Tuổi thơ nào cũng gắn bó với cây kem. Như mùa hè, phượng đỏ, tuổi học trò và cà-rem. Nơi này hè về không có phượng. Chỉ có tiếng ve kêu ra rả và tiếng rao kem lạnh quen thuộc như ở quê nhà.
Trời vào hạ và cơn nóng đã ngột ngạt sớm mai. Nóng bức bối vào trưa và nóng càng nực nội vào chiều. Nóng y như nóng miền Trung quê nhà. Cái nóng làm lòng bực bội và thèm những gì dịu mát. Thèm ly kem lạnh, ly đá bào xi rô, thèm cây cà rem…
Mười năm trước đây nơi này vẫn có những chiếc xe thùng bán kem. Xe sơn màu sắc xanh đỏ vàng và réo gọi tuổi thơ bằng tiếng nhạc vui tai. Chiếc xe dừng đầu ngõ và nhạc chuông đi len lỏi vào nhà. Những đứa trẻ nít lòng vui như hội khi ngày hè dài buồn tẻ, mở tuôn cửa chạy ùa ra đầu xóm, theo tiếng nhạc mà đến. Những cây kem đựng trong chiếc bánh hình nón, những cây kem đủ mùi vị màu sắc và hương thơm ngào ngạt. Ở những khu phố nghèo còn có các chiếc xe đẩy bán kem của mấy anh chàng Mễ. Nhà nào cũng có tủ lạnh và những hộp kem trong ngăn đá, ấy, nhưng những tiếng nhạc réo rắt ngoài đường và những loại kem lạ mùi vị trong cái nắng trưa hè uể oải buồn chán luôn háo hức gọi mời.

Sử liệu ghi lại từ năm 1744 những vị khách mời tiệc của Thống đốc Maryland thời thuộc địa đã có thực đơn kem lạnh. Sổ sách một cửa hàng ở New York cũng ghi lại đã bán cho Tổng thống Washington 200 đô tiền kem vào mùa hè 1790 (tương đương 5 ngàn đô ngày nay). Nổi tiếng nhất có lẽ là công thức làm kem với 18 bước của Tổng thống Thomas Jefferson, khi ông sang Châu Âu 1784 thời làm Bộ trưởng Ngoại giao và học được cách làm kem cũng như mua về máy làm kem ở quê nhà Monticello. Ðầu bếp của Jefferson là một người Pháp. Rời Bạch Ốc sau 8 năm và mở cửa hàng bán kem ở Washington. Năm 1851, kem được sản xuất và bán sỉ đầu tiên ở Maryland bởi Jacob Fussell, một lái buôn sữa bò. Xưởng có máy làm lạnh hiện đại, kem được làm ra đến 30 triệu gallons/năm. Tàu lửa vận chuyển kem và nước đá chuyên chở khắp nước. Năm 1813, cựu Ðệ nhất phu nhân Dolley Madison đã khoản đãi yến tiệc cho lễ nhậm chức của chồng ở Bạch Ốc với món kem dâu.
Vào đầu thế kỷ 18, kem lạnh vẫn còn là xa xỉ, chỉ có ở nơi đô hội phố thị. Kem làm được nhờ nước đá. Mà nước đá thì lấy từ các tảng băng cắt ra từ mặt sông đóng băng ở các tiểu bang phía Bắc. Trong thời kỳ máy lạnh, tàu hỏa và nền kỹ nghệ công nghiệp còn phôi thai. Nước Mỹ đã xuất cảng nước đá đi khắp thế giới, chỉ sau số lượng xuất bông gòn.

Không riêng gì các vị nguyên thủ, quý tộc, ai ai cũng thích kem lạnh, nhất là vào mùa nóng. Các chiếc xe chở nước đá đi bán ngày xưa, con nít chạy theo xe ngựa, đón nhận các cục nước đá nho nhỏ mút mát môi từ các icemen. Khi nội chiến nổ ra, các đường vận chuyển từ đường sông đến tàu lửa về phía Nam bị chặn. Các tiểu bang miền Nam thiếu thốn nguồn nước đá và dĩ nhiên là cả kem. Một câu chuyện thú vị về 2 đứa trẻ miền Nam nhớ tiếc cây kem như thế nào:
-”Chúng mình không có kem để ăn nữa!”
-”Vì sao vậy! Tàu chở nước đá không đến? Hay là nước sông ở phía Bắc không đông?”
-”Không phải vậy! quân Union đã chặn đường vận chuyển!”
-”Vậy thì mình đừng chở bông gòn lên phía Bắc nữa, xem họ có chịu đựng được không. “
-”Hừm! Họ có thể mặc áo quần cũ của năm ngoái. Nhưng bọn mình thì không thể ăn kem năm ngoái! Ước gì cuộc chiến này chóng tàn.” …

