Menu Close

Sân golf trên đống rác

2018 đánh dấu giải golf Byron Nelson lần thứ 50, và cũng là năm đầu tiên giải được chơi tại một sân golf mới toanh – Trinity Forest Golf Club, xây trên một đống rác khổng lồ ở Nam Dallas. Nhân dịp hy hữu này, phóng viên của Trẻ đã ghi danh làm volunteer để tường thuật từ hậu trường sân đấu.

san-golf-tren-dong-rac5
Năm 2012, miếng đất từng là đống rác giờ đã được rào lại, chuẩn bị xây sân – nguồn: Dallas Observer

Kỳ I

Ông Byron Nelson (1912-2006) là một nhà golfer chuyên nghiệp hàng cự phách, sanh trưởng tại Fort Worth. Năm 1944 ông mở một giải golf cho vùng Dallas-Fort Worth gọi là “Texas Victory Open” và trở thành nhà vô địch đầu tiên. Năm 1968 giải này được chính thức đặt tên là “Byron Nelson Golf Classic” và từ đó đến nay tên ông Nelson luôn được gắn liền với nó cho dù tên nhà bảo trợ có thay đổi—như GTE, Verizon, EDS, HP v.v… Kể từ 2018,  giải được tài trợ bởi hãng AT&T nên tên gọi chính thức của nó giờ đây là “AT&T Byron Nelson Classic”.

Tổ chức đứng ra quản lý và điều hành giải Byron Nelson có tên là Salesmanship Club of Dallas (SCD). SCD là một hiệp hội tương trợ của các chủ doanh nghiệp từ nhỏ đến trung trong vùng Dallas-Fort Worth. Hội có khoảng 600 thành viên, tất cả đều là đàn ông. Hàng năm SCD đứng ra tổ chức giải Byron Nelson để gây quỹ cho trường Momentous Institute ở vùng Nam Dallas—một trường học đặc biệt dành cho các trẻ em bị khó khăn trong vấn đề hội nhập xã hội. Các em thường là con nhà nghèo lớn lên trong những gia đình thiếu ổn định vì lý do kinh tế, màu da, hay vì bị cha mẹ hất hủi nên tâm lý bất an.

san-golf-tren-dong-rac4
Mảng đất gần lỗ 18 và clubhouse tương lai – nguồn: TrinityTrails

Theo lời kể của một thành viên SCD thì phân nửa ngân sách hàng năm của trường Momentous Institute đến từ giải Byron Nelson. Cho đến nay giải đã thu được trên $150 triệu đô la cho từ thiện, nhiều hơn bất cứ giải golf nào khác tại nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Ngoài ra, Momentous Institute còn là trung tâm nghiên cứu về khoa học xã hội và tâm lý học nên tiền gây quỹ đến từ giải golf còn được dùng để mở những buổi hội thảo hay workshop về các đề tài liên quan đến phương pháp giáo dục trẻ em “có vấn đề”, giúp chúng trở nên những thành viên tốt trong cộng đồng.

Khi giải Byron Nelson dời đô từ sân TPC Four Seasons tại thành phố Las Colinas sang trọng qua sân Trinity Forest Golf Club ở khu South Dallas nghèo nàn, nhiều người tỏ vẻ hoang mang và nghi ngờ. Nhưng những ai đã biết rõ về mục tiêu của Momentous Institute và mục đích từ thiện của SCD đều tán đồng ý kiến táo bạo này. Thêm vào đó, Trinity Forest GC cũng không giống bất kỳ một sân golf nào trong vùng DFW. Tuy rằng trong vòng 50 năm qua giải Byron Nelson đã từng được tổ chức tại nhiều sân golf khác nhau, nhưng chưa có sân nào có một lịch sử ly kỳ như Trinity.

Thuở xa xưa miếng đất này là của người hùng David Crockett. David Crockett được làm chủ mấy trăm mẫu đất này nhờ đăng lính tham gia quân đội Tejas để đánh giặc Mễ năm 1835. Khi David Crockett tử trận năm 1836 tại Alamo (San Antonio) vợ ông là bà Elizabeth Crockett được làm chủ miếng đất của chồng, nhưng bà không sống ở đây và dần dần khu đất bị bỏ hoang không ai chăm sóc. Mảnh đất nằm trong một khu rừng rậm mang tên Great Trinity Forest, gần bờ sông Trinity River. Ngày nay nơi đây có một trung tâm sinh hoạt dã ngoại chuyên bảo vệ các loài chim và cây cỏ bản địa, tên là Trinity River Audubon Center, rất là đẹp.

san-golf-tren-dong-rac3
Trinity River gần khu vực Audubon Center – nguồn: TRAC

Vì là một địa điểm hẻo lánh, nằm ở khu da đen ít ai để ý, nên miếng đất này đã bị các doanh nghiệp trong vùng dùng làm nơi đổ rác chùa. Năm này qua tháng nọ đống rác kỹ nghệ ngày càng phình ra, bao trùm hơn 400 mẫu tây (acre). Cư dân trong vùng than phiền hết mực, nhưng vì họ không có thế lực và tiếng nói trong Hội Ðồng Thành Phố nên tình trạng cứ thế mà tiếp diễn. Cuối cùng thành phố Dallas cũng bị một số nhân sĩ quan tâm đâm đơn kiện về tội bất tuân luật môi trường và an sinh xã hội. Tòa xử phạt Dallas phải lấp đống rác khổng lồ ấy, trả khu đất về tình trạng nguyên thủy, với chi phí khoảng $12 triệu đô la.

