Menu Close

Trận Concord và Độc Lập Hoa Kỳ

Lời Giới Thiệu: Lịch sử luôn thiêng liêng với mỗi dân tộc và là chất keo gắn kết dân tộc lại với nhau. Do đó hiểu biết lịch sử của đất nước mình đang sinh sống và trở thành công dân là điều không thể thiếu sót trong việc thi quốc tịch mà chúng ta đã trải qua. Nhân Lễ Độc Lập Ngày 4 Tháng 7 tới, Trẻ xin gửi đến quý độc giả bài viết ghi lại trận đánh lịch sử mở màn cho chiến thắng của người dân Mỹ dẫn đến việc thực dân Anh trao trả độc lập cho dân Hoa Kỳ. Độc lập và tự do luôn đòi hỏi cái giá xương máu, và để giữ được 2 điều thiêng liêng trên cũng đòi hỏi máu xương mà người dân yêu nước hiện nay phải trả trước sự đàn áp của nhà cầm quyền CS.

tran-concord-va-doc-lap-hoa-ky1

Ngày 4 Tháng Bảy, Lễ Ðộc Lập Hoa Kỳ hằng năm, là một ngày lễ truyền thống quốc gia được đánh dấu bằng những sự kiện thể hiện tinh thần ái quốc. Tương tự như các sự kiện theo chủ đề mùa hè khác, lễ kỷ niệm Ngày Ðộc Lập thường diễn ra ngoài trời. Ngày Ðộc Lập là ngày lễ liên bang, vì vậy tất cả các tổ chức liên bang không cần thiết như dịch vụ bưu điện và tòa án liên bang đều đóng cửa vào ngày đó. Nhân dịp này, nhiều viên chức trong chính quyền hiện diện tại các sự kiện công cộng để ca ngợi các giá trị lịch sử và con người của đất nước Hoa Kỳ.

Gia đình người Mỹ thường ăn mừng Ngày Ðộc Lập bằng cách tổ chức đi dã ngoại hoặc picnic nướng thịt và ăn uống ngoài trời. Nhiều người tận dụng lợi thế của ngày nghỉ lễ, có khi trùng vào một cuối tuần dài, để tụ tập họp mặt vui chơi cùng người thân hoặc bạn bè. Các đồ vật trang trí cho ngày lễ thường có 3 màu đỏ, trắng và xanh dương, là màu của quốc kỳ Mỹ. Các cuộc diễn hành xe hoa thường được tổ chức vào buổi sáng; màn trình diễn ngoạn mục bắn pháo hoa diễn ra vào ban đêm sau khi trời tối ở những nơi như công viên, khu hội chợ, hoặc quảng trường thành phố hay thị trấn trên khắp cả nước. Theo con số thống kê cho biết, trị giá của tất cả các loại pháo hoa đốt trong Ngày Lễ Mừng Ðộc Lập Hoa Kỳ năm 2016 là 800 triệu Mỹ kim. Bạn đoán thử xem số pháo hoa đó của nước nào sản xuất? “Made in China”!

tran-concord-va-doc-lap-hoa-ky4
Bảng đồng mô tả trận đánh tại Cầu Bắc Concord. Nội dung do sử gia Allen French ghi như sau: “Vào sáng ngày 19 tháng 4 năm 1775, trong khi người Anh chiếm cứ cây cầu này, dân quân Concord và các thị trấn lân cận đã tụ tập trên ngọn đồi bên kia sông. Phụ tá thị trưởng là Joseph Hosmer hỏi: ‘Chẳng lẽ chúng ta để họ đốt cháy thị trấn của chúng ta sao?’ Trưởng thôn Lincoln là William Smith đề nghị đánh đuổi quân Anh; trưởng thôn Acton là Isaac Davis nói, ‘Dân thôn tôi không có ai sợ cả!’ Thế là Đại tá James Barrett ra lệnh tấn công quân Anh áo đỏ. Các đội xung kích quân lưu động từ các thôn Acton, Concord, Lincoln và Bedford dưới quyền chỉ huy của Trung tá John Robinson và Thiếu tá John Buttrick cùng với các toán dân quân theo sau. Quân Anh nổ súng, trưởng thôn Isaac Davis ngã gục. Thiếu tá Buttrick hét lên, ‘Bắn! Hỡi dân quân binh sĩ! Bắn đi!’ Và chính ông đã bắn trước. Quân Anh rút lui bỏ chạy. Và nơi đây bắt đầu sự tách biệt của hai quốc gia, bây giờ vui vẻ đoàn kết trong hòa bình.”

