Menu Close

Khủng hoảng biên giới

Hiện tượng di dân bất hợp pháp từ khu vực phía nam vượt biên vào Mỹ là một vấn đề nhức nhối đối với chính phủ Mỹ từ nhiều thập niên qua đến nay vẫn chưa thể giải quyết được, nhất là từ sau vụ khủng bố 11 Tháng 9 người ta còn tìm cách thắt chặt thêm an ninh vì lo ngại những phần tử khủng bố có thể lợi dụng trà trộn trong những nhóm di dân để vào nước Mỹ gây thêm mầm mống phá hoại.

khung-hoang-bien-gioi
Tường biên giới Mỹ-Mexico – nguồn Politifact.com

Trong mấy ngày qua, vụ khủng hoảng vùng biên giới phía nam lại một lần nữa dấy lên sau khi chính quyền Hoa Kỳ cho áp dụng chính sách “không khoan thứ” (no tolerance) bắt giam tất cả những ai tìm cách vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp, và nếu là gia đình thì trẻ em sẽ bị tách rời khỏi cha mẹ chúng vì luật của nước Mỹ không cho phép nhân viên an ninh bắt giam những trẻ em này. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, số trẻ em bị đưa vào các trại tạm giữ đã lên đến gần 2,300 em, có nhiều đứa chỉ mới hai, ba tuổi.

Ngày 20 Tháng 6, Tổng thống Trump bất ngờ ký sắc lệnh hành pháp cho ngưng việc tách rời trẻ em và cho chúng được ở chung với cha mẹ trong các trại tạm giữ để chờ ngày ra toà và trả về nguyên quán.

Tính ra mỗi ngày có hàng ngàn di dân tìm cách vượt biên vào Mỹ qua cửa ngõ biên giới phía nam. Có người đã phải làm cuộc hành trình cả ngàn dặm, đi bộ xuyên qua sa mạc, mang trên người là bình nước, một ít quần áo và vật dụng cần thiết với hy vọng bắt đầu một cuộc đời mới. Ðây là cuộc hành trình đầy nguy hiểm mà bất cứ ai có chút nhát gan thì không thể dám làm. Theo số liệu của cơ quan phụ trách di dân Liên Hiệp Quốc, hơn 400 người đã phải bỏ mạng trong cuộc hành trình này năm ngoái.

khung-hoang-bien-gioi3
Chuyến xe lửa chở nửa triệu di dân Trung Mỹ đến vùng biên giới mỗi năm – nguồn International Organization for Migration

Mặc dù Mexico là quốc gia thường hay được nhắc đến trong các cuộc tranh luận về di dân, hầu hết trong đám người vượt biên giới vào Mỹ trong ít năm gần đây là đến từ những quốc gia vùng Trung Mỹ nơi đang bị các tệ nạn tham nhũng, tội ác và nghèo đói hoành hành. Những vấn đề cội rễ này trong mấy năm qua chính là động lực đẩy những di dân buộc họ phải làm cuộc hành trình đầy gian lao để đến Mỹ.

Tổng thống Donald Trump cho áp dụng chính sách “không khoan thứ” với mục đích để làm nhụt chí những di dân này. Nhưng kết quả vẫn không làm giảm số di dân bất hợp pháp vào Mỹ. Mặc dù con số di dân tính chung vượt biên vào Mỹ có giảm, nhưng con số gia đình đi qua ngả biên giới phía tây nam lại tăng gấp sáu lần trong Tháng 5, lên đến 9,485 gia đình so với cùng tháng của năm 2017. Hiện người ta phỏng đoán có khoảng 11 triệu di dân đang sống bất hợp pháp ở Mỹ.

Kể từ Tháng 10 năm ngoái đã có hơn 58,000 di dân bất hợp pháp đã đến vùng biên giới phía nam nước Mỹ và bị bắt giữ, phần lớn là từ Guatemala, kế đến là Honduras và El Salvador – là ba quốc gia vùng Trung Mỹ. Mà chính phủ Mỹ lại không có quyền đuổi họ về lại bên kia biên giới nếu họ không phải là công dân Mexico, và vì vậy lại phải đưa hồ sơ của họ qua cho toà án di trú. Trong khi chờ ra toà, những di dân này, và gia đình họ nếu có, sẽ bị tạm giam ở một nơi nào đó.

