Có một cậu bé tên là Đỗ Nhật Nam, sanh năm 2001 ở Nhật Bản. Cậu được báo chí VN tôn vinh là một thần đồng. Đạt 2 kỷ lục tại VN: dịch giả nhỏ tuổi nhất, người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản tại Việt Nam năm cậu 7 tuổi.

Theo gia đình cậu bé thì hiện tại cậu đang là du học sinh Mỹ (từ năm 2014), học trường Church Farm School ( Tiểu Bang Pennsylvania) Hoa Kỳ. 2017, cậu từng đoạt giải ba hạng mục Nguyên tắc quản trị kinh doanh. Cậu để lại ấn tượng với nhiều người, làm tấm gương “con nhà người ta” điển hình cho các ông bố bà mẹ. Mẹ của Ðỗ Nhật Nam cũng được giới truyền thông săn đón, là tấm gương điển hình, nhân vật chính trong những chương trình, bài báo về cách dạy con, rèn luyện con trở thành thần đồng. Một hôm, cậu bé bỗng gây “sóng gió” khắp cõi mạng VN nhờ câu trả lời ở một bài phỏng vấn năm cậu 11 tuổi trong một hội sách. Khi được hỏi cậu thích thể loại sách gì, cậu nói sẽ không đọc những loại sách mà các bạn đồng trang lứa thường đọc, nhất là các thể loại truyện tranh. Cậu nói: “Em không thích đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”

Nhiều cuộc “tranh luận” gay gắt “bùng nổ” khắp nơi trên cõi mạng. Nhiều fanpage lập ra kêu gọi mọi người “biểu quyết” phản đối cách dạy học của mẹ bé Ðỗ Nhật Nam để các ông bố bà mẹ không “học” theo, ảnh hưởng đến tuổi thơ của thế hệ trẻ sắp tới. Nhóm còn lại thì phê phán nhóm kia, ủng hộ mẹ con cậu bé thần đồng. Như thường lệ, sau khi “bày tỏ chính kiến” thì cả hai cãi nhau kịch liệt đến khi… mệt, thì nghỉ. Tuy có đọc nhiều ý kiến của hai “phe”, châm dầu bên phe này một ít, nhóm lửa bên phe kia một đóm, nhưng hầu như tôi không đồng ý hoàn toàn với bên nào. Với tôi thì tuổi thơ nào cũng là tuổi thơ, không có chuẩn mực nào cho việc tuổi thơ phải như này như kia mới thực là tuổi thơ cả! Chắc chắn đã phải rất cố gắng rèn luyện và “ép uổng” bản thân để có được ngày hôm nay nhưng thực tế cho thấy bé Nam vốn rất may mắn vì có được sự đầu tư vững chãi từ gia đình. Cậu được sanh ra ở một đất nước phát triển, được học toàn các trường quốc tế hàng đầu, có được người mẹ trí thức và quan tâm cậu. Ðắm chìm trong ánh “hào quang” đó, cậu vốn là một vị “thần đồng” của số phận so với nhiều bạn trẻ ở VN rồi. Trong khi đất nước này đang có rất nhiều đứa bé lẫn người lớn không hề sở hữu cái gọi là tuổi thơ, thậm chí có rất, rất là nhiều người (trong đó có tôi) luôn ghét bỏ tuổi thơ của mình. Tôi chỉ cảm thấy… lo lắng. Nghi ngờ, có phải do sự đam mê truyện tranh từ lúc biết coi hình đến tận bây chừ, là một trong những nguyên nhân khiến tôi không thể làm thần đồng và cũng không hề có hy vọng/ý định tạo ra vài thần đồng đóng góp cho xã hội hay không? Có phải thật sự do những “con sâu đục khoét tâm hồn” kia khiến cho tôi ngày càng bớt ngây thơ, trong sáng, khả ái, đáng yêu như bản chất? Hy vọng sắp tới, thế giới sớm có thêm một vài thần đồng có thể tạo ra những cái máy siêu âm… tâm hồn, để con người có thể kiểm tra kịp thời và tân trang kỹ càng “bản ngã” của mình. Sẵn tiện, tạo luôn vài cái máy vá… tâm hồn, để những ai có trái tim mong manh dễ vỡ như tôi có thể “bảo trì” sau mỗi lần bị ‘đục khoét”. Tôi cũng lo, phải chăng, ở Việt Nam hiện nay, những người đọc truyện tranh nhiều nhất là các vị… đại biểu quốc hội, các vị bộ trưởng, đảng viên hay không? Tôi không dám nói tâm hồn của họ bị mục nát (như tôi) mà do thấy các vị làm nhiều việc y như các… cốt truyện trong những cuốn truyện tranh mà tôi đã đọc. Có thể là tôi quá đa nghi, cũng có thể những suy luận của tôi chẳng hề liên quan, nhiều khi được xem là phi thực tế, “báng bổ” logic, nhưng để tôi đem ra so sánh thử, xem trong hơn “500 anh em” đại biểu quốc hội, hơn 4 triệu các vị bộ trưởng, đảng viên có bao nhiêu người “bấm nút”…. ô kê!