Trong bầu không khí tưng bừng của ngày lễ vang vang cất lên tiếng nhạc những bài ca yêu nước như quốc ca “The Star-Spangled Banner”; “God Bless America”; “America the Beautiful”; “My Country, ‘Tis of Thee”; “This Land Is Your Land”; “Stars and Stripes Forever”; và, tùy vùng, “Yankee Doodle” ở các tiểu bang phía đông bắc và “Dixie” ở các tiểu bang phía nam. Một số lời bài hát gợi lại hình ảnh về cuộc chiến tranh cách mạng đưa đến độc lập.

Trận đánh đầu tiên giữa dân quân cách mạng Hoa Kỳ chống lại quân đội Anh xảy ra ở Concord, Massachusetts ngày 19 tháng 4 năm 1775, mở màn cho cuộc chiến đấu giành độc lập khỏi ách thuộc địa. Thị trấn nhỏ Lexington, nằm trên đường đi từ Boston đến Concord, cũng có xảy ra một cuộc đụng độ nhỏ cho nên đôi khi cũng được nhắc tên.

Thị trấn Concord nằm cách khoảng 20 dặm về hướng tây bắc của thành phố Boston tiểu bang Massachusetts, nơi đã trở thành một địa danh được dùng làm biểu tượng cho Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng Hoa Kỳ (1775-1783) hay còn được gọi là Cuộc Chiến Tranh Hoa Kỳ Giành Ðộc Lập.

Massachusetts là một trong 13 thuộc địa của đế quốc Anh ở châu Mỹ. Boston là nơi then chốt của phần lớn hoạt động cách mạng dẫn đến Ðạo Luật Chính Phủ Massachusetts do đế quốc Anh ban hành để củng cố quyền lực đối với thuộc địa Mỹ. Ðạo luật này gặp phải sự chống đối mạnh mẽ và quyết liệt của người dân thuộc địa khiến cho viên Toàn Quyền Thomas Gage cùng 4,000 binh sĩ Hoàng Gia Anh hầu như thường trực trong tình trạng bất an và phải thu mình trong thành phố Boston trong khi các vùng ngoại ô nằm trong tay của phe dân cách mạng.

tran-concord-va-doc-lap-hoa-ky3
Bức tranh vẽ liên lạc tình báo viên nổi tiếng Paul Revere từ Boston phi ngựa trong đêm đi thông báo

Quốc hội nước Anh tuyên bố thuộc địa Massachusetts đang trong tình trạng phản loạn vì dân chúng bất mãn nổi dậy chống đối. Trung tướng Thomas Gage, tổng tư lệnh quân đội Anh ở thuộc địa Hoa Kỳ, được lệnh mở cuộc hành quân tiêu diệt các phần tử phiến loạn bạo động, phải truy tìm và phá hủy tất cả các kho chứa giấu vũ khí đạn dược của phe dân quân ái quốc.

Vào giờ đầu ngày 19 tháng 4, một đạo quân áo đỏ của quân đội Anh dưới quyền Trung tá Frances Smith và Thiếu tá James Pitcairn xuất phát từ doanh trại ở Boston.

Biết được tin này, 3 tình báo liên lạc viên của phe dân quân cách mạng là Paul Revere, William Dawes và bác sĩ Samuel Prescott từ Boston chia làm hai ngả khác nhau tức tốc phi ngựa xuyên đêm để báo động cho dân chúng và các nhóm dân quân ái quốc ở Lexington và Concord hầu chuẩn bị đề phòng và sẵn sàng đối phó. Tại sao phải báo động hai nơi này? Thứ nhất, vì Lexington là nơi hai chính khách ái quốc, lãnh tụ phong trào giành độc lập của Mỹ là John Hancock và John Adams đang trú ẩn. Thứ hai, vì Concord là “mật khu” tiếp liệu, là kho chứa vũ khí.

