Menu Close

Tháng sáu & những kỷ niệm World Cup

Tháng sáu. Phượng nở đỏ ở các thành phố quê nhà cùng với những cuộc biểu tình nổ ra phản đối dự luật đặc khu và Cộng Sản bán nước. Tháng sáu cũng hừng hực nóng với những trận tranh tài  World Cup trên các thành phố của nước Nga. Cùng với triệu triệu người hòa chung niềm vui lớn, Nguyễn cũng được xem một vài trận. Quả có hào hứng đấy nhưng không ý nghĩa và ấn tượng như hồi ở quê nhà.

Nhớ lại hồi đó vừa từ trại tù cải tạo của Cộng Sản trở về, trong không khí u uất, câm nín và nghèo đói, được xem Espana 82 phải nói là như được mở cửa thấy thiên đường. Ôi, sao mình và đất nước khốn khổ tuyệt vọng như thế này trong khi thế giới tưng bừng náo nhiệt, người người cười reo sặc sỡ. World Cup Espana 82 quả là một hạnh phúc lớn đối với mình lúc ấy. Với 24 đội tham dự, Espana 82 diễn ra từ 13/6 đến 11/7 với một lễ khai mạc hoành tráng và nhiều màu sắc. Ðội vô địch là đội tuyển Ý và đây là lần thứ 3 đội tuyển Ý vô địch thế giới. Trong trận chung kết tại Batiago Bernabeu ở Madrid giữa đội tuyển Ý và đội tuyển Tây Ðức, Ý đã đánh bại Tây Ðức với tỷ số 3-1 và Paolo Rossi đã trở thành vua phá lưới với 6 bàn thắng sút tung lưới đối phương. Ngoài Paolo Rossi, người xem còn chú ý tới cầu thủ các đội khác như Platini (Pháp), Socrates (Brazil), Maradona (Argentina)… Họ đều chơi rất hay, để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem.

thang-sau-&-nhung-ky-niem-world-cup
Platini (1984)

World Cup kế tiếp Nguyễn được xem hồi ở quê nhà là Mexico 86. Cũng sôi nổi và hào hứng, đúng là ngày hội lớn của hành tinh. Số đội tham dự vẫn là 24 đội, được tổ chức từ 31/5 đến 29/6. Giải này chứng kiến sự tỏa sáng của Maradona. Trong trận tứ kết giữa Argentina và Anh, Maradona đã ghi 2 bàn, đều là những bàn thắng đáng nhớ, bàn thắng thứ nhất trong khu vực 16m50 Maradona đã dùng tay chơi bóng, nhưng vì tình huống quá nhanh nên trọng tài không theo kịp. Về sau anh thú nhận “có chăng thì đó là bàn tay của Chúa”. Bàn thắng thứ 2 Maradona một mình đi bóng từ giữa sân, đi qua 5 cầu thủ của Anh và cuối cùng là cả thủ thành Shinton trước khi lập công, đây là bàn thắng đẹp nhất thế giới chưa có bàn thắng nào đẹp hơn. Bàn gỡ của đội tuyển Anh do Gary Lineker ghi và giúp anh trở thành vua phá lưới với 6 bàn thắng dù đội tuyển Anh dừng bước ở tứ kết. Trong trận chung kết Argentina gặp đội tuyển Tây Ðức và Argentina thắng 3-2 – đây là lần thứ 2 vô địch thế giới tuy Maradona không trở thành vua phá lưới (anh chỉ ghi 5 bàn). Tuy nhiên đây là World Cup Maradona tỏa sáng. Còn với Platini, Mexico 86 là kết thúc một sự nghiệp lừng lẫy. Thế hệ những người yêu quả bóng tròn sinh ra trong thập niên 60 và 70 hẳn không thể nào quên một Michel Platini hào hoa, phong nhã, tinh tế. Anh là chuyên gia đá phạt trực tiếp, “vẽ” những đường bóng thần sầu vào lưới đối thủ. Và cũng là người định nghĩa số 10 cho nền bóng hiện đại. Chính Platini là người đầu tiên, và sau này cũng chỉ có Lionel Messi, giành Quả bóng Vàng 3 lần liên tiếp. Anh là “Le Roi – Quốc vương” trên sân cỏ. Mọi người, kể cả Ðinh Cường, Trịnh Công Sơn và kẻ này đều “mê” Platini. Nhưng tại World Cup Mexico 86, thần tượng Platini đã sụp đổ: anh không đưa được đội Pháp vào chung kết và đã đá hỏng quả penalty, đưa trái bóng lên trời vào cõi hư vô. Các thiếu nữ Pháp thời ấy đã tiếc thương một tài năng yểu mệnh và nhiều cô đã làm thơ khóc anh! Ôi, nhớ biết bao những kỳ World Cup ở quê nhà. Thời đó thiếu thốn đủ thứ, như người sắp chết nhưng nhờ có World Cup đã sống dậy. Nguyễn ngày thì đi dạy chui, đêm về thức xem các trận đấu, xem đủ 24 trận mỗi kỳ, không bỏ sót trận nào. Thường mỗi đêm có hai trận – trận 9 giờ và trận 1 giờ sáng. Nguyễn và vợ con cùng xem trận 9 giờ, riêng mình ngủ một giấc ngắn rồi dậy pha trà uống thức xem trận 1 giờ sáng. Xong đi ngủ tiếp để sáng dậy đạp xe đi dạy học. Mệt nhưng trong lòng rộn ràng, vui sướng.

