Menu Close

Máy ảnh có làm bạn mập hơn không?

Có lẽ bạn đã từng nghe câu “máy ảnh làm bạn tăng 10 lbs.” Nếu vậy, chắc bạn sẽ ngạc nhiên khi biết được điều đó cũng… hơi đúng.

Dĩ nhiên máy ảnh không thể làm cho bạn mập hơn về thể xác. Nhưng trong một thí nghiệm, những ống kính với tiêu cự khác nhau chụp ở những khoảng cách khác nhau có thể thay đổi ngoại hình của bạn. Bằng cách xê dịch máy ảnh dần dần xa hơn sau mỗi tấm hình chụp trong khi zoom ống kính gần lại, chủ thể trong hình thấy có vẻ như bị kéo mũi dài ra.

may-anh-co-lam-ban-map-hon-khong2
Một vài fans của đội tuyển Pháp chụp chung tấm hình selfie trước trận đá banh ở giải World Cup 2018 tại Nga. Photo: Kirill Kudryavtsev / AFP / Getty Images

Ðể hiểu rõ sự biến hóa của hiện tượng này, trước tiên bạn cần hiểu biết chút ít về những lăng kính. Ống kính của máy ảnh bẻ cong và kết tụ những tia ánh sáng để chúng gặp nhau ở một điểm trên mặt sensor. Tiêu cự của một ống kính là khoảng cách từ điểm giữa của ống kính tới điểm lấy nét, khi ống kính đang lấy nét ở infinity (vô tận) – có nghĩa rằng những chủ thể ở xa thì rõ nét.

Ống kính mà bạn gắn lên máy ảnh DSLR được kết cấu bởi nhiều lăng kính bên trong được thiết kế để tập trung ánh sáng phản chiếu từ chủ thể lên trên sensor. Những ống kính có tiêu cự ngắn cho bạn một tầm nhìn rộng hơn, trong khi những ống kính có tiêu cự dài hơn khuếch đại cảnh vật và làm hẹp tầm nhìn. Những ống kính loại zoom cho phép người chụp khả năng thay đổi tiêu cự của ống kính mà không cần phải tháo gỡ và thay ống kính. Bên trong một ống kính zoom, nhiều lăng kính di chuyển trong vỏ để điều chỉnh tiêu cự.

may-anh-co-lam-ban-map-hon-khong1
Một loạt hình selfie, được chụp từ nhiều khoảng cách khác nhau, dùng ống kính với những tiêu cự khác nhau. Mặc dù khuôn mặt của người trong hình có kích thước tương đối bằng nhau, nhưng những đặc điểm khác như mũi và mắt thay đổi kích thước rất nhiều – trong tấm hình cuối, hai tai biến mất! Photo: Daniel Baker / Visionarium

Hiện tượng nói trên được thể hiện trong một kỹ thuật làm phim nổi tiếng gọi là “dolly zoom” hoặc “Hitchcock zoom,” vì chính ông đạo diễn Alfred Hitchcock đã phát minh kỹ thuật đó trong phim Vertigo.

Ðể tạo kỹ thuật dolly zoom, máy ảnh zoom vô gần trong khi nó được đẩy ra xa trên đường rầy, suốt thời gian liên tục giữ chủ thể cùng một kích thước trong khung ảnh.

may-anh-co-lam-ban-map-hon-khong
Tấm ảnh selfie được tự chụp bằng cell phone từ cách xa khoảng 5 feet. Tôi đã gác điện thoại lên cửa sổ xe và sai khiến nó chụp cho tôi một tấm. Ở khoảng cách này, hình không bị ảnh hưởng của “Hitchcock zoom”. Photo: Andy Nguyen

Hiện tượng này cũng xảy ra chút ít khi bạn chụp selfie. Máy ảnh điện thoại smartphones có ống kính rất ngắn tiêu cự, khoảng 28 tới 30mm. Cầm một ống kính có tiêu cự ngắn như vậy ở khoảng cách 12 inch từ mặt bạn (chiều dài cánh tay) có thể làm tăng kích thước của mũi bạn lên tới 30 phần trăm.

Cũng may là có một cách dễ dàng để sửa chữa vấn đề này. Ðể chụp một ảnh selfie “dễ nhìn” hơn, hoặc ít nhất thực tế hơn, bạn chỉ cần chụp hình ở xa hơn bằng cách dùng một “cây gậy selfie” hoặc nhờ một người khác chụp giùm bạn.

AN