Hỏi
Thưa bác sĩ,
Bà lão nhà tôi có vẻ như mắc bệnh lú lẫn. Nhiều khi hay quên thí dụ như vừa mới nói một điều gì thì lại quên ngay hoặc không nhớ đường đi từ nhà tới nhà thờ… Không biết đây có phải là bệnh Alzheimer không. Bà ấy mới bị như vậy và tôi định đưa đi bác sĩ để hỏi. Trong khi chờ đợi, xin bác sĩ nói sơ qua về bệnh này. Rất cảm ơn bác sĩ.
Lê Ninh
Đáp
Thưa ông Lê Ninh,
Chúng tôi mong rằng bà nhà có thể không phải là bị bệnh như ông nói. Tuy nhiên, xin kể qua về bệnh Alzheimer như ông muốn tìm hiểu như sau.
Bệnh Alzheimer là tình trạng rối loạn não bộ gây ra sự sa sút dần dần và không thể hồi phục cho trí nhớ và khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng nhận thức về không gian, thời gian, và cuối cùng dẫn tới tình trạng mất khả năng tự chăm sóc trong các nhu cầu hàng ngày.
Năm 1906, bác sĩ người Đức Alois Alzheimer lần đầu tiên xác định và mô tả căn bệnh này. Ngày nay, bệnh Alzheimer được thừa nhận là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra sự sa sút năng lực tinh thần và trí tuệ (dementia) ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Bệnh Alzheimer làm cho bệnh nhân dần dần trở nên lú lẫn, nhưng nghiêm trọng hơn nhiều so với sự lú lẫn thông thường do kém minh mẫn ở tuổi già. Lú là trạng thái suy kém, hầu như không còn trí nhớ, trí khôn. Còn Lẫn là khi không phân biệt được sự việc, nhận nhầm việc này ra việc khác. Lú Lẫn là nói chung tình trạng suy kém trí tuệ, hay lẫn, hay quên.
Ngoài các rối loạn về nhận thức và suy xét, người bệnh còn có những thay đổi về hành vi, nhân cách và nhất là không còn khả năng tự chăm sóc trong các nhu cầu hàng ngày.
Bệnh có thể xảy ra ở tuổi trung niên, nhưng nhiều hơn từ 60 tuổi trở lên, và tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt tăng cao theo tuổi tác. Tại Hoa Kỳ, thống kê ước lượng có khoảng 4% tổng số người trên 65 tuổi bị bệnh. Tỷ lệ lên tới 30% vào tuổi ngoài 80 và là nguyên nhân tử vong thứ tư ở người già.
Cho tới nay, đã có nhiều lý thuyết cố gắng giải thích nguyên nhân gây ra bệnh, nhưng chưa có thuyết nào được mọi người công nhận.
Tuy nhiên, tìm hiểu y sử và quan sát một số triệu chứng dấu hiệu cũng giúp định bệnh sơ khởi, trong giai đoạn đầu của bệnh.
Người bị bệnh Alzheimer có những biểu hiện sau:
-Hay quên, thậm chí quên cả tên các giống vật nuôi trong nhà hoặc các đồ vật rất thường dùng;
-Mất định hướng trong không gian;
-Có những nghi ngờ hoang tưởng;
-Tính tình bướng bỉnh, phá phách và thay đổi trong dáng điệu đi đứng.
Bệnh thường kéo dài cả năm mười năm, qua nhiều diễn tiến khác nhau tùy từng người bệnh. Cuối cùng, vì suy nhược tổng quát, người bệnh đi đến tình trạng nằm liệt giường liệt chiếu, không kiểm soát được đại tiểu tiện, suy dinh dưỡng, và thường ra đi vĩnh viễn vì nhiễm trùng hoặc sưng phổi.
Mọi biện pháp can thiệp đều tập trung vào việc hỗ trợ, chăm sóc người bệnh vì thực ra chưa có dược phẩm hoặc phương thức nào để điều trị bệnh này. Đã có nhiều thử nghiệm một số dược phẩm, nhưng đa số chỉ cải thiện chút ít về rối loạn tri thức mà thôi.
Một vài nghiên cứu cho rằng Niacin có thể có công dụng tăng máu lưu thông lên não.
Gần đây, một số nghiên cứu cho thấy hóa chất acetylcholine, một chất có chức năng dẫn truyền tín hiệu thần kinh, có vẻ như giảm rất nhiều ở người bệnh Alzheimer. Acetylcholine có nhiều ảnh hưởng tới sự học hỏi và trí nhớ, nên nhiều khoa học gia cho là thực phẩm có hóa chất này sẽ giúp người bệnh một phần nào.
Một nghiên cứu khác tại Đại Học Erasmus, Amstersdam, công bố trên Lancet vào tháng 2-02, cho hay uống lượng rượu vừa phải mỗi ngày có thể ngừa được sa sút trí tuệ. Theo nghiên cứu này, rượu kích thích não tiết ra nhiều acetylcholine .
Mặc dù vậy, trước mắt thì sự giúp đỡ tận tình của thân nhân cộng với chế độ dinh dưỡng đầy đủ vẫn có thể trì hoãn phần nào tiến triển của bệnh, nghĩa là sự thoái hóa của các tế bào não, và nhất là có thể giúp người bệnh cảm thấy phần nào dễ chịu, thoải mái hơn trong khi phải chịu đựng căn bệnh.
Đó là ý kiến của y học về bệnh Alzheimer.
bs.nyd