Menu Close

Cuộc chiến mậu dịch bắt đầu!!!

Sau những cuộc khẩu chiến về thương mại trong suốt một năm qua, hôm Thứ Sáu 15/6 vừa qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc tiến thêm một bước gần hơn nữa đến bờ vực của cái gọi là cuộc chiến mậu dịch sau khi chính quyền Hoa Kỳ thông báo đánh thuế trên một số mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh cũng thông báo sẽ áp đặt cùng mức độ thuế đó lên các sản phẩm nhập cảng từ Hoa Kỳ.

cuoc-chien-mau-dich-bat-dau3

Ðợt 25% thuế đầu tiên của Hoa Kỳ sẽ đánh vào một số lượng hàng hoá trị giá $34 tỷ và bắt đầu có tác động từ ngày 6 Tháng 7, và theo thông cáo của Văn phòng Ðại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cho biết, $16 tỷ các mặt hàng khác hiện đang được cứu xét và sẽ đưa ra thông báo trong những ngày sắp tới.

Danh sách các mặt hàng bị đánh thuế của văn phòng thương mại USTR bao gồm 1,102 sản phẩm, hạ xuống từ 1,300 sản phẩm lúc ban đầu, và phần lớn chú trọng tới những sản phẩm nằm trong kế hoạch “Trung Quốc Chế Tạo 2025” (Made In China 2025) để biến Trung Quốc thành quốc gia ưu thế trong các ngành công nghệ kỹ thuật cao như kỹ thuật người máy, hàng không, máy móc công nghiệp và xe hơi. Những sản phẩm quen thuộc với người tiêu thụ ở Mỹ như điện thoại di động và tivi hiện chưa bị đánh thêm thuế.

Chỉ ít giờ sau đó, Bộ Tài chánh của Trung Quốc cũng đã đưa ra một danh sách gồm 545 loại sản phẩm, cũng trị giá khoảng $34 tỷ trong các mặt hàng Trung Quốc nhập cảng từ Hoa Kỳ và sẽ bị đánh 25 % thuế bắt đầu từ ngày 6 Tháng 7. Các mặt hàng này bao gồm sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, bắp và lúa mì cùng với thịt bò, heo và gà, cộng thêm xe hơi. Ðợt thuế thứ nhì sẽ được áp dụng sau trên một số mặt hàng khác bao gồm than, dầu thô, xăng và dụng cụ y khoa.

cuoc-chien-mau-dich-bat-dau2
Bản lượng định về kế hoạch “Trung Quốc Chế Tạo 2025” của Phòng Thương mại Hoa Kỳ – nguồn US Chamber of Commerce

Cũng hôm Thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump lên tiếng biện hộ cho quyết định của ông và nói rằng Hoa Kỳ đòi hỏi phải có một mối quan hệ thương mại công bằng hơn với Trung Quốc. Theo các con số của chính phủ đưa ra, năm ngoái, Hoa Kỳ nhập cảng $506 tỷ hàng hoá từ Trung Quốc và xuất cảng khoảng $130 tỷ đến quốc gia này, để lại con số thâm thủng mậu dịch năm 2017 là $376 tỷ.

Câu hỏi nhiều người thắc mắc hiện nay là phải chăng cuộc chiến mậu dịch giữa hai nước đã bắt đầu?

Khi người ta gọi “cuộc chiến mậu dịch” là để nói đến đối sách thương mại và sự phản công lại trong quyết định đánh thuế trên những mặt hàng nhập cảng và sự leo thang của nó theo thời gian đưa đến sụp đổ thương mại giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, đây là một danh từ khá mơ hồ và không có một định nghĩa rõ rệt. Nhiều người đồng ý rằng thời kinh tế suy thoái trong thập niên 1930 với chính sách leo thang quan thuế là một cuộc chiến mậu dịch. Nhiều người cũng đồng ý rằng việc đánh thuế trên sản phẩm thép năm 2002 của chính quyền George W. Bush và đòn phản công từ nhiều quốc gia Âu châu thì không phải. Tuy nhiên, đường ranh để phân biệt đâu là đụng độ thương mại và đâu là chiến tranh mậu dịch thực ra tuỳ thuộc vào quan điểm của từng người. Hiện nay người ta còn chờ xem có sự leo thang trong thời gian tới hay không.

