kéo rèm cửa sổ xuống và nằm xuống giường. Với tay mở hộc bàn ngủ, nàng lấy cuốn album nhỏ. Trong đó, bên cạnh hình ảnh những người trong gia đình nàng là tấm ảnh của Vũ Anh. Nàng mỉm cười. Cô sinh viên khoa học năm thứ nhất trong ảnh trông thật bụi đời và yêu đời. Cô mặc quần jeans xanh bạc màu và áo thun màu vàng tươi bị châm thuốc lá lủng từng lỗ nhỏ. Nàng kề tấm ảnh sát gần hơn để nhìn. Trên áo có chữ của Vũ Anh vẽ lên bằng bút marker mực đen: Eternity. Vũ Anh đứng ở bãi biển Vũng Tàu, cười toe toét, và như thường lệ đưa hai ngón tay lên làm thành hình chữ V. Tấm ảnh này Vũ Anh chụp để gởi cho riêng nàng. Phía sau lưng ảnh, Vũ Anh viết “Ðể Nhiên ngắm”. Nàng ngắm tấm ảnh rất lâu, rồi thầm thì trong đầu: “Nhiên biết Vũ Anh muốn nói gì với Nhiên, khi cứ đưa hai ngón tay làm thành hình chữ V như thế. Yên chí đi, Vũ Anh yêu dấu”. Nàng đưa tấm ảnh lên môi hôn, rồi cất vào tập ảnh.

Nàng bắt đầu buồn ngủ. Nàng biết mình sẽ ngủ thật say và không bị ác mộng, không thấy mình đứng trên bờ hoảng hốt kêu la tuyệt vọng khi chiếc ghe có Vũ Anh trên đó chìm dần vào lòng biển. Nàng sẽ ngủ rất êm như Vũ Anh đang ngủ thật bình yên. Chỉ có khác là nàng sẽ thức dậy, còn Vũ Anh thì chẳng bao giờ. Nhưng chẳng sao, nếu nàng không thể tìm thấy Vũ Anh ở một con người nào khác, hoặc không tìm ra người nào nàng sẽ có thể yêu như đã yêu Vũ Anh, thì nàng vẫn còn có Nhiên Nhỏ. Phải không? Ðúng thế không? Vũ Anh?

Thôi,

Ngủ đi, Nhiên Nhỏ!

TS, 9/ 1992

Trần Vũ đánh máy lại từ bản in trong tạp chí Hợp Lưu số 7 tháng 10-1992

Danh-sach-bai-1099