
Một người phụ nữ (dĩ nhiên là) đẹp, 28 tuổi. Bày ra bàn 72 món đồ như một ổ bánh mì, lọ nước hoa, dải lụa, lông chim… chiếc lược nhọn, gai hoa hồng, roi da, kéo, chai rượu, dao mổ và cả một cây súng với một viên đạn duy nhất. Không phải để bán hàng xén mà đó là dụng cụ cho một cuộc trình diễn vì người phụ nữ đó là một nghệ sĩ. Cô đứng cạnh tấm bảng ghi rõ: “Trên chiếc bàn này có 72 đồ vật khác nhau mà các bạn có thể tùy nghi sử dụng trên cơ thể tôi… Tôi là mục tiêu. Trong suốt quá trình này, tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm. Thời lượng: 6 giờ (8h chiều – 2h sáng).” Cuộc trình diễn đã “tiến hành như sau, qua lời kể của “đương sự”: “Lúc đầu, mọi chuyện diễn ra bình lặng. Có người hôn tôi, có người tặng tôi bông hồng. Nhưng rồi công chúng ngày một trở nên hoang dại hơn…. Họ lấy dao cứa cổ tôi và uống máu tôi. Họ đưa tôi đi vòng quanh, đặt tôi lên bàn, tách hai chân tôi ra rồi đặt con dao ở giữa… Họ xé quần áo tôi thành nhiều mảnh vụn và lấy gai đâm vào người tôi. Một người còn cho đạn vào khẩu súng, để nòng súng vào đầu tôi rồi cầm tay tôi đặt vào cò súng, cố tìm cách ép tôi tự sát.” Rốt cuộc, ông chủ phòng triển lãm phải can thiệp bằng cách đẩy kẻ quá khích kia ra chỗ khác và quẳng khẩu súng ra cửa sổ.
“Kinh nghiệm tôi học được là… nếu bạn nhường việc quyết định cho đám đông, bạn có thể bị giết chết trong không khí hung hãn. Sau đúng 6 tiếng, tôi đứng dậy và bắt đầu bước về phía công chúng. Họ bỏ chạy hết, họ sợ phải đối đầu thực sự với tôi.” Cô trả lời trong một phỏng vấn.
Ở một “phiên bản” khác, câu chuyện xảy ra y chang như trên. Nhưng người bảo vệ nữ nghệ sĩ trên tước khẩu súng kia không phải là người quản lý phòng triển lãm mà là một vài người trong đám khán giả ngày hôm ấy. Các khán giả tham gia buổi biểu diễn kia đã xảy ra xung đột, chia rẽ thành nhiều nhóm nhỏ. Không biết những khán giả này giành dao là do giành “thủ tiêu” hay giành bảo vệ mạng sống của cô nhưng theo tôi cái giả thuyết ông chủ phòng triển lãm “giải cứu” cô gái có vẻ… đúng hơn. Vì ông ta sợ ảnh hưởng chỗ mần ăn khi có án mạng. Vì nếu các vị khán giả thực sự có lòng nghĩa hiệp như vậy thì từ lúc đầu khi cô gái bị làm nhục, gây tổn hại, làm cho bị thương phải có người đứng ra giúp đỡ rồi. Mà, thôi… kệ. Dẫu là ai, vì bất kỳ lý do gì thì chắc không có ai, ngay cả người nghệ sĩ kia ngờ được cuộc trình diễn kia kết thúc lãng… xẹt như vậy.
Nhưng, trong cái rủi có cái may. Nhờ vậy mà bây chừ cô ấy vẫn còn sống, ít nhất là đến 44 năm sau, 2018. Không những sống, mà còn sống rất ngon lành. Màn trình diễn ở trên có tên là “Rhythm 0, 1974” (Âm tiết số 0, 1974) được nữ nghệ sĩ trình diễn “live” vào năm 1974. Tác phẩm này đã đưa tên tuổi Marina Abramovic đi khắp bốn bể. Nền nghệ thuật thế giới in thêm cái tên Marina Abramovic vào từ điển. Nay cô đã thành một trong những nghệ sĩ lớn của ngành “nghệ thuật trình diễn”. 2010, “cô” tự cho mình là “bà ngoại của nghệ thuật trình diễn” sau hơn 30 năm miệt mài theo đuổi nghệ thuật (Cô sanh 1946, bắt đầu “vào nghề” năm 1970). Ðến tận bây chừ, “bà ngoại” vẫn không ngừng sáng tác. Các tác phẩm của “ngoại” có nhiều “dị bản” nhưng tinh thần khá giống tác phẩm trên, hầu hết dùng để khám phá sự tương tác tối đa giữa người trình diễn với khán giả, lấy sự thụ động của người trình diễn giúp bộc lộ những mong muốn bản năng nhất của khán giả, từ đó “vạch trần” tâm lý đám đông. Mô tả chân thực những giới hạn của cơ thể, tâm lý và những khả năng của trí óc con người.

