Menu Close

Jerusalem

Lời Giới Thiệu: Vào tháng 12 năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã ra tuyên bố Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ngày 13 Tháng 5 năm, 2018 Hoa Kỳ dời Tòa Đại Sứ từ Tel Aviv đến Jerusalem, có đến vài chục nước đến tham dự buổi lễ khánh thành Tòa Đại Sứ mới của Hoa Kỳ.

Sự kiện này gây sự chống đối ở một số nước Trung Đông và phản ứng mãnh liệt  nhất là của người Palestine. Kính mời quý độc giả tìm hiểu lịch sử của những xung đột triền miên này qua bài viết của tác giả Trần Lý Lê về Jerusalem.

jerusalem

Jerusalem  là một thành phố cổ nằm trên mặt phẳng của dãy núi Judea, giữa Ðịa Trung Hải và Biển Chết (Dead Sea). Ðây là một trong những thành phố cổ nhất trên thế giới và được xem là thánh địa của ba tôn giáo lớn có chung một gốc rễ là ông tổ Abraham: Thiên Chúa, Do Thái và Hồi giáo. Cả hai quốc gia Israel và Palestine đều gọi Jerusalem là thủ đô của đất nước họ.

Trải qua nhiều thời đại, Jerusalem có nhiều tên gọi khác nhau: Trong khoảng thế kỷ XIV trước Công Nguyên, trên bia đá cổ Ai Cập ghi chép tên “Urusalim”, có nghĩa “City of Salem” dựa theo thần thánh từ triều đại Canaanite. Trong thời Israelite, thế kỷ IX trước Công Nguyên, thành phố được xây cất rầm rộ, và một thế kỷ sau, Jerusalem trở thành trung tâm tôn giáo và hành chánh của Kingdom of Judah. Sách vở ghi chép tên gọi “City of David” (một phần của Jerusalem) từ thế kỷ IV trước Công Nguyên (BCE). Tên gọi “Rusalim” và “Urusalim” ghi chép trong cổ thư được sử gia cho rằng đó là tên cổ xưa của Jerusalem.

Là một thành phố tuổi nhiều ngàn năm, Jerusalem mang nặng chuỗi lịch sử đầy những cuộc chiến tranh, chịu tấn công, tàn phá, cướp bóc, chiếm giữ và ít nhất là hai lần, thành phố bị hoàn toàn phá huỷ, san thành bình địa. Năm 1538, Jerusalem được vua Suleiman the Magnificent xây cất lần sau cùng, tường thành từ thủa ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Từ thế XIX, thành phố cổ được chia làm bốn khu vực dựa trên bốn nhóm tôn giáo có nhiều cư dân nhất: Armenian (một giáo phái Thiên Chúa giáo, không trực thuộc hội thánh La Mã), Christian (Thiên Chúa giáo), Jewish (Do Thái giáo), và Muslim (Hồi giáo). Từ năm 1860, thành phố bắt đầu được mở rộng bên ngoài tường thành cũ để đáp ứng nhu cầu phát triển của cư dân. Tính đến năm 2015, Jerusalem có khoảng 850,000 cư dân; 200,000 cư dân theo đạo Do Thái ‘cấp tiến” (không còn thuần nhất như đạo chính gốc nhưng vẫn tự nhận là “Jewish”), 350,000 tín đồ Do Thái thuần thành (gọi chung là nhóm “Haredi Jews”, các giáo hội Do Thái áp dụng chặt chẽ mọi giáo luật, mỗi chi nhánh có synagogue và giáo chủ riêng) và 300,000 người Palestine sinh sống trong khu vực phía đông thành phố, khu vực này là lãnh thổ của quốc gia Palestine (theo sự chia cắt của Anh, the British Mandate) khi vùng Judea còn là thuộc địa của Hoàng Gia Anh.

jerusalem2
Bản đồ Phố Cổ – Jerusalem ngày nay

Theo kinh thánh Do Thái, vào thế kỷ X (khoảng năm 993) trước Công Nguyên, sau khi chiếm được đất đai từ người Jebusites, vua David là ông tổ dựng nước Israel, đặt thủ đô tại Jerusalem. Do đó, Jerusalem còn có tên “City of David”. Vị vua kế nghiệp, vua Solomon, xây dựng ngôi đền thờ thứ nhất, the First Temple. Những dữ kiện lịch sử này, ngoài ý nghĩa tôn giáo, còn là nền tảng lập quốc của Israel.