Trong những bộ truyện tranh “kinh điển”, chắc hẳn hình ảnh chú mèo máy ú nu Doraemon là quen thuộc nhất, kể cả khi bạn chưa đọc truyện cũng có thể hình dung ra nó. Doraemon đứa con tinh thần của tác giả Fujiko.F.Fujio, sáng tác năm 1969, chú mèo này được tác giả “thiết kế” từ mặt của một chú mèo hoang kết hợp với thân của một con lật đật trong một bữa “bí đề tài”. Theo “kịch bản” thì Doraemon là một chú mèo máy vạn năng của thế kỷ 22, sanh ngày 3/9/2112. Với thân hình thể thao lý tưởng: cao 129.3 cm, nặng 129.3 pound, số đo vòng một, hai, ba lần lượt là 129.3 cm, 129.3 cm và 129.3 cm. Chú bị mất một con ốc vít ở đầu nên hơi lú lẫn, có sở thích là ăn bánh rán và tốc độ chạy khi gặp chuột 129.3 km/h (vì chú từng bị chuột nhấm mất hai cái tai vì… ngủ quên). Kể từ khi bị mất đôi tai do gia đình chủ nhân hiện tại (ở thế kỷ 22) quá nghèo, không có đủ tiền chữa trị, chú mèo máy này luôn tự ti và đau buồn với “nhan sắc” của mình. Nên chú mèo máy quyết định “thay đổi số phận” bằng cách dùng các bảo bối thời gian quay về quá khứ và gặp Nobita, ông nội của chủ nhân hiện tại, cũng là nguyên nhân gây khó khăn về kinh tế cho con cháu đời sau vì bản chất yếu ớt, hậu đậu, kém thông minh của mình. Ðây là mẫu nhân vật chính phi…. truyền thống. Thay vì thông minh, xinh đẹp, giỏi giang thì Nobita được tác giả xây dựng thành một cậu rất lười học, ham chơi, nhát gan, vẻ ngoài hơi ngốc nghếch ngớ ngẩn, cực kỳ đen đủi, hơi tham lam và chơi thể thao rất kém. Tuy nhiên cậu bé tốt bụng, chân thành và biết sửa sai khi có lỗi. Một ngày “điển hình” của Nobita thường xuyên bắt đầu bằng đi học muộn hay bị điểm 0 trong bài kiểm tra, bị thầy giáo trách mắng, bạn bè chế nhạo, bị mẹ mắng vì lười, điểm kém hay lười biếng. Ðặc biệt Nobita thường xuyên bị Chaien và Xêkô, hai cậu bạn cùng lớp, lôi ra làm đối tượng trêu ghẹo, bắt nạt…. Nhờ những bảo bối trong cái túi “càn khôn” trước bụng Doraemon mà Nobita và nhóm bạn vượt qua nhiều khó khăn, tạo nên những “kỳ tích” lạ kỳ, cũng gây họa không ít, thay đổi số phận và tính cách của bản thân, tạo “tương lai” cho dòng họ. “Hành trình” đó tạo ra nhiều câu chuyện ngắn gọn, dễ hiểu, dí dỏm và mang cái nhìn lạc quan về cuộc sống tương lai cũng như sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, kèm theo đó là những bài học nhẹ nhàng cho mọi lứa tuổi. Qua những câu chuyện, tác giả dần vén “bức màn bí mật” về nguyên do gây nghèo “truyền kiếp” của dòng họ nhà Nobita. Thật đau lòng, có “nghi vấn” rằng một trong những nguyên do “xém” gây nghèo có thể “nhờ” một trong những “sản phẩm” thần kỳ của Doraemon! Câu chuyện thế này…

