Menu Close

Galilee và làng Nazareth

Galilee là một vùng đất phía bắc của Israel, khoảng 2.5 tiếng lái xe từ Jerusalem. Diện tích của vùng đất này “co dãn” theo thời đại nhưng tựu trung, vùng Galilee bao gồm Biển Galilee, những ngọn đồi, đồng ruộng, các thôn làng nói tiếng Ả Rập trong lãnh thổ Israel và cả các kibbutzim (cộng đồng gồm nhiều gia đình chung sống & làm việc như một đại gia đình), được nhắc đến trong kinh thánh Tân Ước của Thiên Chúa giáo và cả kinh Quran của Hồi giáo. Thôn làng nổi tiếng nhất là Nazareth, quê nhà của bà Maria và cũng là nơi Chúa Jesus khôn lớn.

tran-ly-le5
Di tích từ đền thờ Do Thái (tương truyền rằng ngày trước Chúa Jesus đã từng dự lễ ở đây)

2 kỳ – kỳ 1

Biển Galilee (Sea of Galilee) tuy được gọi là “Biển” nhưng thực sự là một hồ nước ngọt, trên sách vở địa lý và bản đồ ngày nay là “Lake Kinneret”. Quanh vùng Galilee là những thánh tích được ghi nhận trong kinh thánh của Thiên Chúa giáo, từ làng Nazareth đến thung lũng Jordan; chưa kể làng Safed (trung tâm tu học của đạo Do Thái) và Akko, một di tích thời La Mã.  Nazareth cũng như sông Jordan là thánh tích quan trọng của các giáo phái Thiên Chúa giáo (giáo hội La Mã, giáo hội Chính Thống Nga, giáo hội Chính Thống Hy Lạp và Tin Lành, đạo Tin Lành bao gồm nhiều giáo phái riêng).

tran-ly-le3
Thành phố Nazareth. nguồn: advocacy.calchamber.com

Làng Nazareth, tên gọi được nhìn nhận bởi khối Ả Rập và Israel, (Chúa Jesus được gọi là ‘Nazarene’ theo tiếng Ả Rập) ngày xa xưa là một thôn làng nhỏ xíu, khoảng 35 ngôi nhà. Một trong những ngôi nhà ấy là nơi Bà Maria cư ngụ trong thời thơ ấu. Nền móng ngôi nhà ấy là một nhà nguyện xây cất từ thế kỷ IV thời Byzantine, được tu bổ, thay đổi nhiều lần trong các thế kỷ kế tiếp. Kiến trúc mới nhất trên cùng nền nhà là nhà thờ Truyền Tin (Basilica of the Annunciation), được hoàn tất vào năm 1969 và trực thuộc Hội Thánh La Mã. Theo kinh thánh, đây là nơi Thiên Thần Gabriel báo tin bà Maria sẽ thụ thai và sinh ra đấng Cứu Thế.

tran-ly-le2
Đường phố Nazareth

Bên trong nhà thờ là di tích bồn tắm (ritual bath) của gia đình bà Maria. Mái vòm theo hình thể hoa loa kèn, tượng trưng cho sự tinh khiết. Hai bên tường là những tác phẩm Mẹ bồng Con (Madonna and Child) theo hình thể địa phương, từ Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản… Đẹp nhất, theo ý riêng, là tác phẩm của Nhật Bản cẩn xà cừ và áo bà Maria có màu cobalt xanh biếc. Bên ngoài, hai bên hành lang cũng trưng bày những tác phẩm tương tự của Philippines, Đại Hàn, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Mexico… Có cả một bức tranh từ Việt Nam, Nữ Vương Hòa Bình.

tran-ly-le7
Nhà thờ Truyền Tin-Basilica of the Annunciation (từ bên ngoài):

tran-ly-le6

tran-ly-le8
Mái vòm trong nhà thờ:
tran-ly-le
Tác giả chụp tại nhà thờ

Ngôi nhà thờ kề cận, Church of Saint Joseph, tương đối khiêm nhường, sách vở kể rằng đây là nơi ông Joseph (cha của Chúa Jesus) mở tiệm mộc.

Giếng nước trong làng thủa xưa được ghi nhận là giếng nước nơi bà Maria đi lấy nước, Mary’s Well. Tuy nhiên, theo kinh sách của Hội Thánh Thiên Chúa Chính Thống Hy Lạp (Greek Orthodox Church) thì giếng nước Maria lại nằm trong khuôn viên của nhà thờ ấy, cũng trong làng Nazareth.

Theo kinh thánh, Chúa Jesus sinh trưởng trong vùng Judea và theo đạo Judaism, Do Thái Giáo, được “rửa tội” và sinh sống theo nghi thức đạo Do Thái, dùng nước để tẩy rửa trước khi vào đền thờ, và trong làng vẫn còn di tích một synagogue nơi Jesus đến dự lễ hàng tuần.

tran-ly-le4
Các tác phẩm về Mẹ Maria (Tác phẩm bằng kim loại đến từ Hoa Kỳ)

tran-ly-le9

tran-ly-le1Thôn làng Nazareth ngày nay được mở rộng, giữa các tòa nhà là những con đường ngoằn ngoèo, hai bên đường là các cửa tiệm buôn bán từ hoa quả đến vật gia dụng; hàng hóa bày lỉnh kỉnh đủ món thập cẩm, in hệt các món chế tạo từ… Hoa Lục! Trong làng, cư dân nói tiếng Ả Rập và theo đạo Thiên Chúa, Arab Christian hay “Nasara”, và theo Hebrew “Notzrim”. Sự khác biệt về ngôn ngữ ngay trong một thôn làng nhỏ xíu ấy cho thấy một bức tranh đặc thù của vùng “xôi đậu”; mỗi nhóm cư dân tranh đấu cật lực để giữ lấy “truyền thống” của họ, bắt đầu từ ngôn ngữ đến trang phục và phong cách tế lễ theo tôn giáo riêng. Người Ả Rập ở đó, tuy cũng là tín đồ Thiên Chúa Giáo nhưng họ cử hành lễ lạt theo hội thánh riêng, có người theo Hội Thánh La Mã, có người theo Hội Thánh Chính Thống Hy Lạp.

Danh-sach-bai-1099