Theo kinh thánh Septuagint, một bản dịch từ nguyên tác Hebrew của giáo hội Thiên Chúa Chính Thống Hy Lạp (Greek Orthodox Church) trong thế kỷ III-II trước Công Nguyên, Jerusalem là thánh địa của Thiên Chúa giáo, niềm tin này được củng cố sau khi Jesus chịu đóng đinh và tử nạn tại Jerusalem theo kinh thánh Tân Ước.
Theo giáo phái Hồi giáo – Sunni, Jerusalem là thánh địa quan trọng thứ ba sau Mecca và Medina. Trong kinh Quran, năm 610 là năm đầu tiên, the first qibla, và 10 năm sau Giáo Chủ Muhammad đã đến Jerusalem trong đêm tối, the Night Journey; đã lên trời hầu chuyện cùng Thượng Ðế.

Với những chi tiết ghi chép từ thánh kinh của ba tôn giáo kể trên, dù diện tích chỉ vỏn vẹn trên dưới một (1) cây số vuông, Phố Cổ của Jerusalem trở thành thánh địa và được (bị?) các tín đồ tranh giành. Các thánh tích quan trọng bao gồm the Temple Mount (nằm trong lãnh thổ của Palestine) nhưng bức tường [phía] Tây (Western Wall hay Wailing Wall) bên ngoài lại là thánh địa nơi Do Thái tín đồ cầu nguyện; Dome of the Rock và al-Aqsa Mosque thuộc về Palestine, thánh địa này chỉ mở cửa rất giới hạn, Dế Mèn đến đó chỉ được đứng từ xa mà ngó bên ngoài đền thờ; và Church of the Holy Sepulchre, thánh địa của Thiên Chúa giáo nơi Chúa Jesus tử nạn.

jerusalem1
Ông Trump tại bức tường Western Wall (2017) Nguồn: Arutz Sheva

Với một lịch sử lâu đời và phức tạp như thế, Jerusalem vẫn tiếp tục là nơi tranh chấp của hai quốc gia Israel và Palestine. Trong trận chiến Arab–Israeli War năm 1948, West Jerusalem do Israel chiếm giữ trong khi East Jerusalem, bao gồm cả Phố Cổ, do Jordan chiếm giữ. Trong trận Six-Day War năm 1967, quân đội Israel chiếm được East Jerusalem và khu vực lân cận. Israel ban hành đạo luật “the 1980 Jerusalem Law” đoan quyết rằng Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của quốc gia họ dù cộng đồng quốc tế không nhìn nhận tính cách hợp pháp của việc chiếm giữ East Jerusalem; khu vực này vẫn được thế giới xem là lãnh thổ của Palestine và là vùng “tạm chiếm”.
Bất kể áp lực quốc tế, Israel đặt cơ quan hành chánh tại Jerusalem, quốc hội (the Knesset) và các công thự như dinh tổng thống (Beit HaNassi), dinh thủ tướng (Beit Aghion) … đều nằm tại Jerusalem, bên ngoài Phố Cổ (Old City).

Cư dân gốc Israel và theo đạo Do Thái (Zionism) cho rằng Jerusalem thuộc về họ vì tổ tiên đã sinh sống ở đó trên dưới 5,000 năm trong khi cư dân Palestinian cho rằng tổ tiên họ cũng sinh sống trên mảnh đất ấy dù chỉ mới trên dưới 1,000 năm, và do đó Jerusalem là đất tổ bất kể ai đến trước đó. Dù East Jerusalem nằm gọn trong lãnh thổ Israel, khu vực nhỏ xíu này treo cờ Palestine, chưng bảng cấm cư dân Do Thái, và do quân đội / cảnh sát Palestine tuần hành.

Năm 1981, Jerusalem được ghi tên trên danh sách Di Sản Thế Giới.

TLL