Năm thứ 3 của cuộc nội chiến, một nhóm quân Confederate trên đường vào Maryland, khi qua một hãng làm kem Owens Mill, thì gặp công nhân đang chuyển các thùng kem chở đi Baltimore. Tướng Confederate cho phép lính tịch thu số hàng. Nhiều người lính miền Nam ở miền núi Tây Nam Virginia chưa bao giờ biết kem lạnh là gì. Và họ vui sướng hưởng một buổi kem tuyệt vời. Họ dùng các ly, mũ, hay dao để múc kem ăn thỏa thích, ăn kem cho buổi điểm tâm, ăn ngay cả trên đường hành quân… Ở các tiểu bang phía Bắc, kem được dùng làm phần thưởng quý giá cho các thương binh trong bệnh viện. Hẳn nhiên hãng kem của Jacob Jackson đấu thầu cho quân Union.
Trong thế chiến I, kem được dùng làm vai trò tuyên truyền và lên tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Một sĩ quan của Ðức cho rằng họ không sợ nước Mỹ, một dân tộc chỉ thích ăn kem. Ấy vậy mà lính Mỹ lại khoái nghe vậy và đánh trận hăng say. Khi những di dân tứ xứ đến hòn đảo Ellis, New York mùa hè 1921, trong khi tạm giữ chờ nhập cảnh, họ cũng được thử kem lạnh trong thực đơn, nhiều người di dân chưa từng ăn kem được kẹp vào bánh mềm gọi là kem sandwiches này. Ðó là món ăn Mỹ đầu tiên để nhớ suốt đời.

Vào thế chiến 2, Thông Tấn Xã UP thống kê rằng kem, kẹo cao su, thuốc lá và soda được các binh sĩ ưa thích nhất. Hải quân Mỹ xây 1 tàu lớn bằng bê tông giá 1 triệu đô, một máy làm kem khổng lồ, được tàu khu trục kéo đi trên Thái Bình Dương. Làm ra hơn 2 ngàn gallons kem lạnh mỗi ngày, kem được đưa đến tận chiến hào trong thùng giấy carton. Một hồi ký kể lại rằng khi Hàng không mẫu hạm U.S.S Lexington, một trong những mẫu hạm đầu tiên của Hải quân Mỹ bị thủy lôi Nhật đánh phá và hư hại nặng năm 1942, thủy thủ đoàn được lệnh bỏ tàu, nhiều thủy thủ đã cố lẻn vào nhà bếp, dùng mũ sắt múc kem trước khi rời tàu… Vào cuộc chiến Triều Tiên, mặc dù tướng Lewis B. Puller cố thuyết phục Pentagon kem lạnh là món ăn cho đàn bà, binh sĩ cần thức uống mạnh mẽ hơn như bia và whiskey, thế nhưng Pentagon ra chỉ thị cho lính Mỹ phải có kem ít nhất 3 lần một tuần. Kem lạnh thực sự góp phần cho chiến tranh nóng bỏng và cả chiều dài lịch sử lập quốc nước Mỹ. Năm 1984 Tổng thống Reagan tuyên bố tháng Bảy là Tháng Kem Lạnh toàn quốc.
Ðiều gì đã làm cho cây cà rem trở nên quyến rũ trong hoài niệm ấu thơ của tháng ngày hè nóng bức? Có phải vị ngọt, mùi thơm và mát lạnh từ chót lưỡi, bờ môi đến tâm hồn? Hình ảnh cây cà rem luôn là hình ảnh của tuổi thơ. Người lớn ăn cà-rem bỗng thấy mình trẻ lại. Thản nhiên đưa đầu lưỡi nhỏ hồng mà liếm cây cà rem trên tay, hồn nhiên mà cầm cây cà rem vừa đi vừa ăn như con nít. Nhớ năm 1964 ông cậu ruột mở quán kem Diệp Hải Dung đầu tiên ở Ðà Nẵng, trên đường Phan Ðình Phùng. Năm 1969 cha cũng mở nhà máy làm nước đá ở Huế. Tuổi thơ tha hồ ăn kem lạnh, kem được đựng trong ly có khi thả hột é vào kem, bạn bè tiểu học lúc nào cũng đến nhà đông đúc vào hè. Vừa ăn kem vừa chơi tạt lon đến lấm bụi, ăn đến sún răng…
Hình ảnh ly kem vàng trong tách thủy tinh có trái cherry đỏ thắm, nhẩn nha từng muỗng cạnh người yêu, làm lòng quay quắt nhớ về những nơi xa một thời ghé qua hay dạo gót. Những vỉa hè rộng mát như Lê Lợi ở Sài Gòn một thuở bên ly kem Bạch Ðằng, hay những vỉa hè nơi này. Cũng thênh thang như con gió hạ mang âm điệu chiếc chuông rung leng keng của chú bán cà rem dạo từng con hẻm, nôn nao đến giờ ra chơi ở trước cổng trường tiểu học ngày xưa. Và nhớ. Ôi! nhớ cà-rem làm sao – như nhớ em ngày ấy.
Cô gái ơi anh nhớ em!!!
Như con nít nhớ cà-rem vậy mà.
Như con dế trống đi xa.
Một hôm chợt nhớ quê nhà, gáy chơi.
Con dế nó gáy một hơi.
Còn anh gáy hết một thời con trai. (Bùi Chí Vinh)
Trưa hè hôm nay chợt thấy mình cũng như con ve, gáy vang. Nhớ cây cà-rem và nhớ ly kem với chút sữa, đậu phọng rắc lên trên…

SB