Năm 2008, Tổng thống George W. Bush tập trung giải quyết vấn đề các trẻ em vượt biên không có cha mẹ đi theo và đã ký một đạo luật được lưỡng viện thông qua để đưa các trẻ em không có thân nhân đến tạm trú ở nơi có điều kiện “ít khắt khe nhất”.

khung-hoang-bien-gioi2
Trẻ em bị tách rời khỏi người lớn ở trại tạm giữ – nguồn The Hill Talk

Năm 2014, Tổng thống Barack Obama cũng đã phải đối diện với hàng đoàn trẻ em, đi một mình cũng có, đi chung với gia đình cũng có, ùa tới biên giới Mỹ do hậu quả của những vụ bạo động xảy ra ở khu vực Trung Mỹ. Ðã có lúc chính quyền Obama đã thử đưa những gia đình di dân này vào ở trong những trung tâm tạm giam đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi một chánh án thuộc toà án liên bang ở California ra phán quyết rằng việc sắp đặt này đã vi phạm một thoả thuận đã có từ lâu cấm đưa trẻ em vào ở những nơi có điều kiện sống giống như nhà tù, kể cả nếu nhốt chung với cha mẹ. Sau đó, chính quyền Obama đã phải thả những di dân này và để họ vào Mỹ chờ ngày ra toà để toà quyết định xem họ có hội đủ điều kiện ở Mỹ hay không.

Tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions tuyên bố kế hoạch: chính phủ Mỹ sẽ áp dụng chính sách “không khoan thứ” đối với những ai vượt biên giới bất hợp pháp. Nếu một ai đó không đến Mỹ qua một cửa khẩu chính thức để xin tị nạn, thì việc vượt biên giới đó được xem là bất hợp pháp và sẽ bị truy tố theo pháp luật, kể cả nếu người đó chưa từng có tiền án. Với một người lớn bị bắt giữ và chờ bị toà án truy tố, bất cứ trẻ em nào đi chung với họ sẽ bị mang đi nơi khác.

Kết quả là sáu tuần sau lời tuyên bố của Bộ trưởng Sessions, khoảng 2,000 trẻ em đã bị tách rời khỏi những người lớn mà chúng đi theo tới vùng biên giới.

khung-hoang-bien-gioi1
Người biểu tình chống chính sách “không khoan thứ” – nguồn Yahoo!

Theo lời kể của một số di dân và những nhà hoạt động, ngoài vấn đề bạo động, cơ hội kinh tế hiếm hoi là một lý do chính khác buộc người dân vùng Trung Mỹ phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đi đến vùng đất khác có nhiều cơ hội hơn, là vì những thanh niên không có việc làm thường được các nhóm băng đảng như MS-13 và Barrio 18 tìm cách tuyển mộ để tham gia vào các việc làm phạm pháp như buôn lậu bạch phiến, tống tiền, bắt cóc và giết người. Những vụ bạo động do tội ác gây ra làm cho các chủ nhân của các cơ sở kinh doanh lo ngại tìm cách rời đi nơi khác và góp thêm phần làm cho cơ hội tìm việc làm đã khó lại càng khó khăn hơn.

Người dân vùng Trung Mỹ tiếp tục đánh đổi sự may rủi của họ trên cuộc hành trình. Họ đi bằng xe buýt, xe lửa chở hàng hoặc bằng đôi chân với hy vọng là có thể trốn thoát được cái nghèo và bạo động đang bủa vây họ và đồng thời phá tan nát đất nước nơi họ được sinh ra và lớn lên. Trong những ngày khác, ngược con đường họ đi là những chuyến bay chở về những di dân đã không lọt thoát qua được biên giới và bị chính phủ Mỹ đưa trả về nguyên quán.

Các chuyên gia về vấn đề di dân cho biết người ta sẽ còn tiếp tục tìm cách vào Mỹ nếu như những quốc gia nghèo vùng Trung Mỹ không tìm cách thay đổi chính sách để có thể tạo ra công ăn việc làm và giảm thiểu tội ác. Những chính sách mới muốn được thành công thì bắt buộc phải dẹp được nạn tham nhũng và pháp luật phải được thi hành nghiêm minh.

Hiện nay có khoảng 95% các vụ án giết người ở ba quốc gia vùng Trung Mỹ này không bị trừng phạt và vì vậy đã tạo thêm sự nghi ngờ trong lòng tin của người dân đối với cảnh sát làm cho nhiều người càng ngày càng chán nản, thất vọng và tìm cách bỏ đi.

Có những người đã từng đến được biên giới Mỹ mấy lần nhưng đều bị bắt và bị trả lại. Nhưng rồi chỉ ít ngày sau khi đáp chuyến bay hồi hương thì nhiều người lại ra trạm xe buýt sẵn sàng cho một hành trình khác để vào Mỹ, nơi họ có thể tìm được một công việc, có thể là công việc nặng nhọc, nhưng họ còn có cơ hội kiếm được tiền. Nếu như ở quê nhà thì họ chỉ có thể kiếm được $5 mỗi ngày và phải làm việc quần quật suốt ngày ngoài đồng.

VH