Đinh Cường và Bửu Ý đều cùng trong giới văn học nghệ thuật, có mối thân tình trên nửa thế kỷ. Đinh Cường ra đi đã hai năm, Bửu Ý vẫn còn ở Huế trên con đường Hàng Me ngày xưa, ung dung tự tại. Từ mối thâm tình với Huế và văn học nghệ thuật, năm 2015 Đinh Cường đã có một bài viết về bạn mình rất chân thực và sâu sắc. Bài viết có tựa đề Bửu Ý, Người Bạn Thân Thiết – sau đây là phần đầu. NGUYỄN & BẠN HỮU
(tiếp theo và hết)
Bửu ý với tình gia đình và chiếc cyclo
Bửu Ý làm lễ thành hôn với Nguyễn Thị Lợi đầu năm 1985, khi tưởng đã ở vậy như bạn là Trịnh Công Sơn. Lợi làm ở văn phòng trường Ðại học Sư phạm Huế, một người đẹp nhu mì, cổ điển, sau này gặp lại Lợi cứ gọi tôi là thầy, vì nói có học giờ vẽ tôi dạy ở trường Nữ trung học Ðồng Khánh hồi năm 1963. Là người vợ phúc hậu luôn lo cho Bửu Ý mọi chuyện. Và Lợi đã thành lập Câu lạc bộ ca Huế, mà mỗi Thứ Bảy cuối tuần, các nghệ sĩ ca Huế gặp nhau đàn ca tại nhà, sau này thành nổi tiếng đặc biệt có cô Minh Mẫn khi tôi gặp tuy đã gần 90 tuổi mà còn hò mái nhì khó ai có làn giọng được như vậy. Bao nhiêu bạn bè ở xa về xin đến nghe, những người bạn ngoại quốc rất thích thú và trân trọng. Năm 2005 một cái tang lớn cho gia đình, Lợi mất. Bửu Ý vẫn một lòng duy trì Câu lạc bộ ca Huế.
Tôi nhớ Bửu Ý và Nguyễn Thị Lợi hai vợ chồng gần như không đi xe đạp hay xe gắn máy nên có mua một chiếc cyclo, ngoài giờ chở đi lên trường và đón về hay những lúc đi công việc cần thiết, còn thì để toàn thời gian cho bác đạp cyclo đi chở khách kiếm sống. Ðó cũng là một trong rất nhiều cách luôn nghĩ đến và giúp đỡ những người chung quanh mình của Lợi, một người có tấm lòng bao dung hiếm có, còn là một nghệ sĩ tài hoa về đàn tranh và sau này đam mê vẽ tranh. Tranh treo đầy nhà.

Bửu Ý và Nguyễn Thị Lợi có hai người con, một trai, một gái, đều đã thành đạt. Cô con gái có lẽ nối nghiệp bố, sau khi đậu thạc sĩ văn chương Pháp hiện là giảng viên khoa Pháp – Ðại học Ngoại ngữ Huế. Hiện Bửu Ý vẫn sống hạnh phúc bên hai người con nay có thêm cháu ngoại tại căn nhà số 9 Phạm Ngũ Lão mà gần đây các cháu đã lấy phần trước sân làm thành một quán ăn ấm cúng mang tên Gecko – Con tắc kè – rất đông khách. Thật là vui khi thấy Bửu Ý thỉnh thoảng tiếp các bạn nơi chiếc bàn dưới gốc cây hoa ngâu mà mỗi lần về ghé thăm chúng tôi hay đứng chụp hình kỷ niệm…
Và vẫn với nét mặt đó, nét mặt đăm chiêu, phong thái nho nhã, an nhiên của một Prince, một người luôn đam mê văn chương nghệ thuật và kịch nghệ.

Ấn tượng trong tôi
Nhớ về Bửu Ý là nhớ về những tác phẩm dịch hay mà đến nay tôi vẫn luôn để bên đầu giường như Nhật ký của Anne Frank (An Tiêm – 1963) Con lừa và tôi – Platero et moi – Juan Ramón Jiménez (An Tiêm – 1973) Vườn đá tảng – Le jardin des rochers – Nikos Kazantzakis (An Tiêm – 1967) và Ðứa con đi hoang trở về – Le Retour de l’ enfant prodigue – André Gide (An Tiêm – không nhớ năm nào), quyển này ghi một kỷ niệm là tôi lo phần minh họa bên trong, và Bửu Ý đã viết lời bạt rất hay, sau này Nxb. Văn Nghệ TP. HCM tái bản năm 2008 đã bỏ đi lời bạt gan ruột ấy làm Bửu Ý rất giận.

Năm 2011 Bửu Ý đã cho xuất bản một lần 3 cuốn sách do nhà xuất bản Văn Học phát hành: Nước chảy qua cầu, những bài viết ngắn về Huế (272 trang), Ngày tháng thênh thang, với 4 chủ đề: cảm xúc, những bài viết về hội họa, những bài viết về thơ, văn, nhạc và truyện ngắn (364 trang) và Tâm tình với Trịnh Công Sơn (174 trang) gồm những bài và kịch bản chưa in trong tập sách trước. Các tập sách này là một nỗ lực lớn và rất thành công của Bửu Ý, sách bán hết trong một thời gian ngắn.
Như vậy là đã hơn nửa thế kỷ gặp nhau và thân nhau, từ ngày xa xưa tôi còn được gặp ông cụ và ông chú ở cách nhà Bửu Ý vài nhà, với dáng cao lêu nghêu lững thững đi qua chơi bài carté cùng Bửu Ý và tôi lâu lâu một lần trên bộ ngựa bằng gõ láng bóng bên trái phòng khách căn nhà số 7 Phạm Ngũ Lão. Căn nhà nay là số 9, lọt thỏm còn lại trong dãy phố đã toàn là khách sạn và quán ăn, và nay cũng thành quán ăn. Mừng Bửu Ý cùng con cháu sống những ngày rất hạnh phúc.

Đ.C – Virginia, December 5, 2014
*Nguồn: Blog Phạm Cao Hoàng