Menu Close

Thơ Phạm Tăng

Phạm Tăng là một nghệ sĩ tài năng. Ông xuất hiện nổi bật thời báo Tự Do và là bạn thân của Như Phong. Theo tài liệu của Đinh Quang Anh Thái, Phạm Tăng sinh năm 1924 tại Ninh Bình-Bắc Việt, học ngành Kiến Trúc trước khi chuyển sang hội họa ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Vẽ hí họa cho nhật báo Tự Do từ 1954 tới 1959, tuần báo Văn Nghệ Tự Do năm 1956. Một số hí họa châm biếm trên Tự Do và Văn Nghệ Tự Do của ông đã khiến ông bị bắt, giam ở khám Catinat một thời gian ngắn. Được xuất ngoại học thêm năm 1959, ông lấy được bằng tốt nghiệp của hầu hết các khoa ở Viện Mỹ Thuật La Mã (Accademia di Belle Arti di Roma): Hội Họa, Trang Trí, Điêu Khắc, Thiết Kế Sân Khấu. Ông được giải nhất về Hội Họa của tổ chức UNESCO với bức tranh “Vũ Trụ” năm 1967, và nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng khác. Ông mất tại Pháp đầu năm 2017.

Ngoài hội họa, Phạm Tăng còn sáng tác thơ. Thơ ông thuộc dòng cổ điển, phản ảnh thân thế và thời thế, đây đó có khí vị của Phật và Lão Trang. SAO KHUÊ

Pham-Tang
Phạm Tăng và bức tranh Vũ Trụ

Gương thề mặt đá

I

Người đi thủa trước mình đi tiễn

Đến lượt mình đi, thiếu một người.

Mảnh đất từ đây, ai ấp ủ

Gương thề mặt đá, bóng trăng soi. (1959)

II

Trăng soi mấy chục năm rồi

Mộ không để đó đợi người nằm chung.

Ai làm cách trở núi sông

Kẻ ôm đất lạnh, người không đường về…

 Trăng soi vằng vặc gương thề

Lấy ai khuya sớm đi về có nhau? (1984)

III

Huyệt trống mồ hoang trả núi sông

Cốt thiêu, tro bụi gửi cho chồng

Duyên hờn phận tủi tan lòng đất

Phách bướm hồn hoa nhập cõi không!

 Kẻ khuất ngàn trùng quên tục lụy

Người đi muôn dặm chết trong lòng

Cổ kim muôn vạn pho tình sử

Chép lại gì chăng? Một chữ: “Không” (1985)

 

Múa bút vườn hoang…

 Múa bút vườn hoang vẽ láo chơi

Xôn xao sỏi đá nói nên lời

Đỏ xanh xáo trộn hồn cây cỏ

Nhẹ gót vào tranh… chiếc lá rơi…

                                    (1973)

Dòng sông

 Lỡ tay khua động mái chèo

Bao nhiêu hy vọng bọt bèo lại tan

Xuôi dòng Nhân Quả mênh mang

Cánh bèo phó mặc tràng giang vô tình.

Bốn bề sương khói u minh

Nghe trôi không biết trôi mình về đâu?

Cúi nhìn thăm thẳm sông sâu

 Nước gương soi nửa mái đầu bạc phơ!

Trần gian tháng đợi năm chờ

Bao giờ ghé bến Hư Vô hỡi Thuyền?

Tâm tư trĩu nặng ưu phiền

Có Ai vợi rót khoang thuyền với Ta? ….(1953)

 

Đề bức tranh “Vũ Trụ”

(“Lớn vô cùng, nhỏ vô cùng”)

Trông lên thiên thể bao la

Nhìn vào sâu thẳm trong ta mịt mùng

Xác thân: vạch nối đôi vùng

Khoát tay một nét: cuộn vòng càn khôn!

Đất trời, mở rộng tay ôm

Phút giây xuất Ngã [1], bền hơn cuộc đời ! (1981)

 [1] Ngã: Cái tôi, chú thích PT.

 

 Gửi bạn*

 A.

“…Anh về mây gió thong dong

Tôi còn mù mịt cuốn trong bụi trần

Hình hài nặng trĩu gót chân

Đôi vai chồng chất nợ nần thế gian!

Từ nay, gió núi trăng ngàn

Phiêu diêu, Vĩnh viễn, Vẹn toàn là anh

Không còn đầu bạc, đầu xanh

Bên trên nghiệp chướng Sinh – Thành – Hoại – Không.

Một mình bao quát Mênh Mông

Nhớ anh, bát ngát… kìa! trông Mây Trời…

Mây ơi! Mây có nhớ người,

Cao bay! xin chớ ngậm ngùi tuôn mưa,

Thế gian, nước mắt có thừa

Càng mưa thêm nước, càng nhơ vũng lầy!

Đất bùn ngập cả cỏ cây

Gột sao sạch nước non này, Mây ơi!

Đường mây, Mây cứ về trời

Cao xanh thăm thẳm, tuyệt vời Mây bay…

Tiếc thương chi kiếp đọa đày

Dưới này lắm kẻ giơ tay níu trời.

Tha hương, đây có một người

Đốt thơ, gửi khói lên trời thăm Mây.”

 B.

“Trả lại buồn thương cho thế gian

Trăm năm rũ sạch dấu tro tàn

Sinh ra – Có đó – không còn nữa

Một dấu chân mờ, một bóng vang…

Không cái Tôi này – không xác thân

Không SAU, không TRƯỚC, chẳng XA – GẦN

Không ĐI, không ĐẾN, không CÒN – MẤT

Vũ trụ và tôi MỘT, bất phân!!!”

*Thơ khóc Như Phong

Danh-sach-bai-1099