Khi biết về màn trình diễn lần đầu tôi nổi da gà, cảm thấy rất kính trọng và ngưỡng mộ người nghệ sĩ này. Cô ta thật can đảm, kiên trì suốt 6 tiếng dẫu bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần. Làm được như vậy chắc chắn cô ta phải có trái tim chứa đầy tình yêu nghệ thuật trong sáng, một lòng hướng đến mục tiêu nghiên cứu tâm lý, chứng minh vấn đề (theo suy nghĩ của cô) chứ không phải chỉ vì để nổi tiếng. Sự can đảm và giá trị tác phẩm của cô “nâng lên tầm cao mới” so với những nghệ sĩ diễn trò mạo hiểm như xiếc, ảo thuật, đua xe địa hình, leo núi… là vì cô dám “đặt cược” cơ thể, tính mạng của chính bản thân mình vào tay của khán giả, những người xa lạ. Ðể tác phẩm của mình thể hiện hoàn hảo những giây phút đối mặt chân thực nhất. Không màu mè, không kỹ xảo và không… thể đoán trước kết quả khi nó chưa kết thúc. Nói đến đây, cũng không thể quên công lao to lớn của các vị khán giả có mặt trong buổi trình diễn đó. Họ đã đến với nghệ thuật với một trái tim rất… trong sáng, tinh thần hồn nhiên nhất. “Nhờ” vậy mà trong lịch sử nghệ thuật trình diễn, không có nghệ sĩ nào “được” khán giả “hành hạ” lên bờ xuống ruộng như thế. Nếu không có “sự tương tác” táo bạo, cực đoan đó từ phía khán giả, tôi tin rằng tác phẩm này chẳng được đánh giá cao và lưu truyền rộng rãi tới ngày hôm nay. Tuy rất nhiều nghệ sĩ lẫn người “có máu nghệ sĩ” rất sùng bái và mơ ước có thể “hy sinh vì nghệ thuật” như vậy, nhưng hầu như họ chưa đủ can đảm để thử và nếu thật sự có can đảm thì cũng chưa chắc tìm được những vị khán giả “hồn nhiên” để “hỗ trợ”. Người ta thường nói “nồi nào úp vung đó, có thể vì xã hội ngày càng hiện đại, con người càng dè dặt thể hiện bản chất. Ðiều này làm cho “kinh nghiệm” của nữ nghệ sĩ trở nên “vô dụng”. Sau đây là vài câu chuyện cho thấy rằng “tâm lý đám đông” chỉ có thể thấy giữa đám đông hồn nhiên chứ không thể tìm ra ở các buổi trình diễn, và chưa chắc là đám đông sẽ giết bạn vì luôn luôn có những đám đông khác ý kiến nhau. Trước khi họ giết bạn, có khi họ đang bận tìm cách… giết nhau! Nói chung, chân lý còn tùy thuộc vào việc bạn chọn… đám đông nào!
Cách đây không lâu có một chàng trai trẻ khi không bịt mắt, đứng dang tay giữa phố đi bộ Sài Gòn với tấm bảng “Tôi là người đồng tính, bạn muốn ôm tôi hay tạt nước vào tôi”, dưới tấm bảng là 4 chai nước suối 500ml. Sau vài tiếng đồng hồ, có người ôm có người không nhưng dĩ nhiên là chẳng ai (dám) tạt nước anh ta. Vì xung quanh luôn có một… đống ống kính “smartphone” chĩa vào, không ai dám thách thức với lực lượng mang tên “đám đông” cả, ngay cả khi trong đám đông đó có hơn 99% muốn tạt nước cậu trai kia nhưng chắc chắn họ sẽ không làm. Mặc dầu không ít người nhận xét hành động của anh chàng này là “diễn sâu”, lố bịch, gây sự chú ý và “câu view” nhưng cũng không ít người “hứa” sẽ chọi bể đầu ai dám tạt nước cậu ta. Xin thứ lỗi, bản thân tôi cũng thấy chàng trai kia thể hiện không đúng, không “tôn vinh” thân phận mình mà còn làm cho “thân phận” những người giới tính thứ ba trở nên hạ thấp hơn trong mắt mọi người. Với lại, bạn giới tính gì thì… kệ bạn, mắc mớ chi… tôi, xã hội VN vốn thoáng về vấn đề này rất lâu rồi, nhiều người còn xem đồng tính là “mốt”. Nhưng càng xin lỗi, tôi cũng không tạt nước cậu ta, một phần vì không rảnh, một phần vì thấy bốn chai nước suối không… đủ! Thật ra, nếu cậu ta đẹp trai một chút, tôi có thể… ôm. Xin “bật mí”, phố đi bộ Sài Gòn cũng là nơi lâu lâu có vài người ra đó đứng cầm tờ giấy nhỏ ghi vài chữ cũng nhỏ , sau năm, mười phút họ sẽ được vài anh an ninh đến ôm… đi mặc dầu đám đông xung quanh lẫn trên mạng đều ngăn cản, phản đối hành động của an ninh.