Như nhiều đứa trẻ gia đình trung lưu khác, Nobita được mẹ cho một ít tiền tiêu vặt vào định kỳ hàng tháng để dùng vào những sở thích nhỏ. Nhưng Nobita, cũng như nhiều đứa trẻ khác, luôn xài hết số tiền trên trước kế hoạch. Một hôm, Nobita xin mẹ ứng trước tiền tiêu vặt một ngày để mua cuốn tạp chí thiếu niên nhưng mẹ cậu không đồng ý, bảo rằng cậu phải dựa vào đó mà tự “kiểm điểm, phê và tự phê” để rút kinh nghiệm. Nobita tỏ ra không vui liền khóc lóc kể lể với vị “đồng minh” của mình. Doraemon liền cho cậu bạn mượn tập chi phiếu. Chỉ cần viết vào chi phiếu số tiền cần dùng sau đó ký tên “điểm chỉ” vào là sẽ có thể mua bất cứ thứ gì. Chú Mèo Ú không quên dặn đi dặn lại Nobita chỉ được mua cuốn tạp chí thiếu niên thôi, không được dùng quá nhiều. Ðể không phụ lòng tin tưởng của bạn Mèo đến từ tương lai, Nobita cẩn thận hỏi mẹ ý nghĩa của chi phiếu, rồi cẩn thận ghi vào số tiền muốn mua quyển tạp chí thiếu niên mình cần. Ðánh liều đem ra cửa hàng sách mua tạp chí, không ngờ, vừa lấy cuốn tạp chí quay đi thì bị chủ cửa hàng gọi lại. Tưởng bị bạn mèo Ú “gạt” nhưng không, vì trong lúc “bối rối” mà Nobita viết dư hẳn một số 0 trong tờ chi phiếu, ông chủ trả số tiền dư cho cậu. Nobita từ sững sờ đến sướng như điên khi “phát hiện” bỗng nhiên có tiền “từ trên trời rơi xuống”, không những có mà còn có rất, rất nhiều tiền. Cậu cứ thế viết, ký như một vị thần, mua đồ chơi cho mình, cho tất cả các bạn bè, hàng xóm, mua luôn cái ô tô to không để lọt cái sân trước nhà. Không những thế, cậu còn gọi công ty nhà đất, nói muốn mua một căn “biệt phủ” hoành tráng cho gia đình. Khi được mẹ cho tiền tiêu vặt định kỳ, cậu rất “miễn cưỡng” nhận lấy “Con nhận để cho mẹ vui đấy!”, cũng như khi được người khách của gia đình cho tiền, khác hẳn với trước, cậu “miễn cưỡng” tiếp nhận. Ðến khi về phòng, cậu bỗng phát hiện trong phong bì của mẹ và người khách cho không hề có tiền, cậu định chạy đi “cáo trạng” thì gặp Doraemon, mới kinh hoàng biết sự thật rằng những tờ chi phiếu kia chính là tiền mà ứng trước để tiêu trong tương lai làm ra được, Nobita thiên tài đã tiêu trước tiền đến tận năm 43 tuổi (cậu đang 10 tuổi) chỉ trong mấy bữa. Thế là cậu hoảng loạn tìm mọi cách “đòi quà” và đem hết đồ đã “hoan hỉ” sắm sửa được trả về nơi sản xuất….

Mẫu chuyện được tác giả kết thúc mở…. Mỗi bạn đọc trẻ lẫn hết trẻ trên thế giới đọc xong có thể cười xòa cho qua vì họ tin rằng Nobita “tháng sau” vẫn có tiền vì cậu ấy lẫn tập chi phiếu tương lai kia chỉ là một nhân vật trong trí tưởng tượng, không gây ảnh hưởng gì cả. Nhưng thật tiếc, tập chi phiếu tương lai kia đang có thật ở Việt Nam, đã chi chít những chữ ký, những số không chẳng còn chỗ kín. Không những một mà có rất nhiều nhân vật “Nobita” ký, nhưng cái họ vay lại không phải là tiền tương lai con cháu, dòng tộc của riêng họ, món nợ trên được “đổ lên đầu” hơn 90 triệu dân Việt Nam và con cháu chút chít của chúng ta…. Những “món quà” nhận được là con số nợ công ngày càng cao vút, những tờ giấy bán/cho thuê quê cha đất tổ, những ánh nhìn khinh miệt, trách móc từ tương lai… không thể trả lại, không kịp trả lại, không có cơ hội quay đầu! Nếu Doraemon có thật, cậu chắc cũng không dám quay về. Vì muốn thay đổi một Nobita ngớ ngẩn nhưng tốt bụng và chân thành thì rất dễ nhưng làm sao có thể thay đổi một… đống “Nobita” vừa tham lam, ích kỷ và hèn hạ? Có khi chưa kịp “thay đổi”, Doraemon bị moi sạch bảo bối, đem bán qua… Trung Quốc hổng chừng! Nếu được mơ mộng, tôi ước đây là “kịch bản” có thật, chú Mèo Ú kia khi “trở về” sẽ đi thẳng đến năm 1969, gặp tác giả Fujiko.F.Fujio kêu đừng… sáng tác câu chuyện “chi phiếu tương lai” này, tránh bị “người ta” bắt chước… Kẻo gây “đục khoét tâm hồn” lẫn tương lai của hơn 90 triệu dân!
DU