thang-sau-&-nhung-ky-niem-world-cup1
Maradona (World cup 1986)

Sang Mỹ không còn cái không khí World Cup ấy nữa. Tuy vậy, mỗi kỳ hội bóng tròn thế giới, Nguyễn cũng được xem một vài trận. Ấn tượng nhất là World Cup 1998 tổ chức tại Pháp. Nhớ trận chung kết giữa đội tuyển Pháp gặp Brazil. Khi mà lúc đó, đội hình Brazil được coi là mạnh nhất với những Ronaldo, Kafu, Roberto Carlos, Rivaldo… Còn bên phía Pháp có Zinedine Zidane, Didier Deschamps… Ngày diễn ra trận chung kết 12/7/1998 trên sân vận động Stade de France thật đáng nhớ. Khi trận đấu kết thúc với tỉ số 3-0 nghiêng về Pháp và Pháp nâng cao chiếc cup vô địch thì cảm xúc dâng trào trong trái tim mình. Cầu thủ nổi bật là Zinedine Zidane của đội tuyển Pháp. Anh được nhớ đến trong lịch sử World Cup vì cái đầu hói của mình, bởi nó không chỉ được sử dụng để ghi bàn vào lưới Ðội tuyển Brazil năm 1998… mà còn để húc đối thủ. Zidane vốn là gương mặt tiêu biểu của Les Bleus tại World Cup 1998, dù trước đó Zidane cũng đã phải nhận một thẻ đỏ xứng đáng trong trận đấu với Ả Rập Xê Út ở vòng bảng. Tuy nhiên, màn trở lại ngoạn mục giúp chủ nhà Pháp đăng quang bằng chiến thắng 3 sao trong trận Chung kết với những người Brazil, là một điều tuyệt vời dành cho tất cả những ai đã từng được chứng kiến thời khắc đó. Thế  rồi World Cup 2006 ở Ðức, “Gã hói” chính là người ghi bàn ấn định chiến thắng 3-1 vào lưới Tây Ban Nha và pha lập công duy nhất trong trận gặp Bồ Ðào Nha. Ở trận đấu cuối cùng gặp Italy, Zizou cũng chính là người thắp lên hy vọng vô địch cho Les Bleus sau quả penalty thành công trên chấm 11m ngay ở phút thứ 7. Ngay cả khi hai đội kéo nhau sang hiệp phụ (Materazzi gỡ hòa 1-1 cho Italy ở phút 19), người hâm mộ Pháp vẫn tin Les Bleus sẽ lên ngôi vô địch, đơn giản bởi trong tay HLV Domenech đang có Zidane. Tuy nhiên, từ vị thế của một người hùng, Zizou bất ngờ trở thành tội đồ khi tung ra cú “thiết đầu công” vào ngực Materazzi ở phút 110 để chuốc lấy chiếc thẻ đỏ từ trọng tài chính người Argentina, Horacio Elizondo. Trên thực tế, nhiều người đã từng nói rằng nếu tình huống va chạm với “The Matrix” (biệt danh của Materazzi) không xảy ra ở phút bù giờ thì có lẽ Pháp mới là những người chiến thắng, bởi ở loạt sút luân lưu định mệnh, họ không có người đội trưởng yêu quý và đã gục ngã sau cú dứt điểm của Fabio Grosso. Pháp thua trận và Zidane cũng giải nghệ sau đó, nhưng theo một chừng mực nhất định, giải đấu diễn ra trên đất Ðức là những gì phản ánh đúng với con người Zidane, một cá tính lớn, một huyền thoại nhưng cũng là một anh chàng nóng tính.

Thời gian trôi qua… Và bây giờ là World Cup 2018 trên đất Nga. Ðây là thời vũ lộng của các huyền thoại Ronaldo (Bồ Ðào Nha), Messi (Argentina), Neymar (Brazil), Kane (Anh)… Nguyễn cũng được xem một vài trận và rất có ấn tượng với những đường banh dứt điểm của Ronaldo và Messi, cũng như đường bay của các đại bàng Nigeria. Nhìn lên khán đài xem vẻ mặt hớn hở của những fans cổ vũ cho đội nhà lòng người lưu lãng cũng thấy rộn ràng. Và xót thương biết bao khi nhìn những giọt lệ trên đôi mắt một nữ cổ động viên Thụy Ðiển và nét mặt buồn bã của các trẻ em khi đội nhà bị thủng lưới. Một màn nữa đầy kịch tính là hình ảnh Maradona trên khán đài mừng vui cầu nguyện cho đội Argentina và khi anh bất ngờ bị đột quỵ phải đưa đi bệnh viện. Quả bóng còn lăn, sẽ còn những nụ cười và những giọt nước mắt. Ðội nào sẽ vào chung kết và vô địch đây. Thời gian còn giữ câu trả lời.

TN Tổng hợp