Cũng cách đây không lâu, ở Cần Thơ bỗng nhiên có khai trương một cái nhà hàng buffet giữa mấy ngàn cái nhà hàng buffet khác. Ðể thu hút thực khách, nhà hàng thông báo miễn phí 100% trong ngày 20/6 và giảm 50% vào ngày hôm sau. Ngộ cái là nhà hàng này “có chơi” mà không “có chịu”, họ đăng lên mạng xã hội một clip “tả cảnh” chen chúc của rất, rất đông thực khách, tả cảnh nhân viên nhà hàng vừa mang thức ăn đổ vào những khay lớn dành cho thực khách lấy ăn thì ngay lập tức hàng chục người xung quanh đến, dùng kẹp gắp lấy gắp để thức ăn bỏ vào đĩa của mình.Làm cho khay thức ăn trống trơn liên tục, nhà hàng “tốn” đồ ăn quá nên anh MC phải “dọa” là khách bớt ăn, nếu không sẽ ngừng phục vụ. Bà chủ nhà hàng cũng tỏ thái độ hờn trách: “Do muốn có khách đông trong ngày khai trương nên quảng cáo, phát tờ rơi nhằm thu hút khách. Qua ngày hôm sau không còn miễn phí 100% nữa mà tổ chức bán vé thì bắt đầu vắng khách.”
Bản thân tôi không thích chen lấn chỗ đông người, cũng không thích ăn kiểu gấp gáp như vậy (mặc dầu tôi rất ham ăn) nhưng trong câu chuyện này, rất nhiều người mắng “đám đông ham ăn”, thấy “thương tiếc” cho nhà hàng, bảo “miếng ăn là miếng nhục”… Nhưng tôi thấy lỗi này thuộc về nhà hàng. Lỗi đầu tiên là miễn phí 100%, lỗi kế tiếp là không quản lý được khách hàng và nhân viên của mình, lỗi lớn nhất là “dọa” khách hàng như một kiểu ban phát sau đó thì hờn trách vì khách không quay lại khi hết miễn phí. Nếu là tôi, sẽ không đến nhà hàng này dẫu có trong đám đông kia hay không. Câu chuyện này tương tự câu chuyện một nhà hàng bên Trung Quốc phá sản sau hai tuần thực hiện chương trình “tri ân khách hàng”, bằng cách: Mỗi vị khách chỉ phải trả gần 450 nghìn đồng, sẽ được ăn thỏa thích tại đây trong vòng 1 tháng. Tôi cũng không hiểu sao người ta cứ mắng chửi những người thực khách mà không mắng nhà hàng? Ở đây có hai “đám đông”, cư dân mạng và thực khách, bạn đứng về “đám đông” nào và dùng tâm lý đám đông nào để “rút kinh nghiệm”? Có một điều buồn cười là, tuy không bị phá sản như nhà hàng bên Trung Quốc, nhưng khi không nhà hàng ở Cần Thơ lại bị sở thanh tra xuống… phạt tiền. Có hẳn một “văn bản” nhắc nhở phía nhà hàng không để xảy ra tình trạng chen lấn trong nhà hàng, gây mất trật tự công cộng?

Có một điều dễ thấy, tuy người VN luôn bị xem thường là “hạnh kiểm” không tốt, đó là do chính những người Việt Nam khác nhận xét. Nhưng tôi luôn rất bất ngờ là mọi lời kêu gọi giúp đỡ người bị tai nạn, bị mất tích, bị thiên tai, bị yếm thế đều được phần đông cư dân mạng giúp đỡ một cách nồng nhiệt. Rất nhiều người đã được cứu sống, rất nhiều việc được làm rõ nhờ cộng đồng mạng Việt Nam bên cạnh những chuyện không mấy hay ho. Ðó là đám đông lớn nhất Việt Nam hiện nay, những cuộc “tụ tập đông người” cũng từ đây mà ra. Ðó là đám đông hồn nhiên nhất mà vị nghệ sĩ mang tên Tự Do đang phó thác, “đặt cược” tất cả cơ thể, tính mạng, tương lai của chính bản thân mình vào tay họ. Hy vọng, 44 năm sau, người nghệ sĩ này vẫn còn sống và được lên chức “bà ngoại” chứ không bị ép tự sát!
Thật ra, nếu tôi là một trong những vị khán giả có trong buổi trình diễn có nghệ sĩ Marina Abramovic, tôi sẽ chọn ổ bánh mì và chai rượu, rủ cổ cùng các vị khán giả khác… nhậu!
DU