Lực lượng chính quy Hoàng gia Anh – phe thực dân – gồm khoảng 700 binh sĩ rầm rập xuất quân từ thành phố Boston tiến về mục tiêu Concord để mở một cuộc hành quân lục soát nơi chôn giấu vũ khí của “quân phiến loạn” – phe dân quân kháng chiến Mỹ – theo như tin tình báo cung cấp.

Tại Lexington, hai liên lạc viên Paul Revere, William Dawes bị quân Anh chận bắt. Bác sĩ Samuel Prescott thoát được, tiếp tục phi ngựa chạy tiếp đến Concord khuya sáng ngày 19 tháng 4 để báo tin.

tran-concord-va-doc-lap-hoa-ky2
Bảng đồng gắn trên phiến đá đánh dấu nơi chôn cất những quân nhân Anh tử trận ở Concord

Khoảng 4:30 sáng, gần vào đến Lexington, quân Anh bắt được 3 dân quân trinh sát ở ngay bên ngoài thị trấn. Người dân quân trinh sát thứ tư tên Thaddeus Brown chạy kịp về lại thị trấn báo cáo lại với Ðại úy Parker là quân Anh còn cách nửa dặm ở phía sau.

Lúc 5:00, khi bầu trời hừng sáng ở phía đông, Thiếu tá Pitcairn dàn quân và ra lệnh cho binh sĩ nạp đạn tiến vào thị trấn. Ông cưỡi ngựa tiến lên phía trước và gọi phe dân quân Cách Mạng Mỹ hãy bỏ súng xuống và giải tán. Nhận thấy đám dân quân ít ỏi của ông không thể chống lại lực lượng Anh hùng mạnh hơn, Ðại úy Parker ra lệnh cho binh sĩ của ông không bỏ khí giới nhưng hãy giải tán. Bỗng một người lính dân quân nào đó của ông vô tình nổ súng. Quân Anh có cớ chính đáng để bắn trả ồ ạt và xung phong với súng gắn lưỡi lê.

Nghe tiếng súng nổ, Trung tá Smith phi ngựa chạy lên xem xét tình hình và ra lệnh ngưng bắn. Kết quả trận chạm trán ngắn ngủi, phía Cách Mạng Mỹ có 8 người bị giết và 10 người bị thương. Quân Anh chỉ có một binh sĩ áo đỏ bị thương.

Sau này, với mục đích tuyên truyền nhằm đánh động tinh thần ái quốc, sự kiện đó được phe Cách Mạng Hoa Kỳ quảng bá như là một thí dụ điển hình của sự tàn bạo và xâm lược của quân Anh và gọi đó là cuộc tàn sát đẫm máu.

Ðoàn quân Anh tiếp tục lên đường – sĩ quan cưỡi ngựa, lính lội bộ – đến mục tiêu hành quân Concord.

Khi đoàn quân hỗn hợp vừa bộ binh vừa thủy quân lục chiến Anh dưới quyền chỉ huy của Trung tá Francis Smith đến thị trấn Concord, họ không có vẻ hăng hái lắm vì phải thức cả đêm trước để được vận chuyển bằng phà rồi lên bờ lội bộ hằng chục cây số.

Trái lại, phe dân quân kháng chiến nhờ tổ chức được một hệ thống tình báo và liên lạc chuyển tín hiệu nhanh chóng bằng những kỵ mã giỏi cùng các phương tiện cổ truyền khác, nên họ đã kịp thời chuẩn bị đối phó, một mặt đem phân tán quân dụng và giấu ở các nơi khác, một mặt tập trung binh từ các thị trấn lân cận.

Phe kháng chiến gồm dân quân (militia) và các đơn vị xung kích lưu động (minuteman).