Trong lúc HÐTP Dallas còn đang bối rối chưa biết tính sao thì nhóm SCD và đại học SMU (Southern Methodist University, nơi cựu Ðệ nhất phu nhân Laura Bush từng đi học) đề nghị thành phố hợp tác xây dựng một sân golf trên mảnh đất đó—vừa để làm sân nhà cho giải Byron Nelson vừa làm sân tập cho đội golf của trường SMU. Ðồng thời, vì công ty Hewlett-Packard không bảo trợ cho giải nữa nên họ đã mời AT&T vào làm nhà tài trợ. AT&T vui vẻ nhận lời và đóng góp khoảng nửa số tiền cần thiết.

san-golf-tren-dong-rac2
David Crockett, tranh của John Gadsby
san-golf-tren-dong-rac1
Byron Nelson với cúp PGA Championship 1940 – nguồn: PGA

Sau nhiều vòng tra cứu và tham khảo, cuối cùng ban tham mưu cũng tìm được một nhà thiết kế chịu xây sân trên đống rác. Ðó là Ben Crenshaw, dân Texas và cũng là cựu golfer chuyên nghiệp từng thắng nhiều giải lớn trong PGA Tour, và Bill Coore, một kiến trúc sư sân golf nổi tiếng. Vì là bãi rác đã được lấp (landfill) nên thiết kế sân bị hạn chế bởi vô số luật bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như không được xây hồ nước vì sẽ bị ô nhiễm. Không được trồng cây vì rễ sẽ đâm thủng lớp đất cát bọc phía trên đống rác v.v…

Ðể vượt qua những đòi hỏi khó khăn này, Crenshaw và Coore quyết định thiết kế một sân golf theo kiểu links-style ở Scotland và England thời xưa. Nghĩa là sân sẽ không có nước, không có cây cối, không giống bất cứ sân golf nào khác ở Texas. Họ nương theo những tiết tấu lồi lõm sẵn có của miếng đất để sắp xếp các lỗ vào những vị trí thật tự nhiên và hợp lý. Và thay vì kiến tạo các hiểm hoạ (hazard) bằng sông hồ giả, họ cho trồng các loại cỏ cao của vùng thảo nguyên Texas cũng nguy hiểm không kém—lọt banh vào đó kể như mất luôn, nhưng vì hợp thổ nhưỡng nên không cần tưới nước nhiều. Nhờ những sáng kiến đó nên Trinity Forest GC được tặng danh hiệu sân golf “Xanh” nhất về mặt môi sinh.

san-golf-tren-dong-rac
Trinity River Audubon Center – ảnh: Bảy Bụi

Chỉ tiếc là sân không có cây che bóng mát nên vào mùa Hè rất nóng nực—cho cả người chơi lẫn người đi xem. Ðối với các golfer ở những vùng nhiệt đới như Florida hay Arizona thì cái nóng Dallas không đến nỗi nào. Nhưng với dân Âu Châu như Anh hay Ðức thì nắng Texas quả là một cực hình. Tuy nhiên, các golfer đến từ Âu Châu lại quen thuộc với loại sân links-style mà họ hay chơi bên Anh và Scotland, cho nên đối với họ Trinity Forest trông quen mắt và hợp rơ hơn. Bằng chứng là trong số Top 20 của giải Byron Nelson năm nay số golfer Âu Châu chiếm hơn nửa, mặc dù họ chỉ mới thấy sân này lần đầu như bao nhiêu người khác.

Nói tóm lại, Trinity Forest GC của Crenshaw-Coore là một kiệt tác nằm lọt thỏm trong một khu rừng nguyên sinh mà người ngoài, kể cả cư dân trong vùng, ít ai biết tới hoặc nhìn thấy, bởi vì nó là sân tư nhân. Nghe nói niên liễm của Trinity Forest đâu khoảng $200,000/năm và con số thành viên rất giới hạn. Vậy mà khi sân mới vừa được công bố là đã có vô số người ghi danh, loáng một cái đã hết chỗ. Dĩ nhiên đó toàn là những người giàu có trong vùng, như Jerry Jones hay Tony Romo của Dallas Cowboys. Còn thường dân hạng bét như chúng ta nếu muốn nhìn thấy Trinity Forest GC tận mắt chỉ có hai cách: một là mua vé đi xem, hai là ghi danh làm volunteer!

BB

Kỳ tới

Kinh nghiệm làm Volunteer cho PGA Tour

“Câu chuyện của Momentous Institute”