Chỉ mấy tuần trước đây thôi nhiều người cho rằng một cuộc chiến mậu dịch có lẽ sẽ không xảy ra sau khi có những cuộc thương thuyết giữa Washington và Bắc Kinh và người ta hy vọng là Hoa Kỳ sẽ chấp nhận đề nghị của Trung Quốc là sẽ mua thêm một số hàng nhập cảng từ Hoa Kỳ trị giá khoảng $70 tỷ để khép bớt khoảng cách thâm thủng. Nhưng rồi chỉ ít ngày sau đó, cá nhân Tổng thống Trump cho rằng con số này không đủ và quyết định ngưng thương thuyết.

cuoc-chien-mau-dich-bat-dau1
Thâm thủng mậu dịch Mỹ Trung – nguồn The Independent

Cuộc hưu chiến thương mại ngắn hạn giữa hai quốc gia có thể nói nay đã tan vỡ. Hôm Thứ Sáu, một giới chức cao cấp trong chính phủ cho biết Hoa Kỳ đòi Trung Quốc phải có những thay đổi về cấu trúc trong những thoả thuận thương mại có liên quan đến kỹ thuật. Chính phủ Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh phải chấm dứt việc bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao những kiến thức về kỹ thuật của họ cho các công ty đối tác thương mại của Trung Quốc. Bắc Kinh bắn tiếng cho biết họ sẽ không chấp nhận đòi hỏi này vì đây là một phần chính sách nằm trong bản thiết kế chiến lược của cái gọi là “Trung Quốc Chế Tạo 2025”. Nhiều người cho đây là lối ăn cắp trắng trợn của Trung Quốc trên những sản phẩm trí tuệ của các công ty Mỹ làm ăn với họ.

Nếu như hai bên không sớm giải quyết được những bất đồng trên thì sự việc tranh chấp có thể leo thang rất nhanh. Có nhiều dấu hiệu cho thấy không bên nào chịu chấp nhận là mình yếu cả. Ông Trump được bầu lên là vì ông đưa ra nhiều chính sách kinh tế hấp dẫn các cử tri thuộc những tiểu bang đã bị ảnh hưởng nặng vì xu hướng toàn cầu hoá. Với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở quốc hội vào Tháng 11 tới đây, Tổng thống Trump đang chịu nhiều áp lực đối với các cử tri đã bầu cho ông. Trong khi đó, để biến Trung Quốc thành một quốc gia dẫn đầu kỹ thuật trên toàn cầu là một phần kế hoạch quan trọng trong chiến lược dài hạn của Tập Cận Bình, và để đạt được mục tiêu này Bắc Kinh sẽ không từ bỏ bất kỳ mưu đồ nào, kể cả việc đòi lấy không những kiến thức kỹ thuật của các công ty Mỹ mà không tốn công nghiên cứu.

Nếu như Tổng thống Trump nhất quyết đòi cho bằng được những thay đổi căn bản trong mô hình kinh tế của Trung Quốc hiện nay, thế giới rất có thể sẽ được chứng kiến một cuộc đối đầu thương mại căng thẳng trong một thời gian dài sắp tới giữa hai quốc gia. Các chính phủ Hoa Kỳ trước đây đã từng thúc giục Trung Quốc phải nới lỏng việc kiểm soát một số ngành công nghiệp, ví dụ như ngành sản xuất thép, nhưng không đạt được kết quả bao nhiêu. Trung Quốc chỉ hứa suông rồi một thời gian sau lại vẫn bổn cũ soạn lại.

cuoc-chien-mau-dich-bat-dau
Tranh biếm họa – nguồn Financial Times

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều kinh tế gia, nếu như cuộc chiến mậu dịch xảy ra có lẽ cũng không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế của Mỹ là vì tổng sản lượng nội địa (GDP) của Hoa Kỳ mỗi năm là gần $20 ngàn tỷ, do đó việc đánh thuế trên các mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc với trị giá $50 tỷ (hay có thể chung cuộc là $150 tỷ hoặc hơn nữa) và việc Trung Quốc phản đòn đánh thuế lại trên một số mặt hàng xuất cảng của Hoa Kỳ ngang bằng ngần ấy trị giá thì cũng chỉ là những con số lẻ. Thậm chí nếu ta tính luôn những thiệt hại do việc đánh thuế trên những sản phẩm thép, nhôm và một số mặt hàng khác giữa Hoa Kỳ và một số quốc gia khác thì cũng khó có thể lấy ra ra được một con số đủ lớn để gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế nói chung của nước Mỹ.

Trong khi các quốc gia kia phản đòn lại, họ có thể gây thiệt hại tới một số ngành công nghiệp của Mỹ nhưng thực tế là phần lớn các hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ là dành cho tiêu thụ trong nội địa. Xuất cảng chỉ chiếm 12 phần trăm GDP của kinh tế Mỹ.

Theo ý kiến đưa ra trong một bài xã luận trên tờ Wall Street Journal, nếu Tổng thống Trump thật sự muốn đối đầu với các chính sách thương mại bất công của Trung Quốc thì đáng lẽ ra ông nên liên minh với các quốc gia đồng minh của Mỹ ở Âu châu, Bắc Mỹ và Ðông Á. Sự liên minh này sẽ tạo được nhiều áp lực hơn với Bắc Kinh vì các quốc gia này cũng không ưa gì Trung Quốc và về lâu về dài sẽ là một thách thức chính trị to lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào xuất cảng.

Nhưng chính Tổng thống Trump lại cũng bất đồng những quốc gia đồng minh trên.

VH

Danh-sach-bai-1099