NGUỒN TIN: VOA

Câu chuyện của sinh viên luật Trương Thị Hà có lẽ là một trong số những cột mốc đáng nhớ nhất, khi trang truyền thông Facebook bỗng trở nên bất thường đối với những người bất đồng chính kiến, hay đối với những người chỉ muốn chân thành bày tỏ quan điểm của họ. Được biết ngày 17 tháng 6 năm 2018, cô Hà tham gia biểu tình, bị bắt vào khu tập trung thẩm vấn và tra tấn ở Tao Đàn, quận 1, bị đánh đập dã man, bị sỉ nhục và bị ép nhận một tội trạng mơ hồ, bởi những nhân viên công an côn đồ mặc đồng phục và thường phục.

Không những thế, cô còn bị ông Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Sài Gòn làm ngơ, khi cô kêu cứu. Sau đó tất cả những điều nói trên, được sinh viên Trương Thị Hà gói ghém trong bài viết, thể hiện sự bất nhẫn về tình người, tình thầy trò, về thái độ chung của giới trí thức xã hội chủ nghĩa trên Facebook của cô, được rất nhiều người đồng cảm chia sẻ.

Bài viết này bị ban quản trị Facebook xóa bỏ, không có lời giải thích. Chẳng bao lâu trên trang mạng xã hội Minds, nhiều blogger đăng lại bài viết của cô Trương Thị Hà, sau đó dẫn ngược về các trang Facebook. Lần đầu tiên Facebook đối diện với phản ứng mới mẻ của người sử dụng, đó là dùng một công cụ mới, không hề viết thư trình bày hay than vãn. Vài ngày qua, những người quản trị trang truyền thông Minds chắc cũng bất ngờ, khi thấy số lượng lớn người sử dụng từ Việt Nam ghi danh.