Chuông nhà thờ vang lên liên hồi báo động, các xung kích quân trong vùng tức tốc tập họp đơn vị. Cả thị trấn nhanh chóng được báo động về sự tiến quân của lực lượng Anh. Sáng sớm tinh mơ, hàng mấy trăm dân quân đã gom về trung tâm thị trấn và bắt đầu chầm chậm tiến về phía những chiếc áo choàng đỏ đang tới. Tuy nhiên, khi nhìn thấy lực lượng quân Anh, họ đột ngột đảo ngược hướng và rút lên một ngọn đồi bên ngoài thị trấn.

tran-concord-va-doc-lap-hoa-ky
Cầu Bắc Concord ngày nay – nguồn historythings.com

Lúc 7:30 sáng, lực lượng Anh vào đến Concord với dự định dùng bữa ăn sáng và tìm kho vũ khí. Một cư dân địa phương bị quân Anh chĩa súng ép buộc bắt phải chỉ chỗ cất giấu mấy khẩu pháo đại bác. Thế là quân Anh tìm được và đẩy súng xuống ao nước. Họ ép dân chúng bán thức ăn cho họ; người dân miễn cưỡng tuân theo.

Lực lượng dân quân trên đồi gần đó đã lên đến con số hơn 400 người. Với vị trí thuận lợi trên cao, họ thấy khói bốc lên từ thị trấn và nghĩ rằng quân Anh đang đốt nhà cửa của gia đình họ. Thực ra, quân Anh chỉ gom một số thiết bị quân sự, khẩu hiệu của dân quân để đốt.

Quân Anh chia ra nhiều toán bố trí và một toán vào thị trấn lục soát. Thoạt đầu phe kháng chiến chỉ có khoảng bốn trăm quân do Ðại tá James Barrett chỉ huy so với bảy trăm bên phe thực dân Anh. Phe kháng chiến còn án binh bất động. Ðại tá Barrett đem quân lên chiếm đóng một ngọn đồi ngoài rìa Bắc của Concord để dễ quan sát sự chuyển quân của phe thực dân trong thị trấn. Nhờ đó, nhiều đơn vị xung kích lưu động kháng chiến quân khác có thì giờ từ các thị trấn phía Tây đến tăng viện.

Khi vừa đến Concord, Trung tá Francis Smith chia đoàn quân ra làm nhiều toán đóng giữ các cầu Nam, cầu Bắc, đường di chuyển, và vài toán khác đi lục soát tìm kho vũ khí ở các địa điểm tình nghi. Toán giữ cầu Bắc chỉ độ khoảng dưới 100 binh sĩ do Ðại úy Walter Laurie chỉ huy.

Cầu Bắc chỉ cách vị trí của kháng chiến quân Mỹ độ 300 thước. Vị chỉ huy của toán quân Anh (thường được người Mỹ gọi là quân áo đỏ do màu quân phục đỏ họ mặc) là Ðại úy Laurie lo ngại có thể bị một lực lượng đông hơn gấp bốn lần tấn công nên sai một người đưa tin đi gặp Trung tá Smith để xin tăng viện.

Mặc dù phần lớn quân dụng của phe kháng chiến đã được tẩu tán đến nơi an toàn hơn, toán quân Anh lục soát và tìm thấy ba khẩu đại bác loại lớn dùng đạn cỡ 24 cân Anh có tầm bắn xa chôn giấu tại một quán rượu trong thị trấn. Họ cũng tìm thấy một số súng ống đạn dược, quân dụng và thực phẩm. Tất cả đều bị quân Anh tìm cách phá hủy, đốt hoặc ném xuống ao.

Ðại tá Barrett cho quân Mỹ xuống đồi và tiến gần đến cầu Bắc hơn. Dưới quyền ông lúc bấy giờ có ít nhất là 400 tay súng thuộc năm đại đội xung kích và năm đại đội dân quân (quân số một đại đội vào thời đó ít hơn bây giờ) trong khi quân Anh đóng giữ cầu Bắc chỉ có ba đại đội dưới sự chỉ huy của Ðại úy Walter Laurie vốn không phải là một sĩ quan có tài. Quân Mỹ nạp đạn sẵn sàng dàn hàng dọc theo đạo lộ tiến gần xuống cầu Bắc (vì hai bên đường ngập ướt do nước sông Concord dâng cao vào đầu mùa Xuân) và được lệnh không được bắn trước. Phe Anh bắt đầu từ từ rút qua cầu; có người gỡ ván lót cầu nhằm gây khó khăn cho quân Mỹ đang theo sau rất gần.

(còn tiếp)